DTV eBook - Mượn Sách Truyện Tiểu Thuyết Văn Học Miễn Phí Tải PRC/PDF/EPUB/AZW

akishop
Ủng hộ để truy cập kho ebook Google driveTẠI ĐÂY

Tóm tắt & Review (Đánh Giá) tiểu thuyết Biển Và Chim Bói Cá của tác giả Bùi Ngọc Tấn & Dương Tường (dịch).

Biển và chim bói cá lấy bối cảnh một xí nghiệp quốc doanh đánh cá cuối thời bao cấp. Truyện không có cốt truyện và nhân vật chính, mà sử dụng cuộc đời/mảnh đời của khoảng hai chục nhân vật để khắc họa sự suy tàn của một mô hình kinh tế, một thời sắp “cuốn theo chiều gió.” Đó là thế giới của công việc lao động hăng say, lý tưởng ở một không gian rộng lớn - biển cả, mà cũng là thế giới của những toan tính, bon chen tủn mủn, của cuộc sống thiếu thốn, cô đơn, ngột ngạt.

Biển và chim bói cá của Bùi Ngọc Tấn là một tác phẩm đặc biệt. Đặc biệt, không chỉ bởi vì tác phẩm vinh dự đoạt giải Henri Queffenlec tại Pháp năm 2012, trở thành niềm tự hào của nền văn học đương đại Việt Nam. Hơn hết, Biển và chim bói cá là quyển tiểu thuyết ghi dấu chặng đường "hồi sinh từ cõi chết" của cây bút Bùi Ngọc Tấn, sau hơn 5 năm tù không án và 20 năm quay quắt đau đớn sợ đọc, sợ viết.
Là một nhà văn có hoàn cảnh đặc biệt, văn chương Bùi Ngọc Tấn chưa bao giờ tách rời nhịp thở với những biến động xã hội. Biển và chim bói cá, giống như một tiểu vũ trụ, một diễn ngôn toàn cảnh chứa đựng tất cả tình yêu thương lẫn nỗi ưu tư, đau xót của một thế hệ con người sống giữa quá nhiều biến cố và xung đột ý thức hệ. Vượt lên trên tất cả những hạn định ngoại văn học, tinh thần cầm bút của Bùi Ngọc Tấn khi viết Biển
và chim bói cá là một hiện tượng rất đáng trân trọng. Đây được xem như một quyển tiểu thuyết hiện thực đường hoàng, ngay thẳng, kiên định phơi bày ra ánh sáng một thế giới còn nằm sâu trong bóng tối, bên dưới những vàng son và khẩu hiệu. Ở đó, có những con người lương thiện bị vùi sâu dưới đáy, bị giày xéo quằn quại, âm thầm sống và âm thầm chết. "Chữ" của Bùi Ngọc Tấn, là một hợp âm của rất nhiều "chữ" khác được xướng lên từ hàng ngàn, hàng vạn kiếp phù sinh vô danh cùng thời đại. Nó vừa tinh khôi, vừa cay đắng, vừa là tiếng thở dài khắc khoải, nặng trĩu những trầm luân, vừa là kết tinh của tình yêu cuộc sống lẫn niềm tin và khát vọng biến cải xã hội.
Lựa chọn tiếp cận tác phẩm bằng phương pháp phê bình xã hội học, chúng tôi muốn tập trung nghiên cứu mối quan hệ đặc biệt giữa đời sống và đời viết của Bùi Ngọc Tấn, được kết tinh thông qua tác phẩm. Từ đó, tạo điều kiện để tìm hiểu sâu hơn giá trị di sản văn học Bùi Ngọc Tấn; về tâm thái đạo đức hay sự ý thức về vai trò xã hội của chính nhà văn trong quá trình sáng tác; về những khát vọng và tính khả dụng của khát vọng dùng văn học để cải tạo xã hội mà người nghệ sĩ Bùi Ngọc Tấn đã dành trọn một đời để ấp ủ.
***

“Biển và chim bói cá” quả thật là một tiểu thuyết đáng nể của Bùi Ngọc Tấn. So với cuốn sách từng gây ồn ào của ông thì cuốn sách có phần lặng lẽ này lại tự do hơn, rộng lớn hơn và phần nào cũng mất kiểm soát hơn, nhưng đó lại không phải là một khuyết điểm.

Tác giả từng là nhân viên một xí nghiệp đánh cá quốc doanh tận 20 năm. Nằm trọn trong quyển sách, nội dung chia làm hai phần, phần đầu là biển, phần sau là bờ. 
Đọc cuốn sách khi tác giả của nó đã mất, tôi mới thấy mất mát ấy lớn thế nào. Khả năng của ông trong việc cấu thành một tổ hợp nhân vật động đậy liên tục như trong một mẻ cá to là vô cùng riêng biệt. Đọc “Biển và chim bói cá”, người đọc tưởng sẽ đi theo Trần Bôn - thuyền trưởng tàu Hạ Long 414 trong một hành trình dài thì hàng loạt gương mặt khác nổi lên: Cương, Thông, Giáp, Tích, Mây, Huy, Đay... Càng về sau, những gương mặt cá nhân càng mờ đi để làm rõ bộ mặt chung của xí nghiệp. Trong cuốn sách này có lẽ chỉ có một câu chuyện đi một tuyến khác hẳn, là nhật ký của Phong là còn giữ được chút lặng lẽ cá nhân.

Gánh theo vai trò bình luận xã hội vì bản thân là một tiểu thuyết xã hội, Bùi Ngọc Tấn khai thác toàn bộ thói vụn vặt trong một tập thể. Thuyền phó Cương, khi rảnh nằm trên tàu chả biết làm gì bèn viết bài báo về “xác định vị trí tàu khi mục tiêu nằm ngoài hải đồ”, được đăng lên tạp chí chuyên ngành, lập tức nhận những gương mặt lạnh từ các sếp vì dám “chơi trội”, ý trách lãnh đạo chẳng biết dùng người, từ đấy anh hay bị “gọi đểu” là “phó tiến sĩ”...
 

Một trong những điều khiến văn chương Bùi Ngọc Tấn có sức nặng không phải chỉ là những câu văn gợn sóng, như khi vệt trăng bám theo tàu giữa đêm “dòng nước phía đuôi tàu lõm xuống rồi cộm lên, hệt như biển đang đùn lên một dòng nước bằng vàng”, mà ở chỗ ông hiểu rất rõ cơ cấu của những thứ ông chạm vào, hay đúng hơn là nắm bắt kỹ thuật của sự vật. Từ việc thả lưới bằng cách “phán đoán luồng cá, nhìn dòng nước chảy, căn cứ vào gió vào nước mà trừ độ giạt” cho đến kỹ lưỡng đưa một con tàu cập bến, ở ngay đoạn đầu sách: “Trên khoảng trống cầu tàu chiều dài chỉ vừa một con tàu đỗ, lựa theo dòng nước chảy, anh cho tàu chạy tới chạy lui, đến khi quăng được một đoạn dây mồi lên cho một anh cảng vụ để anh ta kéo vào đoạn dây cáp to tướng ướt sũng nước rồi buộc nó vào cột bích là coi như công việc đã xong một nửa... Rồi đánh tay lái, điều khiển phía đuôi tàu cho cả thân tàu sát vào gần cầu cảng. Rồi cũng lại một sợi cáp được quăng lên, cột vào một trụ bích khác. Tơi cuộn rút ngắn cáp, kéo đuôi tàu áp sát cầu. Mạn tàu dập dềnh cũng lại được những cái đệm chống va đan toàn bằng mây như một quả bom hình bầu dục treo thõng trên cầu tàu rúm lại đón đỡ....”. Và thế là “tàu của anh đỗ vừa khuýp khoảng cầu trống người ta dành cho anh, sát các tàu khác như ta xếp một cái xe đạp”...

Nếu một nhà văn có một nguồn dự trữ kiến thức dồi dào, hẳn nhà văn ấy sẽ thích thú với những danh sách, ở “Biển và chim bói cá”, các con cá không phải chỉ là thứ mua ra bán vào mà chúng còn hiện diện rất rõ từng loại: “Cá thu không còn cái dáng chắc nịch hình thoi lao đi như tên bắn dượt theo chiếc lông gà... Cá khế mất hẳn cái màu sắc óng ánh hai bên lườn dèm dẹp... Cá hồng đỏ rực giương vây, cái màng mỏng đỏ tươi dính vào các gai mọc trên lưng nhọn hoắt... Cá ong hương nhỏ nhoi đầu to, cổ rụt, có dáng dấp của một nhà tư tưởng ngẫm nghĩ sự đời...”. Hay khi một cô gái có “hai bắp chân trắng như cá chép ngâm dưới nước”...

Tất cả những điều này dễ làm người ta quy nạp mọi thứ về “vốn sống”, Bùi Ngọc Tấn đã quá khéo léo khi không rơi hẳn vào cái bẫy vốn sống khô cằn này, tư chất nhà báo của ông không trội lên trong từng trang viết. Thế còn con người trong quyển sách này? Họ chính là chim bói cá, kiếm ăn ngày qua ngày và làm trung tâm cho mọi xui rủi xảy ra trong quyển sách. May thay đây là một quyển sách biết hài hước, cách ăn nói của nhân viên xí nghiệp ảnh hưởng bởi môi trường đóng kín của họ, có những chuyện đùa theo đúng nghĩa đen kiểu hài toilet: Khi Thuyền phải lau nhà vệ sinh đón khách, sau nhìn mặt khách mới vỡ lẽ ra: “Nếu tôi biết nhà doanh nghiệp Mỹ Robert Lee chính là Lý Sinh Keng thì tôi đã đề nghị tổng giám đốc huy động thêm một số anh chị em đái thêm một chập nữa”. Còn ở cấp độ đòi hỏi người đọc hơn, cái hài ấy nằm ở chính là xã hội mà nhân vật và cả chúng ta đang sống. Nửa sau cuốn sách là một bãi hỗn loạn các gương mặt ít biết xấu hổ của cả ngành đánh cá (và có khi là nhiều ngành khác).

Tôi thấy thích thú khi đọc “Biển và chim bói cá”, mà tiểu thuyết thì nên thế. Còn quá nhiều thứ tôi muốn ghi lại về cuốn sách này nhưng tôi đã có một ấn tượng tốt, sau này tôi sẽ mở rộng dần cách nhìn của tôi về Bùi Ngọc Tấn.

Mời các bạn tải đọc sách Biển Và Chim Bói Cá của tác giả Bùi Ngọc Tấn & Dương Tường (dịch).

 

Giá bìa 106.000

Giá bán

85.000

Tiết kiệm
21.000 (20%)
Giá bìa 106.000

Giá bán

85.000

Tiết kiệm
21.000 (20%)