Cuộc Trốn Chạy Của Josef Mengele |
|
Tác giả | Olivier Guez |
Bộ sách | |
Thể loại | Trinh thám |
Tình trạng | Hoàn Thành |
Định dạng | eBook mobi pdf epub azw3 |
Lượt xem | 3867 |
Từ khóa | eBook mobi pdf epub azw3 full Olivier Guez Tiểu Thuyết Trinh Thám Kinh Dị Giải Renaudot Văn học Pháp Văn học phương Tây |
Nguồn | ebook©vctvegroup |
Cái ác liệu có khi nào không phải đền tội? Mặc dù đã chạy trốn sang Mĩ Latinh, không có bản án của cộng đồng quốc tế, nhưng bác sĩ của trại Auschiwitz, Josef Mengele, vẫn phải chịu đựng những gì còn hơn một bản án: một cuộc đời trốn chui trốn lủi, cô đơn, tuyệt vọng trong cái cái nóng như thiêu đốt của miền nhiệt đới Nam Mĩ, trong nỗi lo sợ đến cùng cực.
Những thứ còn tệ hơn cả cái chết.
Ngòi bút tỉ mỉ của Guez đã miêu tả cả một khung cảnh thiên nhiên hoang dã ở phía Tây bán cầu và hành trình khổ nhục của Josef Mengele từ sau khi rời khỏi châu Âu đến ngày từ giã cõi đời. Giọng văn của ông khéo léo đến độ, nếu không biết đó là Mengele, hẳn khi đọc tác phẩm này, chúng ta đã không khỏi xót thương cho số phận buồn bã cô đơn của một kiếp người ở xứ sở cách chúng ta nửa vòng trái đất.
“Một thành công lớn trong việc mô tả một con quỷ lăn lộn trong cái tầm thường xoàng xĩnh sau cái thời là Thiên thần chết ở Auschwitz.”
- Jean-Christophe Buisson
Lão gia
“Hạnh phúc chỉ nằm ở những gì khuấy động, và chỉ có tội ác mới khuấy động được; đức hạnh... không bao giờ có thể dẫn tới hạnh phúc.”
SADE
Con tàu North King rẽ nước trên dòng sông đầy bùn. Trên boong tàu, hành khách chăm chú ngắm nhìn đường chân trời từ khi bình minh lên, và giờ đây, khi những cây cần cẩu ở công trường đóng tàu và vạch kẻ đỏ của khu nhà kho cảng hiện ra trong màn sương, đám khách người Đức cùng hát một khúc quân hành, người Italia làm dấu thánh giá, còn người Do Thái thì cầu nguyện dù trời đang có mưa bụi, các cặp đôi hôn nhau, con tàu cập bến Buenos Aires sau ba tuần lênh đênh trên biển. Một mình dựa vào thành tàu, Helmut Gregor suy tư.
Hắn từng hy vọng rằng một chiếc tàu tuần tra của cảnh sát mật sẽ tới đưa hắn đi và giúp hắn tránh khỏi những phiền nhiễu của hải quan. Khi lên tàu ở Gênes, Gregor đã xin Kurt đặc ân này, hắn tự giới thiệu là một nhà khoa học, một chuyên gia tầm cỡ về di truyền học và đề xuất với Kurt hắn sẽ trả tiền (Gregor có rất nhiều tiền), nhưng kẻ tổ chức vượt biên cười và né tránh: quyền ngoại lệ này chỉ dành cho những nhân vật tai to mặt lớn, những quan chức của chế độ cũ, chứ không mấy khi dành cho một đại úy của SS*. Dù sao thì Kurt cũng sẽ đánh điện tới Buenos Aires, Gregor có thể trông cậy vào ông ta.
Kurt đã bỏ túi một số bền, nhưng chiếc tàu tuần tra thì không hề xuất hiện. Gregor phải kiên nhẫn chờ đợi trong sảnh đường rộng mênh mông của hải quan Argentina cùng với những người di cư khác. Hắn giữ chặt hai chiếc va li, một to một nhỏ, và khinh khỉnh nhìn đám dân châu Âu lưu vong đứng quanh đó, những hàng dài người vô danh lịch lãm hay nhếch nhác mà hắn luôn tránh xa trong suốt hành trình. Gregor thà ngắm nhìn đại dương và các vì sao hoặc đọc thơ Đức trong cabin của mình còn hơn; hắn đã nhìn lại bốn năm vừa qua trong đời mình, từ khi hắn chạy khỏi Ba Lan một cách thảm hại vào tháng Một 1945 và trà trộn vào lực lượng Vệ quốc Đức Quốc xã để thoát khỏi nanh vuốt của Hồng quân: hắn bị giam vài tuần trong một trại tù của Mỹ, sau đó được thả vì hắn có giấy tờ giả mang tên Fritz Ullmann, rồi hắn ẩn náu trong một nông trang đầy hoa ở Bavière, cách thành phố Gunzburg quê hương hắn không xa, ở đây hắn làm công việc cắt cỏ cho gia súc và phân loại khoai tây trong ba năm với cái tên Fritz Hollmann, rồi sau đó hắn chạy trốn tới Pâques cách đây hai tháng, vượt qua dãy núi Dolomites bằng đường mòn trong rừng của những kẻ buôn lậu, rồi đến vùng Nam Tyrol ở Italia, ở đây hắn đổi tên thành Helmut Gregor, cuối cùng hắn tới Genova, nơi tên buôn lậu Kurt đã giúp hắn làm các thủ tục với chính quyền Italia và cơ quan nhập cảnh Argentina.
Tại hải quan, kẻ đào tẩu xuất trình giấy thông hành của Hội Chữ thập đỏ quốc tế, giấy phép lên bờ và visa nhập cảnh: Helmut Gregor, cao 1,74 mét, mắt nâu xanh lá cây, sinh ngày 6 tháng Tám 1911 tại Termeno, tiếng Đức là Tramin, tỉnh Nam Tyrol, công dân Đức quốc tịch Italia, theo Thiên Chúa giáo, nghề nghiệp kỹ sư cơ khí. Địa chỉ tại Buenos Aires: 2460 phố Arenales, khu phố Florida, nhà của Gerard Malbranc.
Nhân viên hải quan kiểm tra hành lý của hắn, quần áo gấp cẩn thận, tấm ảnh chân dung một phụ nữ tóc vàng mảnh dẻ, vài cuốn sách và một số đĩa hát opera, rồi anh ta cau mày khi thấy các món đồ trong chiếc va li nhỏ: ống tiêm hạ bì, vài cuốn sổ ghi chép và bản đồ giải phẫu, các tiêu bản máu, tiêu bản tế bào: không liên quan gì tới một kỹ sư cơ khí. Anh ta bèn gọi nhân viên y tế của cảng tới.
Gregor run rẩy. Hắn đã mạo hiểm một cách điên rồ để giữ chiếc va li nhỏ gây liên lụy, kết quả quý giá của biết bao năm trời nghiên cứu, của cả đời hắn, mà hắn đã mang lên tàu khi vội vã rời khỏi nơi làm việc ở Ba Lan. Nếu bị quân Xô viết bắt được khi đang giữ cái va li đó, hắn sẽ bị xử tử ngay lập tức mà chẳng cần xét xử gì. Trên đường trở lại Tây Âu mùa xuân 1945, khi quân đội Đức Quốc xã rút chạy tán loạn, hắn đã gửi va li cho một nữ y tá có lòng trắc ẩn, rồi sau đó tìm lại cô ở Đông Đức, trong vùng Liên Xô kiểm soát, một chuyến đi điên rồ sau khi hắn được thả khỏi trại giam Mỹ và ba tuần đi đường. Sau đó, hắn đưa va li cho Hans Sedlmeier, một người bạn từ thuở nhỏ và là người được cha hắn, một nhà công nghiệp, hết mực tin cậy, Sedlmeier mà hắn thường xuyên gặp gỡ trong khu rừng xung quanh nông trang nơi hắn ẩn náu suốt ba năm. Gregor không thể rời khỏi châu Âu mà không đem theo chiếc va li này: Sedlmeier đã trả lại va li cho hắn trước khi hắn đi Italia cùng với một chiếc phong bì dày đầy tiền mặt, và giờ đây một gã ngớ ngẩn móng tay bẩn thỉu đang bới tung mọi thứ, Gregor thầm nghĩ, còn nhân viên y tế của cảng thì xem xét các tiêu bản và những ghi chép viết bằng kiểu chữ gothic sin sít. Vì không hiểu gì cả, nên nhân viên hải quan hỏi hắn bằng tiếng Tây Ban Nha và tiếng Đức, tay kỹ sư cơ khí giải thích với ông ta về thiên hướng trở thành nhà sinh vật nghiệp dư của mình. Hai người đàn ông khinh bỉ nhìn nhau, còn nhân viên y tế đang muốn đi ăn trưa nên ra hiệu cho nhân viên hải quan cho hắn qua.
Ngày 22 tháng Sáu 1949 ấy, Helmut Gregor đặt chân tới nơi ẩn náu mới: Argentina.