Trần Hữu Kham (dịch)
Một ông già vốn chẳng ai ưa bị phát hiện đã chết thảm trong phòng riêng. Cửa khóa kín và đồ đạc quý giá đã mất.
Truyện này có bản dịch khác của Hồng Phúc là Chết Trong Đêm Noel
Tỉ phú Simeon Lee bất ngờ mời gia đình đến nhà tụ họp mừng Giáng sinh khiến cho khách khứa không khỏi nghi ngờ. Simeon không mấy có tình cảm gia đình, và không phải mọi thành viên trong nhà đều có quan hệ tốt đẹp. Đã vậy, ông còn mời Harry, thành viên bị ghét bỏ trong gia đình, và đứa cháu gái sinh ở Tây Ban Nha, Pilar, chưa từng ai trong gia đình gặp gỡ. Simeon chủ ý bày trò chơi ác với cảm xúc của gia đình ông. Một khách không mời xuất hiện – Stephen Farr, con trai của đối tác cũ của Simeon Lee thời khai thác kim cương – khiến cho ngôi nhà đầy ắp ngờ vực khi trò chơi trở thành chết chóc.
***
Agatha Christie sinh năm 1890 tại Torquay, Anh. Cha bà tên là Frederick Miller, nên tên khai sinh của bà là Agatha Miller. Hồi còn nhỏ, Agatha không được tới trường mà chỉ được gia đình thuê gia sư về dạy dỗ tại nhà.
Là một đứa trẻ nhút nhát, khó có thể diễn tả chính xác ý kiến của mình, ban đầu bà tìm đến âm nhạc như một cách giải tỏa tâm sự và sau này là viết sách. Năm 1914, bà kết hôn với Archie Christie, một phi công chiến đấu. Trong khi đức lang quân bận rộn chiến đấu ngoài chiến trường thì bà làm y tá trong bệnh viện. Chính trong thời kỳ này, ý tưởng viết tiểu thuyết trinh thám đã nảy sinh trong tâm trí bà. Chỉ một năm sau bà đã hoàn thành cuốn tiểu thuyết đầu tay mang tên Những bí ẩn vùng Styles, nhưng phải tới 5 năm sau nó mới được xuất bản (1920).
Agatha Christie được mọi người tôn vinh là Nữ hoàng truyện trinh thám. Trong suốt cuộc đời mình, bà đã sáng tác 66 tiểu thuyết, rất nhiều truyện ngắn, kịch và hàng loạt tiểu thuyết tình cảm lãng mạn với bút danh là Mary Westmacott. Vở kịch Chiếc bẫy chuột của bà có lẽ là vở kịch trinh thám hay nhất thế giới. Một số tác phẩm của bà đã được chuyển thể thành phim, nổi bật là bộ phim Murder on the Orient Express (Án mạng trên chuyến tàu tốc hành phương Đông) đã đoạt giải thưởng Hàn lâm năm 1974. Tác phẩm của bà được dịch ra hơn 100 thứ tiếng.
Trong suốt cuộc đời mình, nữ nhà văn Agatha Christie luôn căm ghét bạo lực và máu. Bà thường thú nhận rằng không biết gì về những công cụ giết người thông thường. Thậm chí bà cũng chưa từng một lần tiếp xúc với một kẻ giết người.
***
Stephen kéo cao cổ áo khoác nhanh nhẹn bước trên sân ga. Bên trên sương mù lờ mờ che phủ. Mấy đầu máy to lớn kêu xì xì thật oai vệ, phun hơi nước vào trong bầu không khí rét căm căm. Mọi thứ đều dơ bẩn và bám đầy khói bụi.
Với cảm giác ghê tởm anh nghĩ bụng:
“Xứ sở gì mà bẩn thỉu - thành phố gì mà nhầy nhụa!” Đã phai đi mất rồi cái phản ứng phấn khích ban đầu với London khi thấy những cửa hiệu, nhà hàng, những phụ nữ hấp dẫn ăn mặc đẹp đẽ. Giờ đây anh thấy nó như một viên kim cương giả sáng lấp lánh nạm cáu bẩn.
Hay là bây giờ trở về Nam Phi… Anh cảm thấy lòng đau nhói nỗi nhớ nhà. Ánh nắng - bầu trời trong xanh - những khu vườn - những bông hoa xanh lơ tươi mát - những hàng rào hoa đuôi công - hoa bìm bìm xanh đeo bám mọi túp nhà nhỏ xíu lụp xụp tồi tàn.
Còn ở đây - bùn đất, cáu ghét, và những đám đông bất tận không ngừng di chuyển - vội vàng, hối hả, chen lấn. Đàn kiến siêng năng cần mẫn chạy lăng xăng khắp tổ kiến. Trong phút chốc anh nghĩ: ‘Ước gì mình đừng đến…’ Rồi nhớ lại mục đích của mình, môi anh mím lại thành một đường dữ tợn. Không, sống chết thế nào cũng phải tiếp tục làm việc ấy! Đã trù tính nhiều năm rồi. vẫn luôn có ý định làm - cái việc anh sẽ làm. Phải, anh sẽ tiếp tục làm việc ấy!
Thốt nhiên miễn cưỡng, đột nhiên tự vấn bản thân: ‘Vì sao thế? Có đáng làm như thế hay không? Sao cứ đay lại mãi quá khứ chứ? Sao không gạt phăng hết cho rồi?’ - Chẳng qua chỉ là mềm yếu mà thôi. Anh đâu phải thằng nhóc - để cho ý thích bất chợt nảy sinh xoay đi lối này hướng khác. Anh là một người đàn ông bốn mươi tuổi, kiên quyết, có chủ đích. Anh sẽ tiếp tục làm việc ấy. Thừa biết mình đến Anh để làm cái gì mà.
Anh lên tàu, đi qua hành lang tìm một chỗ ngồi, vẫy tay ra hiệu cho một phu khuân vác tránh sang một bên, anh ta xách cái vali bằng da chưa thuộc ngó vào hết toa này rồi toa khác. Tàu hỏa đã đầy khách. Chỉ còn ba ngày nữa là tới Giáng sinh rồi. Stephen Farr nhìn những toa tàu đông đúc một cách ghê tởm.
Những người là người! Vô số người, liên miên! Và tất cả đều quá - quá - phải dùng từ gì đây - chán ngắt. Quá giống nhau, giống phát sợ! Kẻ nào không có bản mặt giống con cừu thì giống hệt thỏ, anh nghĩ bụng. Một số tán gẫu ầm ĩ. Một số là những tay đàn ông quá tuổi trung niên làu bàu, như lợn kêu thì đúng hơn. Ngay cả các cô gái, dáng người thon thả, khuôn mặt trái xoan và đôi môi đỏ thắm, cũng y hệt như nhau đến phát chán.
Chợt anh khao khát nghĩ tới thảo nguyên rộng mở, phơi dưới ánh mặt trời và cô liêu…
Rồi, bất chợt, anh nín thở khi ngó vào một toa tàu. Cô gái này khác hẳn. Mái tóc đen tuyền, làn da nhợt nhạt vì thoa nhiều kem - đôi mắt sẫm màu đêm đen sâu thẳm. Đôi mắt buồn kiêu hãnh của phương nam… Chẳng xứng hợp chút nào khi cô gái ấy phải ngồi trên toa tàu này, giữa những người trông thật buồn tẻ chán chường này - chẳng xứng hợp chút nào khi cô phải đi vào miền trung du ảm đạm nước Anh. Đáng lẽ cô phải ở trên một ban công, bông hồng ngậm giữa đôi môi, một tấm khăn ren màu đen phủ lên mái tóc kiêu hãnh, và lẽ ra phải có bụi bặm, cái nóng bức và mùi máu - mùi của trường đấu bò - trong không trung… Cô nên ở nơi nào đó thật lộng lẫy huy hoàng chứ không phải chen mình trong góc toa tàu hạng ba.
Vốn có cặp mắt tinh đời, anh không quên lưu ý đến cái áo khoác nhỏ bé và cái váy ngắn đã sờn rách, đôi găng tay bằng loại vải rẻ tiền, đôi giày mỏng mảnh và cái túi xách màu lửa đỏ có vẻ như đang thách thức. Tuy vậy nét lộng lẫy huy hoàng là phẩm chất mà anh gắn liền với cô. Cô thật lộng lẫy, tuyệt vời, và đẹp lạ lùng…
Cô gái ấy đang làm cái quái quỷ gì ở xứ sở sương mù giá buốt của những đàn kiến siêng năng cần mẫn, vội vàng hấp tấp này vậy?
Anh nghĩ, ‘Mình phải tìm hiểu xem cô ấy là ai và đang làm gì ờ đây… Mình phải tìm hiểu…’
Mời các bạn đón đọc
Án Mạng Đêm Giáng Sinh của tác giả
Agatha Christie.