Tiểu thuyết được viết từ năm 1966, đây là tiểu thuyết đầu tay của Nguyễn Minh Châu, nhưng ông đã chứng tỏ được một bút pháp gây nhiều hứng thú và cảm giác lạ như là một hiện tượng văn học, một sự tìm tòi sáng tạo. Trong tác phẩm của Nguyễn Minh Châu toát lên ba hướng khái quát: chiêm nghiệm những chân lý đời sống, khái quát những tính cách, phát hiện những vấn đề tồn tại xã hội.
Theo lời nhà văn Tô Hoài thì Những cái tưởng như lặt vặt trong cuộc sống hàng ngày, nhưng dưới con mắt và ngòi bút Nguyễn Minh Châu đều trở thành những gợi ý đáng suy nghĩ và có tầm triết lý. Bởi đối với ông, cuộc đời và trang sách như là một, gắn chặt với nhau.
Với Cửa sông, Nguyễn Minh Châu viết về hình ảnh một làng quê hiền hoà bên sông Kiều, dòng sông thơ mộng, những con người hồn hậu và bình dị của ngôi làng nhỏ bé ven sông, nhưng trong khói lửa chiến tranh, mỗi người đều được trui rèn, hun đúc và trở thành những người con quả cảm và gan dạ bên bến sông, kể cả cô giáo Thùy bé nhỏ và hiền dịu năm nào...
... Thùy cảm thấy trong khuôn ngực bé nhỏ của mình như có một con chim đang vỗ cánh chực bay tung ra. Cô thở rất mạnh. Tuy đã ở làng Kiều bao nhiêu năm, đã ra vào cái trụ sở hợp tác xã này bao nhiêu lần, nhưng hôm nay, đứng ở đây, cô vẫn không sao khỏi bỡ ngỡ như người vừa mới đến. Thuỳ nhìn lá cờ đỏ, trong lòng rất xúc động nghĩ đến bao nhiêu người đảng viên cộng sản của làng Kiều đã ngã xuống...
***
Nguyễn Minh Châu sinh năm 1930, quê ở làng Văn Thai, tên nôm là làng Thơi, xã Quỳnh Hải, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An.
Theo lời kể của vợ ông, bà Nguyễn Thị Doanh, tên khai sinh của Nguyễn Minh Châu là Nguyễn Thí. Chỉ tới khi đi học, bố mẹ mới đổi tên cho ông thành Minh Châu. Trong những ghi chép cuối cùng, Ngồi buồn viết mà chơi ông viết trong những ngày nằm viện ở Bệnh viện Quân y 108, Nguyễn Minh Châu tự nhận xét về mình: "Từ lúc còn nhỏ tôi đã là một thằng bé rụt rè và vô cùng nhút nhát. Tôi sợ từ con chuột nhắt cho đến ma quỷ. Sau này lớn lên, đến gần sáu chục tuổi, đến một nơi đông người tôi chỉ muốn lẻn vào một xó khuất và chỉ có như thế mới cảm thấy được yên ổn và bình tâm như con dế đã chui tọt vào lỗ".
Năm 1945, ông tốt nghiệp trường Kỹ nghệ Huế với bằng Thành chung. Tháng 1 năm 1950, ông học chuyên khoa trường Huỳnh Thúc Kháng tại Nghệ Tĩnh và sau đó gia nhập quân đội, học ở trường sĩ quan lục quân Trần Quốc Tuấn. Từ năm 1952 đến 1956, ông công tác tại Ban tham mưu các tiểu đoàn 722, 706 thuộc sư đoàn 320. Từ năm 1956 đến 1958, Nguyễn Minh Châu là trợ lý văn hóa trung đoàn 64 thuộc sư đoàn 320. Năm 1961, ông theo học trường Văn hóa Lạng Sơn. Năm 1962, Nguyễn Minh Châu về công tác tại phòng Văn nghệ quân đội, sau chuyển sang tạp chí Văn nghệ quân đội. Ông được kết nạp vào Hội nhà văn Việt Nam năm 1972.
Nguyễn Minh Châu qua đời ngày 23 tháng 1 năm 1989 tại Hà Nội, thọ 59 tuổi.
Các tác phẩm:
- Cửa sông (tiểu thuyết, 1967)
- Những vùng trời khác nhau (tập truyện ngắn, 1970)
- Dấu chân người lính (tiểu thuyết, 1972)
- Miền cháy (tiểu thuyết, 1977)
- Lửa từ những ngôi nhà (tiểu thuyết, 1977)
- Những người đi từ trong rừng ra (tiểu thuyết, 1982)
- Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành (tập truyện ngắn, 1983)
- Bến quê (tập truyện ngắn, 1985)
- Mảnh dất tình yêu (tiểu thuyết, 1987)
- Chiếc thuyền ngoài xa (tập truyện ngắn, 1987)
- Hãy đọc lời ai điếu cho một giai đoạn văn nghệ minh hoạ (tiểu luận phê bình, 1987)
- Phiên chợ Giát (truyện vừa, 1988)
- Cỏ lau (truyện vừa, 1989)
- Nguyễn Minh Châu toàn tập (Nhà xuất bản Văn Học, 2001)
- Di cảo Nguyễn Minh Châu (Nhà xuất bản Hà Nội, 2009)
- ...
Mời các bạn đón đọc
Cửa Sông của tác giả
Nguyễn Minh Châu.