Âm Dương Sư 1: Seimei và Hiromasa |
|
Tác giả | Baku Yumemakura |
Bộ sách | Âm Dương Sư |
Thể loại | Huyền ảo |
Tình trạng | Hoàn Thành |
Định dạng | eBook mobi pdf epub azw3 |
Lượt xem | 451 |
Từ khóa | eBook mobi pdf epub azw3 full Baku Yumemakura Quế Đan Âm Dương Sư Nam Cường Huyền Ảo Linh Dị Tiểu Thuyết Văn Học Nhật Bản Văn Học Phương Đông |
Nguồn | ebook©vctvegroup |
Thời đại Heian…
Là thời đại chìm đắm trong mông muội, khi mà nhiều người vẫn tin vào sự hiện hữu của những thứ quái đản. Đó là giai đoạn yêu ma lặng lẽ tồn tại cùng con người trong màn đêm chốn kinh kì, thậm chí ở chung một mái nhà chứ chẳng phải nơi chốn nào xa xôi như thâm sơn cùng cốc.
Tử linh với sinh linh, phàm nhân với yêu quái… hoàn cảnh chung đụng đặc thù này đã dẫn đến nhiều sự việc dị thường hoặc thậm chí nguy hiểm với cuộc sống nhân gian.
Một âm dương sư tài năng là Seimei đã bắt tay giải quyết những sự việc ấy.
Và sát cánh bên cạnh giữa màn đêm mông muội, luôn có người bạn tận tâm chính trực Hiromasa…
Bộ sách Âm Dương Sư đã được xuất bản tại Việt Nam những tập sau:
#review #amduongsu #yumemakura #baku #huyenbi #kyao
—————————
Tôi hốt ngay 3 cuốn Âm Dương Sư ngay sau khi đọc xong bộ Sa Môn Không Hải của cùng tác giả. Đơn giản là vì thấy tác giả có cách xây dựng cốt truyện, thiết lập bố cục và dẫn truyện tốt, đặc biệt là lời văn hay. Mà đúng là nó phải hay thật, vì Yumemakura Baku tốt nghiệp khoa văn học Nhật Bản của đại học Tokai, tức bản thân tác giả vốn đã là một tay viết chuyên nghiệp rồi. Thế nhưng vì mang kì vọng hơi cao nên Âm Dương Sư cho tôi một cảm giác thất vọng nhè nhẹ, không phải truyện không hay mà vì nếu so với Sa Môn Không Hải thì Âm Dương Sư kém hẳn một bậc. Trong khi Sa Môn Không Hải là một bức tranh lớn với các mảnh ghép nhỏ được từ từ hé lộ, gây cho người đọc một cảm giác tò mò rất lớn, cứ muốn tiếp tục xem để biết bí mật đằng sau đó là gì, thì Âm Dương Sư là một tập hợp các câu chuyện yêu ma quỷ quái nhỏ và rời rạc không liên quan đến nhau. Ba tập tổng cộng có 20 chương. Mỗi chương một truyện. Điều này đồng nghĩa với việc cốt truyện của mỗi chương đó đều tương đối đơn giản, tình tiết ít, không gây cấn lắm hay kích thích trí tò mò lắm. Hiển nhiên, tất cả các câu chuyện kỳ bí này đều được giải quyết bởi hai nhân vật chính – Âm Dương Sư Abe no Seimei và người bạn chí thân của mình – Minamoto no Hiromasa. Mà nếu nói điểm nhấn của Âm Dương Sư thực ra không chỉ nằm ở những câu chuyện ma quái thần bí mà nằm ở triết lý nhân sinh qua màn đối đáp thường xuyên của Abe no Seimei và Minamoto no Hiromasa thì xin thưa luôn là mạn đàm nhân sinh / vũ trụ thì những gì tác giả truyền đạt trong Sa Môn Không Hải vẫn có chiều sâu hơn hẳn. Bản thân tôi cho rằng tác giả là một người tin Phật và có-vẻ-như nắm khá rõ về giáo lý nhà Phật. Điển hình như câu chuyện nho nhỏ kể về một Tăng đô đức cao vọng trọng nhưng vào giây phút sắp lìa đời, vì đột nhiên khởi phát ý niệm “Ta chết rồi thì hũ giấm của ta sẽ vào tay ai?” mà cuối cùng không siêu thoát được, hóa thành một con rắn canh canh giữ trong hũ giấm đó. Một hình thức của chấp trước trong triết lý Phật giáo được thể hiện rất đúng, hoặc ít nhất thể hiện cái mà tác giả biết và Phật giáo và cái tôi biết về Phật giáo chắc-là như nhau.
Rồi, trở lại vấn đề Âm Dương Sư có chỗ nào hay không? Ít nhất với tôi thì bộ truyện này có hai điểm nổi bật. Một là mỗi một cảnh tượng hiện ra trong đầu độc giả qua lời dẫn truyện của tác giả hoặc mỹ lệ cực kỳ hoặc ma mị cực kỳ. Mỗi lần khu vườn của Seimei xuất hiện là mỗi lần một khung cảnh đẹp ngỡ ngàng hiện ra trước mắt người đọc.
“Vòm không giăng vô vàn tinh tú. Trong vườn sương ướt cỏ cây, lấp lánh như thể sao trời trú mình vào giọt sương. Vườn đêm vì thế mà rực sáng.”
Thêm nữa, tác giả có một trí tưởng tượng về thế giới thần bí khá phong phú và đủ khả năng miêu tả lại bằng lời một cách vô cùng sống động. Để làm rõ, xin sơ lược vài đoạn miêu tả về những thứ quỷ quái ma mị trong vài thiên truyện dưới đây.
Trong chương “Con cóc”, ta có một đoạn miêu tả chuyến đi và cách thức di chuyển đến Quỷ giới khá là thú vị như sau:
“Dưới màn đêm, một đốm lửa xanh trắng lập lòe trên đường bỗng lớn dần lên rồi hóa thành quỷ. Quan sát thì thấy con quỷ biến thành cô gái tóc tai bù xù. Nó ngước nhìn hư không, hàm răng nghiến ken két. Toan nhìn kĩ hơn, nó đã hóa thành mãng xà với lớp vải xanh nhớp nhúa nhòa vào đêm tối. Lại dõi mắt ra bóng đêm ngoài kia, sẽ bắt gặp hằng hà sa số những thứ mắt thường khó bắt gặp đang lúc nha lúc nhúc. Bất chợt, những thứ vốn không trông rõ cùng hiện hình. Đầu người, thứ giống lông tóc. Đầu động vật, hài cốt, nội tạng, và nhiều thứ không biết là gì…”
Để đi đến Quỷ giới, Seimei và Hiromasa đã băng qua tuyến đường thần Nakagami đi năm lần. Và sau đó Thổ tinh bước vào trong xe của hai người để kiểm tra với câu hỏi “Thân là con người, cớ gì lại đến chốn này?”. Nghe có vẻ cắc cớ thế chứ câu trả lời thì không có gì đặc biệt đâu.
Đến chương “Hành trình của quỷ”, một chuyến đi của quỷ với đích đến là hoàng cung có-vẻ kinh hoàng đã được hai nhân chứng kể lại thế này:
“Ánh sáng lờ mờ, huyền ảo.
Cót két… Cót két… Cùng tiếng trục xe kêu cót két.
Rõ ràng chẳng ai cầm đèn, vậy tại sao cỗ xe lại phát sáng?
Lại gần mới biết đó là một cỗ xe bò. Thế mà ách xe lại không có bò. Dù không có bò kéo, song cỗ xe vẫn di chuyển lại gần họ.
Hai bên xe là một người đàn ông mặc bộ áo hai mảnh đen tuyền và một phụ nữ mặc đồ dạo phố trắng, đầu trùm áo choàng trắng, đi cùng cỗ xe về phía này.
…
Cỗ xe bò kia chậm rãi tiến đến ngay trước mặt Narihira rồi dừng lại. Từ trong xe vọng ra giọng nữ trong trẻo, “Ông nhường đường cho tôi được không?”
…
Tức thì, tấm mành vén mở, để lộ khuôn mặt phụ nữ. Làn da trắng đến ngạc nhiên. Đôi môi căng mộng mấp máy, “Tôi muốn đến hoàng cung.”
Cô ta mặc bộ đường y diễm lệ. Sở dĩ Narihira thấy được là nhờ cỗ xe đang cháy rực trong mưa.
Trong lúc loay hoay động chân động tay, Narihira để ý thấy một thứ đang quấn quanh ách xe. Đó là tóc phụ nữ, dài thượt và đen nhánh.
…
Trong mành, người phụ nữ dùng răng cắn chặt lưỡi kiếm. Không, bây giờ không còn là phụ nữ nữa. Trang phục vẫn là bộ áo mười hai lớp, nhưng người mặc đã hóa thành một con quỷ mắt đỏ da xanh.”
Mặc dù các truyện đều ngắn, tình tiết ít nên thiếu mất một phần kịch tính, nhưng cũng vừa hay để lại một không gian trống cực lớn cho độc giả tha hồ tưởng tượng. Một vài chỗ trống trong đó, nếu thêm thắt tình tiết một cách hợp lý thì khả năng cao sẽ trở thành những câu chuyện rất hay thích hợp chuyển thể thành phim điện ảnh. Tỉ như người phụ nữ trong “Hành trình của quỷ” có một đoạn tình ngắn ngủi với Thiên hoàng. Hai người ước định trong một dịp tình cờ Thiên hoàng đi lạc lúc săn nai và trọ lại nhà nàng. Vì một lời hứa, nàng đợi chẵn mười lăm năm rồi cuối cùng chết trong tuyệt vọng. À không, cuối cùng nàng hóa quỷ ngồi trong cỗ xe bò hướng về hoàng cung hòng dắt Thiên hoàng theo cùng mới đúng. “Tiền nhân” chỉ được kể qua vài ba câu ngắn ngủi, cả thiên lại tập trung “hậu quả”, miêu tả về sự ma quái của cỗ xe nàng ngồi mỗi tối hướng đến hoàng cung cùng với cách thức nàng gửi thư cho Thiên hoàng nhắc nàng sẽ đến tìm. Phân đoạn ma quái thì tác giả đã miêu tả kỹ lắm rồi, chỉ cần khai thác thêm phân đoạn tình cảm thì chắc chắn ta sẽ có một bộ phim vừa lâm li bi đát vừa ma mị ghê rợn.
Có một thiên truyện khác dù ngắn nhưng cốt truyện rất hay và có nhiều khía cạnh để khai thác thêm, chính là thiên “Thương nhớ ai chăng?”. Chuyện kể về một nhà thơ nổi tiếng thời Heian – Tadami đã tuyệt thực tự sát vì thua đối thủ của mình trong một hội thơ. Vì là thiên truyện về các nhà thơ nên thiên này xuất hiện thơ khá nhiều. Có một bài ngắn mà tôi khá thích, “Trách thầm lập xuân / Mang sương sớm đến / Mở mắt nhìn ra / Phủ mờ Cát Dã”. Nhưng chuyện này không liên quan. Điểm thú vị nhất trong thiên truyện này không hẳn là nhiều thơ (hay?), mà là cả ba nhà thơ là nhân vật chính trong truyện đều sử dụng thơ của một con quỷ. Nói đúng hơn thì có một con quỷ say mê làm thơ đến mức không siêu thoát được và mượn tay hai cha con nọ quảng bá thơ văn của mình. Câu chuyện về con quỷ, câu chuyện về quá trình nổi tiếng nhờ thơ của quỷ, hay cả bí ẩn tại sao nhà thơ thứ ba, người chiến thắng Tadami lại có được một bài thơ khác của con quỷ và sửa lại nó. Những khoảng trống này hoàn toàn không được viết rõ, cứ thế để mặc độc giả muốn tưởng tượng sao thì tưởng.
Cuối cùng là một thiên khác tôi rất thích – thiên “Quỷ Komachi”. Thiên này vừa kích thích trí tưởng tượng bởi nhiều hình ảnh được khắc họa rất đẹp, vừa để lại ấn tượng mạnh về mặt cảm xúc. Ono no Komachi – một nữ thi sĩ thời Heian nổi tiếng với tài năng và nhan sắc hiếm thấy, là một trong ba tuyệt thế giai nhân của Nhật Bản nhưng rất khắc nghiệt với đàn ông. “Sắc đào tươi thắm / Rồi cũng tàn phai / Thân người con gái / Mưa bay qua đời.” Bà chết trong nổi cô đơn và buồn tủi vì nhan sắc tàn phai, cuối cùng là không siêu thoát được. “Cũng từng được biết bao vương tôn công tử nâng niu, ngâm nga thơ tình, sống khoái lạc nhường nào. Nhưng tất cả chỉ là chuyện thoáng qua trong thoáng chốc […] Sống càng lâu càng sượng mặt với thiên hạ, chẳng biết từ lúc nào, đến cả những ả thấp hèn cũng khinh chê ta nhơ nhuốc.” Komachi chết, nhưng lại bị một hồn ma khác là hồn ma của thiếu tướng Fukakusa ám. Hai linh hồn hóa quỷ trong cùng một hình hài. Fukakusa si mê Komachi, nhưng những lá thư ông viết cho bà chưa bao giờ được hồi âm lấy một lần. Đến khi nhận được hồi âm thì lại là một lời giễu cợt bảo nếu ông đến tìm bà liên tục một trăm đêm thì bà sẽ chấp nhận tình cảm của ông. Bất chấp mưa gió bão bùng, ông đi được chín mươi chín đêm. Trớ trêu thay, đến đêm thứ một trăm thì ông chết.
“Tương truyền, Fukakusa đã đứng trước thềm xe của Komachi chín mươi chín đêm.”
Cốt truyện có vẻ cũ, nhưng được xây dựng trên nền một câu chuyện có thật. Hơn nữa, hình ảnh một người đàn ông phong trần, vạt áo thấm đẫm sương đêm, đêm nào cũng đến đứng trước thềm xe của một người phụ nữ nhưng chỉ đổi về sự hờ hững của giai nhân. Và cả hình ảnh con quỷ Komachi – hay người phụ nữ Komachi đã hóa quỷ điên cuồng múa dưới táng hoa anh đào, vừa múa vừa ca những bài ca hờn trách phận như bèo trôi, điêu linh một đời của mình. Hoa anh đào rơi lã chã, trút xuống từ tay áo, bay theo từng động tác.
“Ôi tình lang nhớ tình lang.”
Có những thứ mà chú thuật cũng không có cách nào hóa giải được, những thứ mà ngay cả một Âm Dương Sư bậc thầy như Abe no Seimei cũng phải bó tay. Đó chính là chấp niệm hay lòng người. Con quỷ say mê thơ vẫn cứ vất vưởng trên đời chỉ để đọc thơ. Tadimi hóa quỷ còn cố ngâm nga bài thơ thất bại của mình. Fukakusa vĩnh viễn ám theo Komachi. Còn Komachi không bao giờ siêu thoát được với nỗi ám ảnh hoài xuân của mình. Như chính Seimei thừa nhận, chàng không làm gì được, cũng không ai có thể cứu được họ. Những hình ảnh này hiện lên trong tưởng tượng của tôi rất đẹp. Mà cả những chấp niệm của từng ấy nhân vật cũng đủ khiến người ta đọc xong câu chuyện cũng thấy vương lại chút dư vị bồi hồi. Đọc xong mà tặc lưỡi, phải chi ai đó chuyển thể mấy thiên này thành phim.
Có lẽ nhiều hình ảnh rất có chất điện ảnh khiến Âm Dương Sư khá được ưa chuộng cho việc chuyển thể thành phim điện ảnh. Ban đầu tôi nghĩ thế, cho đến khi ngó qua hai phim điện ảnh được chuyển thể từ truyện Âm Dương Sư gần đây do Trung Quốc sản xuất với dàn diễn viên rất gì và này nọ. Hình-như nội dung cả hai phim này chẳng phải thiên truyện nào trong Âm Dương Sư. Thật không hiểu nổi các nhà làm phim Trung Quốc có vấn đề gì với truyện của Yumemakura Baku mà chuyển thể bộ nào là nát như tương bộ đó, hoàn toàn không thấy bóng dáng nguyên tác đâu. Mặc dù Yêu Miêu Truyện (chuyển thể từ Sa Môn Không Hải) có-vẻ giữ được gần như nguyên vẹn các tình tiết liên quan đến câu chuyện giữa Hoàng đế Huyền Tông và Dương Quý Phi nhưng lại gán ghép trật lất ý nghĩa của câu chuyện này với ý nghĩa của Mạn Đà La – được nhắc đến và diễn giải trong nguyên tác dưới dạng đối thoại giữa hai nhân vật Không Hải và Quất Dật Thế. Còn hai phiên bản chuyển thể Âm Dương Sư (Tinh Nhã Tập, Thị Thần Lệnh) thì hình như chẳng dính líu một xíu xiu nào đến nguyên tác. Họa hoằng chăng có thể tính Tinh Nhã Tập dính được hai chữ “họa xà”. Nhưng “họa xà” trong nguyên tác chỉ đơn giản là một con quỷ hình thành trong người “Bạch ni cô” – một người phụ nữ bất tử nhờ ăn thịt người cá. Mỗi ba mươi năm cần giết họa xà một lần để bạch ni cô không hóa quỷ. Chuyện về họa xà có thế thôi. Liên quan đến nhân vật Bạch ni cô, tôi ấn tượng hơn ở lần xuất hiện thứ hai của nhân vật này trong thiên “Bà đồng Đả Ngọa” với câu nói “Những kẻ trời sinh khác biệt không thể thích ứng với nhân gian cũng không thể tìm đến cái chết, đành làm gì đó để giết thời gian. […] Nhờ một phương diện nào đó mà khác biệt, hoặc nhờ phương diện nào đó mà ưu tú hơn người, cả hai khả năng đều dẫn đến cô đơn tịch mịch.”
Nếu có gì khiến tôi không hài lòng lắm với Âm Dương Sư thì đó chính là kiểu đối đáp giữa Abe no Seimei và Minamono no Hiromasa rập khuôn cách đối đáp giữa Không Hải và Quất Dật Thế. Nếu ai chỉ đọc một trong hai bộ truyện này thì sẽ không thấy có vấn đề, còn nếu đọc cả hai thì dễ có cảm giác tác giả hơi bị thiếu sáng tạo trong cách truyền đạt. Tiếp đến chính là những lời giới thiệu về Abe no Seimei và Minamoto no Hiromasa dường như cứ lặp lại từ chương này qua chương khác. Chẳng hạn như Abe no Seimei có nước da trắng, đôi môi phớt hồng và bao giờ cũng mặc áo săn trắng tinh, còn Minamoto no Hiromasa là một võ quan thường mặc áo tay dơi, bao giờ đến chỗ Seimei y cũng đi một mình. Hay khu vườn nhà Seimei thì trông giống như vườn hoang không được ai chăm bón nhưng lại cứ như sinh trưởng theo ý chí của Seimei. Cứ qua mỗi vài chục trang (tức 1 chương) thì y như rằng những lời này sẽ lặp lại ở đầu chương mới. Đọc qua hai ba chương liên tiếp như vậy sẽ thấy rất nhàm. Thực ra khi đọc đến lời bạt trong tập 2 thì sẽ hiểu ra rằng mỗi truyện ngắn này ban đầu được đăng lẻ trên tạp chí, về sau mới tập hợp lại rồi xuất bản thành cuốn. Do đó việc tác giả lặp đi lặp lại những miêu tả này là có thể hiểu được. Nếu đọc lẻ từng chương và mỗi chương cách nhau một khoảng thời gian không ngắn thì độc giả hầu như sẽ quên bẵng hình tượng nhân vật mất. Nhưng khi đóng thành tập mà đọc thế này thì chán, đành phải nói là chán thôi.
P/s: Ba bộ phim điện ảnh Yêu Miêu Truyện, Tinh Nhã Tập, Thị Thần Lệnh tôi đều chưa xem qua, chỉ xem clip tóm tắt nội dung phim (Yêu Miêu Truyện) và bài tóm tắt nội dung chính (Tinh Nhã Tập, Thị Thần Lệnh). [Mà xem tóm tắt thôi cũng đủ thấy nó cách xa nguyên tác một vạn tám nghìn dặm rồi]. Những gì liên quan đến ba bộ phim này được viết trong bài đều dựa trên phiên bản tóm tắt tình tiết chính, do đó có thể bỏ sót vài chi tiết (có thể sát nguyên tác hoặc nát nguyên tác), kiến nghị bạn nào muốn kiểm chứng thì nên xem phim.
***