Tôi sinh ra để trở thành một doanh nhân. Việc trở thành một nhà đầu tư mạo hiểm (Venture Capitalist) chưa bao giờ nằm trong kế hoạch của cuộc đời tôi.
Reid Hoffman, người sáng lập LinkedIn, cho rằng doanh nhân phải là một người liều lĩnh và ưa mạo hiểm. Đây chắc chắn là một động lực mà tôi muốn ám chỉ. Tôi đã được cha mình dìu dắt và soi tỏ con đường trở thành một doanh nhân. Ông là người tị nạn sống sót sau cuộc tàn sát người Do Thái của Đức quốc xã và trở về Mỹ, không một xu dính túi vào năm 1949, sau đó có được bằng kỹ sư từ Đại học MIT và bằng Tiến sỹ Vật lý ứng dụng của Harvard. Cha tôi sau này đã thành lập một công ty công nghệ cao thành công theo phong cách cổ điển – tự cung tự cấp, hoạt động dựa trên doanh thu từ khách hàng mà không nhận được bất cứ nguồn tài trợ bên ngoài nào. Tôi may mắn được chứng kiến người cha nhập cư của mình dốc hết sức vì công việc kinh doanh và cũng chính điều đó đã khuyến khích tôi say mê với lĩnh vực này đồng thời nuôi dưỡng niềm tin sắt đá vào sức mạnh của nó đối với sự thay đổi.
Có trong tay tấm bằng MBA, cũng như những kiến thức từ Đại học Kinh doanh Harvard, tôi đã tự hình thành nên lối đi riêng của mình trên thương trường từ nhiều năm trước đây. Trong suốt 10 năm là doanh nhân và thành viên đội ngũ chuyên viên cao cấp cho hai doanh nghiệp mới thành lập được các quỹ đầu tư mạo hiểm hỗ trợ – Upromise (được tôi đồng thành lập vào năm 2000) và Open Market (IPO – phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng năm 1996) – tôi đã kết nối cũng như thực hiện nhiều buổi thuyết phục trực tiếp trước các nhà đầu tư mạo hiểm và dần bị các cuộc chơi mạo hiểm hấp dẫn. Vì thế sau một thập kỷ đắm mình trong các thỏa thuận kinh doanh, tôi đã chuyển sang một hướng khác và trở thành một nhà đầu tư mạo hiểm. Tôi gia nhập vào Flybridge Capital Partners, một công ty đầu tư mạo hiểm mà hai người bạn của tôi vừa mới thành lập.
Lúc đầu, tôi vừa sùng kính và sợ hãi các nhà đầu tư mạo hiểm bởi trong mắt tôi lúc đó, họ là những cá nhân xuất chúng và quyền lực, sở hữu một thứ mà tất cả các doanh nhân đều thèm muốn: Nguồn vốn. Khi tôi dành thêm thời gian làm việc và cộng tác với những nhà đầu tư mạo hiểm như các đối tác và đồng nhà đầu tư của mình, tôi đã phát hiện ra điều khiến họ lựa chọn doanh nhân để đầu tư và cách giúp các doanh nhân này có thể “quảng bá” thành công bản thân cũng như công ty trước các nhà đầu tư, cách quản lý một ban điều hành và thực hiện chiến dịch thoái vốn thành công.
Tôi viết cuốn sách này để giúp các doanh nhân hiểu rõ hơn về thế giới đầu tư mạo hiểm được quan sát từ cả hai phía với tư cách một doanh nhân và nhà đầu tư giúp các doanh nhân nâng cao vai trò của mình trong cuộc chơi khi theo đuổi nguồn vốn đầu tư mạo hiểm nhằm bảo toàn nguồn lực cần thiết để đạt được tầm nhìn tương lai. Trong cuốn sách này, tôi hé lộ những quan điểm sâu sắc về ngành công nghiệp còn mới mẻ này, được đúc kết từ kinh nghiệm của chính bản thân tôi như một nhà đầu tư thành thục. Tôi cũng đưa ra những tầm nhìn của các đối tác từ một số công ty đầu tư mạo hiểm hàng đầu trên thế giới, những người hào phóng sẵn sàng chia sẻ bí kíp tiếp cận các doanh nhân xuất sắc của họ.
Tôi cũng rất may mắn khi thuyết phục được một số doanh nhân thành công nhất ngày nay – bao gồm người sáng lập của Costant Contact, LinkedIn, Sirtris, Twitter, Zynga và một số công ty khác – trò chuyện về những kinh nghiệm và kiến thức sâu rộng của họ liên quan đến cách làm việc với các nhà đầu tư mạo hiểm để tạo dựng một doanh nghiệp còn non trẻ và giúp nó phát triển. Mục tiêu của cuốn sách này là chia sẻ những công thức thần kỳ về cách những doanh nhân vĩ đại kết đôi với các nhà đầu tư mạo hiểm trong quá trình khởi tạo ra các công ty có giá trị từ khi mới thành lập. Cho dù bạn là Mark Zuckerberg tiếp theo (sinh viên Đại học Harvard, người sáng lập ra Facebook) hay Jim Barksdale (một chuyên gia giàu kinh nghiệm thuộc nhóm Fortune 500, CEO của Netcape) tiếp theo đi chăng nữa, thì Mastering the VC Game cũng sẽ cung cấp cho bạn những hướng dẫn tỉ mỉ của một người trong cuộc để bước chân vào thế giới tạo dựng các công ty được hỗ trợ bởi vốn đầu tư mạo hiểm, tăng trưởng và thoái vốn thành công.
Trong hai chương đầu của cuốn sách, tôi sẽ khám phá tinh thần của hai người giữ vai trò chủ đạo trong cuộc chơi khởi nghiệp: Doanh nhân và nhà đầu tư mạo hiểm. Trong chương 3 và 4, tôi sẽ chuyển sang quy trình thuyết phục trực tiếp (pitch) và đàm phán các thỏa thuận. Chương 5 và 6 sẽ cung cấp tầm nhìn về quy trình thành lập công ty cũng như cách doanh nhân và nhà đầu tư mạo hiểm thu về lợi nhuận bằng việc bán công ty (thoái vốn). Sau những thông tin chi tiết về lĩnh vực đầu tư mạo hiểm ngoài nước Mỹ trong chương 7, tôi sẽ kết thúc cuốn sách bằng một vài tiên đoán về hướng đi tương lai của ngành công nghiệp này.
Tôi viết cuốn sách này không chỉ để chia sẻ kiến thức nhằm khuyến khích mọi người theo đuổi ước mơ của họ và – nếu mọi chuyện diễn ra tốt đẹp, sẽ biến những khoản đầu tư của họ thành lợi nhuận kếch xù – mà còn bởi vì tôi tin rằng các công ty mới khởi nghiệp được hỗ trợ bởi nguồn vốn đầu tư mạo hiểm có thể ảnh hưởng tích cực đến nền kinh tế và xã hội của chúng ta nói chung.
Các nhà đầu tư mạo hiểm liên doanh với các doanh nhân được coi là động lực mạnh mẽ và cần thiết đối với nền kinh tế Mỹ. Trong suốt 40 năm kể từ khi công ty mới khởi nghiệp đầu tiên được quỹ đầu tư mạo hiểm hỗ trợ, Digital Equipment Corporation (DEC), được Ken Olsen thành lập với 70.000 đô-la đầu tư vào năm 1959, IPO năm 1968 với mức vốn thị trường là 37 triệu đô-la, đạt lợi nhuận gấp 528 lần so với vốn đầu tư! – các nhà đầu tư mạo hiểm đã đầu tư hơn 441 triệu đô-la vào 57.000 công ty trên toàn nước Mỹ. Hơn 12 triệu người (khoảng 12% lực lượng lao động của Mỹ) hiện nay có công ăn việc làm trong các công ty được các quỹ đầu tư mạo hiểm đầu tư và các công ty này cũng đóng góp khoảng 2.900 tỉ đô-la doanh thu, chiếm hơn 20% tổng doanh thu của các doanh nghiệp tại Mỹ. Cuộc chơi khởi nghiệp đã hình thành nên một số công ty điển hình của Mỹ như Amazon, Apple, eBay, Facebook, Google, LinkedIn, Microsoft, Staples, Starbucks, Twitter và YouTube.
Các mô hình doanh nghiệp được các công ty đầu tư mạo hiểm hỗ trợ đã trở thành một trong những mặt hàng xuất khẩu quan trọng và ảnh hưởng nhất của nước Mỹ. Dần dần, công ty mới thành lập được các quỹ đầu tư mạo hiểm hỗ trợ đang dần trở thành một động lực chính của quá trình tăng trưởng và phát triển tại các quốc gia trên toàn thế giới. Ở các nước đang phát triển với tốc độ nhanh, lĩnh vực đầu tư mạo hiểm đang lan rộng đến chóng mặt – từ 0 đô-la vài năm trước đây lên đến 4 tỉ đô-la ở Trung Quốc và gần 1 tỷ ở Ấn độ vào năm 2009, những con số này được hy vọng sẽ phát triển nhanh chóng hơn nữa trong một vài năm tới.
Cả ở Mỹ và những nước khác, các doanh nghiệp mới khởi động được quỹ đầu tư mạo hiểm hỗ trợ giữ vai trò quan trọng ngoài khả năng tạo ra đổi mới và nguồn tài chính dồi dào: Thay đổi thế giới ngày một tốt đẹp hơn. Các doanh nhân và các nhà đầu tư mạo hiểm như thế đầu tư vào những giấc mơ – từ các nguồn năng lượng mới, các phương thức chữa trị ung thư đến những cải cách trong giáo dục – có tiềm năng mang lại lợi ích cho xã hội và bản thân họ. Mặc dù phần lớn các doanh nhân này không đi theo con đường đầu tư mạo hiểm để gây vốn xây dựng doanh nghiệp, vì nhiều lý do mà chúng tôi sẽ thảo luận trong phần sau, nhưng tất cả đều có thể mang lại lợi nhuận từ việc học hỏi các mô hình của những doanh nghiệp được các nhà đầu tư mạo hiểm cấp vốn.
Hơn một thập kỷ tiếp theo, hàng trăm triệu đô-la sẽ được đầu tư vào các công ty mới và non trẻ, nguồn vốn đầu tư này cần được đầu tư khôn ngoan hơn. Với sự phát triển công nghệ không ngừng, hiện đại hóa mở rộng, sự bùng nổ Internet, những đột phá về môi trường và năng lượng cũng như các cải tiến trong y học, các cuộc đua ngày càng trở nên mạnh mẽ và hấp dẫn hơn bởi cơ hội thay đổi thế giới sẽ lớn chưa từng có. Mastering the VC Game, cuốn sách mà các bạn đang cầm trên tay, sẽ giúp các doanh nhân gọi vốn thành công và đưa những công ty mới khởi nghiệp của họ đi vào hoạt động hiệu quả hơn đồng thời phát triển công ty để thu về lợi nhuận lớn nhất cho tất cả các bên. Cuốn sách này cũng đưa ra tầm nhìn về vai trò quan trọng của các doanh nghiệp này trong nền kinh tế toàn cầu.
***
KHÁT KHAO CHÁY BỎNG CỦA CÁC DOANH NHÂN: THAY ĐỔI THẾ GIỚI
Để thực sự hiểu về thế giới của các doanh nghiệp mới thành lập được các quỹ đầu tư mạo hiểm hỗ trợ, đầu tiên, chúng ta cần phải tìm hiểu kỹ về tinh thần của các doanh nhân khởi nghiệp bởi nó khác biệt hoàn toàn so với tinh thần của các doanh nhân thông thường.
Động lực trở thành doanh nhân đã ăn vào máu tôi từ rất lâu. Tôi bị công nghệ hấp dẫn từ khi còn là một đứa trẻ. Tôi hay bông đùa nói với bố mẹ mình rằng tình yêu của tôi đối với máy tính bắt nguồn từ tất cả các trò chơi video mà tôi đã chơi trong khi chờ chị gái tôi ở ngoài các sân tập trượt băng hay các trận đấu tập. Khi Apple II ra đời, tôi xin bố mẹ mua cho tôi một chiếc và đã rất vui mừng khi đầu tư khoản tiền tiết kiệm của mình từ việc đưa báo hàng sáng để phụ bố mẹ mua chiếc Apple II.
Tôi đã may mắn khi lần đầu tiên được cọ xát trong lúc làm việc tại một công ty mới khởi nghiệp suốt mùa hè năm thứ nhất tại trường kinh doanh. Tôi trở thành thành viên của “nhóm điều hành” một công ty phần mềm mới thành lập. Toàn bộ 10 nhân viên đều làm việc trong một căn hộ ở Boston, thuộc dãy nhà đằng sau một nhà hàng Trung Quốc. Tôi vẫn nhớ mùi ở đó – thật chẳng mấy dễ chịu. Phó Giám đốc Marketing thường mang con chó của cô ấy đến “văn phòng” và nó thường sủa ầm ĩ mỗi khi tôi chuẩn bị chốt được hợp đồng qua điện thoại.
Kinh nghiệm làm việc ở công ty này đã mang lại cho tôi một trải nghiệm thú vị. Đó là chiếc “hộp cát” giúp tôi học được về áp lực thực sự trong việc điều hành một công ty phần mềm nhỏ: Vận chuyển các sản phẩm, làm việc với các đối tác, thanh toán chi phí và thực hiện các thỏa thuận.
Từ trải nghiệm kinh doanh đầu tiên đó, tôi đã trưởng thành hơn rất nhiều.
Bản chất của một doanh nhân không thay đổi nhiều kể từ khi tôi còn là sinh viên. Điều này thể hiện rõ ràng ở một sự kiện mạng lưới mà công ty tôi, Flybridge Capital Partners, tổ chức hàng năm cho các sinh viên tốt nghiệp Harvard và MIT Sloan về quản lý. Chúng tôi mời đến rất nhiều thanh niên trẻ mong muốn trở thành doanh nhân.
Việc các sinh viên dường như hoàn toàn không bị ảnh hưởng bởi những thăng trầm của nền kinh tế xung quanh họ đã thôi thúc tôi tổ chức sự kiện này. Ví dụ, vào năm 2009 – một trong những năm tồi tệ nhất của nền kinh tế từ nhiều thập kỷ qua – họ hoàn toàn không bối rối trước sự sụp đổ của thị trường tiền tệ, sự “bốc hơi” của hàng nghìn tỷ đô-la chứng khoán và bất động sản, đi kèm với sự suy giảm kinh tế toàn cầu. Thực tế, những chủ đề này thậm chí không hề ảnh hưởng gì đến họ.
Mời các bạn đón đọc
Cuộc Chơi Đầu Tư Mạo Hiểm của tác giả
Jeffrey Bussgang.