DTV eBook - Mượn Sách Truyện Tiểu Thuyết Văn Học Miễn Phí Tải PRC/PDF/EPUB/AZW

akishop
Ủng hộ để truy cập kho ebook Google driveTẠI ĐÂY

Review CHUÔNG NGUYỆN HỒN AI - Ernest Hemingway


Người đau khổ nhất trong một cuộc nội chiến là ai? Đó là người đủ tỉnh táo để biết rõ cuộc chiến này là vô nghĩa, nhưng vẫn bắt buộc phải chọn một phe. Đó là người biết rõ giết chóc, dù vì danh nghĩa gì, cũng đều là tội ác, nhưng vẫn phải tự dối lòng rằng: "tôi làm vì nghiệp lớn, tôi làm vì đất nước của tôi, quê hương của tôi". Đó là những con người cùng chung một sắc tộc nhưng đứng giữa 2 chiến tuyến, bắt buộc phải chọn cho mình một "tư tưởng chính trị", để rồi dưới cái vỏ tư tưởng đó, họ phải tàn sát chính đồng bào, chính anh em của mình.

Chuông nguyện hồn ai kể lại câu chuyện của Robert Jordan, một giảng viên đại học người Mỹ tình nguyện rời bỏ quê hương để tòng quân cho phe Cộng Hòa tham gia cuộc nội chiến Tây Ban Nha.Trên đường làm nhiệm vụ do sở chỉ huy trao phó, anh đã gặp gỡ một nhóm du kích địa phương. Và từ đó câu chuyện bắt đầu. Xuyên suốt nửa đầu câu chuyện, khi anh và mọi người bàn tính kế hoạch phá cầu, là những cuộc đối thoại giữa anh và những người chiến hữu mới. Mỗi cuộc đối thoại lại dẫn dắt người đọc vào câu chuyện, vào cuộc đời của từng nhân vật, mà qua đó tác giả đã phơi bày hết thảy mọi góc tối của cuộc nội chiến.

Bằng giọng văn gãy gọn, súc tích của một nhà báo, thông qua từng nhân vật, từng góc nhìn khác nhau trong truyện, trên nền cảnh là vùng rừng núi Tây Ban Nha xinh đẹp, hoang sơ, cụ Hemingway đã khái quát cho độc giả thấy được toàn cảnh trận chiến, chạm đến những góc khuất mà chúng ta, những người ngoài cuộc chưa được biết đến. Đó là nỗi niềm trăn trở của Jordan, người thầy với tư tưởng tiến bộ, đã sớm nhận ra cuộc chiến này là sai lầm, biết rõ những việc mình đã và đang làm là sai lầm: "Đó không phải là một lối nghĩ đúng, nhưng ai kiểm duyệt ý nghĩ của anh...Điều trước hết là phải thắng trong cuộc chiến tranh này, nếu chúng ta không thắng thì sẽ mất hết. Nhưng anh lắng nghe và ghi nhớ mọi việc...có nhận định gì thì sau này sẽ nhận định". Trong chiến tranh, anh không có quyền được lên tiếng, anh chỉ có nghĩa vụ tuân theo mệnh lệnh của cái "tư tưởng chính trị" mà anh đã chọn.

Và sự dằn xé càng dâng cao khi anh đã bắt đầu cảm mến những con người cộc cằn, thô lỗ nhưng nhân hậu, nồng nhiệt nơi đây. Để hoàn thành sứ mạng, có thể anh sẽ phải đánh đổi tính mạng của tất cả mọi người. "Ban ngày họ giấu mình đi, và đêm sau là mình lại đi rồi. Xong công tác là đi thẳng. Lần sau qua nơi đó, đã nghe nói họ bị bắn chết. Đơn giản thế thôi", "Không, anh sẽ thi hành mệnh lệnh, và nếu anh lại đem lòng yêu mến những người cùng thi hành mệnh lệnh với anh thì đó chỉ là một điều không may mà thôi".

Và tình yêu, một thứ xa xỉ mà anh không dám mơ tưởng, chỉ dám gọi là "cái đó". "Cái đó" đã xuất hiện tại một thời điểm hoàn toàn không phù hợp, "cái đó" xuất hiện khi tính mạng của anh và mọi người đang được tính bằng ngày. Nhưng "cái đó" thật đẹp, thật thơ mộng (tôi khâm phục bút pháp của Hemingway, trong bối cảnh nghẹt thở của chiến trường, tác giả vẫn khắc họa được một bức chân dung tình yêu đẹp đẽ, hoang dại và ấm áp giữa núi rừng Tây Ban Nha bạt ngàn như vậy). Tình yêu, dù là trong hoàn cảnh nào, vẫn mang trong đó một sức sống mãnh liệt, đủ để người ta có thể tạm gác tất cả mọi thứ sang một bên mà tận hưởng nó. Đối với Jordan, "...đó là một đặc ân mà lúc này cuộc sống dành riêng cho mình. Có lẽ đó là cả cuộc đời mình và đáng lẽ nó là bảy mươi năm thì nó chỉ là bốn mươi tám giờ...". Và tôi thích nhất là đoạn Jordan ngồi nghĩ vu vơ về các thứ tiếng mà mình biết, "mãi mãi về sau" bằng tiếng Anh, "hiện tại" bằng tiếng Tây Ban Nha, tiếng Pháp, tiếng Đức, rồi "tương lai", "cuộc sống", "vợ", "cô gái","người yêu" bằng nhiều thứ tiếng khác, và cuối cùng, anh muốn "đánh đổi tất cả mọi chữ đó lấy một chữ Maria"- tên người con gái anh yêu.

Đọc tiểu sử của Hemingway, tôi có cảm tưởng tác giả đã mượn chính nhân vật Jordan để kể về bản thân, vì đâu đó, trong từng câu nói, từng cử chỉ của nhân vật này, tôi thấy toát lên một cái gì đó rất chân thực, rất người, rất Hemingway. Tôi khâm phục con người Jordan, giữa lúc khói lửa của chiến tranh, giữa những dằn xé nội tâm sâu sắc khi anh nhận ra sự giác ngộ chính trị chỉ là một cảm giác nhất thời, khi thực sự bước vào cuộc chiến, nghe thấy, nhìn thấy toàn cảnh sự thật, anh chỉ mong cuộc chiến sớm đến hồi kết thúc, nhưng anh không hề tỏ ra bi quan, nhu nhược hay tìm cách thoái lui, anh quyết định để cho "tư tưởng ngừng hoạt động cho tới khi chúng ta thắng trận". Bời vì anh biết, chỉ có cách chiến đấu hết mình mới có thể kết thúc được trận chiến, kết thúc được cảnh đau khổ, lầm than. Nhưng anh không hề có ý chôn giấu sự thật vĩnh viễn, anh ấp ủ một giấc mơ đó là, sau khi mọi chuyện kết thúc, anh sẽ viết một cuốn sách, một cuốn sách bóc trần mọi sự thật, soi sáng mọi góc tối, giúp thế hệ sau nhận ra được sự vô nghĩa của chiến tranh, rằng chiến tranh bao giờ cũng chỉ mang lại đau thương, tang tóc.

Các nhân vật khác trong tác phẩm cũng được tác giả xây dựng rất chân thực, cuộc đời, số phận của từng nhân vật đều mang đến cho tôi nhiều câu hỏi, nhiều bài học và nhiều sự day dứt. Từ mụ đàn bà xấu xí, thô lỗ, cọc cằn Pilar, ông cụ hiền lành, đạo đức Anselmo, anh chàng người di-gan Rafael, anh chàng Agustin thích nói tục, ông lão ít nói El Sordo, Maria... thậm chí là cả Pablo và những tên phát-xít. Tôi thấy đồng cảm cho những tên phát-xít, "chúng không thể đào ngũ được vì đào ngũ thì gia đình chúng sẽ bị bắn", "...chỉ có những mệnh lệnh chia rẽ chúng ta. Những người đó không phải là phát-xít...họ là những người nghèo như chúng ta..."(Đây là những suy nghĩ của một ông cụ hơn 70 tuổi và không biết chữ).

"Chiến tranh bao giờ cũng nhiều cái xấu, rất ít cái tốt", sự mâu thuẫn khi phải "chiến đấu chống lại chính những cái mình đang làm và bắt buộc phải làm", và trong cuộc chiến đó, không có hề có khái niệm thiện, ác. Một khi đã bị cuốn vào dòng xoáy của nó, ta chỉ có hai lựa chọn, một là giết, hai là chấp nhận bị giết.

Một tư tưởng lớn chứa trong một tác phẩm lớn, nhưng được diễn đạt bằng ngôn từ ngắn gọn, bình dân, dễ hiểu (nói thật là có một số đoạn về chính trị cũng khá phức tạp). Tôi đã hơn một lần bật cười vì lối kể chuyện của tác giả, sâu trong từng nụ cười đó là nhiều thứ đáng để suy ngẫm. Và chắc chắn là cũng đã hơn một lần tôi nổi da gà bởi cách hành văn rất đỗi dung dị nhưng từng câu từng chữ cứ như chạm đến tim. Tóm lại, nếu bạn muốn làm quen với sách Nobel văn học, hãy bắt đầu với tác phẩm này. Không hàn lâm, không cầu kỳ, cốt truyện đơn giản nhưng diễn biến bất ngờ, giọng văn ngắn gọn, tinh tế, không quá giàu cảm xúc nhưng đủ để truyền tải nhiều thông điệp quý báu.

P/S: đọc tác phẩm này, tôi bỗng liên tưởng đến tiểu thuyết Chim cổ đỏ của nhà văn người Na-uy Jo Nesbo, một tác phẩm trinh thám khá hay về đề tài hậu chiến tranh, với bối cảnh là đất nước Na-uy bị chia cắt trong thế chiến, một phần theo Đồng minh, phần còn lại theo Phát-xít, tất cả đều được kêu gọi theo danh nghĩa là bảo vệ Tổ quốc, nhưng khi chiến tranh kết thúc với phần thắng thuộc về phe Đồng minh, nhiều thành phần cốt cán trong dân theo phe Phát-xít, hết lòng "bảo vệ Tổ quốc" đã bị đưa lên giá treo cổ.
(From: Steven Nguyễn)
***

‘Chuông nguyện hồn ai’ của Hemingway giúp định hình John McCain

 

Thượng nghị sĩ John McCain, biểu tượng lớn của nền chính trị Mỹ, luôn khẳng định tác phẩm kinh điển của Earnest Hemingway là nguồn cảm hứng của cuộc đời ông.

Nhân vật chính trong Chuông nguyện hồn ai của Earnest Hemingway là Robert Jordan, một thanh niên Mỹ, chiến đấu trong cuộc Nội chiến Tây Ban Nha (1936-1939). Anh căm thù phát xít và kiên định thực hiện mục tiêu của mình bất chấp mọi nghi ngờ.

Thượng nghị sĩ John McCain, qua đời hôm 25/8 ở Arizona sau 14 tháng chiến đấu chống bệnh ung thư não, luôn nói rằng Chuông nguyện hồn ai là tác phẩm văn học ông yêu thích nhất. Và Robert Jordan chính là nguồn cảm hứng của cuộc đời ông.

Tựa đề cuốn Worth Fighting For của Thượng nghị sĩ McCain, xuất bản năm 2002, xuất phát từ khoảnh khắc khi Jordan nghĩ về cuộc đời mình: “The world is a fine place and worth fighting for and I hate very much to leave it” (Thế giới này là một nơi tuyệt vời, xứng đáng để chúng ta chiến đấu vì nó. Và tôi ghét phải rời bỏ nó).

Ông McCain khởi đầu cuốn Worth Fighting For bằng việc giải thích chuyện ông đến với Chuông nguyện hồn ai như thế nào. Năm 12 tuổi, ông tìm thấy 2 miếng cỏ 4 lá ở sân nhà mình tại Alexandria, Virginia và chạy tới phòng làm việc của cha để kẹp chúng vào một cuốn sách.

Tình cờ, ông mở chương 10 cuốn Chuông nguyện hồn ai và lập tức bị hút hồn bởi những mô tả đầy nghẹt thở về những khủng khiếp của chiến tranh. Ông ngốn ngấu cuốn sách và sau đó còn đọc đi đọc lại rất nhiều lần.

Thượng nghị sĩ McCain kể “những tư tưởng lãng mạn về lòng dũng cảm và tình yêu” của ông xuất phát từ chính Chuông nguyện hồn ai. Lòng dũng cảm và sự cao quý của Robert Jordan trở thành nguồn cảm hứng của cuộc đời ông.

Chuông nguyện hồn ai, cuốn tiểu thuyết kinh điển của Hemingway. “Trong nhiều năm, Robert Jordan là người đàn ông mà tôi ngưỡng mộ hơn tất thảy. Anh ấy dũng cảm, tận tụy, giỏi giang, vị tha… Đó là người sẵn sàng hi sinh tính mạng, nhưng không bao giờ chấp nhận đánh mất lòng tự trọng. Anh ấy mãi mãi là người hùng của thế kỷ 20, thế kỷ của tôi”, ông McCain viết.

Trong sự nghiệp của mình, Thượng nghị sĩ John McCain viết tổng cộng 7 cuốn sách, bao gồm Character is DestinyFaith of My FathersHard CallThe Restless WaveThirteen SoldiersWhy Courage Matters và Worth Fighting For.

Tác phẩm Chuông nguyện hồn ai được xuất bản năm 1940. Đến nay, đây vẫn là một trong những cuốn tiểu thuyết được đánh giá là xuất sắc nhất của Hemingway, bên cạnh Mặt trời vẫn mọcGiã từ vũ khíÔng già và biển cả.


Giá bìa 64.000   

Giá bán

51.000 

Giá bìa 64.000   

Giá bán

51.000