28 (Tiếng Việt) |
|
Tác giả | Jeong You Jeong |
Bộ sách | |
Thể loại | Tiểu thuyết |
Tình trạng | Hoàn Thành |
Định dạng | eBook mobi pdf epub azw3 |
Lượt xem | 1784 |
Từ khóa | eBook mobi pdf epub azw3 full Jeong You Jeong Kim Ngân Tiểu Thuyết Đại Dịch Giật Gân Văn Học Hàn Quốc Văn Học Phương Đông |
Nguồn | ebook©vctvegroup |
"Chuyện sống còn, ấy không phải là vấn đề có thể lựa chọn. Đó là bản năng. Bản năng của tất cả mọi tạo vật có sinh mệnh. Đó chính là đặc tính nghiệt ngã và cũng là nỗi buồn của sự sống."
Khởi nguồn từ cái chết bất thường sau khi bị chó cắn của một người đàn ông làm nghề phối giống chó, đột ngột bùng phát căn bênh "Mắt Đỏ" với những triệu chứng kỳ lại: tròng mắt sưng đỏ, toàn thân đầy vết máu tụ, khiến Hwa Yang bỗng chốc từ một thành phố yên bình ven thủ đô Seoul biến thành một ốc đảo giữa lòng thảm họa. Bị chính phủ phong tỏa kìm kẹp, phải giành giật tìm mọi kế sinh tồn, giãy giụa chống chọi với bênh tật, với chính quyền, với nhau và với chính mình là hàng triệu người dân Hwa Yang cùng hàng nghìn những sự-sống-khác-con-người ở Hwa Yang.
Tất cả diễn ra trong 28 ngày. Đủ dài cho những bản tin hờ hững lướt qua cuộc sống yên bình bên ngoài Hwa Yang. Nhưng quá dài để một thành phố bị càn quét bởi bệnh tật lây lan, nhân tính suy đồi và mưu toan chính trị.
Quy mô, tàn khốc, đôi lúc đẩy giới hạn chịu đựng của người đọc lên tới cực điểm với 28, Jeong You-Jeong khẳng định ngòi bút uy lực của mình khi không ngừng tiến sâu khám phá những góc khuất khó lường ở con người.
***
Đại dịch Covid-19 vẫn đang tiếp tục hoành hành, cướp đi sinh mạng của hàng trăm ngàn người trên toàn thế giới. Đã có nhiều tiểu thuyết dự cảm về dịch bệnh gây thảm họa toàn cầu, văn chương Hàn Quốc cũng đã có được cho mình một tác phẩm về đề tài này, đó là tiểu thuyết "28" của Jeong You Jeong (Kim Ngân dịch, Nhã Nam và NXB Hà Nội ấn hành 2020), một tiên báo về những mối hiểm họa mà con người phải đối mặt trong thế giới hiện đại.
Đại dịch sinh ra trong thế giới phi nhân
"28" dữ dội và khốc liệt, khởi đầu bằng những con người bình thường, quanh quẩn với đời sống của mình, giữ riêng cho bản thân những mối ưu tư về tồn tại. Rồi bỗng một ngày, đại dịch mắt đỏ ập đến với tốc độ lây lan khủng khiếp, đẩy họ ra khỏi nhịp sống của mình để đương đầu không chỉ với dịch bệnh mà còn đối diện với sự phi nhân của con người trong thảm họa.
Dịch mắt đỏ xuất hiện trên nền một xã hội hiện đại bị chi phối bởi truyền thông, khi con người đã hoàn tất cuộc chinh phục thiên nhiên để thống trị địa cầu này. Nhân loại khai thác thiên nhiên, đối đãi với các loài vật khác như thứ công cụ để giải trí hay nguồn thực phẩm.
Nếu đầu trận dịch Covid-19, nhiều người quy kết cho loài dơi là nguồn lây bệnh thì ở tiểu thuyết "28", nguồn lây bệnh từ loài chó. Căn bệnh khiến mắt sưng đỏ, máu tụ toàn thân, virus lây từ chó sang chó, từ chó sang người và từ người sang người. Nhưng điều đáng sợ hơn dịch bệnh đó là thông tin bị bưng bít, những người mắc kẹt trong thành phố Hwa Yang bị nhốt lại và bị đối xử như loài vật.
Phía sau họ là dịch bệnh đang đe dọa, phía trước họ là sự tàn ác của đồng loại. Con người phải vật lộn để tồn tại và trong cuộc đấu tranh sinh tồn đó, bản năng sống thống trị, biến họ trở thành những cá thể làm mọi cách để được sống sót. Được bọc trong cuộc chiến đấu với ngoại giới là cuộc đấu tranh với thú tính trong mỗi người. Khao khát được sống khiến ai cũng không sẵn sàng hy sinh cho người khác. Khi bị cách ly với xã hội, họ không biết đoàn kết lại để thoát ra cho đến lúc bị đẩy vào đường cùng.
Có thể coi dịch mắt đỏ trong "28" chính là sự báo ứng vì những hành động tàn bạo của con người với các loài vật khác. Jeong You Jeong lựa chọn loài chó là nguồn bệnh bởi theo bà, đây là loài vật gần gũi nhất, được xem là một thành viên trong gia đình. Nhưng trong truyện, không ít lần ta thấy những chú chó bị ngược đãi, hành hạ dẫu xã hội đầy rẫy những người nhân danh bảo vệ động vật.
Niềm hy vọng đối với loài người
Còn nhớ những ngày đầu đại dịch bùng phát, Hàn Quốc rơi vào cơn khủng hoảng với số người chết liên tục tăng cao. Những biện pháp giãn cách xã hội được ban ra, biến tiểu thuyết "28" từ viễn cảnh trở thành hiện thực.
Tuy vậy, nói như chính tác giả Jeong You Jeong, bà không chỉ viết tác phẩm này như là một tiểu thuyết về thảm họa, mà còn là tiểu thuyết về "niềm hy vọng đối với loài người". Trong một câu chuyện với đầy ắp nhân vật, có người tốt và kẻ xấu, nhà văn chỉ ra trong hoàn cảnh tăm tối nhất vẫn còn tia hy vọng lóe lên miễn là con người còn sót lại chút nhân tính trong mình.
Bằng kỹ thuật viết điêu luyện, kiểm soát tốt các tuyến nhân vật, Jeong You Jeong đã thành công khi tái dựng một xã hội hiện đại với đủ những khuôn mặt người. Họ là nhân viên cứu hộ, y tá, là bác sĩ thú y, phóng viên và cả quan chức chính phủ…, tất cả bộc lộ bản chất của mình khi giáp mặt cái chết.
Tiểu thuyết "28" thể hiện tham vọng của tác giả ẩn sau một chủ đề quen thuộc, được tổng thể từ nhiều lát cắt nhanh, chuyển cảnh liên tục, từ nhân vật này sang nhân vật khác, từ người sang chó.
Tuyến truyện về chó được đặt đan xen và quan trọng không kém loài người. Chúng cũng có tâm tư tình cảm, cũng có cuộc đời và quá khứ của chúng. Đọc những phân cảnh này thường khiến ta nhớ đến các tác phẩm của Jack London như "Tiếng gọi nơi hoang dã" và "Nanh trắng". Jeong You Jeong cũng đề cập một thứ sinh mạng nói chung không phân biệt loài nào. "28" là cuốn tiểu thuyết về "món nợ rất lớn của con người đối với những động vật đang chết dần một cách thảm khốc vì sự ích kỷ của chúng ta".
Gói gọn trong vòng 28 ngày, đi từ bình thường đến thảm họa rồi lại kết thúc với xác hàng ngàn con chó và người. Đối diện thảm họa, vạn vật đều mong manh và dễ tổn thương như nhau. Nhà văn không cố đưa ra một bài học đạo đức nào, bà chỉ viết ra một viễn cảnh. Các nhân vật của bà có thể thay những cái tên Hàn Quốc bằng bất cứ tên người mang bất cứ quốc tịch nào khác mà vẫn không làm mất đi sức nặng của câu chuyện. Bởi Jeong You Jeong đang viết về thế giới của chúng ta hôm nay, một thế giới chung nhất mà các khái niệm về trung tâm và ngoại vi dần bị xóa nhòa. Trong thế giới đó, con người đến từ bất kỳ quốc gia nào cũng đang vật lộn để sinh tồn trong xã hội đang thiếu vắng dần những con người.
Jeong You Jeong là nhà văn đương đại nổi tiếng của Hàn Quốc, vốn theo học nghề y tá, nhiều năm phục vụ trong ngành y nhưng say mê văn chương.
Nhà văn Jeong You Jeong không phải là cái tên xa lạ ở Việt Nam. Tiểu thuyết được biết đến nhiều nhất của bà là "7 năm bóng tối" (Kim Ngân dịch, NXB Lao Động, 2015), năm 2018 được chuyển thể thành phim với sự tham gia diễn xuất của tài tử Jang Dong-gun.
Năm 2015, bà từng đến Hà Nội để giao lưu cùng độc giả nhân sự kiện ra mắt tiểu thuyết "7 năm bóng tối". Tại đây, bà đã chia sẻ với độc giả chặng đường gian nan để đến được với văn chương của mình cũng như bày tỏ sự hứng thú với văn học Việt Nam.
***
Hay quá. Hay quá đi thôi!
Ban đầu tôi cứ tưởng 28 sẽ khác, nghĩ bụng nếu nó đi theo hướng của Tro tàn sắc đỏ thì thôi chắc đi tong cuốn sách, uổng một tác giả mình rất thích chỉ sau đúng một cú hit 7 năm bóng tối mất rồi. Nhưng ôi may quá, mặc dù tình huống đặt ra là giả tưởng nhưng 28 lại được phát triển theo hướng hiện thực một cách bất ngờ. Chỉ mượn một căn bệnh không có thực, cô Jeong You Jeong đã lột trần tất cả những góc khuất sâu nhất trong bản chất con người, những khía cạnh mà bình thường người ta đều vô tình hoặc cố ý ẩn đi. Căn bệnh mắt đỏ kia chỉ là bối cảnh, còn tất cả những gì diễn ra bên trong bối cảnh đó – những tính ác, tính thiện, sự giằng co tranh đấu giữa hai thái cực: giữ phẩm hạnh đến cùng đặng không hổ thẹn với lương tâm hay nhổ toẹt vào mọi giá trị để tìm cơ may sống sót – tất cả đều thật một cách đau lòng, nức nở.
Được viết trên điểm nhìn của nhiều nhân vật, cũng tương tự 7 năm bóng tối, 28 mang đến một tầm nhìn tương đối rộng mở nhưng đồng thời cũng khiến độc giả (hay chỉ mình tôi thôi nhỉ?) bối rối không ít. Trong một không gian đa chiều như thế, không có ai là hoàn toàn vô can trước cái ác, cũng chẳng người nào tuyệt đối tà ma. Luôn có một sợi dây nhân quả nối từ hành động này sang hành động kia khiến con người trở thành một thực thể rắc rối, nắm đầu người ta dìm vào mối phân vân chẳng biết nên lựa chọn thái độ ra sao đối với nhân vật mới là thấu đáo. Trong cuộc phiêu lưu tâm lí man dại này, mặc dù chỉ là một kẻ chứng kiến đã cố gắng trang bị đầy đủ tính người và sự công tâm, chẳng có giây phút nào tôi dám khẳng định chắc nịch rằng mình sẽ không trở thành những thằng bất lương như Dong Hae, những gã cầm quyền máu lạnh, những kẻ bên ngoài khiếp đảm trông vào Hwa Yang; hay không phát điên phát cuồng như Su Jin, Ki Jun để rồi đi đến chỗ tự hủy hoại bản thân… nếu chẳng may mình lâm vào tình cảnh như thế.
Tôi thích cái ý tưởng dành riêng một góc cho chó, để chúng tự phơi bày nội tâm của mình như một nỗ lực tìm kiếm chó-quyền (xin lỗi vì không kiếm được từ nào chính thống và văn vẻ hơn) trong cuốn truyện này của cô You Jeong quá đi mất. Nó thật dịu dàng, cứ như màu ánh trăng trên cái đuôi của Star vậy. Cả Cookie và vợ nó, cả Star và Ringo, Maya, đàn chó kéo xe của Jae Hyung sao mà đều hiện diện thân thiết gần gũi quá đỗi. Thú thực tôi đã ghét loài chó suốt mười mấy gần hai chục năm trời vì lúc nhỏ năm lần bảy lượt bị chó cắn dù chẳng hề làm nên tội gì. Hồi 4 tuổi có lần còn bị chó nhà gặm cho đầm đìa máu me, dấu vết còn lại bây giờ chỉ còn là một tổ hợp sẹo to đùng nhìn rõ hình mấy cái răng ở bắp chân trái. May phúc chưa bị dại hehe. Nhưng mà giờ nhờ mấy đứa chó mạng với 3 con Momo dở hơi nhà bố Huy nên cũng đỡ ghét chó đi nhiều. Đọc đến 28, tôi nghĩ dường như mình cũng có thể bắt đầu thích mấy đứa chó giống như đã thích mấy đứa mèo vậy.
Nhưng mà chẳng có một kết cục tốt đẹp nào ở chốn địa ngục trần gian này cả. Đàn chó không, người cũng không…
28 có cái màu tro khói xám ngắt của chiều đông, lạnh lùng thê thiết. Những câu chữ bình thường, những liên tưởng giản dị mà sao vẫn bén ngọt đến thế. Tim tôi cứ lặng lẽ mà rướm máu trong cái từ trường chữ nghĩa đó – vì thương người, thương chó, vì tự hổ thẹn. Vừa đọc vừa khóc, mệt mỏi rã rời.
Mình post review cũ theo gợi ý của Hutoshit với ước ao tiếp tục được thấy sách của cô Jeong You-jeong trong tương lai trước một nguy cơ đao buồn là sách của cô ở VN có mỗi 2 cuốn thì hình như đều ít bán được TT.TT (Mong được thấy 28 trên màn ảnh rộng nữa.)
Hà Chiếp
Jeong You-Jeong
Một cảm giác kìm nén quá sức chịu đựng chỉ muốn bùng nổ khi đọc tác phẩm này. Những gì sâu kín, tăm tối, đau khổ, tội lỗi của con người đều được thể hiện dưới ngòi bút thật tài tình, lôi cuốn một cách kỳ lạ.
Màu chủ đạo của bức tranh được vẽ lên là màu trắng của tuyết lạnh lẽo, màu đỏ của máu, màu đen khói bụi của đám cháy.
Trong một khung cảnh hoang tàn, đổ nát nơi mà xác người, xác chó được chất thành đống.
Đáng sợ nhất là tâm địa con người, lạnh lẽo, tàn nhẫn, ích kỷ, độc ác, xấu xa nhất cũng là con người.
Mọi việc đều bắt nguồn từ dịch bệnh đau mắt đỏ không rõ nguyên nhân diễn ra tại Hwa Yang. Một dịch bệnh với sự tàn phá khủng khiếp được cho là bắt nguồn từ loài chó. Những người bị nhiễm bệnh mắt sẽ chuyển thành một màu đỏ đáng sợ, sau đó là xuất huyết dẫn đến cái chết một cách nhanh chóng chỉ hai đến ba ngày sau khi bị nhiễm bệnh.
Nhưng điều đáng sợ ở đây là sự ích kỷ, lạnh lùng vô cảm của chính con người.
Chỉ vì lợi ích của một số người khác mà vùng dịch Hwa Yang nhanh chóng bị cô lập, trở thành hoang đảo rồi nhanh chóng bị bỏ rơi. Mọi tội ác được diễn ra ở đó. Từ giết người, cướp của, hiếp dâm,
đến lợi dụng dịch bệnh để trục lợi. Bị bỏ rơi một cách đáng thương họ sống không khác gì loài chó. Không chỉ chết vì dịch bệnh mà họ còn bị chết bởi đói, khát, bởi giết lẫn nhau. Cuộc sống mà họ phải thốt lên rằng có khác chi loài chó đâu.
Bắc Cực và Nam Cực được cho là nơi lạnh lẽo nhất của trái đất nhưng cũng chưa bằng sự lạnh giá của tâm hồn con người. Họ sẵn sàng xả súng giết chết đồng loại của mình chỉ vì lợi ích của bản thân mà không hề run tay.
Không phải ngẫu nhiên mà tác giả lại chọn loài chó cho tác phẩm này. Chó là một loại động vật gần gũi, trung thành được coi là bạn của con người. Khi bình thường người ta yêu thương vuốt ve chúng coi chúng là bạn nhưng khi có dịch thì người ta sẵn sàng xả súng, đâm lê, dẫm đạp và giết chúng một cách không thương tiếc.
Do tác giả xuất thân là y tá, được học trong ngành y, lại được sự giúp đỡ của chuyên gia trong ngành nên những thuật ngữ chuyên ngành được đề cập đến trong tác phẩm một cách rất trơn tru, logic và chính xác.
Có lẽ tác giả cũng dành tình yêu rất lớn cho loài động vật bốn chân sủa gâu gâu nên việc miêu tả những thói quen, hành động thể hiện tình cảm của loài chó rất tinh tế, tỷ mỉ. Có cảm tưởng như chúng là một con người vậy với đầy đủ những suy nghĩ nôi tâm phức tạp. Cũng yêu thương, ghen tuông, tức giận, căm thù, kìm nén.
Dựng lên hình ảnh xác người chết ngổn ngang bên cạnh xác những con chó bị chôn sống trong hố chôn tập thể giữa cảnh hoang tàn đổ nát phải chăng tác giả muốn nói rằng con người sống ích kỷ, vô cảm đến độc ác cũng có khác chi loài chó.
Đi đến tận cùng những gì xấu xa, tăm tối của con người phải nói rằng đây là tác phẩm khai thác và miêu tả rất tốt nội tâm của nhân vật kể cả loài chó.
Hãy đọc và cảm nhận, bạn sẽ không thấy uổng phí khi đọc tác phẩm này đâu.
Binh Boog