Tây Ban Nha, đất nước lớn thứ 4 ở Châu Âu, với nền văn hóa đặc sắc lâu đời. Ngôn ngữ Tây Ban Nha được xem là ngôn ngữ phổ biến thứ 2 trên thế giới, sau tiếng Anh, với 21 quốc gia dùng tiếng Tây Ban Nha là ngôn ngữ chính.
Tây Ban Nha được biết đến là một đất nước hào phóng, rực rỡ, với những con người luôn tràn đầy năng lực trẻ trung, nhiệt huyết và thơ mộng. Những nét đặc sắc của đất nước này được thể hiện rất rõ trong văn hóa nghệ thuật, trong đó có văn chương.
Don Quixote đã vượt qua một nhân vật trong tiểu thuyết thông thường, trở thành một biểu tượng trong nghệ thuật, đời sống xã hội. |
Với một nền văn học lớn mạnh, với 6 tác giả đoạt giải Nobel văn học, nhiều những tác phẩm nổi tiếng khắp thế giới như Don Quixote de la Mancha (Đôn Kihôtê - Nhà Quý Tộc Tài Ba Xứ Mantra), của Miguel de Cervantes y Saavedra; The Hive (Bầy ong) của Camilo José Cela; Con lừa và tôi của Juan Ramón Jiménez….
Miguel de Cervantes y Saavedra đã sáng tạo nên nhân vật Đôn Kihôtê, một nhân vật kỳ lạ, với nhiều những hành động điên rồ, khiến độc giả bật cười mỗi khi chàng bước vào một cuộc phiêu lưu mới, nhưng ở chàng, chất chứa đầy những tính cách độc đáo của con người Tây Ban Nha. Một con người say mê tự do, ham thích những chuyến phiêu lưu, và luôn đứng về phía công lý, chính nghĩa.
Trong cuộc hành trình của mình, dù nhiều lần “điên rồ” lao vào những cuộc chiến không cân xứng, đem về cho mình đầy thương tích, nhưng Đôn Kihôtê đã luôn đứng về phía những người thiệt thòi. Chàng nuôi mộng hiệp sĩ, muốn giải cứu thế gian. Giấc mộng ấy có vẻ thật hão huyền, đã bị người đời cười chê, nhưng chàng vẫn cứ đắm trong giấc mộng ấy, cùng với hai kẻ tri kỉ của mình. Ấy là chiến mã Rocinate, và chàng béo Sancho Panza.
Hai người đàn ông trông vẻ ngoài thật chênh lệch, họ nói chuyện cũng không ăn nhập với nhau, nhưng bằng sự mơ mộng của mình, họ trở thành một cặp đồng điệu hoàn hảo, cùng nhau trải qua những cuộc phiêu lưu kì thú.
Thế giới qua đôi mắt của họ, trên những hành trình họ đi qua, đều được phủ lên một màu sắc li kỳ, tuyệt vời. Mọi tưởng tượng đều vượt thoát khỏi hiện thực gò bó, bằng một ánh nhìn huyễn hoặc nhưng ẩn chứa một trái tim nhiệt huyết, tự do. Tuổi đã già, nhưng chàng vẫn là chàng hiệp sĩ, đầy yêu mến với độc giả, và là biểu tượng cho tinh thần con người xứ sở Tây Ban Nha.
Một con người có thể vượt thoát khỏi ý chí và số phận của mình để vươn tới tự do. Chàng là thực sự là một người đàn ông chiến đấu chống lại những hạn chế của riêng mình để trở thành người mà chàng luôn mơ ước trở thành.
Tâm hồn tự do, phiêu lưu cùng với sự phóng khoáng thơ mộng của Tây Ban Nha cũng là một nét nổi bật trong cuốn sách kinh điển Con lừa và tôi của tác giả Juan Ramón Jiménez Mantecón. Ông là nhà thơ, nhà văn Tây Ban Nha đạt giải Nobel văn học năm 1956 cho những tác phẩm đạt được chất “nghệ thuật tinh khiết”.
Con lừa và tôi của Juan Ramon Jimenez - tác giả đạt giải Nobel Văn chương. |
Con lừa và tôi của Jiménez, là một câu chuyện tâm tình. Một người thi sĩ nghèo và một con lừa mang tên Platero, họ cùng nhau rong ruổi qua các làng mạc, ngắm nhìn những khung cảnh miền quê, những con người hiện ra đẹp đẽ dưới vẻ êm đềm của buổi bình minh, hoàng hôn, mùa xuân, mùa hè... của miền quê Tây Ban Nha.
Bằng ngôn ngữ thuần khiết đẹp đẽ của mình, Jiménez đã gợi nên một hình ảnh Tây Ban Nha thi vị, với tâm hồn nhạy cảm, yêu mến thiên nhiên, và dễ rung cảm trước cái đẹp. Mối đồng cảm sâu sắc giữa người thi sĩ và con lừa Platero, cũng chính là cảm xúc nâng niu đầy tự do, say mê.
Jmenez được xem như một bậc thầy của thế hệ các nhà thơ mới; trong sáng tác, ông từ bỏ cách viết cũ, hướng thơ ca đến sự cởi mở, trong sáng mang tính nghệ thuật thuần tuý. Bản chất thơ ca trong con người Jmennez đã đem lại cho ông những bắt gặp tinh tế từ biết bao điều đơn giản, bé nhỏ trong đời sống. Ngôn ngữ Tây Ban Nha, xúc cảm Tây Ban Nha, đều được gợi mở thênh thang.
Nỗi đau nội chiến là một nỗi đau in sâu trong tâm trí người Tây Ban Nha. Một Tây Ban Nha buồn bã, cô lập, bất hạnh, khó khăn sau nội chiến hiện diện rất sâu sắc trong những tác phẩm văn chương Tây Ban Nha.
Tiểu thuyết The Hive (1950) của Camilo José Cela là một trong những tác phẩm khắc họa tâm tư tình cảm của con người Tây Ban Nha đặc sắc sau cuộc nội chiến. Ở đây xung quanh đầy đói khát, bệnh tật, bất hạnh nhưng họ vẫn đang cười, họ làm tình, nuôi dạy con cái, vui chơi và họ đang sống.
Mọi người đều có cảm giác mạnh mẽ về cuộc nội chiến, về sự hiện diện của chiến tranh nhưng những con người ấy cũng cảm thấy tự tin, nỗi đau rồi sẽ qua. Họ vẫn phải tiếp tục sống.
Tập thơ The Shadow of Paradise của Vecente Aleixandre - nhà thơ đạt giải Nobel văn chương. |
Cùng với Camilo José Cela, tác giả Nobel văn học năm 1977, Aleixandre cũng là người có nhiều trăn trở về hậu quả của cuộc nội chiến đối với con người và cuộc sống Tây Ban Nha.
Ông được giải Nobel cho những bài thơ sáng tạo thơ mộng, biểu hiện rõ tình trạng của con người trong vũ trụ và trong đời sống. Những bài thơ của Aleixandre tràn ngập nỗi buồn, nhưng cũng gợi mở một vẻ đẹp kì vỹ của thiên nhiên xứ sở Tây Ban Nha.
Tập thơ Shadow of Paradise (1944) của nhà thơ đoạt giải Nobel Vicente Aleixandre đã được viết trong một thời kỳ khó khăn và tuyệt vọng (tập thơ được viết từ năm 1939, chỉ bốn tháng sau khi kết thúc nội chiến Tây Ban Nha). Bất chấp môi trường xung quanh, Aleixandre đã tạo ra vẻ lộng lẫy của bóng tối của một thiên đường bị mất, tỏ bày rất nhiều nỗi hoài nhớ, khao khát và ảo tưởng, trong tâm tư của con người Tây Ban Nha.
Tây Ban Nha dẫu trải qua nhiều đau thương, biến động, nhưng đất nước ấy vẫn rực rỡ những sắc màu của hân hoan và những cuộc phiêu lưu, khiến thế giới say lòng.