Bến Xe |
|
Tác giả | Thương Thái Vi |
Bộ sách | |
Thể loại | Sách Nói |
Tình trạng | Sách Nói |
Định dạng | Sách Nói |
Lượt xem | 3058 |
Từ khóa | Audiobook Sách Nói mp3 full Thương Thái Vi Ngôn tình Hiện đại Lãng mạn Văn học phương Đông |
Nguồn | |
Vượt xa những định kiến ban đầu của bản thân về truyện ngôn tình, tôi đã được Thương Thái Vi (nhà văn Trung Quốc), từ khai sáng đến khắc cốt ghi tâm những bài học về tình yêu thương, đức hy sinh cao thượng và lòng vị tha cho thứ mà người đời vẫn hay gọi là 'miệng lưỡi thế gian' thông qua tiểu thuyết ngôn tình mang tên "Bến xe".
Chấp nhận sự cô độc, buông tay ánh sáng của cuộc đời mình chỉ vì tương lai của người mình yêu, đếm trên đời này mấy ai có thể làm được? Thấy người đó bị sỉ nhục, bị bôi nhọ liền hy sinh chính bản thân chỉ để bảo vệ danh dự một đời cho người ấy, liệu còn tình yêu nào cao đẹp hơn thế! Đó là câu chuyện tình yêu đẹp đẽ nhưng bi thương mà tôi đã đọc được từ cuốn sách "Bến xe" của Thương Thái Vi.
Với giọng văn nhẹ nhàng và sâu lắng, "Bến xe" kể về câu chuyện tình yêu thuần khiết và trong sáng của cặp thầy trò Liễu Địch - Chương Ngọc.
Liễu Địch là cô học trò trung học tài năng và xinh đẹp, được bạn bè cùng trang lứa gắn cho cái mác thiên tài bởi khiếu thơ văn từ bé của mình. Trong khi đó, Chương Ngọc - người thầy mang trong mình sự khiếm khuyết về thị giác nhưng lại có tài năng thiên bẩm về thơ ca và hội họa, cũng chính là thầy giáo dạy ngữ văn của Liễu Địch.
Chẳng ai biết tự bao giờ mà thứ tình cảm thanh thuần được nuôi dưỡng từ lòng ngưỡng mộ người thầy tuấn tú xuất chúng của cô học trò nhỏ Liễu Địch biến thành tình yêu. Có thể chính cô cũng không biết nhưng tôi chắc chắn dù nó bắt đầu từ đâu, từ khi nào, nó chính là thứ tình cảm thuần túy và đẹp đẽ nhất, khi hai người cùng bù trừ, lặng lẽ bên cạnh giúp đỡ đối phương, để từ một trái tim vốn lạnh lùng, luôn tự cô lập bản thân như thầy Chương rốt cuộc cũng để cho sự trong sáng của mặt trời nhỏ Liễu Địch sưởi ấm.
Từ một người đang đứng trong ánh hào quang, dẫn đầu trong một ngôi trường danh tiếng, hội tụ đủ tài hoa bỗng nhiên mất tất cả mọi thứ, phải sống suốt đời trong bóng tối, mấy ai có thể chịu được cú sốc như vậy nhưng Chương Ngọc lại có thể, hay như Liễu Địch nói:" Thầy ấy thà làm một người thất bại oanh liệt, cũng không muốn làm kẻ hèn nhát nằm phủ phục dưới chân vận mệnh tỏ vẻ đáng thương. Thầy ấy là một dũng sỹ, là một người anh hùng, dù theo kiểu bi kịch đi chăng nữa."
Tôi thật sự thấm thía những điều ấy, cái tôn nghiêm của thầy Chương không cho phép nhận lấy cái nhìn thương hại của kẻ khác, con người ấy từng bước đứng lên từ trong bóng tối, thầy ấy vẫn đấu tranh dù biết không thể thắng đêm tối, chịu gièm pha về một người khiếm thị để cuối cùng đứng trên bục giảng truyền đạt những tinh hoa trong văn học mà mình đã cảm nhận. Người thầy ấy, kiên cường hơn bất cứ ai nhưng cũng cô độc hơn bất cứ ai trên đời!
Chương Ngọc tạo cho mình một vỏ bọc lạnh lùng, khó gần để vây chặt chính mình khỏi những ánh mắt săm soi, thương hại thậm chí là cười nhạo từ người đời và trên hết là nỗi sợ trở thành ký sinh trùng hay trở thành gánh nặng cho bất cứ ai.
Ấy vậy mà, chỉ có Liễu Địch thốt ra hai từ đau khổ khi nghe về cuộc đời anh và cũng chỉ có Liễu Địch khiến anh tình nguyện thoát khỏi vỏ bọc lạnh lẽo ấy, mở cửa trái tim để tìm được đón nhận tình yêu. Và câu chuyện tình nhẹ nhàng của Liễu Địch và Chương Ngọc cứ thế nở rộ như đóa hoa mỗi sớm mai, ngày qua ngày gặp nhau, chờ đợi nhau và chào tạm biệt nhau tại nơi bến xe quen thuộc.
Nhưng điều gì đến cũng đến. Thông báo trúng tuyển Bắc Đại, ước mơ của Liễu Địch cũng là tương lai từng dang dở của Chương Ngọc, có lẽ chính là vết dao chí mạng cho tình cảm hai người. Càng đến ngày Liễu Địch rời đi, cách hành văn của Thương Thái Vi càng khiến tôi xúc động và thương xót cho tình yêu của đôi uyên ương này.
Có lẽ cái ngày Liễu Địch đến nhà thầy Chương, người ấy đã rũ bỏ hình tượng một người thầy nghiêm cẩn thường ngày, chỉ còn lại một người đàn ông với tình yêu mãnh liệt dành cho người đã sưởi ấm trái tim mình, cùng với tất cả tâm tư kìm nén muốn dâng trào song lại khóa chặt mọi thứ vì tương lai của đối phương. Tôi thấy được sự đau khổ dằn vặt đó, muốn giữ chặt người kia nhưng không nỡ, Liễu Địch có lẽ cùng nhìn được, chỉ là chưa rõ ràng. Lúc ở bến xe, người ấy xin Liễu Địch cho phép mình được "ngắm" cô, câu nói của Chương Ngọc khiến tôi bật khóc: "Tôi thật sự hy vọng... lúc này... đôi mắt tôi có thể bừng sáng, cho dù chỉ một phút. Một phút thôi cũng được, tôi nguyện dùng cả sinh mạng mình để đánh đổi." Một nụ cười rực rỡ của thầy, nụ cười trong sáng như bầu trời thu lại rạng rỡ như mùa xuân đã in sâu vào sinh mệnh của Liễu Địch mãi mãi.
Việc Liễu Địch rời xa, đối với Chương Ngọc chẳng khác nào tra tấn nhưng với Liễu Địch, cô ấy còn trẻ còn rất nhiều điều chưa khám phá bị cuốn hút với nhiều thứ ở thế giới bên ngoài là điều hiển nhiên như một chú chim non được che chở giờ đã giang rộng được đôi cánh muốn tìm hiểu bầu trời. Cô ấy bị cuốn hút trước lời văn tràn đầy sức sống và quan điểm rõ rãng của 'Hải Thiên' tạm quên một người thầy cô đã khác sâu trong tâm trí rồi vô thức nhận ra thì ra từng hình ảnh đều khiến mình nghĩ đến người ấy, rất nhớ thầy. Quay đầu lại tất cả đều là Chương Ngọc, dù là một Chương Ngọc tài hoa xuất chúng, trẻ trung sáng chói hay một Chương Ngọc âm u, lạng lẽo trong nhân sinh của Liễu Địch cũng chỉ có người ấy. Nhưng tất cả mọi chuyện chẳng như ta mong đợi.
Đến đây tôi thật sự rất hiểu và tức giận cái gọi là miệng thế gian. Một tình cảm vốn dĩ trong sáng, tốt đẹp và cao thượng đến vậy nhưng lại trở thành chuyện đàm tiếu như một đôi tiện nam tiện nữ không phẩm giá, một người giả mù lòa dụ dỗ nữ sinh. Là người đọc, tôi cảm thấy vừa giận dữ vừa bất lực, vốn dĩ cuộc sống luôn có những người cố tình bóp méo sự thật dù nó có tốt đẹp đến đâu chỉ vì sự ích kỉ và ganh ghét của lòng người. Chính lời vô căn cứ đó lại cướp đi sinh mạng một người, Chương Ngọc chết vì tai nạn giao thông nhưng tôi, Liễu Địch và mọi người đều biết không phải như vậy.
Là một người dù rơi xuống tận cùng vực sâu đen tối nhưng vẫn chưa từng mở lời than trách số phận hay khóc lóc tại sao lại lựa chọn ra đi. Câu trả lời là tương lai của Liễu Địch nhưng tôi nghĩ cũng một phần là cái xã hội này.
Đầu tiên là đố kỵ trước tài hoa của Chương Ngọc sau là sự thương hại và âm thầm chế nhạo đôi mắt đã mù của anh, cuối cùng là bôi bác nhân phẩm của Chương Ngọc. Có lẽ, ở tuổi 28 trước những lời đó, thầy Chương vẫn sẽ đấu tranh và ngẩng cao đầu nhưng nó còn liên quan đến một Liễu Địch vừa vào đời với cả tương lai phái trước. Chính Chương Ngọc cũng thừa nhận rằng anh đang cố gắng để Liễu Địch đừng thích mình dù bản thân đã đắm chìm trong lưới tình không thể dứt ra. Anh không muốn vì sự khiếm khuyết của mình liên lụy đến cô khi biết rằng anh chẳng thể bảo vệ cô như những người đàn ông khác:"Cô ấy thuần khiết như chậu hoa nhài này. Nếu nhốt cô ấy ở trong bóng tối, liệu cô ấy có thể sinh trưởng và nở hoa?". Vậy nên lựa chọn tốt nhất, đó chính là ra đi.
Vẫn là hình ảnh bến xe nhưng cảnh còn người mất, bức thư cháy dở của Chương Ngọc đã viết: "Liễu Địch, thứ tôi có thể cho em trong cuộc đời này, chỉ là danh dự trong sạch và một tương lai tươi đẹp mà thôi. Thế nhưng, nếu có kiếp sau tôi có đôi mắt sáng, tôi sẽ ở bến xe này... đợi em." Tất cả yên bình dịu dàng với hình ảnh bến xe nay chỉ còn sự tĩnh lặng nhuốm màu tang thương khiến người đọc bật khóc.
Sau cùng chỉ còn Liễu Địch và tình yêu cao đẹp đầy bi ai của hai người tồn tại. Sự ra đi của thầy Chương mang đến sự hối hận của những người đã từng đặt điều về họ, khiến ai nấy đều phải rung động trước tình cảm đẹp đẽ của hai người nhưng thời gian cũng chẳng thể quay lại, nỗi đau có thể đã hết nhưng vết sẹo sẽ còn mãi chẳng lành. Liễu Địch lựa chọn tha thứ cho tất cả, như cách mà người thầy của cô đã làm, mang theo tình cảm mà sống tiếp: "Bây giờ con chính là thầy, thầy chính là con. Tác phẩm thầy chưa thực hiện, con sẽ viết thay thầy; con đường thầy chưa đi hết, con sẽ tiến bước thay thầy; huy hoàng thầy chưa kịp tạo, con sẽ tạo giúp thầy. Con sẽ vì thầy bước ra khỏi bóng tối, đi tới ánh sáng!"
Chưa bao giờ trái tim tôi lại thổn thức đến thế, "Bến xe" không đơn thuần là một cuốn tiếu thuyết ngôn tình về ý nghĩa cuộc sống hay những lời triết lí suông bởi nó bao gồm cả sự kiên cường, tình yêu cao thượng giữa người với người cùng nhau chiến đấu lại những định kiến xấu và cổ hủ của xã hội.
Kết chuyện Liễu Địch có câu thế này:" Cảm ơn ông trời đã cho con một tình yêu lâu bền nhất, cao thượng nhất, sâu sắc nhất trên cõi đời này. Bao nhiêu người sống trên cõi đời này có được tình yêu như vậy?" Có lẽ không phải tôi cũng không phải bạn, nhưng chúng ta biết rằng đâu đó trên thế giới này vẫn người như vậy, chấp nhận hy sinh vì cuộc đời người kia. Chương Ngọc ra đi nhưng nơi bến xe vẫn luôn có Liễu Địch chờ đó, dù kiếp này, kiếp sau, mãi mãi...
Tác phẩm gây được tiếng vang lớn trong lòng độc giả, kể cả những ai từng có định kiến không tốt về truyện ngôn tình - thứ truyện "mị dân" vào đầu người những thứ tình yêu bay bổng, phù phiếm và không có thật. Kết thúc tác phẩm là nốt nhạc trầm buồn gây sự tiếc nuối lớn trong lòng độc giả nhưng nếu cảm nhận được sâu xa hơn, đó là bài học đáng suy ngẫm về tình yêu và cuộc đời.
Hai tâm hồn, hai tính cách đã tìm thấy nhau ở những thanh âm đồng điệu. Hình ảnh "Bến xe" xuyên suốt tác phẩm là ẩn dụ về điểm dừng trong cuộc đời mỗi người, ở đó họ nhìn lại những điều đã qua, nuối tiếc có, đau khổ có nhưng hơn tất cả là sự lạc quan và tích cực hướng về tương lai tốt đẹp phía trước.
"Cậu không thể chết, trừ khi, tình yêu của cậu đáng đổi bằng sinh mệnh. Nếu chết, cậu cũng nên chết cho người xứng đáng giành được tình yêu của cậu. "
Đời người cũng giống như bộ phim dài tập, có những nỗi buồn đau tuyệt vọng, có những lúc vui cười rạng rỡ nhưng mấy ai hiểu được rằng đằng sau đó là cả một bầu trời tâm tư chất chứa không thể nào kể siết. Đáng tiếc rằng, bộ phim nào cũng có lúc phải đi đến hồi kết, có những con người tàn ác thì sẽ bị trừng trị còn những người tốt sẽ được hạnh phúc trọn vẹn. Nhưng buồn thay, đời thực lại cho ta một cái tát thật đau khi không mấy ai có được cái kết viên mãn như trong phim ảnh mà chúng ta thường hay thấy, những con người ác độc vô tâm lại được sống nhỡn nhơ ngoài kia, còn người ngay thẳng trung thực lại phải gánh chịu những nỗi uất ức không mấy ai thấu, vì định kiến xã hội, vì lời nói sắc nhọn của những kẻ vô đạo đức ngoài kia mà khiến một người trước giờ luôn sống trong lương thiện nay lại phải tự tử để kết thúc một cuộc đời chỉ vì để bảo vệ danh dự cho người bên cạnh cũng vì để giải thoát cho chính bản thân mình.
Hai con người như hai thế giới khác nhau, hai sinh mạng và hai đường thẳng song song không thể nào giao nhau, dẫu biết tình cảm thầy trò là những thứ tình cảm phi lí, những cảm xúc nhất thời mà tuổi học trò nảy sinh, nhưng đối với hai nhân vật chính Liễu Địch và Chương Ngọc trong truyện Bến xe, là thứ tình cảm trong sáng, thật lòng không mưu mô toan tính. Là thứ tình cảm mà một người nguyện hy sinh để bảo toàn danh dự cho người con gái mình yêu, bởi xã hội quá khắc nghiệt hay do lòng người nguội lạnh, vô tâm mà khiến tình yêu của họ bị vùi dập, chôn vùi bằng những lời nói cay độc, thậm chí là mỉa mai họ. Thử nghĩ xem ''một lưỡi dao cùn cũng có thể giết chết một con người chứ nói gì đến những lời sắc nhọn.''
ĐÔI NÉT VỀ TÁC GIẢ
Thương Thái Vi một nữ tác giả viết truyện trên mạng nổi tiếng tại Trung Quốc. Cô được biết đến là một “nhà văn một tác phẩm”. Tức là tác giả chỉ có một tác phẩm nhưng lại vô cùng nổi tiếng. Đó là cuốn sách ngôn tình Bến Xe.
Cô là một người khá kín tiếng và rất ít công khai chuyện đời tư của mình. Vì thế những điều mà độc giả biết về nữ tác giả này không nhiều. Dù là tác giả không có nhiều tác phẩm nhưng cô vẫn nhận được sự yêu thích lòng nhiệt từ phía độc giả. Kể cả khi cuốn sách Bến Xe đã được xuất bản từ lâu thì tác phẩm này vẫn chiếm một chỗ đứng quan trọng trong lòng độc giả. Một số tác phẩm tiêu biểu của cô là: Bến xe, Cây bồ đề, Chớp mắt, Trăng sáng trên biển,...
VỀ TÁC PHẨM
Bến xe là tác phẩm khác với tất cả những cuốn tôi từng đọc trước đó. Nhắc đến câu chuyện này, tôi chỉ có thể nhận xét bằng hai từ: chấn động và ám ảnh. Câu chuyện về một người thầy, người đàn ông mang tên Chương Ngọc và một cô học trò mang tên Liễu Địch.
Chúng ta không lựa chọn được chúng ta sẽ sinh ra ở đâu, sinh ra như thế nào, sinh ra trong hoàn cảnh nào, vì vậy nhiều người vốn phải chấp nhận hình hài bản thân được ban cho, lẫn ưu điểm và khiếm khuyết. Người thầy giáo dạy Văn khiếm thị Chương Ngọc chính là một ví dụ, cho việc không hoàn hảo về thể xác, nhưng ý chí vượt trội, nghị lực đáng nể, thầy thách thức số mệnh và đối mặt với chúng, sợ hãi sự tàn nhẫn bất công chỉ làm ta yếu đuối thêm mà thôi.
Phi thường hơn nữa, chính là vì một đám cháy lớn mà toàn bộ tài sản và đôi mắt của anh bị mất đi...
Một con người vốn tài hoa như vậy đột nhiên phải sống trong một cảm giác tăm tối, sống trong bóng đêm dày đặc, nhưng anh không hề bỏ cuộc dù rằng anh dần dần mặc cảm và cao ngạo hơn vì không muốn nhận lấy sự thương hại của bạn bè đồng nghiệp. Nhưng sự tận tụy của anh trong công việc đã khiến anh kiêu hãnh hơn rất nhiều và anh dần thoát ra khỏi bóng đêm của tâm hồn khi gặp được cô học trò Liễu Địch với tâm hồn trong sáng, hồn nhiên, sự nhân hậu và lòng yêu văn chương. Chính anh đã nối tiếp ước mơ cho cô bé, hướng cô tới lý tưởng sống cao đẹp Cảm động trước những bài học của thầy, Liễu Địch kiên quyết muốn giúp đỡ thầy giáo trong cuộc sống. Cô tình nguyện làm trợ lý cho thầy ở trường, đưa thầy từ trường ra bến xe, chấm bài giúp thầy. Nhờ Liễu Địch, Chương Ngọc đã tìm lại ánh sáng cho tâm hồn mình từ khi anh mất đi đôi mắt.
Mối tình trò – thầy không thắng nổi rào cản dư luận
Có lẽ anh là người không quá đỗi hoàn hảo như những nam chính trong truyện ngôn tình, hay những tổng tài có thân hình cao lớn, điển trai, nhưng anh là người hoàn hảo về mặt nhân cách, tâm hồn trong sáng thánh thiện đã làm xao động trái tim của thiếu nữ cấp 3. Cô rung động không phải vì anh có một gương mặt đẹp mà vì một tâm hồn quá đỗi mạnh mẽ, một trái tim nhân hậu và một bộ óc thiên tài, tuy anh có khuyết thiếu trên người nhưng không vì vậy mà cô xa lánh hay ghét bỏ như những người xung quanh từng đối xử với anh. Cô vẫn luôn dõi theo người thầy của mình từ phía sau dù biết thầy là một người có tính cách kiên định, không muốn nhờ sự thương hại của người khác để giúp đỡ, sau khoảng thời gian hai người tiếp xúc với nhau qua những lần Liễu Địch chấm bài hộ thầy cũng kiêm luôn vị trí trợ lý cho người thầy dạy Văn của mình, dần dần họ cũng có những cảm xúc đặc biệt dành cho đối phương nhưng không một ai trong họ có thể hiểu được đó là loại cảm xúc gì, là những rung động giữa thầy và trò vì ngưỡng mộ sự tài giỏi của đối phương hay là một loại tình cảm đặc biệt nào đó, họ chọn cách im lặng và dấu những suy nghĩ ngổn ngang trong lòng mình, không ai bật mí cũng không ai thổ lộ ra những cảm xúc và suy nghĩ trong lòng, cứ thế mà chôn vùi.
Lâu dần, Liễu Địch trở thành người duy nhất thầy Chương tín nhiệm ở trường. Thầy chỉ nhận sự giúp đỡ của một mình Liễu Địch. Phàm là những việc ngoài khả năng, thầy sẽ không bảo cô làm. Thầy không phản đối, cũng không kiêng dè người khác đặt tên Liễu Địch bên cạnh tên thầy. Thậm chí, cô trở thành cầu nối duy nhất giữa thầy và thế giới bên ngoài. Người khác muốn tìm thầy cũng phải thông qua cô. Mỗi ngày khi chuông báo tan học vang lên, cô nhanh chóng dọn sách vở chạy đến văn phòng của thầy Chương chỉ để dắt tay thầy đến trạm xe buýt vì cô không yên tâm để thầy đi một mình.
"Liễu Địch, em đang giúp tôi đánh bại bóng tối đúng không? Nhưng bóng tối của người mù quá nặng nề, em có thể giúp được bao nhiêu? Em có thể giúp được bao lâu? "
Họ cứ thế cùng nhau vượt qua những ngày dài đằng đẵng phía trước, những cơn sóng đang dào dạt dần cuốn lấy hai người, họ bỏ qua những lời đồn dị nghị, những lời nói khó nghe của những bạn học hay những người xung quanh mà dũng cảm tiến lại gần nhau hơn. Không có câu nào thốt lên là yêu nhưng những hành động của thầy đã đủ dung hòa hai trái tim vốn đã cùng chung một nhịp, Liễu Địch như ngôi sao trên bầu trời, dù có hàng ngàn hàng vạn ngôi sao nhưng chỉ riêng cô là khác biệt, mọi ánh sáng của cô đều hướng về người thầy mang trên người khuyết thiếu về đôi mắt mà lấy đó làm ngọn đèn soi sáng cả cuộc đời thầy.
Bến xe chính là nơi mà mỗi chiều cô đưa thầy Chương trở về nhà. Đó chính là nơi gắn bó với những kỉ niệm đẹp đẽ nhất của Liễu Địch và thầy Chương. Những buổi chiều hôm ấy có không thể nào quên được. Vào ngày thi đại học của mình cô đã viết một bài văn về các bến xe ấy, về con người đó. Bài văn ấy khiến Liễu Địch trở thành thủ khoa của trường Bắc Đại, ngôi trường mà thầy Chương hi vọng cô đỗ vào. Vì ngày xưa chính thầy cũng đã học ngôi trường ấy. Thế nhưng khi cô lên đại học thì cũng là lúc cô không còn được gặp lại thầy Chương nữa rồi. Hai người đi hai ngả sẽ chẳng bao giờ còn chung một con đường nữa. Có lẽ khoảng cách giữa hai người không phải là không gian địa lý cũng không phải là thời gian mà đó chính là định kiến xã hội.
Lần cuối Liễu Địch đến nhà thầy Chương, cũng là lần đầu tiên thầy để tình cảm phủ mờ lý trí. Lúc này, thầy không còn là thầy Chương, mà đơn thuần là người đàn ông tên Chương Ngọc, đang khao khát tình yêu, đang buông thả để mặc cho tiếng lòng mình chạm đến trái tim của Liễu Địch, vang vọng trong không gian nhỏ bé của hai người. Lời thổ lộ ấy thốt ra đứt quãng, khiến người đọc nghẹt thở và rơi nước mắt: “Liễu Địch!!” “Em…em có thể cho tôi “ngắm” em được không?”
Và ngày chia tay ở bến xe, là lần duy nhất và cũng là lần sau cuối trong đời thầy đủ dũng cảm để đối diện với khao khát yêu và được yêu của bản thân. Thầy cầu xin một lần được “ngắm nhìn” gương mặt Liễu Địch qua đôi bàn tay để khắc ghi hình ảnh cô trong tâm trí. Và bằng thứ tình yêu mãnh liệt, bất chấp hậu quả, thầy dang tay ôm lấy người con gái mà mình yêu thương, chỉ để một lần được cảm nhận sự luyến lưu, ấm áp giữa những người yêu nhau.
“Tôi thật sự hi vọng…lúc này… đôi mắt tôi có thể bừng sáng, cho dù chỉ một phút. Một phút thôi cũng được, tôi nguyện dùng cả sinh mạng của mình để đánh đổi.”
Mặt trời đã xuống núi, ánh hoàng hôn ở đường chân trời từ màu đỏ dần trở thành màu tím. Màn đêm sắp buông xuống, bong tối từ bốn phương tám hướng bủa vây. Bóng tối, đó là kẻ địch vĩnh viễn của thầy Chương. Bóng tối của người mù quá nặng nề. Hôm nay, Liễu Địch mới biết thế nào gọi là "nặng nề", vậy mà thầy Chương đã trải qua sự "nặng nề" đó suốt năm năm. Cô từng ngây thơ mộng tưởng sẽ giúp thầy Chương chiến thắng bóng tôi. Liệu có thể chiến thắng hay không? Hay chưa kịp "chiến đấu", cô đã bị kéo vào bóng tối vô cùng vô tận. Nhưng cô hoàn toàn tự nguyện. Mất đi danh sự, mất đi tiền đồ, cô cũng chẳng màng, cô chỉ cần kề vai sát cánh cùng thầy Chương. Nhưng số phận không cho cô, dù chỉ là một cơ hộ nhỏ nhoi.
Hỏi thế gian tình là gì mà khiến con người ta phải đi đến bước đường cùng như thế này? Vì định kiến xã hội, vì những lời nói cay độc của cái xã hội đầy cạm bẫy này mà khiến cho một người có nhân cách cao cả, một người trân quý cái mạng sống nhỏ nhoi như thầy Chương lại phải đối mặt với tuyệt vọng đến chết. Người ta thường ghen ghét cái tài, khinh nhờn cái đẹp, đề cao những giá trị vật chất, bó mình trong định kiến để rồi chà đạp lên những điều cao thượng, dập tắt đi tình yêu. Số phận và định kiến xã hội, những lời bàn tán, gièm pha khi nói về mối quan hệ của họ. “Vì cô, vì danh dự và sự trong sạch của cô, vì không để người khác nắm được điểm yếu, thầy Chương đã phải cố gắng đè nén tình cảm phức tạp cuộn trào trong lòng thầy. Khi Liễu Địch bày tỏ tình cảm với thầy, cô không hề hay biết, trái tim thầy đau đớn nhường nào, chua xót đến mức nào, bởi vì thầy không thể thổ lộ một câu với người thầy yêu thương”. Chính điều đó đã khiến cho thầy Chương chọn cái chết để giải thoát cho mình, cho Liễu Địch.
"Danh dự là gì? Nói trắng ra, danh dự chính là cách nhìn của người khác về bạn. Bạn có danh dự hay không, không phải vấn đề bản thân bạn có trong sạch hay không, mà là vấn đề người khác có thừa nhận bạn hay không? Vì vậy từ xưa đến nay, rất nhiều người dùng cái chết để chứng minh sự trong sạch và bảo vệ danh dự của bản thân..."
Sau khi thầy Chương qua đời, mọi người không chỉ tin thầy trong sạch, mà cũng tin Liễu Địch trong sạch. Quan hệ giữa cô và thầy vốn trong sạch, nhưng số phận lại dùng phương thức này để chứng minh sự trong sạch của bọn họ. Cô có thể nói số phận đã cho cô cơ cơ hội hay không? Thầy Chương đã mất đi sinh mạng, còn cần sự trong sạch để làm gì? Có tác dụng không? Không có tác dụng thật sao? Là ai cho cô sự trong sạch này? Là số mệnh à?
Liễu Địch run rẩy mở phong thư. Bức thư đã cháy mất nửa, chỉ còn lại đoạn cuối cùng. Liễu Địch đưa mắt nhìn, không sai, đây là chữ của Hải Thiên, là chữ của thầy Chương! Mặc dù nét chữ hơi cứng nhưng Liễu Địch vẫn nhận ra.
Sau đó, Liễu Địch đọc đến nội dung, Trên bức thư chỉ có hai câu, nhưng mỗi từ của hai câu đó tựa như trái bom nổ tung bên tai cô, chấn động đến mỗi tế bào trên người cô, mỗi sợi dây thần kinh của cô:
"Liễu Địch, thứ tôi có thể cho em trong cuộc đời này, chỉ là danh dự trong sạch và một tương lai tươi đẹp mà thôi. Thế nhưng, nếu có kiếp sau tối có đôi mắt sáng, tôi sẽ ở bến xe này... đợi em."
Nhưng trên đời này làm gì có kiếp sau, những người thường nhắc đến kiếp sau vốn dĩ họ đã bất lực đến tột cùng nên chỉ đành an ủi nói rằng kiếp sau sẽ gặp lại. Một lần đến nhân gian là không hề dễ dàng gì rồi chứ nói gì đến sống và tồn tại cơ chứ....
Đứng trước biển, nước mắt chảy dài trên gương mặt trắng ngần của Liễu Địch, từng giọt lệ rơi xuống hộp tro cốt lạnh lẽo trên tay cô. Bên tai Liễu Địch phảng phất lại vang lên giọng nói trầm ấm của thầy Chương: "Biển là kiên cường nhất. Nó có thể bao dung mọi khổ đau và bất hạnh của con người."
"Thầy Chương! Liễu Địch lẩm bẩm: Chẳng phải thầy luôn muốn nhìn thấy biển hay sao? Hôm nay, em đưa thầy đến đây, đến với biển..."
Liễu Địch run rẩy mở hộp tro cốt, chậm rãi rải tro cốt trắng tinh xuống biển. Khi tro cốt bay ra biển cả, vô số cánh hoa nhài màu trắng từ tay giáo sư Tô cũng lặng lẽ rơi xuống nước. Sóng đánh vào bờ đá, dâng lên cao rồi lại trút xuống, như giang rộng vòng tay đón người con đi xa trở về, đón linh hồn tinh khiết cao cả.... Cô nhẹ nhàng đọc một câu thơ của Maxim Gorky: "Nét đẹp chung quy vẫn là nét đẹp, bất kể lúc nó úa tàn. Tình yêu của chúng ta chung quy vẫn là tình yêu, ngay cả khi chúng ta chết đi."
"Trong hiện thực cuộc sống, con người không dễ thông cảm cho người sống, mà dễ thông cảm cho người chết. Con người thường nhớ tới khuyết điểm của người sống. Một khi người đó chết đi, con người sẽ dễ nhớ đến ưu điểm của họ."
LỜI KẾT
Vận mệnh mỗi con người chính là đều tuân theo quy luật: sinh, lão, bệnh, tử. Trong khoảng thời gian đó, chúng ta gặp biết bao nhiêu người, lại đi qua biết bao nhiều người, và con tim chúng ta lại đỗ bến ở một người. Nếu vận mệnh đã công bằng, cho ai đó cùng có một vòng lặp như nhau thì sao số phận lại bất công, nhẫn tâm với nhiều con người như vậy? Và Bến Xe chính là một tác phẩm khiến người đọc cảm thấy bất công, tàn nhẫn đến vô hạn, một nỗi đau giằng xé trong những con chữ, ngay từ chương đầu, và thấu hiểu một điều bi ai trong nhân sinh, sự khiếm khuyết của họ chính là nỗi đau, là vết thương mãi không bao giờ khép miệng, vì họ luôn mang trên mình khiếm khuyết đó...cho đến hết đời.
Tóm tắt: Thu Thúy - Bookademy