Cảnh Đồi Mờ Xám |
|
Tác giả | Kazuo Ishiguro |
Bộ sách | Nobel Văn Chương |
Thể loại | Lãng mạn |
Tình trạng | Hoàn Thành |
Định dạng | eBook mobi pdf epub azw3 |
Lượt xem | 5781 |
Từ khóa | eBook mobi pdf epub azw3 full Kazuo Ishiguro Lan Young Tiểu Thuyết Lãng Mạn Giải Nobel Văn học Nhật Bản Văn học phương Đông |
Nguồn | ebook©vctvegroup |
Nhận được tin Keiko, con gái lớn của mình tự tử, Etsuko, một phụ nữ Nhật Bản sống một mình ở Anh đã bắt đầu cuộc hành trình chìm đắm vào những kí ức về một mùa hè ở Nagasaki hậu chiến. Trung tâm của những kí ức mơ hồ ấy là một tình bạn lạ lùng với Sachiko, người đã bị cuộc chiến tranh tước đi tất cả trừ đứa con gái nhỏ cùng một khao khát mãnh liệt phải đến nước Mỹ bằng mọi giá.
Trong cuốn tiểu thuyết đầu tay của mình, Kazuo Ishiguro đã khắc họa nên bức tranh những số phận ở nước Nhật Bản bại trận, nơi các nhân vật của ông vật lộn, xoay xở, dằn vặt với những thay đổi đến quá nhanh và quá dữ dội. Nhưng sâu hơn, cuốn sách còn là một cuộc thăm dò đầy tinh tế cái bí ẩn của kí ức. Cuộc sống hiện tại đặt nền móng trên kí ức, nhưng đến lượt mình, chính kí ức lại vô cùng bất trắc, khó lường.
***
Niki, cái tên chúng tôi rốt cuộc đặt cho con gái út của mình, không phải tên tắt mà là một thỏa hiệp giữa tôi với cha con bé. Trái khoáy ở chỗ, anh lại là người muốn chọn một cái tên Nhật Bản cho nó, còn tôi - có lẽ vì một mong muốn ích kỷ không muốn gọi lại quá khứ - nên cứ nhất quyết đòi một cái tên Anh. Cuối cùng thì chồng tôi cũng đồng ý với Niki, vì tin rằng có đôi chút Đông phương phảng phất trong đó.
Con bé về thăm tôi hồi đầu năm nay, vào tháng Tư, khi ngày vẫn trôi qua trong lạnh giá và mưa phùn. Có thể nó vốn định ở lại lâu hơn. Tôi không biết nữa. Nhưng ngôi nhà thôn quê và sự tĩnh lặng xung quanh khiến nó bức bối, chẳng bao lâu sau, tôi thấy rõ nó đã rất nóng lòng muốn trở về cuộc sống của mình ở London. Nó nghe các đĩa hát cổ điển của tôi với vẻ bồn chồn, lật vội qua biết bao cuốn tạp chí. Điện thoại thường xuyên đổ chuông, nó vội bước qua tấm thảm, thân hình mảnh dẻ siết trong bộ quần áo bó, cẩn thận đóng cánh cửa sau lưng để tôi không nghe được cuộc nói chuyện. Nó rời đi sau năm ngày.
Phải tới ngày thứ hai nó mới nhắc đến Keiko. Hôm ấy là một buổi sáng hút gió ảm đạm, chúng tôi đã kê ghế bành ra gần cửa sổ để ngắm mưa rơi xuống mảnh vườn nhà.
“Mẹ có nghĩ con sẽ đến không?” nó hỏi. “Ý con là đến lễ tang ấy.”
“Không, mẹ nghĩ là không. Mẹ không thực sự nghĩ con sẽ tới.”
“Nghe tin về chị ấy, con cũng buồn. Con đã suýt đến đấy.”
“Mẹ chưa bao giờ nghĩ con sẽ tới.”
“Mọi người không ai hiểu con bị làm sao,” nó nói. “Con không hề nói với bất kỳ ai. Chắc vì con thấy xấu hổ. Quả thực họ sẽ không hiểu được, họ sẽ không thể hiểu cảm giác của con về chuyện ấy. Chị em gái lẽ ra phải là người ta thấy gần gũi, đúng không. Có thể ta không thích họ lắm, nhưng ta vẫn gần gũi với họ. Nhưng sự thực lại không phải thế. Đến bây giờ, con thậm chí còn không nhớ chị ấy trông thế nào.”
“Đúng thế, lần cuối cùng con gặp chị cũng đã khá lâu rồi.”
“Con chỉ nhớ chị ấy luôn khiến con khổ sở. Con chỉ nhớ có thế về chị ấy. Nhưng mặc dầu vậy, con vẫn buồn khi nghe tin.”
Có lẽ điều thôi thúc con gái tôi quay trở lại London không chỉ là sự tĩnh lặng. Vì dù chúng tôi không bao giờ nói chuyện lâu về cái chết của Keiko, chủ đề ấy không bao giờ khuất dạng, luôn lảng vảng bất cứ khi nào chúng tôi trò chuyện với nhau.
Không giống Niki, Keiko là người Nhật thuần và hơn một tờ báo đã mau mắn bám vội lấy chi tiết này. Người Anh thích nghĩ rằng tự vẫn đã ăn sâu vào máu người Nhật chúng tôi, cứ như thể chẳng cần phải giải thích gì thêm; vì đó là tất cả những gì họ đưa lên mặt báo, rằng con bé là người Nhật và nó đã treo cổ trong phòng riêng.
⁎ ⁎ ⁎
Cũng chính buổi tối hôm ấy, khi đang đứng cạnh các ô cửa sổ đưa mắt nhìn ra bóng tối ngoài kia, tôi bỗng nghe tiếng Niki sau lưng mình: “Mẹ đang nghĩ gì thế?” Nó đang ngồi vắt ngang người trên ghế trường kỷ, một cuốn sách bìa mềm đặt trên đầu gối.
“Mẹ đang nghĩ về một người mẹ từng quen. Một phụ nữ mẹ từng quen.”
“Một người mẹ quen hồi mẹ… Trước khi mẹ đến Anh?”
“Mẹ quen cô ấy hồi mẹ sống ở Nagasaki, nếu đó là điều con muốn hỏi.” Thấy nó tiếp tục nhìn mình, tôi nói thêm, “Đã lâu lắm rồi. Rất lâu trước khi mẹ gặp cha con.”
Có vẻ hài lòng với câu trả lời nên sau khi buông một lời bình luận bâng quơ, nó quay lại với cuốn sách. Nói chung, Niki là một đứa trẻ biết quan tâm. Nó đến đây không chỉ để xem tôi đón nhận tin về cái chết của Keiko thế nào; nó đến thăm tôi xuất phát từ cảm giác sứ mệnh. Vì trong mấy năm gần đây, do quyết định cảm phục một số khía cạnh nhất định trong quá khứ của tôi, nó đã chuẩn bị tinh thần để nói với tôi rằng mọi chuyện đến giờ không có gì thay đổi, rằng tôi không nên ân hận vì những lựa chọn trước đây của mình. Nói ngắn gọn, để trấn an rằng tôi không phải chịu trách nhiệm trước cái chết của Keiko.
Lúc này, tôi hoàn toàn không muốn nói nhiều về Keiko vì điều ấy không an ủi tôi là mấy. Tôi nhắc đến Keiko ở đây chỉ vì chuyện đó liên quan đến chuyến thăm của Niki hồi tháng Tư này, và vì chính trong chuyến thăm ấy, tôi lại nhớ đến Sachiko sau ngần ấy thời gian. Tôi chưa bao giờ thực sự thân với Sachiko. Trên thực tế, tình bạn của chúng tôi chỉ kéo dài có vài tuần lễ, không hơn, trong một mùa hè đã nhiều năm về trước.
⁎ ⁎ ⁎
Lúc ấy, những ngày khủng khiếp nhất đã qua. Lính Mỹ vẫn đông như trước - vì đang có chiến trận ở Triều Tiên - nhưng ở Nagasaki, sau những gì đã xảy ra trước đó thì đó là những tháng ngày yên ả và nhẹ nhõm. Có cảm giác thế giới đang thay đổi.
Tôi và chồng sống tại một khu vực ở phía Đông của thành phố, chỉ cách trung tâm một chuyến xe điện ngắn. Gần chỗ chúng tôi ở có một con sông, có lần tôi nghe nói từng có một ngôi làng mọc lên ven bờ sông hồi trước chiến tranh. Nhưng rồi bom giội xuống và tất cả những gì còn sót lại chỉ là những đống đổ nát cháy đen. Việc tái thiết đã được tiến hành và chẳng bao lâu sau, bốn tòa nhà bê tông đã mọc lên, mỗi tòa có khoảng bốn mươi căn hộ riêng biệt. Trong số bốn tòa nhà tập thể ấy, tòa của chúng tôi được xây sau rốt, cũng chính vào thời điểm chương trình tái thiết bị tạm hoãn; vậy là giữa chúng tôi và con sông là một vùng đất trống vài mẫu toàn bùn khô và mương rãnh. Rất nhiều người phàn nàn coi ni đó là một mối đe dọa về mặt sức khỏe, và quả thật việc thoát nước ở đó rất kinh khủng. Quanh năm suốt tháng, lúc nào cũng có những hố đầy nước tù đọng, vào những tháng mùa hè, muỗi nhiều đến mức không ai chịu nổi. Thỉnh thoảng cũng thấy các viên chức tới sải chân đo đạc hoặc nguệch ngoạc ghi chép, nhưng rồi nhiều tháng trôi qua mà đâu vẫn hoàn đấy.
Cư dân của khu tập thể cũng là những người như chúng tôi - các cặp vợ chồng trẻ, chồng tìm được công việc khá khẩm tại những công ty đang lên. Các công ty là chủ sở hữu của nhiều căn hộ, họ cho nhân viên của mình thuê lại với giá rất hào phóng. Căn hộ nào cũng giống nhau; sàn tatami, nhà tắm và bếp theo thiết kế phương Tây. Chúng đều nhỏ và rất khó giữ cho mát mẻ trong những tháng nóng nực, nhưng về tổng thể, các cư dân ở đây dường như đều có chung cảm giác hài lòng. Tuy vậy, ở đó, tôi vẫn còn nhớ rõ một bầu không khí tạm bợ không lẫn đi đâu được, như thể tất cả chúng tôi đang chờ đến ngày được chuyển tới sống ở một nơi khác tiện nghi hơn thế.
Có một ngôi nhà gỗ nhỏ vẫn tồn tại qua sự tàn phá của cả chiến tranh lẫn những cỗ xe ủi đất của chính quyền. Tôi có thể thấy ngôi nhà từ cửa sổ căn hộ của mình, đứng lẻ loi cuối bãi đất trống rộng lớn, gần như ngay sát bờ sông. Đó là một ngôi nhà nhỏ kiểu thường gặp ở nông thôn, mái ngói dốc xuống gần sát mặt đất. Trong những khoảnh khắc trống rỗng, tôi vẫn thường đứng bên cửa sổ trân trân nhìn ngôi nhà đó.
Nếu xét tới những chú ý mọi người dành cho sự xuất hiện của Sachiko, thì tôi không phải người duy nhất để mắt đến ngôi nhà ấy. Người ta bàn tán rất nhiều về hai nam công nhân một ngày nọ làm việc ở đó - những chuyện như không biết họ có phải viên chức nhà nước hay không, về sau người ta đồn rằng có người phụ nữ và đứa con gái nhỏ đến sống tại ngôi nhà, chính tôi cũng đã vài dịp thấy hai mẹ con đi qua bãi đất đầy mương rãnh.
Lúc ấy là đầu hè - tôi đang mang bầu được ba hoặc bốn tháng - khi tôi lần đầu tiên để ý thấy chiếc xe Mỹ to đùng màu trắng và móp méo đang xóc nẩy chạy trên khu đất, hướng về phía bờ sông. Lúc đó trời đã sẩm tối, mặt trời đang lặn xuống sau căn nhà, thoáng chốc lóe lên trên lớp vỏ xe bằng sắt.
Rồi một buổi chiều nọ, tôi nghe thấy hai phụ nữ ở trạm chờ xe điện nói chuyện về người đàn bà đã chuyển tới căn nhà vô chủ bên sông. Một người kể cho người kia mình đã nói chuyện với người ấy vào sáng hôm đó và được đáp lại bằng một thái độ khinh khỉnh không lẫn đi đâu được. Người đi cùng đồng ý rằng người mới đến có vẻ thiếu thân thiện - thậm chí có khi là kênh kiệu nữa. Cô ta trẻ lắm cũng phải ba mươi tuổi, vì con gái cô ta ít nhất cũng đã lên mười. Người phụ nữ thứ nhất bảo cô ta nói giọng Tokyo và chắc chắn không phải dân Nagasaki. Họ bàn tán một lúc về “người bạn Mỹ” của cô, rồi người phụ nữ nhắc lại thái độ kém thân thiện người lạ mặt dành cho mình sáng hôm đó.
Tôi không nghi ngờ gì rằng trong số các phụ nữ cùng sống ở khu tập thể vào thời điểm đó, có những người đã phải chịu đau khổ, mang trong mình những ký ức buồn thương và kinh hoàng. Nhưng khi chứng kiến cảnh họ từng ngày bận bịu với chồng con, tôi thấy thật khó tin họ đã từng có lúc sống cuộc đời chất chứa những thảm kịch và ác mộng thời chiến. Tôi không bao giờ cố ý tỏ ra thiếu thân thiện, nhưng nếu bảo tôi không cố chứng minh điều ngược lại thì chắc cũng chẳng sai. Vì vào thời điểm ấy trong đời mình, tôi vẫn còn muốn mọi người để mình được yên.
Vậy là tôi chăm chú lắng nghe hai phụ nữ nói chuyện về Sachiko. Tôi có thể hồi tưởng lại một cách sống động buổi chiều hôm ấy ở trạm chờ xe điện. Đó là một trong những ngày rực rỡ ánh nắng đầu tiên sau mùa mưa tháng Sáu, và quanh chúng tôi, các bức tường gạch và bê tông dầm nước đang dần khô ráo. Chúng tôi đang đứng trên cây cầu xe lửa và ở một bên đường ray ngay dưới chân đồi, ta có thể thấy một đám mái nhà tụm lại một chỗ, như thể các ngôi nhà đã xô nhau cùng trượt xuống dốc. Xa hơn một chút là khu tập thể của chúng tôi, nhìn như bốn cột bê tông. Lúc đó, tôi thấy đồng cảm với Sachiko, thấy phần nào hiểu được thái độ xa lánh tôi đã nhận ra khi quan sát cô từ xa.
Chúng tôi rồi sẽ trở thành bạn bè với nhau vào mùa hè ấy và tôi sẽ được cô gửi gắm tâm sự riêng, ít nhất là trong một khoảng thời gian ngắn. Giờ thì tôi không nhớ chúng tôi đã gặp nhau lần đầu tiên như thế nào. Chỉ nhớ một chiều nọ tội nhận ra cô đang đi trước mình trên con đường nhỏ dẫn ra khỏi khu dân cư. Tôi vội vã đuổi theo, còn Sachiko cứ bình thản bước. Chắc hẳn lúc ấy chúng tôi đã biết tên nhau rồi, vì tôi nhớ đã gọi cô khi đến gần.
Sachiko quay lại chờ tôi bắt kịp. “Có chuyện gì sao?” cô hỏi.
“Thấy chị ở đây em mừng quá,” tôi nói, có chút hụt hơi. “Con gái chị, lúc em ra khỏi nhà, nó đang đánh nhau. Ở đằng kia, gần mấy rãnh nước ấy.”
“Nó đánh nhau sao?”
“Với hai đứa trẻ khác. Một đứa là con trai. Chúng đánh nhau dữ lắm.”
“Vậy hả.” Sachiko bắt đầu đi tiếp. Tôi đi bên cạnh cô.
“Em không muốn làm chị hoảng hốt,” tôi nói, “nhưng hình như chúng đánh nhau dữ lắm. Em còn thấy một vết cắt trên má con gái chị nữa thì phải.”
“Vậy sao.”
“Ở đằng kia, phía cuối bãi đất.”
“Chúng nó vẫn đang đánh nhau à?” Cô tiếp tục đi lên đồi.
“Không. Em thấy con gái chị bỏ chạy.”
Sachiko mỉm cười nhìn tôi. “Em không quen thấy trẻ con đánh nhau phải không?”
“Trẻ con đánh nhau thì cũng không tránh được. Nhưng em nghĩ nên nói cho chị biết. Và em nghĩ nó không định đến trường đâu. Mấy đứa kia tiếp tục đi về phía trường học, nhưng con gái chị lại quay về phía bờ sông.”
Sachiko không trả lời, chỉ tiếp tục đi lên đồi.
“Sự thực là,” tôi tiếp tục, “em đã định nói với chị chuyện này từ trước. Chị thấy đấy, dạo này em đã nhiều lần bắt gặp con gái chị. Hình như con bé trốn học chút ít hay sao ấy.”
Con đường chia ngả trên đỉnh đồi. Sachiko dừng lại, chúng tôi nhìn nhau.
“Em quan tâm đến con gái chị như vậy thật tử tế quá, Etsuko ạ,” cô nói, “hết sức tử tế. Nhất định em sẽ trở thành một bà mẹ tuyệt vời.”
Cũng như hai phụ nữ ở trạm chờ xe điện, trước đây tôi vẫn nghĩ Sachiko khoảng ba mươi tuổi. Nhưng có lẽ dáng người trẻ trung của cô đã đánh lừa chúng tôi, vì nét mặt cô già dặn hơn nhiều. Cô đang nhìn tôi với vẻ thích thú thoáng hiện trên khuôn mặt, cái nhìn của cô có gì đó khiến tôi phải lúng túng cười trừ.
“Chị rất cảm ơn khi em tìm chị thế này,” cô nói tiếp. “Nhưng như em thấy đấy, giờ chị đang bận chút việc. Chị phải vào Nagasaki.”
“Không sao. Em chỉ nghĩ tốt hơn cả là đến nói cho chị hay, chỉ vậy thôi.”
Trong khoảnh khắc, cô lại tiếp tục nhìn tôi vẫn với ánh mắt thích thú ấy. Rồi cô nói, “Em mới tử tế làm sao. Giờ thì chị xin phép. Chị phải vào thành phố.” Cô cúi chào, sau đó quay sang ngả đường dẫn lên trạm chờ xe điện.
“Chỉ vì nó có vệt xước trên má thôi,” tôi nói, hơi cao giọng. “Còn con sông nữa, nhiều khúc rất nguy hiểm. Em chỉ nghĩ tốt nhất nên tìm gặp chị rồi nói cho chị hay.”
Cô quay lại nhìn tôi một lần nữa. “Etsuko này, nếu em không còn việc gì để làm,” cô nói, “thì chắc hôm nay em sẽ không ngại trông con bé giúp chị đâu nhỉ. Buổi chiều chị sẽ về. Chị tin chắc em với nó sẽ rất hợp nhau.”
“Em sẽ không phản đối, nếu chị muốn thế. Em phải nói là em có cảm giác con gái chị vẫn còn quá nhỏ để ở một mình suốt ngày.”
“Em mới tử tế làm sao,” Sachiko nhắc lại. Rồi cô mỉm cười một lần nữa. “Đúng thế, chị tin rằng em sẽ trở thành một bà mẹ tuyệt vời.”
Sau khi chia tay Sachiko, tôi xuống đồi, đi qua khu dân cư để quay về nhà. Chỉ một lúc sau, tôi thấy mình đã về đến bên ngoài tòa nhà nơi mình ở, nhìn ra dải đất trống. Không thấy bóng dáng con bé đâu, đang định quay vào thì tôi bỗng phát hiện có thứ gì đó di chuyển dọc bờ sông. Chắc con bé chỉ vừa mới đứng lên, vì giờ tôi có thể thấy rõ bóng dáng bé bỏng của nó bên kia khoảng đất đầy bùn. Thoạt đầu, một cảm giác hối thúc dâng lên trong lòng, khiến tôi những muốn quên hết chuyện này đi để quay về làm việc nhà. Nhưng cuối cùng, tôi vẫn tiến về phía con bé, cẩn thận tránh những rãnh nước tù.
Theo những gì tôi nhớ thì đó là lần đầu tiên tôi nói chuyện với Mariko. Cách hành xử của nó vào buổi sáng hôm ấy chắc cũng không có gì quá bất thường, vì thực ra tôi cũng chỉ là một người lạ mặt. Nó hoàn toàn có quyền ngờ vực tôi. Và nếu quả là tôi có cảm giác bất an lạ lùng nào đó vào hôm ấy, thì có lẽ cũng chỉ là phản ứng bình thường trước thái độ của Mariko.
Sau mùa mưa vài tuần trước, nước sông sáng hôm ấy vẫn khá cao và chảy xiết. Bờ đất dốc thẳng xuống mặt nước, bùn ở chân dốc nơi con bé đang đứng trông sũng nước hơn hẳn. Mariko mặc một chiếc váy bông đơn giản, dài tới gối, mái tóc cắt ngắn khiến nó có vẻ giống con trai. Không cười, nó ngẩng lên nhìn tôi đang đứng trên đỉnh con dốc bùn.
“Chào cháu,” tôi nói, “cô vừa nói chuyện với mẹ cháu xong. Cháu là Mariko phải không?”
Cô bé tiếp tục nhìn tôi không chớp mắt, chẳng nói một lời. Vệt trên má khi nãy tôi tưởng là máu, giờ hóa ra chỉ là một vết bùn.
“Giờ này lẽ ra cháu phải ở trường chứ, đúng không?” tôi hỏi.
Nó im lặng một lát. Rồi lên tiếng: “Cháu không đi học.”
“Nhưng trẻ em là phải đi học. Cháu không thích đi học à?”
“Cháu không đi học.”
“Nhưng mẹ cháu không gửi cháu tới trường nào ở đây sao?”
Mariko không đáp. Thay vào đó, nó lùi lại một bước.
“Cẩn thận đấy,” tôi nói. “Không là cháu sẽ ngã xuống nước mất. Trơn lắm đấy.”
Nó tiếp tục đứng dưới chân dốc nhìn lên chỗ tôi đứng. Tôi thấy đôi giày nhỏ xíu của nó nằm ngay cạnh. Cả giày và đôi chân trần của nó đều lấm lem bùn.
“Cô vừa nói chuyện với mẹ cháu,” tôi nói, mỉm cười mong nó yên tâm. “Mẹ cháu nói sẽ rất vui nếu cháu lên nhà cô chờ mẹ về. Nhà cô đằng kia kìa, ở khu tập thể ấy. Cháu có thể lên nhà với cồ, ăn thử bánh cô làm hôm qua. Cháu có thích không, Mariko? Rồi cháu có thể kể chuyện của cháu cho cô nghe nữa.”
Mariko vẫn nhìn tôi đầy cảnh giác. Rồi không rời mắt khỏi tôi, nó cúi xuống nhặt giày. Lúc đầu, tôi cứ tưởng điều đó có nghĩa nó chuẩn bị đi theo mình. Nhưng khi thấy nó vẫn tiếp tục nhìn mình, tôi mới hiểu ra nó nhặt giày lên là để sẵn sàng bỏ chạy nếu cần.
“Cô không làm hại cháu đâu,” tôi nói rồi cười một cách căng thẳng. “Cô là bạn của mẹ cháu mà.”
Theo những gì tôi nhớ, hai chúng tôi chỉ nói với nhau có thế vào buổi sáng hôm ấy. Không muốn làm con bé hoảng sợ thêm nên chỉ một lúc sau, tôi đã quay người, vượt qua bãi đất trống về nhà. Quả thực, phản ứng của con bé có phần khiến tôi phật ý; vì trong khoảng thời gian ấy, những điều tuy nhỏ nhặt vậy thôi nhưng lại khơi dậy trong tôi biết bao nỗi e sợ về bổn phận làm mẹ. Tôi tự nhủ chuyện vừa xảy ra chẳng có gì to tát và dù sao chăng nữa, trong những ngày tiếp theo, thế nào cũng có thêm nhiều cơ hội để tôi kết bạn với nó. Nhưng hóa ra, phải đến một buổi chiều khoảng hai tuần sau đó, tôi mới lại nói chuyện với Mariko.
⁎ ⁎ ⁎
Trước chiều hôm ấy, tôi chưa bao giờ đặt chân vào bên trong ngôi nhà nhỏ và đã khá ngạc nhiên khi được Sachiko mòi vào. Trên thực tế, tôi đã lập tức nhận ra cô mời mình là có mục đích gì đó. Quả đúng như vậy, tôi không nhầm.
Căn nhà rất gọn gàng, nhưng tôi vẫn nhớ nó tỏa ra một vẻ tồi tàn ảm đạm; xà nhà bằng gỗ trên trần nhìn cũ kỹ và thiếu an toàn, chỗ nào trong nhà cũng phảng phất một mùi ẩm thấp. Cửa trượt ở mặt trước ngôi nhà đã được mở tung cho ánh sáng mặt trời tràn qua hiên vào trong. Mặc dầu thế, phần lớn ngôi nhà vẫn chìm trong bóng tối.
Mariko đang nằm ở góc nhà cách xa nguồn sáng mặt trời nhất. Dù rất tối, tôi vẫn thấy có gì đó đang cựa quậy cạnh nó. Lại gần, tôi nhận ra đó là một con mèo lớn đang cuộn tròn trên mặt sàn tatami.
“Xin chào, Mariko,” tôi nói. “Cháu có nhớ cô không?”
Nó ngừng vuốt ve con mèo và ngước lên.
“Cô cháu mình gặp nhau hôm nọ,” tôi nói tiếp. “Cháu không nhớ sao? Ở bờ sông ấy.”
Con bé không có vẻ gì đã nhận ra tôi. Nó nhìn tôi một lúc, sau đó lại bắt đầu vuốt ve con mèo. Sau lưng mình, tôi nghe tiếng Sachiko đang pha trà trên bếp đặt ở giữa phòng. Đang định lại chỗ cô thì đột nhiên Mariko lên tiếng, “Nó sắp đẻ rồi.”
“Thật sao? thế thì thích thật.”
“Cô có muốn một con mèo con không?”
“Cháu thật tốt, Mariko. Để cô xem thế nào đã nhé. Nhưng cô tin chắc thế nào lũ mèo con cũng tìm được một mái nhà tử tế.”
“Sao cô không lấy một con mèo con?” cô bé hỏi. “Cô kia bảo sẽ lấy một con.”
“Để cô nghĩ đã nhé, Mariko. Cô nào cơ?”
“Cô bên kia sông. Cô ấy bảo sẽ lấy một con.”
“Nhưng cô không nghĩ có ai sống ở bên kia sông, Mariko. Bên ấy chỉ toàn cây cối với rừng thôi mà.”
“Cô ấy nói sẽ dẫn cháu đến nhà cô ấy. Cô ấy sống bên kia sông. Cháu không đi theo cô ấy.”
Tôi nhìn cô bé trong giây lát. Rồi chợt nghĩ ra, tôi cười phá lên.
“Nhưng đó chính là cô mà, Mariko. Cháu không nhớ sao? Cô bảo cháu lên nhà cô chờ mẹ cháu từ thành phố về mà.”
Mariko lại ngẩng lên nhìn tôi. “Không phải cô,” nó nói. “Mà là cô kia. Cô ấy sống bên kia sông cơ. Tối hôm qua cô ấy đến đây. Khi mẹ cháu đi vắng.”
“Tối hôm qua? Khi mẹ cháu đi vắng?”
“Cô ấy nói sẽ dẫn cháu sang nhà cô ấy, nhưng cháu không chịu. Vì lúc ấy trời đã tối. Cô ấy nói thế thì cầm đèn theo” - con bé đưa tay chỉ chiếc đèn xách tay treo trên tường - “nhưng cháu không đi theo cô ấy. Vì lúc ấy trời đã tối.”
Phía sau tôi, Sachiko đã đứng dậy và đang nhìn con gái. Mariko trở nên im lặng, sau đó ngoảnh đi và tiếp tục vuốt ve con mèo.
“Ra ngoài hiên đi,” Sachiko nói với tôi, tay bê khay trà. “Ngoài ấy mát hơn.”
Hai chúng tôi làm theo lời cô, để Mariko lại một mình ở góc nhà của nó. Từ ngoài hiên, tuy không thể nhìn thấy dòng sông, nhưng tôi vẫn thấy rõ nơi triền đất dốc xuống và lớp bùn càng gần mặt nước trông càng ẩm ướt hơn hẳn. Sachiko ngồi lên một tấm đệm và bắt đầu rót trà.
“Ở đây nhan nhản mèo hoang,” cô nói. “Chị không thấy lạc quan cho lắm về tương lai của lũ mèo con này đâu.”
“Đúng thế, có quá nhiều mèo hoang,” tôi đáp. “Thật đáng thương. Mariko tìm thấy con mèo mẹ ở đây hả chị?”
“Không, mẹ con chị mang nó theo. Nếu là chị thì chị đã bỏ nó lại rồi, nhưng Mariko nhất quyết không chịu nghe lời.”
“Chị đưa nó về đây từ tận Tokyo sao?”
“Không. Chị với con bé đã sống gần một năm trời ở Nagasaki mà. Ở phía bên kia thành phố.”
“Ôi vậy sao? Em không biết đấy. Chị sống ở đó cùng… cùng bạn à?”
Sachiko ngừng rót trà và nhìn tôi, hai tay ôm ấm trà. Tôi thấy trong ánh nhìn của cô biểu cảm thích thú từng toát ra khi cô quan sát tôi vào lần gặp trước.
“Chị e là em nhầm rồi, Etsuko ạ,” cuối cùng cô cũng lên tiếng. Rồi lại tiếp tục rót trà. “Chị sống ở nhà bác trai chị.”
“Chị yên tâm, em chỉ…”
“Ừ, tất nhiên rồi. Thế nên không việc gì phải ngại ngùng, đúng không?” Cô cười to rồi đưa tôi một chén trà. “Chị xin lỗi, Etsuko ạ, chị không định đùa em. Sự thật là, chị có việc này muốn hỏi em. Muốn nhờ vả em một chút.” Sachiko bắt đầu rót trà cho chính mình, và khi làm việc đó, dường như thái độ cô trở nên nghiêm túc hơn trước. Rồi cô đặt ấm trà xuống, nhìn tôi. “Em thấy đấy, Etsuko, một vài dự tính của chị không tiến triển như đã định. Vì thế nên hiện tại chị cần tiền. Không nhiều lắm, em hiểu không. Chỉ cần một chút.”
“Em hiểu,” tôi nói, hạ thấp giọng. “Chắc chị rất vất vả khi phải lo cho Mariko.”
“Etsuko này, chị nhờ em việc này được không?”
Tôi cúi người. “Em có chút tiền tiết kiệm,” tôi nói, gần như thì thầm. “Em sẽ rất vui nếu giúp được chị phần nào.”
Tôi rất ngạc nhiên khi Sachiko cười to. “Em tốt quá,” cô nói. “Nhưng thực ra, chị không muốn mượn tiền của em. Chị đang nghĩ đến việc khác. Hôm nọ em có nhắc tới một việc. Em có một người bạn có quán mì.”
“Ý chị là bác Fujiwara?”
“Em bảo chị hình như bác ấy đang cần người giúp việc. Một công việc nhỏ như vậy sẽ giúp được chị rất nhiều.”
“À,” tôi đáp, hơi do dự. “Nếu chị muốn, em sẽ hỏi giúp.”
“Thế thì tuyệt lắm.” Sachiko nhìn tôi trong giây lát. “Nhưng hình như em hơi lưỡng lự về chuyện đó, đúng không Etsuko?”
“Hoàn toàn không. Bao giờ gặp bác ấy, em sẽ hỏi giúp chị. Nhưng em chỉ băn khoăn” - tôi lại hạ giọng - “ai sẽ trông con gái chị vào ban ngày?”
“Mariko hả? Nó có thể giúp chị ở quán mì. Nó cũng khá được việc đấy.”
“Em tin thế. Nhưng như chị thấy đấy, em không biết chắc bác Fujiwara sẽ nghĩ thế nào. Dù sao thì ban ngày Mariko nên tới trường mới phải.”
“Chị đảm bảo với em, Etsuko ạ, Mariko sẽ không gây ra một phiền toái nào, dù chỉ là nhỏ nhất. hơn nữa, tuần sau là hết năm học rồi. Chị sẽ đảm bảo nó không làm vướng chân ai. Em có thể yên tâm về điều đó.”
Tôi lại cúi người. “Em sẽ hỏi khi gặp bác ấy.”
“Chị rất cảm ơn em.” Sachiko nhấp một ngụm trà. “Thực ra, chị muốn nhờ em hỏi bác ấy ngay trong vài hôm tới.”
“Em sẽ cố.”
“Em thật tốt.”
Chúng tôi ngồi im một lát. Nãy giờ, tôi vẫn mải chú ý đến ấm trà của Sachiko; nhìn có vẻ là một sản phẩm cao cấp làm từ sứ trắng. Cả chén trà tôi đang cầm trong tay cũng được làm từ cùng một thứ vật liệu tinh tế ấy. Lúc này khi đang ngồi uống trà cùng nhau, đây không phải lần đầu tiên tôi sửng sốt về sự tương phản kỳ cục giữa bộ ấm chén với vẻ tồi tàn của ngôi nhà cùng mặt đất lầy lội đầy bùn dưới hiên. Khi ngẩng lên, tôi nhận ra Sachiko đang quan sát mình.
“Chị quen dùng đồ sứ chất lượng cao rồi, Etsuko ạ,” cô nói. “Em biết đấy, cuộc sống của chị không phải lúc nào cũng giống…” - cô khoát tay về phía ngôi nhà - “thế này. Tất nhiên là chị không ngại một chút bất tiện. Nhưng có một số thứ chị vẫn không thể xuê xoa cho được.”
Tôi cúi đầu, không nói gì. Cả Sachiko cũng bắt đầu ngắm nghía chén trà của mình. Cô tiếp tục xem xét, cẩn thận xoay nó trong tay. Rồi cô đột nhiên nói, “Chị nghĩ nói mình lấy trộm bộ ấm chén này cũng chẳng sai. Cơ mà, chắc bác chị cũng không quá nhớ nhưng bộ ấm chén này đâu.”
Tôi nhìn cô, hơi ngạc nhiên. Sachiko đặt chén trà xuống trước mặt, phẩy tay xua ruồi.
“Có phải chị nói chị sống ở nhà bác chị?” tôi hỏi.
Cô chậm rãi gật đầu. “Một ngôi nhà xinh đẹp vô cùng. Với ao cá trong vườn. Khác xa với quang cảnh xung quanh đây.”
Trong giây lát, cả hai chúng tôi cùng đưa mắt nhìn vào trong. Mariko vẫn nằm nguyên ở góc nhà từ khi chứng tôi ra ngoài, xoay lưng về phía chúng tôi. Dường như nó đang thì thào nói chuyện với con mèo.
Chúng tôi lại ngồi im lặng một lúc lâu, rồi tôi lên tiếng. “Em không biết có người sống bên kia sông.”
Sachiko quay ra nhìn những rặng cây ở bờ bên kia. “Không, chị cũng chưa bao giờ thấy ai bên ấy.”
“Nhưng cô trông trẻ của chị. Mariko lúc nãy bảo cô ấy đến từ bên kia sông.”
“Chị làm gì có người trông trẻ, Etsuko. Ở đây chị không quen ai.”
“Mariko có nói về một người phụ nữ nào đó…”
“Em đừng để ý đến nó.”
“Ý chị là nó bịa ra sao?”
Hình như Sachiko thoáng cân nhắc gì đó. Rồi cô nói, “Đúng, nó chỉ bịa chuyện ra thôi mà.”
“Vâng, em đoán trẻ con thường hay làm thế.”
Sachiko gật đầu, “Khi nào làm mẹ, Etsuko ạ,” cô mỉm cười nói, “em sẽ phải quen dần với những chuyện như thế.”
Sau đó, chúng tôi chuyển sang các chủ đề khác. Dạo ấy là thời kỳ đầu trong tình bạn của chúng tôi và chúng tôi chủ yếu chỉ nói về những chuyện vặt vãnh. Phải đến một buổi sáng vài tuần sau đó, tôi mới nghe Mariko nhắc lại về người phụ nữ đã tìm đến nó.
Mời bạn đón đọc Cảnh Đồi Mờ Xám của tác giả Kazuo Ishiguro & Lan Young (dịch).