Tóm tắt & Review (Đánh Giá) kịch bản Ba Chị Em của tác giả Anton Chekhov & Nhị Ca (dịch).
Ba chị em (tiếng Nga: Три сестры) là một vở kịch của nhà văn Anton Chekhov, ra đời năm 1900.
Năm 1900, theo yêu cầu của ban lãnh đạo Nhà hát Nghệ thuật Moskva, Anton Chekhov bắt tay vào sáng tác vở kịch có nhan đề Ba chị em. Ngày 31 tháng 1 năm 1901, vở kịch được công diễn lần đầu tiên. Các nhân vật chính của tác phẩm được cho là lấy nguyên mẫu từ Ottilia, Margaret và Evelyn Zimmerman.
***
Tủ sách Kiệt tác Sân khấu thế giới ra mắt bạn đọc là công sức của nhiều thế hệ Sân khấu nối tiếp sưu tầm, nghiên cứu, dịch thuật và giới thiệu với bạn đọc Việt Nam suốt hơn nửa thế kỷ qua, có ảnh hưởng lớn không chỉ về Sân khấu mà có tầm ảnh hưởng đến phát triển văn học nghệ thuật Việt Nam nói chung. Tất nhiên tiếp nhận và giao lưu văn hoá nghệ thuật không diễn ra một chiều mà tác động qua lại.
Bắt đầu từ các tác phẩm cổ đại Hy Lạp, Trung Quốc, Ấn Độ với các tên tuổi hàng đầu về bi kịch và hài kịch như : Exkhin, Ơripít, Xôphốc, Vương Thừa Phủ, Kaliđáx... bộ sách trải rộng qua nhiều thời kỳ rực rỡ của Sân khấu thế giới như thời đại Phục Hưng, Lãng mạn và Hiện đại... giới thiệu những kiệt tác chói sáng có sức sống xuyên qua nhiều thế kỷ của những nhà viết kịch kiệt xuất như Sếchxpia, Sinlơ, Môlie, Coócnây, J.Gớt, Gôgôn, Ípxen, Muyxê, Ghenman, B.Brếch, Sêkhốp, Bếckét, Raxin, Jăng Anui, Camuy, Tào Ngu... Nhiều tác phẩm ra đời từ hàng ngàn năm trước nhưng tư tưởng và nghệ thuật vẫn đồng hành với bạn đọc và khán giả hôm nay.
Tác phẩm của ba tác giả Sân khấu Việt Nam: Đào Tấn, Nguyễn Huy Tưởng, Nguyễn Đình Thi có mặt trong Tủ sách Kiệt tác Sân khấu thế giới đã đáp ứng đòi hỏi của đông đảo bạn đọc.
Nhà xuất bản Sân khấu cảm ơn Hội đồng tuyển chọn gồm các nhà Sân khấu học tiêu biểu và Công ty Minh Thành: Bộ Chỉ huy Quân sự TP Hồ Chí Minh đã giúp đỡ tận tình, trách nhiệm cao để Tủ sách kiệt tác kịp thời ra mắt bạn đọc trọn vẹn 100 cuốn trong năm 2006, chào mừng những sự kiện trọng đại của đất nước.
Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc
***
"Sê Khốp là một nhà viết truyện ngắn nổi tiếng của nước Nga vào cuối thế kỷ XIX. Đồng thời, ông cũng là một nhà viết kịch kỳ diệu...
...Kịch Sê Khốp ra đời là một hiện tượng lớn trong sinh hoạt kịch trường Nga. Nó đánh dấu một giai đoạn tiến triển mới, đảo lộn tất cả các quy tắc kịch đương thời. Nó tước bỏ mọi công thức quen thuộc, gò bó, những tình tiết éo le, hồi hộp và đưa khán giả vào giữa cuộc sống bình thường cùng cảm nghĩ với người trên sân khấu. Ta không thể xem thường mà phải sống kịch Sê Khốp.
Ở đây, kịch tính hấp dẫn không nằm trong sự xung đột giữa tính cách nhân vật khác nhau, cũng không nằm trong sự diễn biến của các sự việc xảy đến với nhân vật - vì những sự việc đó nhiều khi không có gì là quan trọng - mà chính ở cái quan điểm của nhân vật đối với những sự việc xảy ra, nó bộc lộ phần sâu kín nhất của tâm hồn con người. Cho nên, trong một bức thư gửi cho Sê Khốp, Maxim Gorki đã viết: "Chẳng hạn người ta nói là "Cậu Vania và Chim hải âu" trình bày một loại nghệ thuật sân khấu mới, trong đó chủ nghĩa hiện thực đã được nâng lên tới mức là một thứ tượng trưng tinh túy, có suy nghĩ sâu sắc…Những vở kịch khác thì không dẫn dắt người ta đi từ những thực tế lên những khái quát hóa triết học - còn như các vở kịch của anh thì đã làm được như vậy".
...Với cái vốn sống phong phú và sự quan sát tinh tế về đời sống bên trong, với tài nghệ siêu việt và cái nhìn vô cùng nhân đạo, ông đã phản ánh cả một thời đại vào tác phẩm của mình. Trong đó, riêng về kịch, ta phải kể đến vở Ba chị em.
Olga, cô chị cả ế chồng, mệt mỏi vì công việc dạy học vô vị của mình, chín chắn và nhẫn nhục, lòng đau khổ như xé mà đành khoanh tay bất lực nhìn cuộc đời của cả mấy anh chị em tan vỡ như một cái bong bóng xà phòng. Cô hai Masa đẹp đẽ, khôn ngoan, hăng say, cương quyết, nhưng bất mãn vì người chồng và những bạn bè tầm thường, dung tục. Cô hoang mang bế tắc như con ruồi đập đầu vào cửa kính, và cũng chỉ biết phá vỡ cái khuôn khổ tù túng của cuộc sống bằng cách ngoại tình với trung tá Versinin; đó là một lối thoát phù phiếm, tạm bợ, chẳng khác gì ném một hòn sỏi xuống mặt ao tù đóng váng, sỏi vừa chìm thì mặt nước cũng trở lại im lìm. Cô út Irina, tràn đầy nhựa thanh niên và mơ mộng tin yêu, khao khát tìm hiểu ý nghĩa cuộc sống, hương vị hạnh phúc, nhưng năm tháng qua đi, cỗ vẫn chỉ là "một chiếc dương cầm quý giá, khóa kín lại, mà người ta đã đánh mất chìa khóa rồi".
Cả ba chị em đều có một ước vọng duy nhất: dọn nhà đi đến Moskva. Nhưng không bao giờ họ thực hiện được cái điều mong muốn đó. Không phải vì họ không có phương tiện di chuyển, cũng không phải vì có trở ngại gì giữ họ lại. Họ không có gan và chưa có dịp đi tới. Vả lại đi để làm gì kia chứ? Đối với họ, Moskva là cái bóng xa xôi và hư ảo của hạnh phúc. Và người ta không thể mua một cái vé rồi lên tàu đi tới hạnh phúc được. Thay đổi chỗ ở chưa phải là thay đổi cuộc đời. Đó là những phần tử trí thức, tinh tế và nhạy cảm, nhưng dù họ có cố vùng vẫy ngoi lên khỏi cảnh sống sa lầy, cuối cùng họ vẫn không sao thoát khỏi bàn tay của định mệnh, của cuộc sống tiểu tư sản lầy lũa. Tương lai sẽ giải thoát cho họ mọi đau khổ và trong khi chờ đợi, hãy làm việc, làm việc. Họ đẹp cả ngay trong cái đau khổ, mất mát và họ đáng thương ngay cả trong những hoài bão tin yêu. Nhà văn nhân đạo Sê Khốp đã trân trọng và yêu mến các nhân vật của mình bao nhiêu!
Để tô điểm thêm cho cái cuộc đời dung tục đó càng thêm tuyệt vọng là cặp vợ chồng Andrei - Natasa. Ông anh cả Andrei mà cả gia đình hy vọng trở nên một nhà khoa học, cuối cùng cũng chỉ biết ăn, ngủ, lấy vợ, đẻ con, giả ngây, giả điếc. Natasa thì kệch cỡm và lăng loàn, tham lam và ích kỷ, tàn nhẫn và dâm ô. Chị ta bước vào nhà của ba chị em, nghiễm nhiên chiếm đoạt lấy quyền làm chủ, gây sự với em chồng, bắt nạt chồng, hành hạ đầy tớ và ngang nhiên rước nhân tình vào nhà. Hai vợ chồng đó đã dắt díu nhau sa đọa và đầu độc cả cuộc sống của kẻ khác. Họ đúng là hiện thân của đầu óc thô bạo, độc đoán, ti tiện lối tiểu tư sản.
Xoay quanh các nhân vật trung tâm đó là Versinin, ông trung tá đầu hai thứ tóc mà vẫn đào hoa, thích cao đàm hùng biện hơn là bắt tay thực hiện những ước vọng tương lai của mình; là Xolioni, thô bỉ và tàn nhẫn như một hung tinh,vẫn tự ví mình với một nhà thơ lớn nhưng thực ra chỉ là một tên gây gổ sát nhân, không yêu được Irina thì giết chết hạnh phúc của người con gái ngây thơ đó; là Trebutikin, một ông thầy thuốc không bao giờ chữa bệnh, chỉ biết đọc báo, đánh bạc và uống rượu, mọt ruỗng cả thể xác lẫn tâm hồn, cứ đòi làm lại cuộc đời! Còn một chút gì là tốt lành thì cuối cùng cũng bị hủy diệt nốt: cái chết ai oán và vô lý của Tudanbich, một người xấu trai nhưng trung thực, chồng chưa cưới của Irina, làm cho tấn bi hài kịch càng thêm trọn vẹn. Ba chị em, giữa lúc đau khổ nhất, đã ôm lấy nhau, giữ vững lòng tin tưởng ở hạnh phúc mai sau, kêu gọi nhau cùng làm việc, hy vọng một cuộc đời mới nhất định sắp xảy ra. Tác giả đã nhìn thấy sự phát triển của lịch sử xã hội, và mấy năm sau đó, cuộc Cách mạng Nga năm 1905 đã biến những lời ước vọng của ba chị em thành một sức mạnh chiến đấu cho chân lý và hạnh phúc..."
Mời các bạn tải đọc sách Ba Chị Em của tác giả Anton Chekhov & Nhị Ca (dịch).
Mọi người cũng tìm kiếm