Kim Các tự là tiểu thuyết kinh điển của Mishima Yukio, tác phẩm mới được phát hành tiếng Việt qua bản dịch của Nguyễn Văn Thực. Một buổi trò chuyện quanh tác phẩm với chủ đề "Ẩn ức về cái đẹp trong tiểu thuyết Kim Các tự" diễn ra chiều 2/7 tại TP.HCM.
Tại buổi tọa đàm, độc giả có dịp lắng nghe và hiểu thêm về cuộc đời và sự nghiệp của Mishima Yukio - một tài năng của văn học Nhật Bản. Theo chia sẻ của nhà văn Huỳnh Trọng Khang, các tác phẩm của Mishima Yukio là tinh hoa của văn học Nhật Bản mang sắc thái độc đáo.
Nhà nghiên cứu Nhật Chiêu (bên trái) và nhà văn Huỳnh Trọng Khang (bên phải) tại buổi tọa đàm. Ảnh: Phương Văn. |
Tác phẩm Kim Các tự có bản tiếng Việt lần đầu từ năm 1970, sau đó được tái bản lần lượt qua các năm 1990, 2002 và 2004 với tên gọi Ngôi đền vàng.
Tác phẩm dựa trên một sự kiện có thật vào ngày 2/7/1950, tòa Kim Các tự - di sản của Kyoto chìm trong biển lửa dưới bàn tay phóng hỏa của một tiểu tăng tại chùa. Mishima đã cất công thu thập tài liệu và bằng tài năng của mình thể hiện quan niệm duy mỹ cực đoan rằng cái đẹp không nằm trong vật chất mà nằm trong suy nghĩ, cái đẹp ở ảo mộng thì tuyệt mỹ hơn ngoài đời và cuối cùng, cái đẹp cần phải đi tới chỗ tự hủy hoại.
Tiểu thuyết kể về thiếu niên tên Mizoguchi, có tật nói lắp và luôn tự ti về khuyết tật cũng như diện mạo của mình. Từ nhỏ, cậu đã được cha kể về Kim Các tự, say mê Kim Các tự qua từng trang sách vở. Về sau khi trở thành tăng sinh vào tu tập tại Kim Các tự, cậu vì quá mê đắm và muốn giữ mãi hình ảnh đẹp đẽ trong lòng mình nên đã đốt ngôi chùa.
Xuyên suốt tác phẩm là nỗi bất mãn kể từ giây phút cậu hay tin ngôi chùa có thể bị hủy hoại trong làn bom đạn, Mizoguchi muốn kéo mọi vẻ đẹp về gần với sự hủy diệt để giải thoát những ẩn ức mặc cảm của cậu.
Theo chia sẻ của nhà nghiên cứu Nhật Chiêu, các tác phẩm của Mishima giàu mỹ cảm, tinh tế và đầy ám ảnh. Cái đẹp trong văn chương ông thường được gắn với sự hủy diệt, cái đẹp lại chìm trong bóng tối nhưng chính điều đó làm nên tên tuổi của nhà văn.
“Văn chương cần được hiểu bằng những ẩn ý sau hàng chữ, hành động đốt Kim Các tự của chú tiểu không phải là hành động đốt để hủy hoại đơn thuần mà chính là phá đi hình tướng của Kim Các tự để cái đẹp không bám víu vào hình tướng ấy. Kim Các tự đã từ không đến với cậu và cũng từ đó trở về không. Như hình ảnh cánh chim phượng hoàng trong tiểu thuyết hồi sinh từ trong lửa để sống một đời trọn vẹn", nhà nghiên cứu Nhật Chiêu nói.
Nhà nghiên cứu Nhật Chiêu liên tưởng đến Cửu Trùng đài của Vũ Như Tô, ông chia sẻ: "Đừng để bất cứ thứ gì trở thành chân lý hàng đầu. Cả hai đều yêu cái đẹp nhưng bị cái bóng khống chế đời mình".
Bằng bút pháp sắc sảo và sự am hiểm đến tường tận từng góc khuất u tối trong tâm lý của con người, Mishima Yukio đã gửi đến độc giả một kiến giải duy mỹ về cái đẹp cùng những ẩn ức của con người khi cái đẹp chìm khuất trong bóng tối và sự yếu thế của con người trước cái đẹp. Họ cố vùng vẫy, thoát ra khỏi những phức cảm mà họ luôn ám ảnh.
Cái đẹp không nằm trong hình tướng hay vẻ bề ngoài mà nằm trong tâm trí. Vẻ đẹp tuyệt mỹ trong trí tưởng tượng gấp bội lần đời thực. Làm sao để giữ mãi vẻ đẹp ấy? Phải thiêu đốt cái đẹp ngay chính lúc rực rỡ nhất như những cánh đào rơi mùa hạ.
Chính quan điểm cái đẹp cần phải đi tới chỗ tự hủy hoại lặp đi lặp lại trong các tác phẩm của Mishima Yukio làm say đắm biết bao thế hệ độc giả hơn nửa thế kỷ qua. Quan điểm này thể hiện một cách mãnh liệt trong kiệt tác Kim Các tự mà mỗi độc giả khi lật từng trang sách phải tự đi tìm câu trả lời cho riêng mình về nỗi ám ảnh của cái đẹp không hình tướng.
Trao đổi với Zing, nhà văn Huỳnh Trọng Khang cho biết dù đã được học và đọc đi đọc lại nhiều lần tiểu thuyết Kim Các tự của Mishima Yukio, qua những lời chia sẻ của thầy Nhật Chiêu, anh nhận được nhiều kiến thức mới và bổ sung vào những quan điểm của riêng mình về cái đẹp trong văn học Nhật Bản.
***
Mishima Yukio (1925-1970) - một trong những cây đại thụ của văn học Nhật Bản. Ông để lại cho hậu thế vô số tiểu thuyết, kịch và truyện ngắn, nổi bật trong đó là Khao khát yêu đương (1950), Chết giữa mùa hè (1952), Tiếng triều dâng (1954), Kim Các tự (1956)...
Những sáng tác của ông thường gắn cái đẹp với lối suy nghĩ “muốn lưu giữ vẻ đẹp mãi mãi chỉ có cách hủy hoại vẻ đẹp ấy đương lúc huy hoàng nhất".
Tác phẩm nổi tiếng của Mishima. Ảnh: Hiểu Yên. |
Kim Các tự được viết dựa trên một sự kiện có thật xảy ra vào năm 1950, cả nước Nhật chấn động trước tin ngôi chùa hơn 500 năm ở Kyoto bị một tiểu tăng thiêu rụi. Trong tiểu thuyết của Mishima, kẻ đốt phá tên là Mizoguchi, một chàng trai nói lắp, có khuôn mặt xấu xí, sống khép kín, xa lánh thế giới xung quanh.
Ngay từ khi còn nhỏ, Mizoguchi đã được người cha là trụ trì truyền dạy rằng Kim Các tự là vẻ đẹp quyến rũ nhất trần gian. Nét đẹp diễm lệ ấy như ám thị vào tâm trí Mizoguchi, nhắc nhở cậu Kim Các tự là hiện thân của vẻ đẹp không gì sánh bằng.
Cũng giống bao nhân vật trong tiểu thuyết của Mishima, Mizoguchi bị dày vò bởi những lý tưởng không thể chạm tay với. Ngày ngày chàng trai bỏ mặc công việc tu tập, chỉ chuyên tâm vào ngắm nghía ngôi chùa. Kim Các tự đã trở thành tiêu chuẩn để cậu quy chiếu về cái đẹp.
Nhưng hiện thân của cái đẹp xung quanh Mizoguchi đều không có kết cục tốt lành. Minh chứng đầu tiên là cô y tá Uiko, một cô gái đẹp đến mức Mizoguchi phải trốn sau lùm cây canh lúc cô gái đi qua.
Giống Kochan trong Lời tự thú của chiếc mặt nạ, Mizoguchi chẳng giỏi ăn nói, thành ra nhận lại chỉ là sự khinh khi từ cô gái trẻ. Nhục nhã, cậu ôm lòng hận rồi nguyền cho Uiko chết đi. Khi cô y tá bị bắt quả tang gian díu với một quân nhân đào ngũ, Mizoguchi đã rất hả hê, đúng như những gì cậu mong muốn. Cảnh tượng thi thể của Uiko và người tình, đặc biệt là gương mặt “chối bỏ thế giới” đã khắc sâu vào trong trí nhớ của Mizoguchi.
Người thứ hai liên quan đến Mizoguchi là cậu bạn Tsurukawa, một thầy tu khá giả. Cậu ta đến chùa chỉ để tu tập trong thời gian ngắn rồi sẽ về thừa kế ngôi chùa của cha cậu. Tsurukawa là một chàng trai ưa nhìn, nói năng lưu loát, như một tấm gương phản chiếu những gì mà Mizoguchi khao khát. Cái đẹp, cái khao khát ấy cũng không thể kéo dài, đúng như những gì Mizoguchi ám ảnh. Cái đẹp không thể tồn tại mãi mãi, cái đẹp cần phải giải thể. Kim Các tự cũng không nằm ngoài quy luật chung ấy.
Tác phẩm kinh điển của Mishima. Ảnh: Nhã Nam. |
Tại sao cái đẹp cần phải đi tới chỗ tự hủy hoại? Quan niệm duy mĩ cực đoan này từ lâu đã lặp đi lặp lại trong các tác phẩm của Mishima.
Cái chết lúc thì bạo liệt, dữ dội như của chàng quân nhân Shinji trong Ưu quốc, lúc lại “nhẹ như cánh hoa anh đào” trong Chết giữa mùa hè, khi “cả nhà giờ đã quen với cái chết và cũng như những ai đã quen với một tật xấu, họ bắt đầu cảm thấy mình không còn phải e dè gì đối với cuộc sống nữa".
Cái chết chính là một sự giải thoát và giác ngộ. Sinh thời, Mishima từng chụp bức hình mô tả thánh Sebastian bị tên bắn chết và sau này, chính ông cũng chọn cách mổ bụng tự sát, như một cách lưu giữ hình ảnh đẹp nhất của mình ở nhân gian.
Mizoguchi có thực sự si mê Kim Các tự không? Chắc chắn là có. Cậu ta từ bé đến lớn đều say đắm ngôi chùa vàng, đến nỗi sau này, lúc gần gũi với phụ nữ, hình ảnh Kim Các tự cũng hiện lên ám ảnh.
Mizoguchi càng đem lòng si mê ngôi chùa vàng thì suy tư về việc đốt phá như hạt giống của cái ác, gieo mầm trưởng thành mạnh mẽ. Ý định đốt chùa được nung nấu khi những cuộc tấn công nhắm vào Nhật Bản diễn ra thường xuyên hơn. Khác với Herostratos hy vọng đốt đền thờ thần Artemis để lưu danh muôn thuở, Mizoguchi phóng hỏa đốt Kim Các tự, chính là một cách bảo vệ báu vật của đời mình - một nàng thơ trong trắng không thể bị vấy bẩn bởi ngoại lai.
Cái đẹp không nằm trong vật chất mà nằm trong suy nghĩ, cái đẹp ở ảo mộng thì tuyệt mĩ hơn ngoài đời. Những suy nghĩ đó cùng yếu tố khách quan khiến Mizoguchi phải phá hủy tín ngưỡng mà cậu ta thờ phụng bao lâu nay. Trong đêm tối, Kim Các tự hiện ra lung linh, với vẻ hoàn hảo chưa từng có và vẻ đẹp ấy từ nay sẽ chẳng còn ai có thể diện kiến. Mizoguchi ngắm nhìn cái đẹp thật thỏa thuê rồi châm lửa đốt chùa, dùng chính thân thể cậu giấu đi cái đẹp. Kim Các tự sẽ trường tồn trong tâm hồn của kẻ tôn thờ.
Câu chuyện bi ai của một chàng trai khiếm khuyết đưa ra chiều sâu triết học và thiền định theo nhiều cách khác nhau, ở bất cứ góc độ nào độc giả cũng sẽ tìm thấy câu trả lời cho mình. Gắn cái đẹp với hình ảnh những bông hoa ác, Mishima chọn con đường đi khác biệt so với người thầy Yasunari Kawabata của mình khiến nhiều người tranh luận nhưng không ai có thể phủ nhận tầm ảnh hưởng của ông đối với văn chương thế giới.