Cuốn sách đề cập đến “một cuộc chiến tranh đang manh nha với súng đạn là đồng tiền, một cuộc chiến tranh cũng ác liệt và mức sát thương cũng khủng khiếp mà lúc này còn chưa lộ mặt...”. Trận Waterloo. Cái chết của sáu vị Tổng thống Mỹ. Sự nổi dậy của Hitler. Cuộc khủng hoảng kinh tế vào năm 1997-1998 ở châu Á, thậm chí là vấn đề ô nhiễm môi trường của các nước đang phát triển…
Những sự kiện tưởng chừng như riêng lẻ trải dài suốt hai thế kỷ ấy, lại đều bắt nguồn từ cùng một nguyên nhân: sự kiểm soát việc phát hành tiền tệ của ngân hàng gia tộc Rothschild.
Theo như lời của tác giả Song Hong Bing thì cho đến tận ngày nay, Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ vẫn chỉ là một con rối nằm trong tay các ngân hàng tư, mà phần nhiều trong số các ngân hàng ấy đều mang trong mình lòng trung thành với gia tộc Rothschild.
Những thuyết âm mưu như vậy có thể chỉ là bề nổi của tảng băng chìm nền kinh tế thế giới.
Nhưng tại Trung Quốc, nơi đang phải kéo dài các cuộc tranh luận về việc mở cửa hệ thống tài chính dưới sức ép của Hoa Kỳ, thì cuốn sách này đã trở thành một cú nổ lớn và được các tầng lớp trí thức cao trong chính phủ và giới thương nhân tìm đọc.
Ha Jiming, nhà kinh tế học hàng đầu làm trong lĩnh vự ngân hàng đầu tư của China International Capital Corp. kể rằng: “Một số người lãnh đạo của các tập đoàn lớn thậm chí đã đến và hỏi tôi rằng liệu những điều trong cuốn sách đó có phải là sự thật hay không?”
Chiến tranh tiền tệ đã cung cấp những lý do để bùng nổ các cuộc tranh luận rằng liệu có hay không việc Bắc Kinh đang chịu áp lực lớn từ Hoa Kỳ và các quốc gia khác về vấn đề tiền tệ và đồng Nhân dân tệ. Nhà xuất bản của cuốn sách này công bố rằng Chiến tranh tiền tệ đã bán được gần 200.000 bản trong lần đầu ra mắt bạn đọc, chưa kể đến 400.000 bản lậu đã được tiêu thụ trên thị trường. Nó đã khiến cả Trung Quốc xôn xao và trở thành một “kỷ lục xuất bản trong năm”..., chỉ đứng sau Harry Potter tập 7!
Về phía tác giả Song Hong Bing, ông là một nhà tư vấn về công nghệ thông tin và là một sử gia nghiệp dư hiện đang sinh sống ở bang Wasington, Mỹ từ năm 1994. Ông kể lại rằng điều đã truyền cảm hứng cho ông viết Chiến Tranh Tiền Tệ chính là cuộc khủng hoảng kinh tế ở châu Á vào năm 1997.
Sau khi tiết lộ những khám phá của mình trên blog, những người bạn của ông đã gợi ý về việc xuất bản một cuốn sách. Ông làm theo, nhưng cũng không thể ngờ rằng tác phẩm của mình có thể thành công đến thế.
Trong một cuộc phỏng vấn ở Thượng Hải, ông nói: “Tôi không bao giờ có thể tưởng tượng được cuốn sách mình viết có thể trở thành một chủ đề nóng và được đón đọc bởi cả các tầng lớp lãnh đạo. Người dân Trung Quốc đang lo lắng về những gì có thể xảy đến với thị trường tài chính nhưng họ lại không biết làm cách nào để đối đầu với các nguy cơ. Chính cuốn sach này sẽ cho họ một vài giải pháp.”
Hiện tại, Song Hong Bing đang bắt tay vào việc viết tiếp những tác phẩm mới về các hệ thống tiền tệ khác trên thế giới cũng như tiếp tục câu chuyện về nền tài chính Trung Quốc.
Lan Anh - Zing.vn