5 Đường Mòn Hồ Chí Minh |
|
Tác giả | Đặng Phong |
Bộ sách | |
Thể loại | Biên khảo - Địa Lý |
Tình trạng | Hoàn Thành |
Định dạng | eBook mobi pdf epub azw3 |
Lượt xem | 4444 |
Từ khóa | eBook mobi pdf epub azw3 full Đặng Phong Biên Khảo Địa Lý Lịch Sử Lịch Sử Việt Nam Văn học Việt nam Văn học phương Đông |
Nguồn | tve-4u.org |
LỜI GIỚI THIỆU
NGÔ VĨNH LONG
Giáo sư Sử học Đại học Tổng hợp bang Maine
(University of Maine), Hoa Kỳ.
Tác phẩm này là một công trình rất quý giá, vì đây là lần đầu tiên tư liệu trong và ngoài nước được tập hợp trong một cuốn sách để miêu tả và giải thích tầm quan trọng và quan hệ của "5 đường mòn Hồ Chí Minh" trong việc chi viện cho cuộc đấu tranh giải phóng Miền Nam cũng như trong việc giữ liên lạc giữa miền Nam với miền Bắc.
Trước đây, khi nói đến chi viện miền Bắc cho chiến trường miền Nam thì người ta chỉ chủ yếu nghĩ đến đường Trường Sơn, một phần vì sự tàn khốc ở đây: khoảng một triệu tấn bom đạn Mỹ đã tàn phá dọc đường này, làm cho khoảng hai vạn chiến sĩ miền Bắc đã ngã xuống và khoảng 20.000 người bị tàn phế.
Các đường tiếp viện khác, tuy đã đóng góp rất lớn trong việc chi viện cho miền Nam và việc giữ liên lạc giữa hai miền, không được người ta chú ý đến nhiều vì chúng đã được bảo đảm bí mật bởi những người trong cuộc, bởi dân chúng trong nước và những người yêu mến Việt Nam ở nước ngoài.
Không phải chính phủ Hoa Kỳ và các chính quyền Sài Gòn không biết đến bốn đường tiếp viện khác, ngoài đường Trường Sơn, như được miêu tả trong sách này. Đọc những báo cáo của Mỹ về chiến trường tại Việt Nam trong các kho lưu trữ tại Hoa Kỳ, ta thấy là các cục tình báo Mỹ đã đề cập đến các con đường này hàng nghìn lần. Nhưng vì sự bảo đảm bí mật nói trên, họ chỉ biết rất lõm bõm nên đã không thể đánh giá đầy đủ tầm quan trọng của chúng để có những biện pháp ngăn chặn hay phá hủy một cách hữu hiệu hơn.
Nhưng vì yêu cầu bảo đảm bí mật nên chính những người trong cuộc cũng chỉ biết đường dây của chính mình thôi và không biết rõ những hoạt động của người khác hay biết bức tranh toàn cảnh là gì.
Cuốn sách này, lần đầu tiên, giúp cho người đọc biết tương đối rõ rệt bức tranh toàn cảnh của việc chi viện cho miền Nam cũng như những hoạt động cụ thể của từng con đường tiếp viện và của các nhân vật chủ chốt trong đó. Tiếng nói của các nhân vật chủ chốt được trích trong sách này là một đóng góp rất quan trọng và rất sống động mà chưa quyển sách nào hay bài báo nào làm được.
Nhiều nhân vật chủ chốt đều cho biết họ sẽ không thể hoàn thành những nhiệm vụ được giao phó nếu không có sự ủng hộ, sáng tạo và bảo vệ của người dân. Nhưng những nhân vật chủ chốt được trích trong sách này đã không nói rõ là vì sao nhân dân đã hi sinh lớn đến như vậy để giúp thiết lập và bảo vệ "5 đường mòn Hồ Chí Minh" này. Đó là nhờ trong suốt thời gian từ năm 1945 đến năm 1975 Cách mạng đã giành được chính nghĩa.
Chính phủ miền Bắc và Mặt trận Giải phóng Miền Nam (sau đó là Chính phủ Cách mạng Lâm thời) có chính danh vì đã tranh đấu giành độc lập và tự do cho đất nước và nhân dân Việt Nam. Chính nghĩa và chính danh, chứ không phải chỉ các hoạt động bí mật và sáng tạo, đã giúp cho Cách mạng không những bảo vệ được 5 con đường miêu tả trong sách này mà còn bảo vệ tổ quốc và giành lại độc lập cho toàn dân tộc.
Nếu cuốn sách này có gợi ra được một ấn tượng, hay một ý gì đáng suy nghĩ nhất cho người đọc thì đó là việc huy động được lòng dân - nhân dân trong nước và nhân dân thế giới.
Thêm vào đó, người đọc có cảm nhận ngay đây là một cuốn sách có tinh thần khoa học rất cao. Tác giả đã nghiên cứu rất công phu, đã đối chiếu và phân tích các tư liệu với sự trung thực của một sử gia, và đã không qua đó mà phê phán cách tiếp cận của bất cứ một người nào hay đường lối chính trị của bất cứ một phe phái nào từ trong cuộc chiến đến nay.
LỜI TÁC GIẢ
Cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước (theo cách gọi của Việt Nam), hay chiến tranh Việt Nam (theo cách gọi của người Mỹ và đồng minh), là một trong những cuộc chiến tranh khốc liệt nhất, để lại những dấu ấn sâu sắc nhất trong dư luận và tâm linh của nhân loại thế kỷ XX. Những dấu ấn đó có nhiều chiều và nhiều ý nghĩa khác nhau: Là niềm tự hào nơi người chiến thắng, là sự bẽ bàng và khủng hoảng trong đời sống chính trị và tâm linh Mỹ, là sự day dứt nơi những người đã từng tham gia quân đội và Chính quyền Việt Nam Cộng hòa...
Có lẽ cũng vì những loại dấu ấn rất khác nhau đó, cho nên dù chiến tranh đã kết thúc hơn 30 năm, vẫn tiếp tục một loại “chiến tranh" trong giải thích và bình luận lịch sử.
Cuốn sách này không nhằm tham gia vào cuộc "chiến tranh" đó, và cũng không chọn một chỗ đứng nào trong ba góc nhìn kể trên.
Mục đích của cuốn sách này là phơi bày một khía cạnh lịch sử quan trọng của cuộc chiến tranh mà nhiều chỗ vẫn còn chưa được biết tới, hoặc biết rất không đầy đủ: Đó là những hệ thống đường mòn Hồ Chí Minh.
Cho đến nay, có biết bao nhiêu tài liệu đã được công bố từ cả ba phía, biết bao nhiêu cuốn sách đã được viết ra nhưng vẫn chưa nói hết được những câu chuyện về các con đường mòn Hồ Chí Minh đó, thậm chí có những con đường hầu như chỉ ai đã đi thì mới biết.
Sách báo Mỹ đã biết khá rõ về con đường Hồ Chí Minh trên bộ, tức là đường Trường Sơn. Nhưng cả những tài liệu đã được giải mật lẫn những sách báo đã được viết ra vẫn chưa giúp người đọc thỏa mãn một câu hỏi: Vì sao mà những phương tiện hiện đại nhất của Mỹ, dù đã được huy động tối đa vào đây, vẫn bị vô hiệu hóa bởi những con người mà xét về cả tiền bạc lẫn kỹ thuật đều thua kém nhiều lần?
Những biện pháp để làm đường, những cách tổ chức vượt đường, hệ thống quản lý các cung chữa và nhất là những cách để tránh bom đạn và "đánh từa" kỹ thuật Mỹ... mà đến nay chính là những chuyện lý thú nhất, thì hình như sách báo Mỹ vẫn chưa nói được bao nhiêu, thậm chí cho đến gần đây nhất vẫn có những chuyện hiểu lầm (như chuyện hoang đường mới được phía Mỹ công bố đầu năm 2008 về việc "tình báo Việt cộng" lọt được vào hệ thống thông tin quân sự của Mỹ để "ra lệnh" cho máy bay Mỹ ném bom các căn cứ quân sự Mỹ).
Con đường thứ hai là con đường xăng dầu, với tổng chiều dài tới 5.000 km, để vận chuyển nhiên liệu suốt từ biên giới Việt - Trung và các cảng biển miền Bắc vào đến tận Nam Bộ, có chỗ vượt qua cả những độ cao tới gần ngàn mét là điều có vẻ là bất khả thi đối với kỹ thuật đường ống.
Con đường này người Mỹ dường như cũng biết rằng có và cũng đã đánh phá được một số điểm. Nhưng nó có bằng cách nào và nó đã đóng vai trò ra sao trong việc cung cấp nhiên liệu cho các đoàn xe vận tải vũ khí cung cấp nhiên liệu cho xe tăng trong các trận đánh lớn ở miền Nam, thì hình như trong những tài liệu đã giải mật gần đây nhất cũng không có được những thông tin cụ thể.
Con đường thứ ba là con đường trên biển, thì hải quân, không quân của Mỹ và của Chính quyền Việt Nam Cộng hòa cũng đã cảm thấy hình như có chuyện và đã tổ chức đề phòng. Nhưng trong suốt 7 năm đầu hoạt động, các đoàn tàu không số đã đưa được hàng chục ngàn tấn vũ khí vào Nam rồi mà đối phương vẫn không bắt được vụ nào. Chỉ đến năm 1966 họ mới giật mình khi bắt được một vài vụ.
Nhưng họ vẫn không sao tìm ra manh mối. Một số con tàu chớm bị phát hiện, sắp bị vây bắt, thì thuỷ thủ đoàn đã tự đánh đắm và tự thủ tiêu. Do đó nó vẫn là một con đường "phi tang”. Nếu lại so sánh những hải đồ do phía hải quân Mỹ vẽ về các tuyến đi của các con tàu không số và hải đồ thật của Lữ đoàn 125 thì khoảng cách sai biệt vẫn rất lớn
Rồi khi những "con tàu đánh cá giả” bị họ theo dõi sít sao, thì những "con tàu đánh cá thật", hoàn toàn hợp pháp mà họ quen mặt từ lâu, lại bắt đầu chuyển sang chở vũ khí, còn công nhiên chở cả những cán bộ lãnh đạo quan trọng như Võ Văn Kiệt, Lê Đức Anh ra Bắc, vào Nam..., thì cho đến ngày giải phóng đối phương cũng chưa hề biết đến.
Con đường thứ tư là con đường hàng không, bí mật trong công khai, đi từ Phnom Penh, bay qua lãnh thổ miền Nam Việt Nam, thậm chí bay qua chính Sài Gòn, tới Hồng Kông hoặc Quảng Châu rồi về Hà Nội. Con đường này đã từng vận chuyển hàng ngàn lượt tướng tá của miền Bắc vào miền Nam và từ miền Nam ra miền Bắc, vận chuyển hàng triệu đô-la cho cơ quan Kinh-tài của miền Nam, vận chuyển rất nhiều thứ máy móc, thuốc men và hóa chất quan trọng, vận chuyển thương binh, vận chuyển vợ con những chiến sĩ và cán bộ của miền Nam ra Bắc để học tập và điều dưỡng... Nhưng phía Mỹ và Chính quyền Sài Gòn hình như cũng hoàn toàn chưa biết gì.
Con đường thứ năm, con đường chuyển ngân thì còn bí hiểm hơn. Đó là con đường vô hình, không có đường, không có lối trên đất liền, trên biển, trên không, trên những đường ống... Nó đi theo hệ thống ngân hàng của chính các nước phương Tây và hệ thống ngân hàng ở ngay Sài Gòn để chuyển tiền một cách hợp pháp từ Bắc vào Nam, từ các nguồn tài trợ của các nước vào Sài Gòn, rồi từ Sài Gòn rút ra tiền bản địa để chi tiêu cho những lực lượng Giải phóng.
Không cần ô tô, không cần máy bay, không cần tàu thủy, không cần gùi thồ, chỉ những mật mã, những cú điện... là tiền từ Paris, Lon don, Hong Kong, Bangkok, Moskva, Bắc Kinh... được chuyển qua Sài Gòn rồi lên các căn cứ địa ở khắp miền Nam, được thanh toán cho những địa chỉ cần thiết ở bất kỳ nơi nào trên thế giới ... Con đường đó suốt hai mươi năm chiến tranh chỉ "ai làm thì biết", Mỹ không biết, Chính quyền Sài Gòn không biết, nên không một ai bị bắt, không một vụ chuyển ngân nào bị phát hiện...
Không riêng người Mỹ, không riêng những người nước ngoài, ngay cả những người Việt Nam, thậm chí cả những chiến sĩ, những cán bộ và cả những người lãnh đạo cấp cao trong hệ thống các con đường Hồ Chí Minh kể trên cũng không biết hết được những gì ngoài phạm vi mình phụ trách. Người phụ trách đường bộ không biết được bao nhiêu về hệ thống đường biển. Người phụ trách đường biển không biết bao nhiêu về hệ thống đường hàng không.
Và tất cả những lực lượng đó hoàn toàn không biết đến hệ thống đường chuyển ngân bí mật qua các ngân hàng. Sự "không biết" đó của cả bên này lẫn bên kia càng chứng tỏ rằng ngoài những điều thần kỳ của ý chí, tài năng và cách tổ chức, còn có một điều thần kỳ nữa: Sự bí mật?
Ở Việt Nam đến nay cùng đã có rất nhiều sách viết về đường Trường Sơn, một số sách viết về con đường trên biển. Nhưng do những sách đó vẫn còn nặng về biểu dương thành tích, về lòng tự hào và ngợi ca, nhẹ về mô tả lịch sử và đúc kết lịch sử, mà có đúc kết thì cũng không ngoài mấy bài học đã thuộc từ lâu, nên tuy số trang thì kể ra đã có tới hàng ngàn, hàng vạn, mà người đọc vẫn khó thu lượm được những điều mà họ thực sư tìm
Có thể nói, cho đến nay chưa có một sự trình bày tổng hợp nào về cả 5 đường mòn Hồ Chí Minh đó cũng như tính liên hoàn của chúng, để làm sao trong vòng hai, ba trăm trang thôi, có thể nói lên được những nét chính yếu của hệ thống chi viện vừa đa phương, vừa đa dạng cho miền Nam suốt trong 20 năm chiến tranh. Đó đang là nhu cầu của cả những thế hệ đương thời lẫn những thế hệ hậu chiến ở Việt Nam cũng như' ở Hoa Kỳ.
Đó chính là lý do thúc đẩy tác giả viết nên tập sách nhỏ này.
Cũng xin nói rõ rằng tác giả không hề có cương vị nào trong sự nghiệp lớn lao này, nên không hề dám làm điều gì vượt trội những tác giả tiền bối mà chỉ xin khiêm tốn nhặt nhạnh lại của những người đi trước (cả những người đã viết lẫn những người đã làm, cả phía bên này và phía bên kia), lại dựa thêm vào những tài liệu mới được giải mật của Mỹ, cộng với việc phỏng vấn nhiều nhân vật quan trọng đương thời, rồi sau đó tuyển chọn, sắp xếp lại một cách có hệ thống những gì mà người viết hiểu rằng người đọc ngày nay thực sự cần biết.
Cũng xin nói rõ thêm rằng trong công việc sưu tầm này có nhiều khi tác giả không thể vượt qua được một khó khăn rất lớn là: Những nguồn số liệu thống kê trong thời kỳ này có nhiều chỗ còn mâu thuẫn với nhau mà tác giả không có đủ khả năng kiểm chứng. Ở những chỗ đó, tác giả xin ghi chú rõ sự bất lực của mình, hy vọng các cơ quan hữu quan và các nhà nghiên cứu lưu ý xác minh.
Còn về hình ảnh minh họa, cũng do hoàn cảnh chiến tranh, trong khi sưu tầm, tác giả không xác định được nguồn gốc của một số ảnh, cũng xin mạnh dạn trình trước quý bạn đọc và mong nếu có ai phát hiện được thì xin cho tác giả được biết.
Còn về tên gọi, xin có đôi lời giải trình: Con đường trên bộ qua Trường Sơn, gồm toàn bộ hệ thống đường vận tải bộ và sau đó là hệ thống đường ống xăng dầu, đương nhiên đã được đặt tên từ lúc khai sinh 19-5-1959 là "Đường Hồ Chí Minh". Còn con đường trên biển thì thậm chí, như trong sách này viết, nó đã ra đời ngay từ thời kháng chiến chống Pháp và đã được những "con cá kình" đầu đàn thời đó đặt tên là "Đường Hồ Chí Minh trên biển".
Còn con đường chuyển ngân thì ban đầu vốn cũng đi theo đường mòn Hồ Chí Minh trên bộ, sau đó hai vị “cha đẻ" của sáng kiến chuyển ngân là Mười Phi và Mai Hữu Ích gặp nhau ở Phnom Penh để quy định những mật ước, cũng đã đặt tên cho nó là "Đường Hồ Chí Minh FM", tức là Đường Hồ Chí Minh theo phương pháp mới.
Riêng con đường bí mật trên không thì quả chưa thấy ai đặt tên cho nó là gì. Nhưng nói về tính chất, về tính năng và tác dụng của nó đều giống như các con đường kia: Đều là vận chuyển người, vận chuyển tiền một cách bí mật để chi viện cho miền Nam. Tác giả thấy nó hoàn toàn đáng được xếp vào hệ thống chung của các con đường mòn mang tên Hồ Chí Minh, nên nhân đây xin mạn phép thỉnh vấn các nhà nghiên cứu cùng đông đảo bạn đọc.
Tác giả xin chân thành cảm ơn tất cả các vị lão thành đã từng là người trong cuộc (mà tên tuổi đã chú thích trong sách) đã vui lòng cho gặp cho hỏi, cho tư liệu, cho ảnh, để nhờ đó có được nội dung chính của cuốn sách này.
Tác giả xin cảm ơn Gs. Đỗ Hoài Nam và Ban lãnh đạo Viện Kinh tế Việt Nam đã chấp nhận công trình này trong khuôn khổ một đề tài khoa học của Viện Kinh tế Việt Nam và tạo những điều kiện tối ưu cho việc thực hiện nó.
Tác giả xin cảm ơn các sử gia Ngô Vĩnh Long, Nguyễn Kỳ Phong là những người nhiều năm sống ở Mỹ, biết rất nhiều về lịch sử cuộc chiến tranh Việt Nam, đã giúp tác giả không những về tư liệu, mà về cả cách hiểu những tình tiết lịch sử liên quan đến phía Mỹ.
Tác giả cũng không thể nào quên nhắc đến tên và gửi vào đây lời cảm ơn tới các bạn cộng sự trẻ đã hết lòng cộng tác và cộng tác một cách đầy hào hứng trong công việc tìm tư liệu, biên soạn và hoàn tất một bản thảo "khó tính" như bản thảo cuốn sách này: Ngô Huyền Minh, Cao Tuấn Phong, Vũ Ngọc Quyên, Trịnh Thị Hải Yến, Thùy Dương, Phạm Văn Hiếu... thuộc Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội.
Mời các bạn đón đọc 5 Đường Mòn Hồ Chí Minh của tác giả Đặng Phong.