Bên Dòng Sông Hằng |
|
Tác giả | Shūsaku Endō |
Bộ sách | |
Thể loại | Lãng mạn |
Tình trạng | Hoàn Thành |
Định dạng | eBook mobi pdf epub azw3 |
Lượt xem | 4913 |
Từ khóa | eBook mobi pdf epub azw3 full Shūsaku Endō Du Ký Lãng Mạn Tiểu Thuyết Văn Học Nhật Bản Văn Học Phương Đông |
Nguồn | ebook©vctvegroup |
Khoai nướng nóng hổi đây... Khoai nướng nóng hổi đây...
Mỗi khi ông Isobe nhớ lại lúc người bác sĩ báo cho biết vợ ông mắc phải bệnh ung thư vô phương cứu chữa, tiếng rao hàng phía ngoài khung cửa sổ phòng xét nghiệm hôm đó lại văng vẳng trong tai như đang chế giễu nỗi kinh hoàng của ông.
Giọng rao buồn tẻ của một người đàn ông vô tâm.
Khoai nướng nóng hổi đây... Khoai nướng nóng hổi đây...
- Cái ung nó nằm... ở đây này. Nó đang nhảy qua chỗ này nữa. - Ngón tay người bác sĩ từ từ bò trên tấm hình chụp X-quang như theo nhịp của tiếng rao ngoài kia; vẫn giọng đều đều, ông giải thích:
- Tôi nghĩ khó có thể dùng phẫu thuật được nữa. Chúng tôi sẽ thử dùng thuốc kháng ung thư và tia xạ...
- Thế nhà tôi còn sống được bao lâu nữa, thưa bác sĩ...? ' Ông Isobe nghẹn ngào hỏi.
Người bác sĩ không nhìn vào ông:
- Khoảng ba tháng, nhiều nhất là bốn.
- Nhà tôi có phải đau đớn nhiều không?
- Chúng tôi có thể dùng moóc phin để làm giảm đau một phần nào đó.
Hai người yên lặng một lúc. Ông Isobe lại hỏi:
- Nhà tôi có nên dùng vắc-xin Maruyama, cả thuốc bắc nữa...?
- Được chứ! Ông cứ dùng bất cứ loại thuốc dân gian nào mà ông cho là có thể giúp cho bà nhà.
Cái kiểu người bác sĩ Tây y nhanh chóng tán thành đề nghị dùng thuốc bắc như thế, cho thấy bệnh tình của vợ ông thực sự vô phương cứu chữa.
Hai người lại rơi vào yên lặng. Ông Isobe không chịu đựng được nữa, đứng dậy. Người bác sĩ xoay người về phía tấm phim X-quang; chiếc ghế xoay kêu ken két khó chịu như báo cho ông biết về cái chết cận kề của vợ mình.
“Mình... đang mơ...” Ông Isobe nghĩ.
Trên đường đi ra thang máy, ông vẫn có cảm giác như không thực. Ông chẳng bao giờ nghĩ là vợ mình sẽ chết. Ông có cảm tưởng như đang xem một cuốn phim, thì đột nhiên người ta lại chiếu một phim khác lên màn ảnh.
Ông buồn bã nhìn bầu trời chiều đông xám lạnh, vẫn còn tiếng rao bán khoai nướng ngoài kia: “Khoai nướng nóng hổi đây...” Ông băn khoăn kiếm câu nói dối với vợ. Ông nghĩ với trực giác bén nhạy vốn có của người bệnh, chắc vợ ông sẽ biết ông đang toan tính gì. Ông ngồi sà xuống ghế cạnh thang máy. Có hai người y tá đi qua trước mặt ông chuyện trò vui vẻ. Tuy họ làm việc ở bệnh viện nhưng bệnh tật cũng như những bất hạnh xảy ra trong bệnh viện không làm mất đi vẻ mạnh khỏe, tươi trẻ của họ.
Ông hít một hơi thật sâu, nắm chặt núm cửa phòng bệnh. Vợ ông đang ngủ, một tay để trên ngực.
Ông ngồi lên chiếc ghế độc nhất trong phòng, và lại một lần nữa, nghiền ngẫm câu nói dối ông đã sắp sẵn trong đầu. Người vợ mở mắt buồn bã, nhìn chồng mình, bà mỉm cười yếu ớt:
- Mình đã nói chuyện với bác sĩ chưa?
- Rồi...
- Bác sĩ... đã nói gì với mình?
- Bác sĩ nói là mình sẽ phải nằm viện một thời gian nhưng sẽ không quá ba hoặc bốn tháng, rồi mình sẽ khỏe lại. Vì vậy mình chịu khó một chút.
Tự biết mình nói dối không xuôi, ông cảm thấy như mồ hôi đang rịn trên trán.
- Vậy à...
Người vợ nhìn thẳng vào cái trán đẫm mồ hôi của ông. Ông thấy phải coi chừng trực giác bén nhạy của người bệnh.
- Như vậy là mình phải khổ trong ba bốn tháng trời!
- Mình đừng có nói vậy! Có gì đâu mà khổ!
Vợ ông lại mỉm cười. Từ trước đến bây giờ bà mới nghe ông nói câu tình cảm như vậy. Nụ cười đặc thù của vợ ông. Hồi mới lấy nhau, khi ông trở về nhà sau những mệt mỏi vì các mối quan hệ trong công việc, mở cửa ra, bà luôn đứng đón ông với nụ cười bao dung, âu yếm. Cảm thấy mình lâu nay quả có thiếu quan tâm đến vợ, ông nói dối thêm một lần nữa:
- Khi được ra viện, mình cứ tạm thời tĩnh dưỡng một thời gian. Rồi tôi sẽ đưa mình đi suối nước nóng dưỡng sức.
- Không việc gì mà phải phí tiền như vậy vì em đâu.
“Không việc gì...” Câu nói nghe đượm vẻ cô đơn lẫn bi ai, giống với tiếng rao của người bán khoai ngoài kia một cách lạ lùng. Chẳng lẽ vợ ông đã mon men biết sự thật? Đột nhiên, bà như lẩm bẩm một mình:
- Lúc nãy em đã nhìn cái cây. - Vợ ông hướng mắt ra ngoài cửa sổ nhìn cây ngân hạnh lá cành sum suê như đang ôm ấp một thứ gì đó. - Cây đó sống được bao lâu rồi mình nhỉ?
- Dám cả hai trăm năm. Có lẽ nó là cây cổ thụ sống lâu nhất ở khu này.
- Cây cổ thụ đó đã nói đó mình. Rằng sinh mệnh không bao giờ biến mất.
Hồi vợ ông chưa bệnh, bà vẫn có thói quen nói chuyện với hoa cỏ như những cô gái xuân thì mỗi khi tưới các chậu hoa trước hành lang. “Hoa xinh đẹp kia ơi, nở cho tôi vài đóa!” “Cảm ơn hoa nhé!” Kiểu chuyện trò với hoa như thế, bà học theo người mẹ vốn yêu hoa của mình, và sau khi lấy chồng, bà vẫn giữ thói quen đó. Nhưng cái kiểu bà nói chuyện với cây cổ thụ lần này cho thấy