Đám cưới không có giấy giá thú là đứa con tinh thần mới của nhà văn Ma Văn Kháng. Cũng như những tác phẩm trước, Đám cưới không có giấy giá thú nhận được nhiều sự quan tâm không chỉ từ độc giả mà còn từ những nhà văn lớn khác của Việt Nam.
***
Nhà văn
Ma Văn Kháng (sinh ngày 1 tháng 12 năm 1936 tại làng Kim Liên, Đống Đa, Hà Nội) tên thật là Đinh Trọng Đoàn. Ông là đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam, học trường Sư phạm Hà Nội. Ông từng là giáo viên cấp hai, dạy môn Văn và là hiệu trưởng trường cấp 3 thị xã Lao Cai nay là tỉnh Lào Cai. Ông cũng là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam từ năm 1974.
Từ năm 1976 đến nay ông công tác tại Hà Nội, đã từng là Tổng biên tập, Phó Giám đốc Nhà xuất bản Lao động. Từ tháng 3 năm 1995 ông là Tổng biên tập tạp chí Văn học nước ngoài của Hội Nhà văn Việt Nam. Ông đã 8 lần đệ đơn xin thôi vị trí này.
Tác phẩm
- Đồng bạc trắng hoa xòe (tiểu thuyết, 1979
- Vùng biên ải (tiểu thuyết, 1983)
- Trăng non (tiểu thuyết 1984)
- Phép lạ thường ngày
- Thầy Thế đi chợ bán trứng
- Mưa mùa hạ (tiểu thuyết 1982)
- Mùa lá rụng trong vườn (tiểu thuyết, 1985)
- Võ sỹ lên đài
- Thanh minh trời trong sáng
- Hoa gạo đỏ
- Côi cút giữa cảnh đời (tiểu thuyết 1989)
- Đám cưới không giấy giá thú
- Đám cưới không có giấy giá thú (tiểu thuyết, 1989)
- Chó Bi, đời lưu lạc (tiểu thuyết 1992)
- Ngày đẹp trời (truyện ngắn 1986)
- Vệ sĩ của Quan Châu (truyện ngắn 1988)
- Giấy trắng (tiểu thuyết)
- Trái chín mùa thu (truyện ngắn 1988)
- Heo may gió lộng (truyện ngắn 1992)
- Trăng soi sân nhỏ (truyện ngắn 1994)
- Ngoại thành (truyện ngắn 1996)
- Truyện ngắn Ma Văn Kháng (tuyển tập 1996)
- Vòng quay cổ điển (truyện ngắn 1997)
- Năm tháng nhọc nhằn, năm tháng nhớ thương (hồi ký 2009)
- Một mình một ngựa (Tiểu thuyết 2007)
- Một Chiều Dông Gió
- Một Nhan Sắc Đàn Bà
- Trốn Nợ
***
Đám cưới không có giấy giá thú
VĂN NGHỆ Số 6. 10/2/1990
Để triển khai kết quả của Đại hội nhà văn lần thứ IV, sáng ngày 11.1.1990, Tuần báo Van nghệ tổ chức một cuộc thảo luận về cuốn tiểu thuyết “Đám cưới không có giấy giá thú” của nhà văn Ma Văn Kháng. Đây là buổi họp, mở đầu cho những cuộc sinh hoạt phê bình dưới nhiều hình thức khác nhau sẽ thường xuyên được tổ chức trong thời gian tới nhằm nâng cao chất lượng trang phê bình trên mặt báo, góp phần đẩy mạnh việc đổi mới công tác lý luận phê bình chung của chúng ta.
Tới dự cuộc thảo luận có các nhà văn, nhà phê bình quen biết: Xuân Cang, Nguyên Ngọc, Nguyễn Kiên, Xuân Thiều, Huy Phương, Hà Minh Đức, Phan Cự Đệ, Từ Sơn, Phan Hồng Giang - Đồng chí Lê Thanh Tùng, và đồng chí Xuân Du đại diện Nhà xuất bản Lao động cùng tới dự. Ban biên tập có gửi giấy mời nhà văn Bùi Hiển, nhưng đến phút cuối vì có việc bận đột xuất, nhà văn không đến dự được.
Có mặt trong buổi họp còn có nhà văn Ma Văn Kháng, tác giả cuốn tiểu thuyết. Về phía chủ nhà, ngoài anh Hữu Thỉnh, nhà thơ, Tổng biên tập báo Văn nghệ, còn có các anh chị: Ngô Ngọc Bội, Nguyễn Vinh, Phạm Tiến Duật, Hoàng Minh Tường, Phạm Đình Ân, Thiếu Mai.
Sau lời đề dẫn của anh Hữu Thỉnh, cuộc hội thảo bắt đầu. Sau đây là ý kiến của từng đồng chí.
Xuân Cang:
Tôi cùng với anh Lê Thanh Tùng và anh Xuân Du là những người chịu trách nhiệm chính trị về cuốn sách của anh Kháng.
Thú thật là khi mới được đọc qua một lần, tôi hơi hoảng. Tất cả các đảng viên cộng sản trong cuốn sách là những con người tồi tệ - tồi tệ thực sự chứ không chỉ là suy thoái. Vậy có phải là cuốn sách phủ nhận những người cộng sản, phủ nhận Đảng không? Sau khi đọc kỹ hơn, bình tâm suy nghĩ, tôi khẳng định là không phải như vậy. Thái độ đối với các tác phẩm văn học, nhất là những tác phẩm đa dạng, đa nghĩa là một sự thử thách mới đối với người đọc.
Trước đây khoảng chục năm, một cuốn sách như kiểu cuốn sách này ra đời quả là một sự gay go. Nhiều độc giả ở ngành giáo dục cũng chấp nhận tác phẩm này. Họ nói rằng cuốn sách đã nói đúng sự thật. Sự thật trong ngành giáo dục còn có những con người, những đơn vị suy thoái hơn nữa kia. Tuy vậy, họ tỏ ra băn khoăn, vì trong ngành còn có những nhân tố tích cực nữa. Miêu tả như thế này có phải là bôi bác không, có sợ người đọc hiểu nhầm ngành giáo dục
Tôi nói với anh em là cuốn sách này viết về ngành giáo dục, nhưng không phải chỉ đề cập đến những vấn đề của giáo dục mà là những vấn đề nhức nhối chung của xã hội. Ở đây có cuộc hôn phối không đúng quy luật giữa chúng ta và chủ nghĩa xã hội. Các bạn ấy còn băn khoăn: Vậy vai trò giáo dục của văn học là ở đâu?
Tôi nói văn học còn có chức năng cao cả là phát hiện, khám phá, dự báo, báo động nữa. Có thể khai thác vai trò giáo dục của nó ở đấy.
Đọc cuốn sách của anh Kháng không thể đọc một mạch. Từng trang, từng trang, nó cho người đọc nhận thức dần những điều tác giả muốn gửi gắm. Tôi đồng ý với Phan Hồng Giang, Ngô Ngọc Bội trước đây người sáng tác còn phải che chắn, rào đón quá nhiều. Ví dụ khi muốn xây dựng một nhân vật cộng sản, nhà văn thường tự hạn chế mình nhân vật này “đại diện” cho xã hội mới, nếu có khuyết phải có ưu, ưu là cơ bản, xây dựng một nhân vật tiêu cực là chỉ dám xếp anh ta vào chức phó. Ở đây anh Kháng đã mạnh dạn đưa ra những nhân vật chịu trách nhiệm chính để người đọc phán xét một cách bình đẳng. Nếu đọc theo lối truyền thống thì khó chấp nhận. Riêng tôi, tôi tán thành sự chuyển hướng về phương pháp này, sắp tới, hội đồng văn học công nhân khi xem xét vệc tặng thưởng các tác phẩm văn học đề tài công nhân không thể không tính tới cuốn sách này. Vừa ra đời, có ý kiến này ý kiến nọ, nhưng rồi cuốn sách đã đứng được, điều đó nói lên rằng cuốn sách đáp ứng với tình hình của xã hội chúng ta trong thập kỷ này. Nhà văn đã góp những suy nghĩ nghiêm túc về những vấn đề bức thiết đang đặt ra trong xã hội hiện nay.
Phan Cự Đệ:
Trong tiểu thuyết Đám cưới không có giấy giá thú, nhà văn Ma Văn Kháng đã phản ánh được cái bi kịch của một nhà giáo, một tri thức: anh ta lúc thì đóng vai một nhà hiền triết, một nhân cách cao cả và thánh thiện nhưng lại bị ném vào một môi trường mà các giá trị tinh thần đang bị đảo lộn: một môi trường bị ô nhiễm, bị băng hoại về đạo đức và nhân phẩm: lúc thì hiện ra như một con người mơ mộng và lãng mạn, hay đỏ mặt vì mặc cảm và sĩ diện nhưng lại bị nhúng chìm trong cái biển đời thường dung tục, ở đó hàng ngày diễn ra cái cảnh chen lấn, cướp đoạt một cách trâng tráo, vô sỉ: lúc là một người say mê nghề nghiệp, nhiều hoài bão và khát vọng, muốn chiếm lĩnh các đỉnh cao khoa học nhưng lại bị vây bủa bởi một xã hội thực dụng và cơ hội, một xã hội tiêu thụ đang lên cơn sốt với những đam mê và khoái lạc, với khát vọng làm giàu, khát vọng chiếm đoạt quyền lực bằng bất cứ giá nào! Nhân vật anh giáo Tự phảng phất một mô-típ đã quen thuộc trong văn xuôi Việt Nam và thế giới: lúc là Đôn Ki-hô-tê một mình một dáo dũng cảm xông lên đánh nhau với lũ yêu quái, lúc lại là ông giáo Thứ đang sống mòn và chết mòn trong sạch một cách thụ động ở cái trường tư ngoại ô, lúc là một Hoàng thân Mưt-skin, một Pi-e Bô-du-khốp nhưng nhuốm màu sắc triết học phương Đông. Ma Văn Kháng đã viết về cái “bi kịch vỡ mộng” của một “bữa tiệc dang dở, một đám cưới không thành, một cuốn sách hay để lầm chỗ” đó một cách rất tâm huyết, với tất cả suy nghĩ và trăn trở, niềm khát vọng và nỗi đau của một nhà văn trước thời cuộc, trước tình trạng xuống cấp về trình độ tư duy và phẩm chất đạo đức ngay trong một số người tự cho mình là cán bộ lãnh đạo, là trí thức hoặc kỹ sư của tâm hồn. Ma Văn Kháng đã nói lên được cái tâm sự có thật của những trí thức có tâm huyết, có hoài bão. Cách lý giải có thể còn phải bàn cãi, nhưng điều đáng trân trọng là tấm lòng trung thực và trong sáng của người cầm bút, là những trang viết chân thành và xúc động.
Cuốn tiểu thuyết cũng bộc lộ khá rõ một số nhược điểm. Trước đây ta hay lý tưởng hóa một chiều các nhân vật đảng viên hoặc cán bộ lãnh đạo, gần đây lại có khuynh hướng biến họ thành những con rối, thành con người máy hoặc con người của dục vọng tầm thường (Những thiên đường mù, Ly thân, Những mảnh đời đen trắng). Tác phẩm của Ma Văn Kháng không rơi vào hai thái độ cực đoan đó. Tuy nhiên, cách nhìn những “nhân vật tiêu cực” trong hàng ngũ lãnh đạo ở đây có lúc còn đơn giản và phiến diện, đôi khi biến họ thành nhân vật của hài kịch, thành những tính cách bị phóng đại trong nghệ thuật biếm họa. Tính khái quát của loại nhân vật này chưa cao. Trong số này ngoài đời tôi thấy có những người xấu nhưng biết ngụy trang một cách thâm hiểm hơn hoặc có người tốt, chân thành, ngay cả trong sự ấu trĩ, máy móc của họ.
Tác phẩm có nhiều trang sinh động, hấp dẫn trong đối thoại, tranh luận hoặc dựng người, dựng cảnh nhưng cũng có nhiều trang chìm sâu một cách nặng nề vào những suy tư, vào những lời biện giải mang màu sắc duy lý của tiểu thuyết luận đề.
Xuân Thiều:
Nghe đồn cuốn sách “có vấn đề” tôi liền đọc ngay, hai đêm thì đọc xong. Và bây giờ, tôi sẵn sàng tranh luận với những ý kiến cho rằng cuốn sách “có vấn đề chính trị”, thậm chí tôi còn nghe có ý kiến nói cuốn sách “đi ngược lại nghị quyết 7” nữa kia.
Theo tôi thì cuốn sách đã thể hiện được tâm huyết của tác giả, ấy là lòng tha thiết mong mỏi được sống trong một xã hội tốt đẹp lý tưởng. Thấy rõ nỗi đau đớn của tác giả: mình yêu chủ nghĩa xã hội như vậy mà sao trong thực tế xã hội lại có chiều ngược với suy nghĩ, mong ước của mình. Tôi khẳng định là tính tư tưởng của tác phẩm rất cao. Tính hiện thực cũng rất cao, vì tác giả đã mạnh dạn phơi bày không né tránh những vấn đề gay cấn nóng bỏng của xã hội. Trước đây dăm bảy năm, người viết chúng ta phải né tránh nhiều vấn đề, nhiều sự việc. Có muốn xây dựng nhân vật tiêu cực để phê phán thì cũng chỉ dám đưa ra anh “phó”: phó chủ tịch, phó chính ủy, phó bí thư huyện ủy... Tóm lại, anh phó lãnh đủ những đòn phê phán trong lúc anh chính bao giờ cũng nghiêm túc, sáng suốt, đúng đắn. Bởi vì nếu phê phán anh chính thị sợ bị hiểu lầm là nói xấu Đảng, thì chính mình sẽ bị đánh! Ở đây anh Ma Vãn Kháng đã gọi thẳng những người chịu trách nhiệm chính ở môi trường mà anh miêu tả: hiệu trưởng, bí thư chi bộ nhà trường, bí thư thị ủy. Tác giả đã nói thẳng sự thật mà không sợ bị hiểu là nói xấu Đảng. Dựng lên những nhân vật lãnh đạo dốt nát, thô thiển như vậy, anh tha thiết mong muốn những người lãnh đạo ở các ngành, các cấp có văn hóa hơn, trí tuệ hơn, sáng suốt, thông minh hơn.
Đọc xong, ngẫm nghĩ về các nhân vật Dương, Cẩm, Lại, tôi lấy làm tiếc là các nhân vật này của anh còn giản đơn, chưa có chiều sâu. Chưa thấy bóng dáng của những nhân vật sai một cách chân thành, có ý đồ tốt, tưởng là đúng, là trung thành với lý tưởng cộng sản hóa ra lại sai lầm và mang lại những tác hại lớn cho xã hội.
Nhân vật Tự là một người tri thức đầy bi kịch, suốt đời thất bại. Đáng buồn là nhân vật nàyquá yếu đuối, quá bất lực, suốt đời chịu đựng. Người như anh mà không tự sát là lạ!
Đoạn viết về bộ đội có lẽ là chỗ yếu nhất, và hơi suy diễn đôi chút, chứng tỏ vốn hiểu biết về đời sống bộ đội của tác giả chưa nhiều và chưa sâu. Nói chung tôi thích cuốn sách này, một cuốn sách nhiều trăn trở
...
Mời các bạn đón đọc
Đám Cưới Không Có Giấy Giá Thú của tác giả
Ma Văn Kháng.