Căn Phòng Riêng - Virginia Woolf |
|
Tác giả | Virginia Woolf |
Bộ sách | Tinh Hoa Tri Thức |
Thể loại | Tiểu Luận |
Tình trạng | Hoàn Thành |
Định dạng | eBook prc pdf epub azw3 |
Lượt xem | 9973 |
Từ khóa | eBook prc pdf epub azw3 full Virginia Woolf Tinh Hoa Tri Thức Tiểu luận Phi hư cấu Kinh điển Văn học Anh Văn học phương Tây |
Nguồn | tve-4u.org |
“Một phụ nữ muốn viết văn cần phải có tiền và một căn phòng của riêng mình.”
Căn phòng riêng - cuốn tiểu luận của Virginia Woolf, xuất bản lần đầu tiên vào năm 1929 - đã được khai triển từ luận điểm trên. Một luận điểm mang màu sắc duy vật và đầy khiêu khích. Thẳng thắn, sắc sảo, với một chất hài hước kín đáo, đó là giọng điệu chủ đạo của Căn phòng riêng.
Cuốn sách mỏng này được hình thành từ loạt bài thuyết trình của Virginia Woolf tại hai trường Newham College và Girton College, hai trường cao đẳng dành cho phụ nữ tại Đại học Cambridge, xoay quanh chủ đề “Phụ nữ và tiểu thuyết” năm 1928. Vào cái thời phụ nữ muốn vào thư viện của trường đại học cần phải có thư giới thiệu hoặc người có uy tín đi kèm, những luận điểm của Virginia Woolf thực sự có tính chất công phá lớn. Cuốn sách không chỉ mô tả tình thế của các nhà văn nữ ở thời kỳ mà người phụ nữ phải chấp nhận nhiều sự bất bình đẳng xã hội, cũng không đơn thuần làm nhiệm vụ phê bình, đánh giá lại vị trí của các tiểu thuyết gia nữ - những đại diện thường bị xem là bộ phận thứ yếu cấu thành nên diện mạo của nền văn học Anh. Nó đặt ra một câu hỏi then chốt: Liệu các nhà văn nữ có thể sáng tạo nên những tác phẩm tầm vóc như của Shakespeare không? Đó không đơn giản là một câu hỏi có tính chất giả định; nó là một đề nghị thử nhìn nhận lại vai trò, vị trí và năng lực của phụ nữ trong việc sáng tạo nên những giá trị văn hóa của nhân loại. Để làm được điều đó, cần phải thoát khỏi những định kiến vẫn được xem là đương nhiên, tự nhiên đối với người phụ nữ.
Căn phòng riêng, bởi tính chất đặt vấn đề quan trọng của nó, đã được xem như là cuốn sách đầu tiên đặt nền móng cho trường phái phê bình nữ quyền luận trong văn học. Rộng hơn, nó được xem là một trong những cuốn sách khơi nguồn cho phong trào nữ quyền, vốn khởi phát từ phương Tây và ngày càng có sức lan tỏa rộng rãi, trở thành một khúc ngoặt văn hóa - khúc ngoặt nữ quyền (teminist turn), có thể nói như vậy - để dùng một thuật ngữ chỉ sự thay đổi động hình nhận thức của con người trong tiến trình tư tưởng. Được manh nha từ cuối thế kỷ XIX - đầu thể kỷ XX tại Anh và Mỹ, nữ quyền luận dấy lên thành trào lưu gây được ảnh hưởng và tác động mạnh mẽ bắt đầu từ thập niên 60 thế kỷ trước. Nó đấu tranh cho quyền tự do, bình đẳng của người phụ nữ, đòi hỏi mở ra một không gian xã hội rộng lớn hơn để người phụ nữ được can dự, định nghĩa lại về người phụ nữ, giải cấu trúc những biểu tượng định kiến về phụ nữ vốn thống trị nhận thức xã hội… Có thể thấy những chủ đề quan trọng đó của nữ quyền luận đều đã được Virginia Woolf gợi mở trong cuốn sách này.
Virginia Woolf được xem là một trong số những “tượng đài” kỳ vĩ của văn học hiện đại chủ nghĩa, bến cạnh tên tuổi của những James Joyce, Marcel Proust, Franz Kafka, William Faulkner… Bằng sự độc đáo và niềm đam mê sáng tạo vô bờ bến, bản thân cuộc đời và sự nghiệp của Virginia Woolf đã trả lời cho câu hỏi về năng lực của người phụ nữ mà cuốn sách Căn phòng riêng đã nêu ra. Nó cho thấy một Virginia Woolf không chỉ táo bạo trong tư tưởng mà còn hết sức phóng khoáng, tự do trong bút pháp khi làm mờ đi ranh giới giữa tiểu luận và hư cấu, triết lý và tự sự. Đây là cuốn sách đầu tiên của Virginia Woolf được dịch sang tiếng Việt, có ý nghĩa như một chỉ dẫn để từ đó độc giả có thâm nhập vào thế giới nghệ thuật phức tạp và nhiều bí ẩn của bà trong các kiệt tác Về phía ngọn hải đăng (To the Lighthouse), Bà Dalloway (Mrs Dalloway), Những con sóng (The Waves), Orlando, Căn phòng của Jacob (Jacob’s Room) mà hy vọng một ngày không xa cũng sẽ được giới thiệu với độc giả Việt Nam.
TRẦN NGỌC HIẾU
Nữ tiểu thuyết gia, tiểu luận gia, nhà phê bình văn học người Anh Virginia Woolf sinh ngày 25-1-1882 tại London. Nhũ danh của bà là Adeline Virginia Stephen.
Trong suốt đời mình, Virginia Woolf luôn bị quấy rầy bởi những cơn trầm cảm và những chứng bệnh liên quan. Dù các cơn đau này thường gây ảnh hưởng tới hoạt động xã hội của mình, bà vẫn tiếp tục sáng tác với một vài thời kỳ gián đoạn cho tới khi qua đời do tự tử.
Đêm 28-3-1941, Virginia Woolf nhét đầy đá vào những túi áo khoác rồi đi bộ tới con sông Ouse gần nhà và tự trầm mình.
Hiện nay bà được đánh giá là một trong các tác giả vĩ đại nhất của thế kỷ 20, đồng thời cũng là một nhân vật trọng yếu trong lịch sử văn chương Anh ngữ với tư cách một người bênh vực nữ quyền và là một trong những người sáng lập nên trào lưu Chủ nghĩa Hiện đại bao gồm T.S. Eliot, Ezra Pound, James Joice và Gertrude Stein.
Những tác phẩm nổi tiếng nhất của bà bao gồm:
Trong các sáng tác của bà, tác phẩm luận văn Một căn phòng riêng (A Room of One’s Own, 1929) có một câu châm ngôn rất nổi tiếng:"a woman must have money and a room of her own if she is to write fiction." ("một người phụ nữ phải có tiền và một căn phòng riêng nếu cô ta viết tiểu thuyết.")
***
Nhưng các bạn có thể vặn hỏi lại tôi: “chúng tôi yêu cầu bà nói chuyện về phụ nữ và văn học - chuyện đó dính dáng gì đến căn phòng riêng tây nào ở đây?” Tôi sẽ cố giải thích điều này cho các bạn rõ. Khi các bạn yêu cầu tôi phát biểu về phụ nữ và văn học, tôi ra ngồi bên bờ sông và bắt đầu suy nghiệm ý nghĩa những từ ngữ đó. Chúng có thể chỉ giản dị là một vài chú giải về Fanny Bumey[1]; thêm vài điều nữa về Jane Austen[2]; một đoạn tưởng mộ chị em nhà Brontë[3] và bức phác họa khu giáo đường Haworth nằm dưới tuyết; đôi ba điều minh triết nếu có thể về Mitford[4]- một ám chỉ đầy ngưỡng mộ đến George Eliot[5]; đoạn nữa nhắc đến Gaskell[6] và ta có thể tự bảo thế là hoàn tất. Nhưng nếu nhìn kĩ hơn, những từ ngữ đó xem ra chẳng giản đơn như vậy. Nhan đề phụ nữ và văn học có thể có nghĩa là - và có thể chính các bạn muốn nó có ý nghĩa như thế - phụ nữ và cái gì là phụ nữ; hoặc phụ nữ và những sáng tác văn học do họ viết; hoặc phụ nữ và những sáng tác văn học viết về họ; hoặc, bằng cách nào đó, cả ba ý nghĩa trên pha trộn lẫn nhau và các bạn muốn tôi trình bày đề tài từ góc độ đó. Nhưng ngay khi tôi thử tìm hiểu vấn đề bằng con đường này, có vẻ là con đường thú vị nhất, tôi đã nhanh chóng nhận thấy nó vướng phải trở ngại khá nghiêm trọng. Tôi sẽ chẳng bao giờ đi đến kết luận. Tôi sẽ không thỏa mãn được yêu cầu, theo chỗ tôi hiểu, làm tròn bổn phận trước nhất của người thuyết giảng - đó là đem đến cho các bạn, sau giờ học, khối vàng ròng chân lí để tóm lược những gì trên trang vở của các bạn và đặt nó vĩnh viễn trên bệ lò sưởi. Tất cả những gì tôi có thể làm là gửi đến các bạn quan điểm của riêng mình dựa trên một điểm nhỏ - đó là nếu viết văn, người đàn bà phải có tiền và một căn phòng riêng; và như thế, các bạn sẽ thấy, vấn đề lớn nơi bản chất chân thực của người đàn bà và của văn học là không có đáp án. Tôi đã không chu toàn bổn phận tìm ra kết luận cho hai tra vấn đó - phụ nữ và sáng tác văn học, với tôi, vẫn là bế tắc. Nhưng để bổ khuyết vào thiếu sót này, tôi sẽ cố hết sức làm những gì tôi có thể để trình bày cho các bạn thấy do đâu tôi có ý nghĩ người đàn bà muốn viết văn phải có tiền và căn phòng riêng. Trước mặt các bạn, tôi sẽ triển khai triệt để, với vốn liếng khả năng của mình, hành trình tư tưởng mà từ đó ý nghĩ này kết tinh trong tôi. Có lẽ, nếu tôi phơi trần những ý tưởng, những định kiến đằng sau lời phát biểu, các bạn sẽ thấy chúng phần nào chi phối lên người phụ nữ và lên sáng tác văn học. Dù sao chăng nữa, khi vấn đề gây nhiều tranh cãi - và bất kì câu hỏi nào về phái tính đều thế - người ta chẳng thể nào hi vọng nói được hết sự thật. Người ta chỉ có thể trình bày quan điểm mà mình nắm giữ định hình như thế nào. Người ta chỉ có thể tạo cơ hội cho thính giả đi đến kết luận riêng của mình trong lúc tường tận quan sát những hạn chế, định kiến, phong cách đặc trưng của người nói chuyện. Sáng tác văn học ở đây như dung chứa sự thật nhiều hơn là dữ kiện. Do đó, tôi xin đưa ra đề nghị, trong lúc sử dụng tất cả sự tự do và phóng túng của kẻ viết tiểu thuyết, tôi sẽ kể các bạn nghe câu chuyện xảy ra hai ngày trước khi tôi đặt chân đến đây - còng mình bởi sức nặng của đề tài các bạn đặt lên vai tôi - tôi suy nghiệm và ứng xử với nó như thế nào trong cuộc sống thường nhật. Tôi không cần nói rằng những gì tôi sắp miêu tả đều không hề hiện hữu; Oxbridge[7] là một giả tưởng; Fernham cũng thế; “tôi” chỉ là định danh ước lệ dùng cho kẻ nào đó không có thật. Từ đôi môi tôi sẽ tuôn ra những lời ngoa ngôn, nhưng có thể cũng có sự thật đâu đó lẫn vào; chính các bạn phải là người biết tìm kiếm đâu là sự thật và tự quyết định có gì đáng lưu giữ lại không. Không làm được như thế, dĩ nhiên các bạn sẽ ném toàn bộ câu chuyện vào sọt rác và cho nó đi vào quên lãng.
Tôi ngồi đây (gọi tôi là Mary Be ton, Mary Seton, Mary Carmichael hay bất kì cái tên nào cũng được - nó chẳng phải là vấn đề hệ trọng) bên bờ sông cách đây một hai tuần gì đó, trong tiết trời tháng Mười êm ả, nhưng đầu óc lại rối mù. Cái sợi dây tròng cổ mà tôi nhắc đến, phụ nữ và sáng tác văn học, sự cần thiết phải đi đến kết luận cho đề tài gây không biết bao nhiêu định kiến và đam mê, ghì đầu tôi xuống chạm mặt đất. Bên phải, bên trái nơi tôi ngồi, mấy bụi cây chói vàng, thẫm đỏ, rực sắc màu, hình như cũng đang cháy với nhiệt lượng của lửa. Bờ sông bên kia, những cây liễu rũ đang khóc than, tóc ngang bờ vai buông lửng. Mặt sông phản chiếu bóng hình góc trời xanh, cây cầu bắc ngang, vòm cây cháy đỏ, và sau khi anh sinh viên chèo con thuyền lướt qua vũng bóng hình lung linh đó, nó đóng lại như thể chẳng hề có ai đi qua. Tại đây, người ta có thể ngồi hàng giờ đầu óc lan man những ý tưởng không đâu. Ý tưởng - gọi nó bằng cái tên cao cấp hơn là nó xứng đáng được nhận - bỗng sa xuống mặt nước. Nó đong đưa, phút này qua phút khác, lúc chỗ này lúc chỗ kia, lúc giữa vũng sắc hình lung linh phản chiếu, lúc nơi đám cỏ dại, lúc té nước hất tung lên, lúc chìm nghỉm, cho đến khi - các bạn biết kết quả của sự giằng co như thế sẽ ra sao rồi - một khối ý tưởng đột nhiên bùng vỡ: và rồi hãy thận trọng kéo nó lại, khẽ khàng trải nó ra? Hỡi ôi! Nằm trên thảm cỏ, ý tưởng này của tôi trông nhỏ bé, tầm thường xiết bao; một loại cá mà ngư dân thiện nghệ vứt trả xuống nước để nó có thể lớn lên và ngày nào đó bõ công nấu thành món ăn. Lúc này, tôi sẽ không quấy rầy các bạn với ý tưởng đó làm gì, mặc dù nếu cẩn thận nhìn kĩ, các bạn sẽ tự mình tìm thấy nó giữa những điều tôi sắp nói ra đây.
Tuy bé nhỏ tầm thường nhưng nó vẫn ẩn chứa bản chất kì bí của riêng mình - giữ lại trong đầu, ngay tức khắc nó trở nên vô cùng khích động, và trọng đại nữa; trong khi nó vụt tới vụt lui, chớp chỗ này lóe chỗ kia, không biết bao nhiêu ý nghĩ cứ thế tuôn tràn náo động khiến tôi chẳng thể ngồi yên. Thế là, tôi thấy mình băng đi thật nhanh qua bãi cỏ. Bỗng nhiên, có bóng người đàn ông xuất hiện chặn đứng trước mặt tôi. Thoạt tiên, tôi chưa nhận ra cử chỉ khoát tay của con người kì dị mặc áo khoác đuôi tôm và sơ mi lịch sự dành cho các bữa tiệc ấy là nhắm vào mình. Gương mặt ông ta lộ vẻ hoảng hốt và tức giận ghê gớm. Bản năng chứ không phải lí lẽ đã giúp tôi hiểu ra; ông ta là giám thị trong trường; còn tôi là đàn bà. Đây là thảm cỏ xanh, đằng kia là lối đi. Chỉ có các giảng sư và học giả mới được phép giẫm chân lên thảm cỏ; còn lối đi trải sỏi là dành cho tôi. Những ý tưởng đó chạy vụt qua trí óc tôi. Ngay khi tôi đổi hướng bước về phía lối đi, hai cánh tay ông giám thị cũng thư thả buông xuống, sắc mặt trở lại bình thường, và mặc dù đi bộ trên cỏ êm ái hơn đá sỏi, tôi thấy chẳng việc gì phải làm to chuyện. Lời kiện cáo duy nhất tôi có thể đem ra chống đối các vị giảng sư và học giả của trường đại học là để bảo vệ thảm cỏ của họ, một chuyện không thay đổi suốt ba trăm năm nay, họ đã khiến con cá nhỏ của tôi lặn mất tăm.
Giờ đây, tôi không thể nào nhớ nổi ý tưởng gì đã khiến tôi cả gan vi phạm điều cấm kị trong khuôn viên trường như thế. Lòng bình an như đám mây hạ thế từ thiên đàng, bởi nếu có lòng bình an ở nơi nào đó thì chắc nó phải ngự trị nơi khoảng sân tứ giác của Oxbridge một buổi sáng tháng Mười đẹp trời. Tản bộ xuyên qua những học viện, những dinh thự cổ xưa, cái xù xì của thực tại dường như bay biến; thân thể như được bao phủ bởi cái tủ kính kì diệu không âm thanh nào xuyên qua nổi, và tâm trí không bị nhiễu loạn bởi bất kì sự tác động nào của thực tại (ngoại trừ người ta lại vi phạm giẫm chân lên bãi cỏ), tự do an định với bất kì suy nghiệm nào hài hòa với thời khắc lúc đó. Tình cờ, vài mảnh vụn trong trí nhớ về vài bài tiểu luận cũ nào đó viết về chuyến trở lại thăm Oxbridge trong kì nghỉ hè dài hạn khiến tôi chạnh nhớ đến Charles Lamb[8] - Saint Charles, Thackery[9] nói, đặt lá thư của Lamb lên trán. Thật thế, trong số những người đã mất (ý nghĩ nào đến với tôi, tôi sẽ chia sẻ với các bạn), Lamb là một trong những người đồng điệu nhất; người mà người ta có thể hỏi, “Hãy cho tôi biết cách nào ông viết được những tiểu luận đó?” Bởi tôi cho là tiểu luận của ông còn vượt trội hơn cả của Max Beerbohm[10] với tất cả sự toàn bích, nhờ cái chớp nhoáng hoang dại của tưởng tượng, nhờ thiên tài như ánh chớp hiển lộ ngay giữa các tác phẩm, để lại tì vết và sự bất toàn, nhưng lại lấp lánh chất thơ. Thế rồi, cách đây chừng trăm năm, Lamb đã về Oxbridge. Chắc chắn ông có viết một tiểu luận - tôi quên mất nhan đề bài viết - về bản thảo một bài thơ của Milton[11] mà ông tận mắt trông thấy ngay tại nơi đây. Có lẽ đó là bài Lycidas[12], và Lamb viết ông đã bị sốc như thế nào khi nghĩ có thể nào mỗi từ trong bài thơ, bất kì từ nào, có khả năng là một từ khác hay không. Ý tưởng Milton biến hóa từ ngữ trong bài thơ, với ông, giống như hành động phạm thượng. Điều này khiến tôi nhớ tôi cũng hay giải khuây với bài Lycidas bằng cách đoán từ nào có thể bị Milton sửa đổi và tại sao. Rồi tôi nhớ thêm điều nữa là chính bản thảo bài thơ đó, bản Lamb tận mắt nhìn thấy, nằm cách đây chỉ vài trăm thước, người ta có thể đi theo bước chân của Lamb băng ngang khoảng sân tứ giác để vào cái thư viện danh tiếng nơi tàng trữ bảo vật quý giá đó. Hơn nữa, tôi cũng nhớ thêm, trong lúc tôi chuẩn bị thực hiện kế hoạch này, cũng chính tại thư viện này lưu trữ bản thảo tác phẩm Esmond[13] của Thackery. Giới phê bình thường nói Esmond là tiểu thuyết toàn bích nhất của Thackery. Nhưng sự mô phỏng văn phong, bắt chước văn phong thế kỷ XVIII, chính là trở ngại của tác phẩm, tôi nhớ như vậy; ngoại trừ trường hợp văn phong thể kỷ XVIII là tự nhiên với Thackery - một dữ kiện người ta có thể minh chứng bằng cách xem xét bản thảo và tận mắt nhìn thấy những sửa chữa đó giúp ích cho văn phong hay ý nghĩa. Nhưng rồi người ta lại phải quy định cái gì là văn phong, cái gì là ý nghĩa, một câu hỏi mà - nhưng tôi đã đến sát cửa thư viện rồi. Chắc tôi có mở cửa, bởi ngay lập tức xuất hiện, như một thiên thần bảo hộ chặn đường với cái áo choàng đen phất phới chứ không phải đôi cánh trắng, người đàn ông lịch sự, mái tóc bạc trắng từ tốn cất giọng trầm trầm bảo tôi, trong lúc vẫy tôi lại, là phụ nữ chỉ được phép đặt chân vào thư viện khi nào có giảng sư đại học đi kèm hoặc trong tay có thư giới thiệu.
...