10 Cuốn sách hay nhất của thế kỷ 21
Từ tiểu thuyết, hồi ký cho đến lược sử về loài người, biên tập viên của tờ The Guardian đã chọn lựa ra 10 tác phẩm hay nhất kể từ năm 2000 đến nay.
|
10. Half of a Yellow Sun - Chimamanda Ngozi Adichie (2006). Những năm 60 tại Nigeria, một đất nước bị tàn phá bởi cuộc nội chiến, ba cuộc đời đã giao nhau. Một cậu bé nghèo khổ làm giúp việc cho một vị giáo sư, một phụ nữ trẻ từ bỏ cuộc sống trước đây của mình để sống với người mình yêu, và một nhà văn người Anh nhút nhát, bí ẩn. Chính cuộc nội chiến đã gắn kết họ lại với nhau và rồi nhấn chìm, chia tách họ theo cái cách không ai tưởng tượng được. Kiệt tác của Chimamanda Ngozi Adichie là một cuốn tiểu thuyết đậm chất châu Phi bao hàm nhiều tầng ý nghĩa về sự kết thúc của chủ nghĩa thực dân, hay luận điệu về giai cấp và chủng tộc và những cách mà tình yêu có thể khiến mọi thứ phức tạp lên cũng như đơn giản đi về những điều này. |
|
9. Bản đồ mây (Cloud Atlas) - David Mitchell (2004). Bản đồ mây là một cuốn sử thi, một cuốn sách khoa học viễn tưởng với 6 câu chuyện trải dài từ thế kỷ 19 đến tương lai xa. Bằng cách kết nối những nhân vật lạc trong mê cung cuộc đời, David Mitchell đã đặt ra vô số câu hỏi về giá trị sống, về tính thiện - ác, về sức mạnh tâm linh hay sự hủy diệt của nền văn minh. Từ khi ra mắt, cuốn sách đã chiến thắng các giải thưởng lớn nhỏ, cũng như được đề cử các giải thưởng Booker, Nebula Award, Arthur C. Clarke Award. Năm 2012, Bản đồ mây được chuyển thể thành phim với sự tham gia của nhiều diễn viên hàng đầu như Tom Hanks, Halle Berry, Jim Sturgess, Bae Doona... |
|
8. Autumn - Ali Smith (2016). Autumn là cuốn tiểu thuyết đầu tiên trong bộ sách bốn mùa của nữ nhà văn người Anh Ali Smith. Trung tâm cuốn sách xoay quanh tình bạn đặc biệt giữa một người đàn ông 101 tuổi và một phụ nữ trẻ chỉ vừa mới 32. Trong không khí của mùa thu đầy quyến rũ, hai con người của hai thế hệ trò chuyện với nhau về quá khứ, hiện tại và tương lai. Autumn mới chỉ được xuất bản năm 2016 nhưng đã nhận được vô số lời khen ngợi từ độc giả cũng như các nhà phê bình. Tác phẩm của Ali Smiths từng được đề cử giải Man Booker 2017, được tờ New York Times bình chọn là 1 trong 10 cuốn sách hay nhất của năm. |
|
7. Between the World and Me - Ta-Nehisi Coates (2015) Between the World and Me được viết dưới dạng một bức thư của tác giả gửi cho con trai về cảm nghĩ và hiện thực của việc là một người da đen ở Mỹ. Những lời tâm sự đầy gai góc nhưng cũng thấm đẫm tình yêu thương cha con đã soi chiếu quá khứ, hướng dẫn chúng ta đối đầu với hiện tại và tầm nhìn rõ ràng cho con đường phía trước. Tác phẩm của Ta-Nehisi Coates được xuất bản năm 2015 và trở thành một trong 10 cuốn sách hay nhất năm do New York Times bình chọn, chiến thắng Giải sách Quốc gia Mỹ và được đề cử giải thưởng Pulitzer cho thể loại phi hư cấu. |
|
6. Ống nhòm hổ phách (The Amber Spyglass) - Philip Pullman (2000) là tập truyện cuối trong bộ sách giả tưởng Vật chất tối của ngài. Lấy ý tưởng về các thế giới song song trong vũ trụ, cuốn sách mở ra những cuộc phiêu lưu nghẹt thở của hai đứa trẻ Lyra và Will để giữ cho thế giới của mỗi người được giữ cân bằng và tồn tại. Được xuất bản năm 2000, Ống nhòm hổ phách chiến thắng giải Whitbread Book of the Year và là cuốn sách thiếu nhi đầu tiên thắng giải thưởng này, đây cũng là tác phẩm thiếu nhi đầu tiên được đề cử giải Man Booker. |
|
5. Austerlitz - W.G Sebald (2001) là tác phẩm cuối cùng của nhà văn người Đức W.G Sebald, nhà văn được nhiều người dự đoán là có thể chiến thắng giải Nobel Văn học. Cuốn sách là câu chuyện của một người đàn ông đi tìm câu trả lời cho câu đố cuộc đời của mình. Lần theo dấu vết của những người đã nuôi nấng anh về những năm tháng đã mất ở châu Âu thế kỷ 20, anh đấu tranh để giải cứu di sản của mình khỏi sự lãng quên. |
|
4. Mãi đừng xa tôi (Never Let Me Go) - Kazuo Ishiguro (2005) Mãi đừng xa tôi là tiểu thuyết giả tưởng của nhà văn người Anh gốc Nhật Kazuo Ishiguro, xoay quanh mối quan hệ của 3 người bạn trong số những đứa trẻ được sinh ra để chết. Cuốn sách kể theo dòng thời gian từ lúc họ còn nhỏ cho đến khi trưởng thành và nhận ra bi kịch cuộc đời của chính mình. Kazuo Ishiguro giành giải thưởng Nobel Văn chương năm 2017, một phần chính nhờ sự thành công của Mãi đừng xa tôi. Cuốn sách được đề cử giải Man Booker và được tạp chí Time đánh giá là tiểu thuyết hay nhất năm 2005 cũng như lọt vào danh sách ALL-TIME 100 Novels do tạp chí này bình chọn. Ảnh: Winny. |
|
3. Secondhand Time - Svetlana Alexievich (2013). Secondhand Time là tác phẩm mới nhất của nhà văn người Belarus, chủ nhân giải Nobel Văn học 2015 Svetlana Alexievich. Bằng cách tập hợp lại những lời kể của các nhân vật theo phong cách riêng, cuốn sách như một tượng đài nhắc lại sự sụp đổ của Liên bang Xô-viết. Cuốn sách bàn về lịch sử của Svetlana Alexievich đã được bình chọn trong top 10 cuốn sách hay nhất năm của loạt các tạp chí danh tiếng như New York Times, Washington Post, Wall Street Journal... |
|
2. Gilead - Marilynne Robinson (2004). Gilead là ký ức và di sản của John Ames khi ông nhớ lại những trải nghiệm với cha và ông nội qua ba thế hệ ở vùng Gilead, bang Iowa, Mỹ trong khoảng thời gian cuối cùng của cuộc đời. Cuốn sách đề cập nhiều đến vấn đề tôn giáo và tín ngưỡng trải dọc suốt lịch sử nước Mỹ kể từ cuộc nội chiến cho đến những năm 50 của thế kỷ 20. Gilead là cuốn tiểu thuyết thứ hai của Marilynne Robinson và là cuốn sách cực kỳ thành công của bà với việc thắng giải Pulitzer hạng mục Tiểu thuyết năm 2005 cũng như National Book Critics Circle Award. |
|
1. Lâu đài sói (Wolf Hall) - Hilary Mantel (2009) Đứng đầu trong danh sách chọn lựa của The Guardian là tiểu thuyết giành giải Man Booker 2009, Lâu đài sói của nhà văn Hilary Mantel. Cuốn sách lấy bối cảnh nước Anh ở thế kỷ 16 đang trên bờ vực của một thảm họa. Tác phẩm lịch sử giả tưởng này mô tả lại sự trỗi dậy quyền lực của Thomas Cromwell dưới thời đại của Henry VIII nhờ cái chết của Sir Thomas More. Hilary Mantel là nhà văn người Anh nổi tiếng với các tác phẩm hồi ký, tiểu thuyết lịch sử. Bà là nhà văn nữ đầu tiên hai lần giành giải thưởng Man Booker. Bà được Hoàng gia Anh phong tước CBE và DBE vì những đóng góp của bà cho nền văn học. |