Sau khi ra mắt (từ tháng 1/2008), “The Shakespeare Secret” (Bí mật Shakespeare) hay còn có tên khác là “Interred with Their Bones” - tiểu thuyết đầu tay của Jennifer Lee Carrell đã lọt vào top 5 cuốn sách bán chạy nhất. Tác phẩm tạo thành một hiện tượng mới của làng xuất bản Mỹ với mức độ thành công tương đương với “Mật mã Da Vinci” của Dan Brown.
The Shakespeare Secret (Bí mật Shakespeare) là một tiểu thuyết ly kỳ liên quan đến một vở kịch bị mất của Shakespeare, vở kịch The History of Cardenio. Vào một ngày tháng 6 năm 2004, tại nhà hát Globe được xây dựng lại ở London, Rosalind Howard, giáo sư lập dị, khoa trương của trường ĐH Harvard chuyên nghiên cứu về Shakespeare, đã đưa cho cô bạn mình là Katharine Stanley - đạo diễn người Mỹ đang dựng vở kịch Hamlet ở nhà hát Globe - một hộp nhỏ gói giấy vàng.
Tối hôm đó, vụ hỏa hoạn đã phá hủy nhà hát Globe, và Rosalind được phát hiện bị đầu độc chết y như cách người ta đã giết chết cha của Hamlet. Món quà bí ẩn của Rosalind, chứa đựng chiếc ghim đồ tang thời nữ hoàng Victoria được trang trí những bông hoa liên quan đến Ophelia, đã đẩy Katharine vào một cuộc điều tra nguy hiểm, đưa cô đến Utah; Arizona; Washington, D.C.; và quay trở lại London. Mỗi bước điều tra, khi các thi thể chồng chất, Katharine đều thoát chết khi sắp trở thành nạn nhân tiếp theo của vụ giết người.
Từ những tài liệu của Shakespeare cho đến những hầm mỏ hoang tàn, từ hiện tại đến quá khứ, tiểu thuyết tâm lý hành động của tác giả Jennifer Lee Carrell chứa đựng nhiều bất ngờ, hồi hộp và thú vị. Sức hút của tác phẩm được thể hiện rất rõ qua viện Bản quyền tác phẩm đã bán cho 20 quốc gia trên toàn thế giới.
***
Một ngày tháng Sáu năm 2004, tại nhà hát Globe được xây dụng lại ở London, Rosalind Howard, giáo sư lập dị chuyên nghiên cứu về Shakespeare, đã đưa cho Katharine Staley - đạo diễn người Mỹ một hộp nhỏ màu vàng. Tối hôm đó, vụ hỏa hoạn đáng ngờ đã phá hủy nhà hát Globe, và Rosalind được phát hiện bị đầu độc chết y như cách người ta giết chết cha của Hamlet. Món quà bí ẩn của Rosalind chứa đựng chiếc ghim đồ tang thời Nữ hoàng Victoria đã đẩy Katharine vào một cuộc điều tra nguy hiểm, đưa cô đến Utah Anzona… Mỗi bước điều tra, khi các thi thể chồng chất, Katharine đều thoát chết một cách bất ngờ khi sắp trở thành nạn nhân tiếp theo…
“Những điều xấu xa người ta làm vẫn sống sau họ, trong khi những điều tốt đẹp thường bị chôn sâu cùng nắm xương tàn của họ.”
Bí mật Shakespeare đã tạo ra một hiện tượng mới trong làng xuất bản Mỹ, với mức độ thành công tương đương với Mật mã Da Vince của Dan Brown.
***
LỜI TÁC GIẢ:
Một buổi tối mùa thu khi tôi mới bắt đầu vào đại học, trong lúc đang lục lọi tìm kiếm giữa những cuốn sách cũ trong căn phòng phía sau thư viện Child, góc riêng tư của khoa Anh văn nằm ở một góc tầng trên cùng thư viện Widener của trường Harvard, tôi bắt gặp bộ sách bốn tập: Sân khấu thời Elzabeth của E. K. Chambers, xuất bản năm 1923. Tôi lần lượt giở qua từng tập. Những tập sách này đầy ắp thông tin, phần lớn chúng tôi không biết có thể sử dụng làm gì, chẳng hạn như ghi chú rằng “rất nhiều diễn viên thời Elizabeth cũng là nghệ sĩ nhào lộn, và hiển nhiên có thể đi trên dây”. Tuy vậy, ở cuối tập ba, tôi tìm thấy vài trang nói về những vở kịch của Shakespeare, gồm cả một mục ngắn có tên “Những vở kịch đã thất lạc.”
Tôi biết phần lớn những vở kich được viết bằng tiếng Anh thời Phục hưng đã không tồn tại được đến ngày nay, và vì thế tôi nghĩ - một cách mơ hồ - rằng một số tác phẩm Shakespeare sáng tác chắc chắn cũng đã thất lạc. Điều làm tôi ngạc nhiên là Chambers biết được một vài điều về những tác phẩm đã mất. Đập vào mắt tôi, bằng giấy trắng mực đen, là hai cái tên, và trong trường hợp của vở kịch Cardenio còn có cả nội dung sơ lược.
Tôi bắt đầu tự hỏi sẽ ra sao nếu tìm được một trong những vở kịch này. Ở nơi nào người ta có thể khám phá ra một thứ như vậy? Và khoảnh khắc của sự khám phá sẽ như thế nào? Và liệu một khám phá như thế sẽ ảnh hưởng thế nào đến cuộc đời của một người - ngoài việc hiển nhiên người đó sẽ lập tức trở nên giàu có và nổi tiếng?
Nhưng địa điểm thích hợp nhất để tìm kiếm những vở kịch thất lạc của Shakespeare là các thư viện ở châu Âu và những ngôi nhà cổ. Nhưng tất nhiên, nếu một vở kịch nằm ở nơi dễ đoán như vậy, thì nó đã được tìm ra từ lâu. Theo cách chủ quan của những kẻ nằm mơ ban ngày, tôi bắt đầu suy nghĩ xem ở nơi nào ngoài nước Anh, và cụ thể hơn, ở một số địa điểm tôi có thể thực sự tìm thấy nó, chẳng hạn New England (hay ít nhất nơi nào đó ở hành lang Đông Bắc giữa Boston và Washington D. C. ) hay vùng sa mạc phía tây nam. Thỉnh thoảng, tôi đi xa đến mức tìm kiềm những chiếc hộp đựng những cuốn sách sờn cũ trong cửa hiệu bán đồ cổ nằm trong những ngôi nhà thô kệch sau nhưng con đường mà tôi tình cờ đi qua trong lúc lang thang ở New England. Nhưng chẳng có ai lại để, cho dù một khổ thơ của Shakespeare chứ đừng nói tới cả tập bản thảo, nằm yên tại đó.
Ở đâu đó trên bước đường tìm kiếm, tôi tự thừa nhận với mình rằng sẽ chẳng bao giờ tôi thực sự tìm thấy một trong các vở kịch thất lạc của Shakespeare - và rằng có thể sẽ thú vị hơn khi biến nó thành một câu chuyện, vì như thế tôi có thể kiểm soát những gì xảy ra, và xảy ra với ai. Và sau đó tôi nghĩ - tại sao không bám lấy bí mật khác thậm chí còn lớn hơn về Shakespeare? Ông là ai?
Tôi đã mất hơn một thập kỉ chỉ để bắt đầu, nhưng Bí mật Shakespeare hay Chôn sâu cùng nắm xương tàn của họ là kết quả.
Đoạn văn trong tập sách của Chambers khởi đầu cho toàn bộ câu chuyện này, với vài chỉnh sửa nhỏ, chính là đoạn văn mà Kate đã đọc trong truyện. Những địa điểm liên quan tới Shakespeare xuất hiện trong cuốn tiểu thuyết đều là những địa danh có thật, mặc dù tôi đã tự cho phép mình hư cấu đôi chút ở một vài chỗ cho phù hợp với mạch chuyện. Những giả thiết về danh tính thực của Shakespeare cũng đều có thật - ít nhất với tư cách là những giả thiết. Cuối cùng, rất nhiều nhân vật lịch sử được hư cấu từ các sự kiện có thật. Tất cả các nhân vật hiện đại đều là hư cấu.
Một mục ghi chú trong cuốn Đăng kí Stationers (một dạng bản quyền sơ khai ở nước Anh) xác nhận Shakespeare là đồng tác giả của vở kịch Cardenio cùng với John Fletcher, người kế tục ông trong vai trò nhà soạn kịch chính cho đoàn kịch của nhà vua (và cũng là đồng tác giả với ông trong nhiều vở kịch khác). Tôi chọn “tìm ra” Cardenio vì trong hai vở kịch đã thất lạc mà chúng ta biết nhan đề, đây là vở kịch chúng ta biết được nhiều chi tiết về nội dung hơn, và cũng bởi vì nguồn gốc của vở kịch này, từ cuốn tiểu thuyết Don Quixote của Miguel de Cervantes, cho nó một mối liên hệ mơ hồ với vùng thuộc địa Tây Ban Nha ở châu Mỹ, và do đó liên quan tới vùng tây nam nước Mỹ - một vùng đất tôi yêu mến, và là nơi tôi muốn các nhân vật của mình chơi trò đi tìm kho báu với vở kịch của Shakespeare.
Vở kịch thất lạc còn lại - những nổ lực vì tình yêu được đền đáp - đã biến mất hoàn toàn, nhưng Cardenio đã xuất hiện trở lại dưới dạng bản thảo vào thế kỉ mười tám, khi Lewis Theobald “hiện đại hóa” nó trên sân khấu London. Bản thảo gốc, mà phần lớn học giả chấp nhận coi là xác thực, đã thất lạc, nhưng một bản rút gọn với cái tên Hai sự dối trá [sic] đã tồn tại tới ngày nay. Nhìn chung, bản phóng tác này thực sự kinh khủng đúng như Kate nói: đầy những lỗ hổng, chằng chịt những chỗ vá víu vụng về như khuôn mặt của Frankeinstein. Tuy vậy, rải rác trong bản thảo này có những câu có vẻ như đúng là do Shakespeare hay Fletcher - ở mức độ từng câu riêng lẻ, khó mà phân biệt giữa sự phụ hay đồ đệ, cũng giống như việc phân biệt giữa tranh của Rembrandt với tranh có xuất xứ từ “xưởng họa của Rembrandt” ở mức độ nhát cọ. Hai sự dối trá là nguồn gốc của những từ mà Kate cũng như những người khác đã nhận định là của Shakespeare trong cuốn tiểu thuyết này.
Ngoại lệ duy nhất là câu chỉ đạo diễn xuất và dòng thoại về Sancho và Don Quixote: tôi phải mang gánh nặng trách nhiệm về những câu này vì trong bản rút gọn tôi đang nói đến không còn chút dấu vết nào của nhà quý tộc già điên rồ cùng anh hầu thực dụng của ông. Tuy vậy, giống như Kate, tôi muốn nghĩ rằng Shakespeare hẳn sẽ nhìn ra hai người này là không thể thiếu cho sự trào phúng và dẫn dắt mạch chuyện, và do đó chắc đã đưa họ vào dưới một dạng dẫn chuyện nào đó.
Tôi đã đọc một giả thiết học thuật, do Richard Wilson đưa ra trong cuốn Shakespeare bí mật (Đại học Manchester xuất bản năm 2004) , cho rằng Cardenio có thể có mối liên hệ nào đso với gia đình Howard và cái chết của hoàng tử Henry. Gia đình Howard ủng hộ Tây Ban Nha và là những tín đồ Thiên chúa giáo bí mật, và nổi tiếng đố kỵ, nhất là bá tước Northampton và cháu ông ta, bá tước Suffolk (Để cho đơn giản, tôi sử dụng tước vị này để nói về hai người đó trong cuốn tiểu thuyết, mặc dù cả hai chỉ được phong bá tước sau khi vua James lên ngôi). Đúng là có những lời đồn đại về mối quan hệ tình ái giữa Frances Howard và hoàng tử, và theo những lời đồn “sự kiện chiếc găng tay” đã thực sự xảy ra (mặc dù tên của quý bà vẫn được giữ kín) ; câu chuyện khủng khiếp về việc Frances đầu độc một trong những tình nhân của chồng bằng những chiếc bánh tẩm thuốc độc đã được ghi lại rất chi tiết trong các tài liệu tư pháp, và bà ta đã thực sự bị phán quyết là có tội trước tòa. Tuy nhiên, chi tiết về những rắc rối của gia đình Howard và Shakespeare và nhà hát Quả cầu hoàn toàn do tôi tưởng tượng ra.
Trong khi cách đơn giản nhất nói rằng William Shakespeare người Stratford đã viết những vở kịch mang tên ông, vẫn có rất nhiều ý kiến phản biện, từ thú vị gây tò mò tới thô thiển kỳ quặc, cho rằng có thể không phải như vậy. Tuy nhiên, vấn đề chính mà mọi giả thiết về “một người khác” đều không tránh khỏi, đó là tất cả đều đòi hỏi một sự đồng thuận im lặng: Nếu có một ai khác đã viết những vở kịch, thì chưa từng ai tiết lộ bí mật này. Trong một môi trường đầy rẫy những chuyện ngồi lê đôi mách, nói xấu sau lưng, những lời châm chọc đến mức chuyên nghiệp như tại triều đình của Elizabeth và James, đây là một thiếu sót không nhỏ.
Nhiều hiệp hội của những người “chống lại giả thiết người Stratford (anti-Stratfordian)” hiện vẫn tồn tại - từ những tổ chức học thuật cho tới những nhóm theo lý thuyết âm mưu mang tính sùng bái. Rất nhiều người hâm mộ giải mã nhưng thông điệp được mã hóa mà theo họ tiết lộ danh tính của rất nhiều rác giá khác như là tác giả thực thụ, người đã ẩn danh một cách có chủ ý, của những tác phẩm được xuất bản dưới cái tên của “William Shakespeare”. Hai cái tên thay thế mà số người ủng hộ nhiều nhất - và cũng đáng tôn trọng nhất - là bá tước Oxford và Francis Bacon. Các ứng viên sáng giá khác gồm Christopher Marlowe; Edmund Spence; Philip Sidney và em gái ông Mary Herber, nữ bá tước Pembroke; Nữ hoàng Elizabeth; Walter Raleigh; bá trước Southampton, Derby, và Rutland, và một hội đồng bí mật gồm tất cả những người kể trên, được cho là do Bacon, hay Oxford, hoặc cả hai, chủ tọa. Còn điên rồ đến mức khó lý giải hơn là những người ủng hộ cho Henry Howard, bá tước Sussex (bị chặt đầu bốn mươi tư năm trước buổi công diễn đầu tiên một vở kịch của Shakespeare) và Daniel Defoe (ra đời bảy mươi năm sau buổi công diễn đầu tiên vừa nhắc tới ở trên). Một bổ sung mới nhất cho danh sách thu hút được sự chú ý nghiêm túc là vị triều thần khiêm tốn Henry Neville.
Edward de Vere, bá tước Oxford đời thứ bảy, hiện là nhân vật được những người anti-Stratfordian ưa thích nhất. Những đoạn đảo chữ và ám chỉ về Oxford tromg cuốn sách này trên thực tế đều đã được đưa ra làm bằng chứng để chứng minh rằng bá tước là người viết các vở kịch. Như Athenaide đã chỉ ra, họ của ông ta - Vere - có liên quan tới từ Latinh verum, hay “sự thật” , theo một truyền thống lâu đời, và câu phương châm của gia đình ông ta - Vero nihil verius, tức “Không có gì đúng hơn sự thật” cũng tham dự vào mối liên hệ này. Đó là cách làm của những người ủng hộ ông ta ngoài đời thực: tìm kiếm những quan hệ “nghi ngờ” hay “có ý ngĩa” tới sự thật về Shakespeare. Từ “ever” là một bằng chứng thuyết phục khác. Người đầu tiên ủng hộ Oxford (hay Oxfordian) một cách nghiêm túc là J. Thomas Looney (đọc là “Loney” ), cuốn sánh Nhận diện “Shakespeare” của ông được xuất bản năn 1920 đã thuyết phục được nhiều người, trong đó có Sigmund Freud.
Tuy vậy, Francis Bacon mới là tác giả thay thế được nhắc tới sớm hơn cả; những lập luận nghiêm túc nghiêng về ông đã được Delia Bacon và một vài người khác đưa ra từ những năm 1850. Những người ủng hộ Bacon (hay các Baconian) đã nghiên cứu kỹ lưỡng những tác phẩm của Shakespeare và các tác pharm thời Phục hưng khác với một sư hăng say mãnh liệt, khám phá ra vô số đoạn đảo chữ, ẩn ngữ theo chữ cái đầu, mật mã số và từ đồng nghĩa (thường là về “hog” (lơn thịt) và “bacon” (thịt muối) mà theo họ đã chỉ ra người hùng của họ chính lá tác giả các vở kịch; và thêm vào đó Bacon còn thường được cho là con trai của Nữ hoàng Elizabeth). Một số người thậm chí còn đi xa tới mức xem xét những buổi lên đồng hay đi đào trộm mộ. Tuy vậy, không phải tất cả những người ủng hộ Vacon đều dễ dàng bị khuất phục; trong số họ có cả các học giả, tác giả, luật gia, và thẩm phán ở cả nước Anh lẫn nước Mỹ. Tính đến nay bài viết mà các Baconian thích đọc nhất là bài tiểu luận của Mark Twain - “Có phải Shakespeare đã chết?”.
Cho dù anh ta còn là gì khác nữa, chắc chắn Bacon là một người vừa xuất chúng vừa khôn ngoan. Đã từng có thời gian là chánh án của Hoàng gia, ông đã phát minh ra một hệ thống mật mã phức tạp đáng khâm phục mà Jem Branville đã sử dụng trong cuốn tiểu thuyết này. Bacon đã công bố mật mã năm 1623, cùng năm Tuyển tập Đầu tiên xuất hiện.
Người đề xướng ra cái tên của bá tước Derby đời thứ sáu là Abel Lefranc, nhà nghiên cứu lịch sử văn học Pháp và giáo sư trường đại học Pháp, vào những thập kỷ đầu của thế kỉ hai mươi. Bất chấp tên của Derby (William) , những chữ cái đầu tiên tên goi (W. S. ), và cuộc đời nằm trong khoảng thời gian phù hợp, với những người nói tiếng Anh, tư cách ứng cử viên của ông này có ít được biết đến hơn của Bacon hay Oxford. ách ứng cử viên của ông này có ít được biết đến hơn của Bacon hay Oxford.
Tác phẩm không hư cấu (và cũng không thiên vị) đáng chú ý nhất nói về những tranh cãi về tư cách tác giả này là cuốn Ai đã viết những tác phẩm của Shakespeare? Của John Mitchell (Thames và Hudson, 1996). Về một cái nhìn ủng hộ Shakespeare người Stratford, xin mời xem Cuộc điều tra vì Shakespeare của Scott McCrea (Praeger, 2005).
Nhà hát Quả cầu nguyên bản bị cháy rụi vào ngày 29 tháng Sáu năm 1613 (một ngày thứ Ba, theo lịch Julian cũ) trong một buổi biểu diễn vở Henry VIII, sau đó được biết đến với cái tên Tất cả đều đúng. Theo những gì đã biết cho tới nay, đó là một tai nạn, do những tia lửa từ những phát đại bác bắn ra làm hiệu ứng đặc biệt rơi vào mái rạ. Những nhân chứng tận mắt chứng kiến đã thuật lại có một người đàn ông bị bỏng nhẹ trong khi cứu một đứa bé bị kẹt trong đám cháy; lửa bám vào người anh ta được dập tắt bằng bia. Nhà hát Quả cầu mới đúng là tòa nhà đầu tiên lợp mái rạ được chấp nhận ở khu vực phụ cận London từ sau vụ cháy lớn năm 1666.
Những công trình kỉ niệm và nà hát về Shakespeare ở Stratford-upon-Avon đều nổi tiếng trên toàn thế giới. Thư viện Folger về Shakespeare ở trên đồi Capitol tại Washington D. C. sở hữu bộ sưu tập phong phú nhất về Shakespeare.
Witon, tư gia của bá tước Pembroke, là một trong số ít địa điểm mà Shakespeare chắc chắn đã từng tới thăm còn tồn tại đến ngày nay - việc ông từng có mặt ở đây còn chắc chắn hơn tại bất cứ tòa nhà nào ở Stratford, ngoại trừ nhà thờ nơi ông được an táng. Bản copy tại tại Wilton, đài tưởng niệm Shakespeare ở Westminster cùng những thay đổi và những chữ cái viết hoa lạ lùng đều chính xác, mặc dù tôi đã tưởng tượng ra những màu sơn nhấn mạnh sự đảo chữ. Cũng như vậy, có một loạt tranh về chủ đề Arcadia trong gian phòng theo phong cách Palladian vẫn được gọi là phòng Lập phương, mặc dù tôi đã hư cấu đôi chút cho phù hợp với câu chuyện của mình. Ngăn hốc bí mật đằng sau một trong những bức họa đó là do tôi tưởng tượng ra. “Bức thư bị thất lạc” của nữ bá tước gửi cho con trai, nói rằng “chúng ta đang có Shakespeare ở đây” , đã được đề cặp tới trong tài liệu vào thế kỉ mười chín, nhưng từ đó tới nay chưa có học giả nào được nhìn thấy tận mắt. Bức thư của Will gửi cho con Thiên nga Ngọt ngào nhất là do tôi hư cấu.
Học viện Hoàng gia St. Alban ở Valladolid được vua Tây Ban Nha Philip II thành lập nhằm mục đich đào tạo các thanh niên người Anh thành tu sĩ Thiên chúa giáo và (theo cách nhìn của Nữ hoàng Elizabeth) gây ra những cuộc nổi loạn tôn giáo tại đất nước họ. Học viện này hiện vẫn tồn tại đào tạo thanh niên người Anh thành tu sĩ. Trong thư viện tuyệt vời của học viện này đã từng có một cuốn Tuyển tập Đầu tiên, nhưng tôi được nghe kể lại cuốn sách đã bị bán đi vào đầu thế kỉ hai mươi. Vào năm 1601, tám năm sau khi Christopher Marlowe bị sát hại, một “Christopher Morley” - tên gọi Marlowe từng sử dụng khi còn sống - được ghi lại trong tư liệu lưu trữ là đang theo học tại học viện. Tới năm 1604, Cervantes cũng có mặt tại thành phố này và hoàn tất Don Quixote tại đây.
Những khu mỏ, thị trấn, và các nhà hát liên quan đến Shakespeare tồn tại nhiều vô số kể ở khắp miền tây Hoa Kỳ: những khu mỏ được đặt tên theo các nhân vật và vở kịch của Shakespeare rải rác khắp dãy núi Colorado. Nghiên cứu của Roz về chủ đề này chính là của tôi, được tiến hành cho một bài viết tôi thực hiện cho tạp chí Smithsonian với tên gọi “Một thi sĩ đã chinh phục miền Tây như thế nào” [Tháng Tám, 1998]. Thành phố Cedar, nằm ở vùng núi đá đỏ au của bang Utah, là nơi diễn ra Festival về Shakespear ở Utah, thành phố này rất tự hào về một bản sao mới xây lại của nhà hát Quả cầu thời Elizabeth - mặc dù tôi đã thêm vào Văn khố Preston dưới dạng bản sao ngôi nhà Shakespeare ra đời tại Stratford-upon-Avon. Vụ cá cược về vai diễn Hamlet của Jem Granville được lấy cảm hứng từ một vụ cá cược có thật đã diễn ra vào năm 1861 ở Denver. Tôi đã xây dựng nội dung những bài báo trong tiểu thuyết từ những phóng sự trên tờ Tin tức Rocky Moutain thuật lại một cách chi tiết cuộc cá cược có thật trong lịch sử này.
Thị trấn ma mang tên Shakespeare nằm ở miền tây New Mexico, gần Lordsburg, trên biên giới bang Arizona; tôi đã nghe được câu chuyện về Bean Belly Smith vài lần từ những người chủ nhà. Tuy nhiên, tòa dinh thự của Athenaide nằm ở cuối con đường duy nhất của thị trấn là do tôi hư cấu thêm, mặc dù tòa lâu đài “nguyên bản” của Hamlet mà dinh thự đó mô phỏng theo là một địa điểm có thật - lâu đài Kronborg ở ngoại ô Elsinore (hay Helsingor) ở Đan Mạch, cũng như đại sảnh khiêu vũ tại lâu đài Hedingham, nơi đã từng là tư dinh của bá tước Oxford. Sự ám ảnh của những người theo trường phái Oxfordian với vở kịch Hamlet là có thật; những người này đã diễn giải giải vở kịch như một cuốn tự truyện được mã hóa của ứng cử viên họ ủng hộ. Như nhận xét của Kate và Athenaide, quả thực vở kịch có không ít điểm tương đồng đến kỳ lạ với cuộc đời của Oxford.
Học giả người Mỹ Delia Bacon đã bị điên năm 1857 trong khi đang viết tác phẩm nổi tiếng Làm sáng tỏ [sic] triết lý trong những vở kịch của Shakespeare. Câu chuyện bà thức trắng đêm trước ngôi mộ của Shakespeare tại nhà thờ Thánh Ba ngôi ở Stratford được tái hiện theo đúng lời kể của chính bà về sự kiện này, trong một lá thư gửi cho người bạn Nathanien Hawthorne. Mục sư của nhà thờ Thánh Ba ngôi, Granville J. Granville, đã cho phép bà làm việc đó; mục sư Granville có vài người con, nhưng Jeremy (Jem) là do tôi hư cấu thêm vào gia đình ông. Cũng như vậy, bác sĩ George Fayrer đúng là người đã đưa Delia vào trại điên tư của ông ở Henley-in-Arden vào ngày 30 tháng Mười một năm 1857, nhưng cô con gái Ophelia của ông hoàn toàn là sản phẩm từ trí tưởng tượng của tôi.
Francis J. Child là giáo sư Anh văn tại Đại học Harvard từ năm 1876 cho tới tận khi ông qua đời năm 1896; bộ sưu tập các bản ballad bình dân của Anh và Scotland do ông thực hiện cho đến nay vẫn là một trong những công trình học thuật lớn về văn học Anh. Ông cũng là một học giả xuất sắc về Shakespeare. Giống như trong tiểu thuyết, hoa hồng là một niềm đam mê lớn nữa của đời ông (và quả thực có một cây hồng Lady Banks lâu năm rất nổi tiếng mọc trong vường sau một nhà trọ - ngày này là bảo tàng - ở Tombstone, bang Arizona, mặc dù tôi đã lùi thời gian nó được trồng sớm lên vài năm). Tôi hy vọng hương hồn ông sẽ tha thứ cho tôi vì đã gán cho ông một đứa con sinh ra từ tình yêu.
Những bài sonnet của Shakespeare có vẻ được viết một cách rõ ràng dành cho chàng thanh niên tóc vàng rụt rè hoặc quý bà tóc đen bí hiểm, thi sĩ có vẻ như bị ràng buộc với hai người này trong mối tình tay ba. Rất nhiều nhà nghiên cứu đã bỏ công sức nhằm xác định xem quý bà và chàng thanh niên là ai; chưa ai trong số hai nhân vật bí ẩn này được xác định danh tính một cách thuyết phục. Trong mười bảy bài sonnet đầu tiên, Shakespeare cầu khẩn chàng thanh niên hãy có một đứa con. Thật đáng tò mò, lòi nói đầu của Theobald cho vở kịch Hai sự dối trá có ảm chỉ đến một người con gái ngoài giá thú của Shakespeare chưa từng được nhắc tới ở bất cứ nơi nào khác. Thi sĩ - người kể chuyện của những bài sonnet bị giày vò bởi ngọn lửa ghen tuông vì mối quan hệ giữa chàng thanh niên và quý bà tóc đen, việc gán đứa bé gái này cho quý bà và làm cho danh tính người cha đưa bé mơ hồ cũng là tự nhiên - nhưng mối liên hệ này là do tôi hư cấu nên và không hề được tìm thấy trên thực tế.
Nicholas Hilliard quả thật là họa sĩ nổi bật nhất nước Anh vào thời Shakespeare còn sống; theo một nghĩa nào đó, có thể coi ông như là Shakespeare của mỹ thuật. Hilliard chuyên vẽ những bức chân dung cỡ nhỏ với những chi thiết tinh xảo, chính xác như một bức ảnh chụp. Bảo tàng Victoria và Albert ở London sở hữu một bức chân dung như vậy, vẽ một người đàn ông với hậu cảnh là những ngọn lửa.
Thomas Shelton là quản gia mang hai dòng máu Anh và Ireland của gia đình Howard, đúng là người đã dịch Don Quixote sang tiếng Anh; bản dịch của ông ta được xuất bản năm 1612. Trong khi người em của ông ta chỉ là nhân vật hư cấu, trên thực tế đã có một số lượng không nhỏ người Anh theo Công giáo mộ đạo bí mất trốn tới lục địa để học tại các trường dòng giống như Học viện Hoàng gia St. Alban ở Valladolid. Những tu sĩ Jesuit người Anh thường được gửi trở lại Anh để coi sóc phần hồn cho những tín đồ Thiên chúa giáo ở nước này một cách bí mật.
Những tu viện xuất hiện sớm nhất ở Santa Fe và vùng lân cận, ở khu vực hiện nay là bang New Mexico, đều thuộc dòng tu Franciscan. Người bản địa châu Mỹ ở khắp vùng tây nam - lúc đó là Tân Tây Ban Nha với người Âu - liên tiếp nổi dậy trong thế kỉ mười bảy, tàn sát những người Tây Ban Nha xâm lược, đặc biệt là các tu sĩ. Dãy núi Dragoon ở vùng đông nam Arizona là căn cứ địa của người Apache cho tới khi Geronimo bị bắt năm 1886. (Người thủ lĩnh Apache vĩ đại Cochise yên nghỉ ở một địa điểm bí mật nào đó trong những dãy núi này). Mặc dù tôi đã hư cấu ra hẻm núi và khu hang động trong đó Kate tìm thấy kho báu bị chôn vùi cùng những bộ hài cốt, quả thực vùng này chứa đựng vô số hang động. Hang động Kartchner nằm gần đó (và mới được phát hiện gần đây) là một ví dụ tuyệt vời về những “cung điện tự nhiên” mà những lòng núi rỗng chắc hẳn vẫn còn ẩn giấu.
“Chữ ký” trong cuốn Kinh thánh của vua James vẫn luôn nằm đó cho bất kỳ ai muốn xem (hay muốn đếm). Tại sao nó lại có mặt ở đó là câu hỏi vẫn chưa được giải đáp, và tôi cũng không rõ ai đã “phát hiện” ra nó. Không ai biết rõ bài Thánh thi số bốn mươi sáu, hay toàn bộ Sách các Thánh thi, được hoàn thành vào thời điểm nào (mặc dù thời điểm đó chắc chắn nằm giữa năm 1604 và 1610) , hay ai đã phụ trách bài Thánh thi nào. Cả Lancelor Andrewes, thu viện trưởng Westminster và sau đó là giám mục Chichester, và Laurence Chaderton, hiệu trưởng trường Đại học Emmannuel ở Cambridge, đều là những nhà thần học đã tham gia biên soạn cuốn Kinh thánh, và Chaderton, một người theo Thanh giáo, là thành viên của “Ủy ban Cambridge thứ nhất” được phân công phụ trách các bài Thánh thi. Tuy nhiên, bức thư của giám mục có nói đến Chaderton là do tôi tưởng tượng ra.
Mặt khác, ngày tháng năm sinh của Bacon, Derby, và nữ bá tước Pembroke đều dựa trên các tư liệu lịch sử chính thức.
Biến một giấc mơ giữa ban ngày thành một cuốn tiểu thuyết hóa ra lại cần đến vô số sự giúp đỡ và lời động viên. Trước hết và trên hết, tôi muốn cám ơn Brian Tart và Mitch Hoffman, sự kiên nhẫn cùng đôi mắt sáng suốt của họ đã giúp tôi định hình cuốn sách này. Bằng cách nào đó, họ đã giúp tôi luôn giữ được tiếng cười. Neil Gordon và Erika Imranyi đã giúp quá trình sáng tác của tôi được trôi chảy. Noah Lukeman tin chắc đây là cuốn sách tôi nên viết và đã làm những điều kỳ diệu để biến nó thành sự thật.
Vì những ý kiến chuyên môn và tư liệu về nhiều lĩnh vực mà họ đã cung cấp, tôi cũng muốn gửi lời cám ơn tới Ilana Addis, Michelle Alexander, Kathy Allen, Bill Carrell, Jamie de Courcey, Lionel Faitelson, Dave và Ellen Grounds, cha Peter Harris, Jessica Harrison, Charlotte Lowe-Bailey, Peggy Marner, Karen Melvin, Kristie Miller. Liz Ogilvy, Nick Saunders, Brian Schuyler, Dan Shapiro, Ronald Spark, Ian Tennent, và Heidi Vanderbilt. Diễn đàn Straw Bale và Câu lạc bộ văn học Tucson đã được nghe một số trang bản thảo ban đầu, và để được tham dự vào hai nhóm này, tôi phải biết ơn Bazy Tankersley.
Tôi muốn gửi lời cảm ơn đặc biệt tới tiến sĩ Javier Burrieza Sanchez, thủ thư và quản lý văn khố tại Học viện Hoàng gia St. Alban ở Valladolid; tới Nigel Bailey, người quản lý, và Carol Kitching, hướng dẫn viên chính tại dinh thự Wilton và Wiltshire; và tới Sarah Weatherall tại nhà hát Quả cầu của Shakespeare, London. Tập thể nhân viên thư viện Folger ở Washington D. C. , cũng như nhà thờ Thánh Ba ngôi và trung tâm Thư viện Shakespeare, đều ở Stratford, cũng đã giúp ích cho tôi rất nhiều.
Hơn bất cứ ai khác, Marge Garber đã góp phần định hình suy nghĩ của tôi về Shakespeare trên những trang giấy. Những thành viên của đoàn sân khấu Hyperion tại trường Harvard, trong những năm 1996 - 1998, và Shakespeare & Company, tại Lenox, Massachusetts, đã dạy cho tôi biết tất cả những gì về Shakespeare trên sân khấu. David Ira Goldstein và đoàn kịch Arizona đã đón tiếp tôi đến với thế giới của sân khấu chuyên nghiệp như một người khách thường xuyên.
Ba người đã lắng nghe, đọc và nhận xét không ngừng trong suốt quá trình cuốn sách này hình thành: Kristen Poole, học giả, người kể chuyện, và người bạn: mẹ tôi, Melinda Carrell, người đầu tiên truyền cho tôi tình yêu với những cuốn sách; và chồng tôi, Johnny Helenbolt.
Không gì có thể nói hết lòng biết ơn của tôi dành cho Johnny.
***
Jennifer Lee Carrell sống tại Tucson, Arizona, Mỹ. Bà có bằng tiến sĩ về văn học Anh và Mỹ, chuyên đạo diễn các vở kịch của Shakespeare cho đoàn sân khấu Hyperion.
Jennifer Lee Carrell là một tác giả người Mỹ của ba cuốn tiểu thuyết và nhiều bài viết cho Tạp chí Smithsonian và Ngôi sao hàng ngày Arizona
Mời các bạn đón đọc
Bí mật Shakespeare của tác giả
Jennifer Lee Carrell.