Trong vai một người viết tiểu thuyết, Nguyễn Danh Lam hẳn là mẫu nhà văn không thích, thậm chí rất dị ứng, việc cưng nựng chiều chuộng các nhân vật của mình. Từ những “Bến vô thường”, “Giữa vòng vây trần gian”, đến “Giữa dòng chảy lạc”, đã là thế. Và rồi đến cuốn tiểu thuyết mới nhất này, vẫn là thế. Nguyễn Danh Lam không thèm hạ cố ban cho nhân vật một danh tính rõ ràng. Cũng rất hiếm khi nhà văn gắn cho họ những nét phẩm chất tính cách hoặc những năng lực cá nhân trên mức trung bình. Đã vậy, anh lại hay đẩy các nhân vật vào những cảnh huống trớ trêu, những trạng thái sinh tồn nếu không bi đát thì cũng dở khóc dở cười.
Điều, vừa quan trọng lại vừa oái oăm, là ở chỗ: trong những cảnh huống những trạng thái ấy, các nhân vật của Nguyễn Danh Lam luôn có một sự tự nhận thức, thường trực và đầy ám ảnh, về cái bất túc và bất lực của mình… Ở cuốn tiểu thuyết mới nhất này, Nguyễn Danh Lam cho nhân vật chính “lên đường”, làm một chuyến du lịch bụi cùng với cô con gái cả ngày chỉ biết dán mắt vào chơi game trên điện thoại di động và luôn miệng kêu than. Sau lưng họ, là một gia đình rạn nứt. Trước mặt họ, là những khúc rẽ bất ngờ, những đứt gãy nhân sinh còn tồi tệ hơn gấp bội. Nguyễn Danh Lam đã kể những chuyện ấy, một cách bình thản và đầy tiết chế.
***
ường phố đã vào khuya. Ông không nhận thấy sự khác biệt nhiều lắm giữa thành phố cao nguyên này với thành phố nơi ông sống. Nhà cửa, phố xá cùng một sắc đèn rờ rỡ. Dò đường một lúc, ông mới lần ra cái khách sạn gã bạn chỉ. Trước đó nửa giờ, gã lí nhí qua máy: Mày thông cảm, giờ này tao không đi được, cứ vào cái khách sạn này, nói tên tao. Mai tao đến kiếm sớm.
Mở cửa xe mua một gói thuốc, ông nghe gió thốc từng cơn. Thứ gió kỳ lạ, thổi triền miên, không giống gió của những cơn giông, cũng chẳng phải gió biển. Đây chính là sự khác biệt. Bụi quăng vào mặt ông những đám khô khốc. Không gian se lạnh, khá thú vị.
Khách sạn có vẻ nằm ở khu trung tâm. Ông nói tên gã bạn với cô nhân viên tiếp tân. Cô gái xinh đẹp lắc đầu cười.
Chú thông cảm, có lẽ ông chủ con biết, chứ con không biết chú ấy.
Ông ngớ ra, bối rối. Giá đừng đề cập gã có lẽ hay hơn. Ông nghe gã dặn nên hỏi cô, chứ thực sự chẳng có chủ đích gì. Chẳng hạn như việc giảm giá phòng, hay ưu tiên một vị trí tốt nào đó.
Hai cha con cùng đói ngấu. Buổi chiều, sau khi lên hết con đèo, ông dừng nơi thị trấn gần đó mua hai ổ bánh mì, định bụng khi tới nơi sẽ ăn bữa chính. Đường lạ, nhiều đèo dốc, khiến kế hoạch dự kiến đổ bể.
Mình đi ăn rồi lên phòng, hay lên phòng rồi đi ăn?
Đi ăn luôn đi ba. - Con gái ông nhăn nhó.
Giờ này còn chỗ nào ăn uống được không cô? - Ông hỏi cô gái tiếp tân.
Nhà hàng tụi con đã nghỉ. Mấy chỗ gần đây, họ cũng đóng cửa hết rồi. Chú nên chạy ra chợ trung tâm, thứ gì cũng có.
Lại phải lết ra xe, gương mặt con gái ông vốn nhăn nhó, lúc này càng nhăn nhó hơn. Điệp khúc của nó luôn là đói. Ông hiểu, nó đang tuổi ăn tuổi lớn, không thể chịu đựng được như ba.
Ông tấp xe vào một dãy quán sáng đèn. Mấy cặp nam nữ chừng tuổi con ông đi chơi về khuya, co ro quanh cái bàn bên cạnh. Họ cười nói và văng tục. Cách phục sức, mấy chiếc xe đời mới, hoàn toàn chẳng có gì khác thanh niên thành phố. Thuở xa xưa, ông nhớ, sự khu biệt khá rõ ràng, bởi những cách ngăn về giao thông, hành chính.
Con gái ông bỏ dở gần nửa tô mì, trong khi ông húp cạn.
Sao vậy con, mệt không ăn nổi à?
Dở quá - Ông không biết món ăn dở thật, hay đó là nhận xét quen thuộc của con gái.
...
Mời các bạn đón đọc
Cuộc Đời Ngoài Cửa của tác giả
Nguyễn Danh Lam.