Bước đường cùng - Nguyễn Công Hoan là tiểu thuyết gắn liền với số phận của anh Pha, một người nông dân với những khó khăn chồng chất đã đánh dấu đỉnh cao về tư tưởng của nhà văn Nguyễn Công Hoan và là một trong những tác phẩm tiêu biểu của văn học hiện thực phê phán Việt Nam trước Cách mạng
***
*GÓC REVIEW SÁCH*
Bước đường cùng- Nguyễn Công Hoan
“Bước đường cùng’’- một tác phẩm tiêu biểu của nhà văn Nguyễn Công Hoan, được viết với chủ đề phản ánh số phận của những người nông dân thấp cổ bé họng bị giai cấp thống trị bốc lột, bị cái xã hội của đồng tiền ép đến bước đường cùng không lối thoát. Đồng thời phê phán xã hội Việt Nam trước cách mạng. Dù lường trước sách sẽ bị cấm nhưng ông vẫn viết ra những trang tiểu thuyết với những hiện thực cuộc sống trước cách mạng của người nông dân.
Tác phẩm gắn liền với số phận của anh Pha- người mang rõ nét của một người nông dân với những khó khăn vất vả của cuộc sống trong giai đoạn 1930-1945. Anh bị Trương Thi chơi xấu bỏ rượu lậu vào ruộng rồi báo Tây Đoan đến bắt nhưng bất thành vì bỏ lầm ruộng Nghị Lại. Chi tiết ấy làm người đọc cảm thấy hồi hộp khi không biết một người lương thiện như Pha sẽ ra sau, nhưng quả thực may mắn “Pha lại lương thiện như thường”.Sau đó là sự xúi giục qua lại của Nghị Lại giữa Pha và Trương Thi, thế nhưng khi đi kiện Pha lại bị đánh đấm, hạch sách vì không mang tiền lễ và còn bị giam.
Ta có thể thấy được thế lực của đồng tiền đáng sợ biết nhường nào trong
cái xã hội bất công này. Quan huyện cho lính vào nhà vơ vét của cải khiến vợ chồng Pha phải đến làm thuê cho Nghị Lại. Phần sau của tác phẩm đã thể hiện rõ sự khốn khổ tột cùng của một người nông dân không đủ tiền lo cơm áo thuốc men khi vợ ốm, chị và con bị dịch bệnh qua đời, “ở nhà bệnh của vợ không bớt, chị nổi cơn ho, con đói sữa khóc sa sả cả ngày”. Điều đó cũng đủ để ta thấy nỗi lo toan của anh Pha vất vả như thế nào, căn nhà hôi hám, hơi ẩm thấp, không có đường thoát ra ngoài. “Anh thấy cái đời người dân cày hết sức cực nhục, người dân cày sống để làm việc vất vả, mà làm việc vất vả không để hưởng sự sung sướng”.
Đến cuối cùng, Pha chỉ còn lại một mình trong cái thế giới tăm tối. “Chúng ta sống để làm gì? Không để ăn ngon, không để mặc đẹp, không để ở sướng nhưng là để chịu những sự bóc lột của địa chủ tàn nhẫn những nỗi áp bức của quan lại tham nhũng, những cái bất công của chế độ thối nát chốn hương thôn, để bước đường cùng là đi đến chỗ phá sản”.
Nguyễn Công Hoan đã đả kích vạch mặt chỉ tên thật sự của xã hội mục nát trước Cách Mạng, ông là đàn anh dẫn đầu trong việc đi sâu vào nông thôn,cảm thông với người nông dân để nói lên nỗi lòng của họ.
Nguồn: Hạt Cát Nhỏ - thành viên Ban Nhân Sự
#reviewsach #pnhtq #svhd
***
Nguyễn Công Hoan (1903 - 1977) là nhà văn tiêu biểu của văn học hiện thực phê phán Việt Nam. Thế giới truyện ngắn Nguyễn Công Hoan đa dạng, phong phú, như một "bách khoa thư", một "tấn trò đời"mà đặc trưng là xã hội thuộc địa nửa phong kiến ở Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX. Với một số lượng khá lớn như vậy, truyện ngắn của Nguyễn Công Hoan họp lại thành một bức tranh rộng lớn, khá đầy đủ về xã hội cũ.
Về nghệ thuật viết truyện ngắn, phải nói rằng Nguyễn Công Hoan là người có nhiều khả năng và kinh nghiệm. Truyện của ông thường rất ngắn. Lời văn khúc triết, giản dị. Cốt truyện được dẫn dắt một cách có nghệ thuật và kết cục thường rất đột ngột để hấp dẫn người đọc. Mỗi truyện như một màn kịch ngắn có giới thiệu, thắt nút và mở nút. Tiêu biểu là các truyện ngắn: Kép Tư bền, Người ngựa, ngựa người..., tiểu thuyết có Bước đường cùng...
Ngay từ khi xuất hiện, Nguyễn Công Hoan luôn gây được sự chú ý, quan tâm của giới nghiên cứu, phê bình và nhiều thế hệ độc giả. Mặc dù có nhiều người khen kẻ chê, nhưng truyện ngắn truyện dài của Nguyễn Công Hoan sừng sững tạo thành một thế Tam Đảo, Ba Vì hùng vĩ.
Trong thời tiền chiến, ai mà chẳng đọc qua các quyển: Tắt lửa lòng, Bước đường cùng, Tấm lòng vàng, Cô giáo Minh, Trên đường sự nghiệp, Lệ Dung, Nợ nần, Bơ vơ, v. v...
Hơn nữa, một số tác phẩm của ông đã được và Đoàn Kịch nghệ nổi tiếng thời ấy phóng tác thành tuồng cải lương, lưu diễn từ Nam chí Bắc và được đồng bào các giới tán thưởng nồng nhiệt!
Ông sáng tác đủ mọi chiều hướng: Trữ tình, Xã hội, Tranh đấu, Giáo dục,... nhưng có một điểm nổi bật hơn hết là mỗi tác phẩm của ông đều mang một sắc thái đặc biệt... đánh dấu một bước tiến mới cho bộ môn tiểu thuyết thời ấy.
Nhưng, từ 20 năm qua... những tác phẩm của ông hầu hết bị thất lạc, bị mai một vì nạn Đất Nước qua phân!
***
Anh em rất ngạc nhiên về cái thái độ của Nghị Lại chịu nước lép. Thấy sự đoàn kết rất có công hiệu, Dự trỏ vào đống lúa xếp đầy sân:
- Đáng lẽ mẫu bảy thóc của anh Thi với anh San đã vào túi tham không đáy hết cả.
Pha lo ngại:
- Nhưng quyết hắn trả thù, mà thù này phải biết hắn tính toán kỹ lưỡng lắm.
Thi gật đầu:
- Cho nên hôm nào lúa của anh chín, ta nên rủ người đi cho đông, và phải cẩn thận lắm, kẻo thua mất.
San xua tay:
- Nếu tám sào của anh Pha bị hắn cướp hết thì thóc của chúng mình gặt về, đem chia ba.
Mấy anh em rất cảm động. Một lát Pha nói:
- Bác trưng bảo rằng thua, nhưng tôi cho là không đúng. Chúng mình ba lần gặt, đã được đến hai lần, dù có thua một lần ta cũng vẻ vang quá rồi.
Dự tiếp:
- Như thế tức là đằng nào mình cũng giữ phần thắng lợi rồi.
Bốn người cười vui vẻ, nghỉ tay để uống nước. Bát chè tươi sóng sánh dưới ánh trăng. Tiếng thình thịch đập lúa ở sân các nhà theo luồng gió lạnh hiu hắt đưa đi làm cho làng An Đạo có vẻ hoạt động.
Một lát, San nói:
- Từ nay chúng ta phải giữ mình. Hắn có đến hằng trăm thứ khí giới, mà ta chỉ có trơ mỗi đứa hai cánh tay không.
Dự đáp:
- Nhưng hai cánh tay mạnh mẽ, hai cánh tay làm cho đất cát có giá trị.
...
Mời các bạn đón đọc
Bước Đường Cùng của tác giả
Nguyễn Công Hoan.