Tiểu thuyết là hư cấu, nhưng không loại hình nghệ thuật nào thể hiện đời sống nhân sinh rõ ràng và sâu sắc hơn thể loại văn chương này. Bốn tác phẩm Người đua diều, Ngàn mặt trời rực rỡ, Và rồi núi vọng, Nhẫn thạch đã khắc họa Afghanistan một cách chân thực, sâu sắc.
Đất nước Afghanistan hiện đại được biết tới như vùng đất chịu nhiều tang thương của chiến tranh. Từ năm 1978, Afghanistan đã phải trải qua cuộc nội chiến kéo dài và đẫm máu. Tới nay, đất nước này vẫn phải đối phó với nhiều tổ chức khủng bố như Taliban, IS với các vụ đánh bom kinh hoàng, những vụ hành quyết rùng rợn.
Văn chương hiện đại viết về Afghanistan cũng không nằm ngoài bức tranh thực tại. Dù viết về câu chuyện gì, nhân vật có địa vị, đời sống, nội tâm ra sao, thì tất cả những câu chuyện đều diễn ra dưới bóng ma chiến tranh, khủng bố.
Những số phận trong Người đua diều, Và rồi núi vọng bị chia cắt bởi chiến tranh. |
Và rồi núi vọng (tiểu thuyết của Khaled Hosseini) kể về hai anh em Abdullah và Pari. Họ sống cùng cha, mẹ kế và em khác mẹ trong ngôi làng Shadbagh - nơi đói nghèo, mùa đông lạnh giá luôn trực chờ cướp đi những đứa trẻ. Abdullah yêu thương em vô ngần, còn Pari luôn coi anh trai như người cha chăm lo mọi việc.
Người cha của hai anh em sau cái chết của đứa con nhỏ gần một tuổi đã không còn lựa chọn nào khác. Ông quyết định bán Pari cho một gia đình giàu có ở Kabul. Cuộc chia ly mãi đè nặng lên Abdullah và để lại nỗi trống trải mơ hồ không thể lấp đầy trong tâm hồn Pari…
Từ cuộc chia ly đó, câu chuyện mở ra nhiều ngã rẽ, qua các thế hệ. Pari bị xô đẩy đến Pháp với sự cô đơn, và khoảng trống vô tận. Abdullah đã đến Mỹ, vẫn đau đáu nỗi niềm em gái ở nơi đâu.
Ở Và rồi núi vọng, những số phận người Afghanistan bị chia cắt, xô đẩy trong tình trạng đất nước có chiến tranh kéo dài. Hết những cuộc chiến có can thiệp của nước ngoài tới nội chiến, xung đột cắt nhỏ những mảnh đời thành thảm kịch.
Người đua diều (tác giả Khaled Hosseini) với phần bối cảnh cho người đọc phần nào hình dung thực tại. Câu chuyện có bối cảnh chính ở Afghanistan, từ lúc chính quyền Taliban rệu rã đến khi sụp đổ hoàn toàn.
Truyện còn đề cập tới những căng thẳng sắc tộc giữa người Hazara và người Pashtun ở Afghanistan, những trải nghiệm di cư của hai cha con nhân vật Amir đến Mỹ.
Những cuộc chiến trong lịch sử Afghanistan như chiến tranh Anh -Afghanistan, chiến tranh Xô Viết tại Afghanistan cũng được tác giả Khaled Hosseini nhắc lại, lồng ghép trong tác phẩm: "Thằng nhóc Hindi rồi sẽ nhanh chóng học được những gì người Anh học được hồi đầu thế kỷ này, và những gì người Nga cuối cùng đã học được vào những năm cuối thập kỷ tám mươi rằng người Afghan là một dân tộc độc lập".
Trong Nhẫn thạch - tác phẩm đạt giải Goncourt 2008 của Antiq Rahimi - chiến tranh là nguồn cơn mọi khổ đau của nhân vật chính. Người phụ nữ trong tác phẩm sống ở một thành phố của Afghanistan, nơi bốn bề hỗn chiến.
Nhẫn thạch, Ngàn mặt trời rực rỡ viết về đời sống phụ nữ Afghanistan đầy đau khổ bởi luật lệ hà khắc và chiến tranh loạn lạc. |
Chồng cô - người đàn ông mạnh mẽ, giữ trọng trách che chở gia đình - bị một viên đạn găm vào gáy trong trận tương tàn giữa các phe phái. Giờ đây, anh nằm bất động trên giường, sống đời sống thực vật vì một viên đạn đang nằm sâu trong gáy.
Loạn lạc, khủng bố đâu chỉ cướp đi trụ cột gia đình của người phụ nữ 30 tuổi. Nó khiến chị phải đối mặt với bao nhọc nhằn, lo toan. Thế giới bên ngoài căn phòng bệnh của chồng đậm mùi thuốc súng, đạn dược, những kẻ man rợ.
Trong thế giới hỗn loạn ấy, người phụ nữ có thể biến thành nô lệ tình dục của các nhóm phiến quân và bị giết hại dã man.
Burqa - trang phục đặc trưng của phụ nữ Hồi giáo - trở thành một biểu tượng khi viết về phụ nữ Afghanistan. Điều này xuất phát từ thực tế. Trước khi Taliban giành quyền lực ở Afghanistan, burqa ít được phụ nữ mặc. Sau khi Taliban lên giành quyền hành ở đất nước này, phụ nữ bị bắt buộc phải sử dụng burqa ở nơi công cộng.
Tuy vậy, văn chương viết về phụ nữ Afghanistan không chỉ có việc choàng burqa như một sự phục tùng điều luật của phiến quân, một sự bảo vệ mình. Bên trong tấm khăn choàng hà khắc ấy là những khát vọng sống mãnh liệt.
Trong Ngàn mặt trời rực rỡ (tiểu thuyết ra mắt năm 2007 của Khaled Hosseini), số phận hai người phụ nữ Afghanistan được khắc họa. Mariam vốn là đứa con gái ngoài giá thú, cô bị gả vào nhà thợ làm giày Rasheed già nua ở Kabul. Mãi không sinh được con, Mariam bị chồng đối xử tồi tệ.
Laila là cô gái sống trong nhung lụa nhưng bị lạc mất cha mẹ do tên lửa. Cô bị lừa rằng người yêu Tariq của mình đã chết khi đi Pakistan tị nạn. Bụng mang dạ chửa, Laila đến nhà Rasheed làm vợ lẽ hòng tìm nơi nương tựa.
Mỗi người một thân thế, nhưng biến cố khốc liệt của loạn lạc đưa họ tới chịu chung số phận làm vợ của một người đàn ông, cùng chịu người chồng chung đó đánh đập, hành hạ tàn nhẫn.
Cũng chịu nhiều khổ đau, song người phụ nữ trong Nhẫn thạch lại được khắc họa với những khát khao sống mạnh liệt. Tác phẩm kể về một huyền thoại của Ba Tư, rằng có một phiến đá được gọi là “nhẫn thạch”.
Khi người ta đặt nó trước mặt, tâm sự hết những điều thầm kín, nhẫn thạch như miếng bọt biển hút cạn mọi bí mật. Đến một ngày, hòn đá ấy sẽ nổ tung, người tâm sự sẽ được giải thoát khỏi những đau khổ.
Khi phải chăm sóc người chồng sống đời sống thực vật, người vợ coi chồng như một “nhẫn thạch”. Cô tâm sự cùng chồng tất cả những bí mật giấu kín bao năm. Giờ đây, cô có thể nằm cạnh chồng, lướt ngón tay trên môi anh, những khát khao nhục dục cuộn lên mà không sợ sự khinh bỉ từ luật lệ hà khắc.
Cô có thể kể ra những bí mật động trời, từ khi mình được mai mối lấy chồng mà không biết mặt chồng, phải chờ đợi cả năm trời do chồng mải mê chinh chiến.
Nhà văn Atiq Rahimi (bên trái, tác giả Nhẫn thạch) và Khaled Hosseinni (tác giả Người đua diều, Và rồi núi vọng, Ngàn mặt trời rực rỡ) là những người khắc họa Afghanistan trong văn chương. |
Tới khi biết chồng vô sinh nhưng bản thân cô phải gánh mọi tội lỗi, người phụ nữ ấy phải tìm cho mình cơ hội làm mẹ, đồng thời tránh luật lệ hà khắc từ mẹ chồng cũng như định kiến xã hội. Giữa tao loạn, để lo cho con, cho chồng, cô phải bán mình.
Thông qua hình tượng nhẫn thạch, tấm khăn choàng bị hất tung, để lộ ra người phụ nữ với bao nỗi niềm đau đớn, họ là nạn nhân của chiến tranh loạn lạc, những ràng buộc, giằng xé của luật lệ hà khắc, những khát khao đầy bản năng bị kìm nén.
Bất chấp bóng ma chiến tranh đe dọa, cùng những xung đột sắc tộc, tôn giáo, luật lệ khắc nghiệt, những câu chuyện về Afghanistan vẫn thấm đẫm tình người.
Người đua diều là tác phẩm văn chương về Afghanistan được biết tới nhiều nhất hiện nay. Tác phẩm ra mắt năm 2003, mang đầy tính thời sự, dường như là cuốn tiểu thuyết đầu tiên giúp bạn đọc có cái nhìn chân thực và xúc động về vẻ đẹp cũng như nỗi đau của Afghanistan.
Tác phẩm là lời kể của Amir - một nhà văn Mỹ gốc Afghanistan. Theo dòng hồi ức của Amir ngược về 20 năm trước, khi ấy, Amir là cậu bé 12 tuổi, sống trong vòng tay của người cha giàu sang, thanh thế.
Gắn bó với Amir là Hassan, con trai của người quản gia. Hassan là cậu bé lanh lợi, mạnh mẽ nhiều lần xả thân để bảo vệ Amir. Nhưng tình bạn và lòng tận tụy của Hassan không được đền đáp.
Trong buổi đua diều, Hassan vì ra sức bảo vệ chiếc diều của Amir đã bị bọn trẻ hành hung, nhục mạ. Amir với sự nhu nhược, hèn nhát đã không cứu bạn, còn vu oan cho Hassan để đuổi cha con người quản gia ra khỏi nhà.
Ngay cả khi sang Mỹ, đạt được ước mơ, Amir không một ngày được yên ổn với lỗi lầm đó. Trở lại Afghanistan để cứu con trai Hassan khỏi tay bọn Taliban là con đường duy nhất để Amir chuộc lỗi với người bạn, người em của mình.
Người đua diều thuyết phục bạn đọc vì kể câu chuyện chạm tới tim độc giả. Đó là một tình bạn khác thường, một tình cảm khác thường, về mối quan hệ giữa những người bạn, người con và người cha, tình ruột thịt.
Bên cạnh những mối quan hệ đó, câu chuyện chạm đến những vấn đề của nhân sinh: tình yêu, danh dự, tội lỗi, lòng chung thủy, sợ hãi và cứu chuộc.
Cũng là câu chuyện về hai con người, nhưng Ngàn mặt trời rực rỡ mang tới số phận hai người phụ nữ. Mariam và Laila là hai người phụ nữ cùng làm vợ chung của tay chủ hiệu giày Rasheed.
Ban đầu, họ có hiềm thù với nhau, vì sợ người vợ kia sẽ chiếm mất chỗ của mình. Nhưng dần dần, sợi dây hà khắc của những hủ tục xã hội đã khiến họ xích lại gần nhau.
Một lần không chịu được cảnh Rasheed hành hạ tàn bạo Laila, Mariam đã dùng xẻng đâm chết chính chồng mình rồi ra đầu thú, để khỏi ảnh hưởng tới Laila. Mariam bị tử hình, còn Laila cùng người yêu cũ và hai đứa con rời khỏi đất nước.
Ngàn mặt trờ rực rỡ kể số phận của Mariam và Laila hòa chung thân phận đau thương của phụ nữ Afganistan trong nền chính trị hỗn loạn, tôn giáo hà khắc. Nhưng vượt trên tất cả, điều khiến người đọc xúc động nhất ở tác phẩm là câu chuyện về tình người, sự hy sinh cao cả.