Đối với những tác phẩm về những vụ án có thật, nạn nhân cũng là người thật, và rất hiếm khi câu chuyện của họ được kết thúc có hậu. Trên cương vị độc giả, tôi hiểu rõ điều này, thế nhưng, tôi vẫn sẽ là người đầu tiên thú nhận rằng mình hay đọc sách về các vụ án có thật. Và giống như bất kỳ độc giả nào khác yêu thích thể loại này, kể từ thời của những tác phẩm kinh điển như In Cold Blood và Helter Skelter, thật khó để có thể thoát khỏi chúng!
Nhưng tại sao độc giả lại bị cuốn hút bởi những cuốn sách về tội ác khủng khiếp? Có lẽ là bởi niềm hy vọng trong tim chúng ta, rằng cái thiện rồi sẽ chiến thắng cái ác. Cũng có thể là do mong muốn tìm hiểu những góc khuất tối tăm nhất của nhân loại – để rồi tự vấn rằng mình đang ở đâu giữa lằn ranh thiện ác. Và theo tôi, cũng có chút an ủi khi thực tế là cuộc sống vẫn tiếp diễn, dù đôi khi không theo cách dễ dàng, và đôi khi không phải tất cả đều có thể sống tiếp – nhưng dẫu thế, nhân loại vẫn tiếp tục tồn tại và vượt qua những khoảnh khắc tối tăm nhất của chúng ta (cho đến nay.)
Có lẽ đó là một trong những lý do mà những câu chuyện về tội phạm có thật lại quyến rũ chúng ta, và dưới đây là 10 cuốn sách về những vụ án có thật sẽ khiến bạn trằn trọc suốt đêm!
Trong The Long Shadow of Small Ghosts, Laura Tillam đưa người đọc đến Brownsville, Texas – thành phố nằm ở biên giới Mỹ – Mexico, để điều tra về vụ án ba đứa trẻ diễn ra hồi năm 2003, khi John Allen Rubio và Angela Camacho đâm và chặt đầu các em vì Rubio tin rằng bọn trẻ bị quỷ ám.
Cuốn sách tập trung mô tả tâm lý của Rubio, người mà Tillman đã liên lạc trong suốt thời gian anh ta chờ chịu án tử, sau khi lời bào chữa vì lý do bị tâm thần đã không được chấp nhận. Cuốn sách cũng viết về khu dân cư nơi án mạng xảy ra và ý định phá bỏ tòa chung cư nơi bọn trẻ bị giết.
Kể lại câu chuyện có thật về kẻ giết người hàng loạt tại Austin, Texas trong thập niên 1880, The Midnight Assassin mở đầu vào tháng 12/1884, khi một tên sát nhân bí ẩn đã gây ra hàng loạt án mạng trong suốt một năm, giết chết nhiều phụ nữ bằng những cách thức khủng khiếp mà không ai có thể tưởng tượng được. Nhưng trước khi người ta kịp bắt được thủ phạm, các vụ giết người đã ngừng lại một cách bí ẩn.
Rồi 4 năm sau đó, các án mạng tương tự bất ngờ quay lại, lần này ở London — các điều tra viên bắt đầu tự hỏi liệu rằng “Jack Đồ tể” (Jack the Ripper) đã bắt đầu gây án từ khi còn ở Mỹ hay không? Thế giới có lẽ sẽ chẳng bao giờ biết.
Xuất bản vào tháng Năm tới, The Fact of a Body là cuốn sách kết hợp giữa hồi ký và tội ác có thật, khi Alexandria Marzano-Lesnevich giúp độc giả hiểu sâu hơn về một vụ giết người mà chính cô vẫn luôn bị ám ảnh. Là một sinh viên luật không ủng hộ án tử hình, Marzano-Lesnevich đột nhiên thấy quan điểm của mình bị thách thức khi gặp Ricky Langley – một kẻ bị kết tội giết người.
Càng tìm hiểu cuộc đời của Langley, Marzano-Lesnevich càng thấy được sự tương đồng đầy ám ảnh và khó chịu giữa cuộc sống của hắn và của chính cô, theo cái cách mà buộc cô phải đối mặt với quá khứ của mình, đồng thời phải xét lại quan điểm về cuộc sống của Langley.
Nhà báo luôn có khả năng tiếp cận độc nhất vô nhị với bọn tội phạm khắp thế giới— và do đó cũng rất hay tạo ra các mối quan hệ lạ thường và không thể ngờ tới. Một trong số những mối quan hệ đó là giữa nhà báo Martha Elliott và gã sát nhân Michael Ross, người đã thỉnh cầu án tử cho chính mình, sau khi Tòa án Tối cao Connecticut quyết định bỏ sáu án tử hình đã được tuyên cho ông ta.
Elliott, vốn là người phản đối án tử hình, đã yêu cầu được phỏng vấn với Ross — một cuộc phỏng vấn dần trở thành việc trao đổi thư tín kéo dài suốt một thập niên, mãi cho đến khi Ross bị tử hình. Trong thời gian đó, Elliott đã được trao quyền “đi sâu hơn” vào tâm trí của một kẻ giết người hàng loạt, và những khám phá đó đã tạo nên The Man in the Monster — hồ sơ với nhiều tiết lộ đáng lo ngại về gã đàn ông đã gây ra tội ác dã man.
Tập truyện về những vụ án có thật (chính xác hơn là 15 câu chuyện về những người bị kết tội oan) sẽ khiến bạn phải thức suốt đêm, nhưng không phải vì sự đáng sợ – dù đúng là nó có nhiều yếu tố như vậy – mà là vì sự bất công của hệ thống tư pháp. Trong Anatomy of Innocence, 15 cá nhân được trả tự do đã kể câu chuyện của mình cho những nhà văn nổi tiếng chuyên viết về tội phạm (các tên tuổi như Lee Child, Brad Parks, Laurie King …)
Chúng không chỉ vạch trần cuộc sống đằng sau song sắt, nhưng hơn thế, là cuộc sống sau song sắt của những người bị gán cho tội danh mà họ không hề phạm phải.
“Tên giết người ở quán sữa chua” (The Yogurt Shop Murders) nghe thật kỳ quặc, đến mức nó có thể trở thành tiêu đề cho một cuốn tiểu thuyết bí mật về Nancy Drew[i]. Nhưng đau đớn thay, khi chẳng có điều gì là kỳ quặc hay hư cấu trong vụ án mà xác của bốn cô gái đã được tìm thấy trong một cửa hàng sữa chua ở Texas.
Cảnh sát đã thu hẹp số nghi phạm lại còn bốn cậu thiếu niên —chỉ hai trong số đó là bị xét xử, nhưng vì phía cảnh sát có tác động lên bằng chứng nên mọi cáo buộc đều bị xóa bỏ. Who Killed These Girls? đã kể lại hành trình tìm kiếm công lý đầy mỏi mệt trong một vụ án không chỉ suýt nữa đã kết án các nghi can vô tội, mà tới tận ngày nay, nó vẫn chưa được làm sáng tỏ.
Mrs. Sherlock Holmes của Brad Ricca kể câu chuyện có thật về người phụ nữ tên là Grace Humiston, một nữ thám tử và luật sư sống vào đầu thế kỷ 20.
Bà đã trở thành một trong những điều tra viên án mạng vĩ đại nhất trong lịch sử thành phố New York và lịch sử nước Mỹ. Cuốn sách kể lại vụ mất tích bí ẩn của Ruth Cruger 18 tuổi –vốn đang rất nổi tiếng thời bấy giờ. Là một phụ nữ làm việc trong ngành nghề mà đàn ông chiếm đa số, Humiston đã giành rất nhiều nỗ lực để bảo vệ phụ nữ và người nhập cư, thường xuyên chấp nhận làm không công khi những người khác từ chối.
Có biệt danh “Sherlock Holmes phiên bản nữ” vì luôn theo đuổi hết mình cho sự thật và công lý, Humiston đã trở nên rất nổi tiếng ở New York … thế nhưng, giống như nhiều phụ nữ mà bà dành cả đời mình để giúp đỡ, Humiston dường như đã biến mất khỏi thế giới này.
Nếu bạn bị ám ảnh bởi bộ podcast Serial[ii] nhiều như tôi đây, thì Adnan’s Story chắc chắn phải được đặt lên hàng đầu trong những cuốn sách mà bạn cần đọc ngay.
Được viết bởi Rabia Chaudry – em gái của bạn thân nhất của Adnan, đồng thời là người đã giới thiệu câu chuyện của Adnan cho nhà báo Sarah Koenig (tác giả Serial) – cuốn sách này thậm chí còn đi sâu hơn bộ podcast, cung cấp thêm cho người đọc nhiều thông tin cơ bản và các tài liệu pháp lý có liên quan, cũng như mô tả những điều Adnan phải trải qua trong suốt thời gian bị giam giữ.
Nó còn cho độc giả cái nhìn thoáng qua về những thành kiến dành cho cộng đồng người Hồi giáo sống tại Mỹ – ở thời điểm Adnan bị kết án, và cho tới tận hôm nay.
Là một cuốn sách khác viết về vụ án chưa có lời giải, Murder in the Bayou kể về câu chuyện của tám người phụ nữ thường được biết đến với cái tên chung “Jeff Davis 8.” Khi các vụ giết gái mại dâm bắt đầu xuất hiện ở Jennings, Louisiana, cảnh sát đã nghĩ ngay đến một tên giết người hàng loạt. Nhưng cuốn sách của phóng viên điều tra Ethan Brown lại chứng minh rằng chưa từng có kẻ giết người hàng loạt nào – và lập luận rằng những vụ án mạng này có thể liên quan trực tiếp đến đường dây buôn bán ma túy ở địa phương, và đã bị các viên cảnh sát tham nhũng che đậy.
Cuốn sách của nhà Singular — The Spiral Notebook (Cuốn sổ gáy xoắn) — được đặt tên theo cuốn sổ của James Holmes, một nhà quay phim sống tại Aurora, Colorado.
Theo nhật ký tòa án, “cuốn sổ gáy xoắn” được cho là chứa đựng lý do khiến Holmes thực hiện một cuộc tấn công đã giết chết 12 người và làm bị thương 58 người khác. Dù mong muốn điều tra động cơ của Holmes, nhưng nhà Singular không ngờ rằng có quá nhiều tài liệu và thông tin mà họ không thể tiếp cận vì pháp luật đã hạn chế. Thế nên, thay vì tập trung vào Holmes, nhà Singular đã bắt đầu điều tra “dịch bệnh” bạo lực thanh thiếu niên ở Mỹ và tiết lộ về nền văn hóa có tính bộc phát cùng thứa tâm lý ám ảnh đã khởi đầu các vụ bạo lực ấy.
Kim Phụng (bookaholic.vn - Theo Bustle)
[i] Nancy Drew là một nhân vật hư cấu trong văn hóa Mỹ, xuất hiện lần đầu vào năm 1930, trong một series truyện tranh của nhà xuất bản Edward Stratemeyer. Cô được mô tả là một tay phá án nghiệp dư, một nữ anh hùng và là nguồn cảm hứng cho rất nhiều phụ nữ Mỹ.
[ii] Khoảng đầu năm 2000, Adnan Syed đã bị tuyên án tử hình và phạt tù 30 năm vì vụ án mạng của cô bạn gái cũ Hae Min Lee, một học sinh tại Baltimore, Maryland. Syed luôn cho rằng mình vô tội, và Rabia Chaudry, một người bạn của gia đình Syed, đã luôn tin tưởng anh. Đến năm 2013, sau quá nhiều lần kháng cáo không thành công, Rabia đã liên hệ với Sarah Koenig, nhà sản xuất This American Life, với hy vọng tìm được một nhà báo có thể làm sáng tỏ câu chuyện của Adnan. Vào năm 2014, cuộc điều tra của Koenig đã trở thành Serial, một bộ podcast giành giải thưởng Peabody với hơn 500 triệu người nghe trên khắp thế giới.