Cảm ơn niềm hạnh phúc mà con cái mang đến cho chúng ta
Mấy chục năm qua, nhìn lại những niềm hạnh phúc trong cuộc sống, đối với tôi, dù là cơm ngon áo ấm, là cuộc sống như ý, là ước mơ đã thành sự thật, hay là những vinh quang đã đạt được đều là những thứ bề ngoài, còn tài sản thực sự chính là niềm hạnh phúc mà con cái mang đến cho chúng ta.
Niềm hạnh phúc này đến khi những đứa con của chúng ta ra đời nhưng chúng ta lại không hề nhận ra.
Trong cuộc sống, chúng ta thường xuyên thấy phụ huynh phàn nàn: “Con thật không hiểu chuyện, cha mẹ vất vả khổ sở nuôi con lớn, vậy mà tại sao con lại không biết thương cha mẹ, không biết cảm ơn cha mẹ?”. Khi bạn hỏi họ: “Làm cha mẹ bao nhiêu năm nay có hạnh phúc không?”, có phụ huynh có thể sẽ trả lời: “Hạnh phúc? Hạnh phúc gì chứ, con cái làm tôi kiệt sức, nếu có kiếp sau, chắc tôi không sinh con nữa, sống an nhàn cho khỏe”. Những lời này thật khiến con trẻ thất vọng, khiến chúng ta đau lòng.
Nếu bạn hỏi họ là có biết cảm ơn con cái hay không, một số phụ huynh lập tức sẽ phản ứng: “Có nhầm không vậy, phải là con cái cảm ơn cha mẹ chứ, chúng tôi sinh con ra, nuôi con lớn, hao tâm tổn sức, tại sao lại phải cảm ơn con?”.
Nói đến cảm ơn, phụ huynh chúng ta thường cho rằng con cái phải cảm ơn cha mẹ, cảm ơn thầy cô là lẽ đương nhiên. Rất nhiều phụ huynh đều biết cảm ơn công ơn dưỡng dục của cha mẹ, cảm ơn công ơn dạy dỗ của các thầy cô giáo, cảm ơn những người đã giúp đỡ mình, tuy nhiên chúng ta không hề nghĩ được rằng chúng ta cũng cần nói lời cảm ơn với con cái.
Điều này khiến tôi nhớ đến sự kiện Ngày của cha năm 2012, trong buổi thuyết trình với chủ đề “Hạnh phúc làm cha” ở Bắc Kinh, tôi đã chia sẻ hạnh phúc làm cha của mình với thính giả từ ba phương diện: “Hiện trạng giáo dục của người cha và ảnh hưởng của nó tới con trẻ”, “Giáo dục vui vẻ của tôi và sự trưởng thành vui vẻ của con gái” và “Cảm ơn niềm hạnh phúc con cái đã mang đến cho chúng ta”.
Tại sao lại phải cảm ơn con cái của chúng ta? Con cái đã mang đến cho chúng ta niềm hạnh phúc như thế nào?
Thứ nhất, con khiến sinh mệnh của chúng ta có thể kéo dài. Xét trên một phương diện nào đó, con cái chính là ân nhân lớn nhất trong cuộc đời chúng ta, bởi vì có con, cuộc đời của chúng ta mới có thể trở nên phong phú và tươi đẹp đến vậy, cho dù sau khi chúng ta rời xa thế giới này thì ngọn lửa sinh mệnh của chúng ta vẫn cháy sáng…
Thứ hai, con giúp chúng ta biết được tại sao phải cảm ơn. Lúc nhỏ, tôi thường nghe cha nói: “Không xây dựng gia đình, không biết chuyện cơm áo gạo tiền, không nuôi con sao hiểu lòng cha mẹ”. Lúc đó tôi không hiểu được ý nghĩa của câu nói đó, cho đến khi tôi làm cha, tôi mới thực sự hiểu hết ý nghĩa của nó, là con gái đã cho tôi biết cha mẹ tôi đã nuôi tôi vất vả như thế nào, để tôi biết phải càng hiếu thuận với cha mẹ mình.
Thứ ba, là con cái khiến chúng ta trở thành một con người hoàn chỉnh. Bởi vì khi con ra đời, chúng ta được làm cha làm mẹ, trở thành phụ huynh, chúng ta mới có tư cách “cha”, “mẹ”, mới được vác trên vai sứ mệnh thần thánh là nuôi con, dạy con, vai trò xã hội và vai trò gia đình của chúng ta mới được hoàn thiện.
Thứ tư, là con cái khiến chúng ta trở thành “người tốt”. Con cái là một trong những người thầy quan trọng nhất trong cuộc đời chúng ta, trong xã hội vật chất này, chỉ không cẩn thận một chút thôi là sẽ đi lệch hướng, là con cái khiến những người làm cha mẹ như chúng ta từ bỏ cái ác, đến với cái thiện, làm một “người tốt”; là con cái đã chỉ cho chúng ta sự thuần khiết, khiến chúng ta trở thành những tấm gương; là con cái khiến lời nói của chúng ta thống nhất với hành động, tâm hồn thanh thản.
Thứ năm, là con cái đã mang đến cho chúng ta niềm hạnh phúc. Con cái là tình yêu và sự ban ân của ông trời đối với chúng ta. Không có con cái, cuộc sống của chúng ta sẽ mất đi bao nhiêu niềm vui; không có con cái, chúng ta làm sao có được cuộc sống hạnh phúc; không có con cái, không biết bao nhiêu gia đình sẽ tan vỡ…
Vì vậy, chúng ta phải cảm ơn con cái đã mang đến cho chúng ta niềm hạnh phúc!
Riêng bản thân tôi, tôi phải đặc biệt cảm ơn con gái tôi, vì nếu không có con, những nghiên cứu giáo dục của tôi mãi mãi sẽ chỉ là lý thuyết viển vông ảo tưởng. Là con đã cho tôi cơ hội giáo dục thực tiễn, là con đã làm phong phú thêm tư tưởng giáo dục của tôi, là con đã mang lại cho tôi biết bao niềm vui, là con đã luôn ở bên tôi cùng tôi trưởng thành, là con đã cho tôi hạnh phúc làm cha…
Cảm ơn con cái của chúng ta chính là chúng ta đã đối tốt với bản thân mình; cảm ơn con cái, chúng ta sẽ cảm nhận được niềm vui khi trưởng thành cùng con cái; cảm ơn con cái, chúng ta mới có thể làm một phụ huynh hạnh phúc.
Đông Tử
Đông Viên, đầu đông năm 2012
Bây giờ con đã lớn rồi, không cần tôi dắt đi nữa. Buông tay con, để con tự đối mặt với mưa gió, dùng đôi chân của mình để bước đi trên con đường đời. Là một người cha, lúc này tôi chỉ cần đứng sau lưng con, âm thầm dõi theo bước chân con đi về phía trước.
Trường đại học của con gái
Bây giờ con gái chưa đầy mười sáu tuổi Phạm Khương Quốc Nhất của tôi đã trở thành sinh viên đại học của trường Đại học Hắc Long Giang, bắt đầu một cuộc sống mới trong trường đại học.
Mặc dù chỉ mới bước chân vào cổng trường đại học nhưng “trường đại học” không phải là thứ gì xa lạ đối với con, thứ nhất một vài năm trước tôi từng dạy ở một số trường đại học, hai là tôi thường xuyên đến trường đại học thuyết trình cho các bạn sinh viên, thứ ba là tôi có một vài người bạn làm trong trường đại học, vì thế từ khi sinh ra cho đến nay con gái chưa lúc nào rời xa “trường đại học”. Cho dù là vậy, con cũng chỉ là “người ngoài”, nhưng một trường đại học thực sự “thuộc về” con thì phải kể đến năm 2011 khi con học lớp mười hai.
Theo quan niệm giáo dục vui vẻ của tôi con được “nuông chiều”, con vẫn vừa chơi vừa học, những đứa trẻ khác dùng cả mười phần sức lực, thậm chí là mười hai phần sức lực nhưng con chỉ dùng bảy, tám phần. Cho đến mãi cuối năm 2011, khi cô giáo chủ nhiệm khuyên nhủ, tôi mới nói lại với con, bảo con chơi ít đi một chút, để nhiều thời gian hơn cho việc học: “Cha không muốn con phải dùng 120% sức lực để học, nhưng con buộc phải dùng 100% sức lực để học, cuối cùng con thi được bao nhiêu điểm, học trường nào không quan trọng, nhưng con phải cố gắng hết sức để không cảm thấy lãng phí quãng thời gian này”.
Vì thế mà học kỳ II năm lớp mười hai, con gái điều chỉnh lại trạng thái, sau nửa năm học hành vất vả, con bước vào kỳ thi đại học.
Ngày thứ hai sau kỳ thi đại học, con gái đã về Yên Đài, Sơn Đông thăm họ hàng, ngày 20 tháng 6, con gái quay về, buổi tối hôm đó cháu Quốc Huy đã nói với tôi: “Ngày 21 sẽ thông báo kết quả thi đại học, 12 giờ tối nay sẽ có kết quả thi của Y Y”. Tôi nói hình như là ngày 22, cháu vẫn kiên quyết nói là ngày 21.
Sáu giờ sáng ngày hôm sau, giống như mọi ngày tôi dậy và mở máy tính, bắt đầu xem tin tức. Một tiếng sau, tôi đột nhiên nhớ ra lời Quốc Huy nói ngày hôm qua, vì thế tôi mở website Tin tức giáo dục tỉnh Cát Lâm, quả nhiên là có tra cứu kết quả thi đại học, tôi nhập số báo danh của Y Y, và điểm số của Y Y lập tức hiện ra: “Phạm Khương Quốc Nhất: Ngữ văn 115 điểm, Toán học 82 điểm, Tổng hợp 224 điểm, Ngoại ngữ 117 điểm, tổng điểm 538 điểm”.
...