Không sợ bị “kiện” ngược
Vẻ bề ngoài nữ tính, giọng nói nhẹ nhàng, ấm áp… là ấn tượng với bất cứ ai gặp Nguyễn Thị Bích Ngọc ngoài đời. Cô gái ấy thông thạo tiếng Anh nhờ quá trình tự học trên Youtube, đã trải nghiệm mưu sinh ở Thái Lan, nhận học bổng của Học viện Quan hệ quốc tế tại Philippine... Hẳn nhiều người sẽ cho rằng Bích Ngọc được thừa hưởng hạnh phúc gia đình và nền tảng giáo dục tốt. Tuy nhiên, ít ai ngờ rằng dù chưa đến tuổi 30, nhưng cuộc đời của cô lại quá khốc liệt.
Trong hơn 140 trang sách trong tự truyện “Cát hay là ngọc” khiến người đọc quay cuồng trước số phận một bé gái mồ côi cha, sống cùng gia đình bên nội và bị chính người thân lạm dụng tình dục khi mới 8 tuổi ở Cần Thơ. Trong một lần không chịu nổi nữa, cô gái trẻ đã nói ra với gia đình và lập tức bị đẩy ra đường. Thoát khỏi ngôi nhà đầy bóng tối ấy, hết bi kịch này đến bi kịch khác lại ập đến dồn dập. Bích Ngọc bị bà ngoại bạo hành, mẹ đẻ có ý định lừa bán vào nhà chứa, làm nô lệ tình dục cho người yêu rồi bơ vơ giữa cuộc đời với hai bàn tay trắng…
“Tôi đã chôn chặt câu chuyện này 20 năm nay và bây giờ quyết định nói ra để viết thành sách vì muốn khép lại một cánh cửa không tốt đẹp và mở ra một cánh cửa khác tốt hơn. Như bao người khác, tôi muốn sống bình yên hơn kể từ hôm nay, vì 20 năm rồi không đêm nào tôi được ngủ ngon”, Bích Ngọc chia sẻ.
Vậy khi tự truyện “Cát hay là ngọc” với nhiều tình tiết khiến người đọc “lạnh sống lưng” ra mắt, liệu cuộc sống của cô gái 28 tuổi có được bình yên như cô hi vọng? Bích Ngọc trả lời: “Trong quá trình làm việc với hai tác giả để viết cuốn sách, tôi đã phải chuyển nhà trọ đến ba lần vì tôi đủ trưởng thành để nhận thức được những con người trong bóng tối biết đâu sẽ không buông tha cho mình. Cuốn sách là 100% sự thật nên tôi không sợ gì cả. Những người gieo rắc bất hạnh cho tôi vẫn còn đang sống, chắc họ sẽ biết được thông tin về tôi trên truyền hình, báo chí và tôi nghĩ họ sẽ im lặng vì chính họ biết rõ câu chuyện, biết rõ tội ác của mình. Giả sử họ không im lặng thì tôi cũng sẵn sàng đối diện. Thông thường, các nhân vật viết tự truyện thường ở giai đoạn gần đất xa trời, còn tôi quyết định lên tiếng lúc còn khá trẻ. Vì nỗi đau tôi trải qua có thể cũng bằng bi kịch người khác chịu đựng suốt cuộc đời rồi. Và trên hết, tôi ra sách không phải để phán xét, kết tội mà ý thức được mình cần phải lên tiếng để những ai có ý định xâm hại cuộc đời của những đứa trẻ phải dừng lại. Có biết bao nhiêu cô bé, cậu bé không bước ra được nỗi ám ảnh của quá khứ mà sa ngã, bi quan trong tương lai? Tôi muốn gửi đến họ thông điệp về sự chấp nhận và vươn lên trong cuộc sống”.
Người biên tập cũng choáng
Trước khi tự truyện “Cát hay là ngọc” được xuất bản, hai người chấp bút cho cuốn sách là nhà văn - nhà báo Nguyễn Hòa Bình và tác giả 9x Cỏ đã khóc với nhau nhiều đêm. Bà Khúc Thị Hoa Phượng, Giám đốc NXB Phụ nữ cũng tiết lộ: “Chúng tôi, những người biên tập cuốn sách đã choáng váng khi tiếp cận bản thảo. Tất nhiên, câu chuyện về trẻ em bị xâm hại tình dục vốn đầy rẫy trên báo chí, các phương tiện thông tin trong nước và quốc tế. Nhưng một câu chuyện quá khốc liệt như Bích Ngọc trải lòng là quá khủng khiếp. Trong đầu óc tôi cứ quẩn quanh bởi câu hỏi: Đã có bao nhiêu đứa trẻ đang bị xâm hại? Bao nhiêu tội ác bị chôn vùi từ chính những người thân, ruột thịt của nhau? Và điều đáng trân trọng nhất là nhân vật chính phải chịu quá nhiều nỗi đau ấy lại có lòng can đảm, bao dung khiến chúng tôi cảm phục”.
20 tuổi, không có một gia đình, người thân để nương tựa, những gì Nguyễn Thị Bích Ngọc học được toàn bắt đầu từ đường phố. Giờ đây, cô đang xây dựng thư viện sách Amazing Home, một trong rất nhiều hoạt động thiện nguyện mà cô cùng bạn bè gây dựng suốt những năm qua. Bởi thế, “Cát hay là ngọc” không mang dáng dấp một tự truyện có ý đồ lấy nước mắt người đọc bằng những tình tiết li kì, câu khách mà phần lớn cuốn sách khắc họa nghị lực của bé gái bị xâm hại đã vươn lên như thế nào từ đáy bi kịch xã hội. Những bước chân chập chững bán vé số, những hoạt động thiện nguyện sưởi ấm lòng nhau, quá trình tự học và trở thành giáo viên dạy tiếng Anh, kĩ năng sống cho học sinh, sinh viên… là gia tài tuổi trẻ của Bích Ngọc khiến nhiều người cảm phục.
Nhà văn - nhà báo Nguyễn Hòa Bình cho biết: “Lần đầu tiên tiếp xúc với câu chuyện của Bích Ngọc, cảm giác của tôi là quá sốc. Bằng sự nhạy cảm của một người cầm bút, khi nhìn thấy bi kịch, tôi không thể nào từ chối. Suốt những năm tháng hoạt động về báo chí, truyền thông, tôi nhận thấy những người chịu bi kịch từ nhỏ như Bích Ngọc, rồi tay trắng vào đời thì dễ đến 90% sa ngã. Ấy thế mà cô gái này vẫn nghị lực, luôn luôn khiêm tốn, dũng cảm. Công bố một quá khứ quá khốc liệt, khi người gây tội ác vẫn còn sống, tôi có hỏi Bích Ngọc đã xác định rõ hệ lụy hay chưa? Tức là những nhân vật bóng tối kia có thể phản ứng lại, dư luận có thể nghi ngờ, phán xét của dư luận… tóm lại bi kịch rất có thể lại ập xuống đầu mình một lần nữa. Bích Ngọc bảo rằng, bao nhiêu đau đớn cô ấy đã trải qua thì giờ việc lên tiếng và chấp nhận không có gì ghê gớm cả. Câu nói của Bích Ngọc khiến tôi vô cùng xúc động. Tôi hình dung cô ấy như viên ngọc của con trai ngậm cát, lăn lóc dưới đáy biển sâu cho đến một ngày được tỏa sáng trước ánh bình minh cuộc sống. Người đời sẽ nói nhiều đến vẻ đẹp của viên ngọc, trong khi quá trình ngậm cát, lăn lóc và cô đơn có thể không được biết, hoặc biết cũng gây ra tranh cãi, nghi ngờ”.
Nội dung cuốn tự truyên Cát Hay Là Ngọc:
Truyện mở đầu bằng những ngày thơ ấu của bé Út đầy cơ cực, tủi nhục không hề nhận được chút hơi ấm tình thương nào từ mối quan hệ ruột thịt. Suốt cả tuổi thơ, đứa trẻ ấy bị gọi là “con hoang”, chịu đựng nhiều hắt hủi, nhục mạ. Trong đó, điều khủng khiếp nhất là bị xâm hại từ khi mới 8 tuổi và chuyện đen tối này kéo dài suốt 10 năm liền. Trải qua nhiều cú sốc, từng đi đến tận cùng của tuyệt vọng, nhiều lần muốn tự tử, nhưng từ trong sâu thẳm trái tim, cô gái trẻ luôn hướng thiện ấy đã tự học, tự tìm cho mình một lối đi giữa cuộc đời đầy cạm bẫy và chông gai. Trong buổi ra mắt sách tại Hà Nội, cả nhân vật chính, hai người chấp bút và rất nhiều độc giả đã rơi nước mắt trước bi kịch mà Bích Ngọc đã trải qua.
Lữ Mai - Giadinh.net.vn