Một cô nàng tật nguyền nhưng được tạo hóa ban cho trí tuệ sáng lán. Nàng xấu đến nỗi khi một đồng nghiệp say rượu lột truồng ra, nhìn kỹ, tỉnh cả rượu, vái ba vái rồi bỏ đi. Xấu đến mức khi nàng nhìn người anh rể với ánh mắt khao khát, anh rể lại có cảm giác kinh tởm.
Đàn bà xấu thì không có quà của nữ nhà văn Y Ban đã đem đến cho nhiều đọc giả một cách nhìn khác về những người phụ nữ “kém may mắn” – và về “Em”.
Ai đó đã nói, làm phụ nữ có 2 cái khổ , một là “xấu” và hai là “nghèo”. Nấm- nhân vật chính của truyện là 1 cô gái không may bị dị tật. Nàng xấu đến nỗi khi một đồng nghiệp say rượu lột truồng ra, nhìn kỹ, tỉnh cả rượu, vái ba vái rồi bỏ đi. Xấu đến mức khi nàng nhìn người anh rể với ánh mắt khao khát, anh rể lại có cảm giác kinh tởm. Bù lại, nàng lại có một tâm hồn nhạy cảm đến tuyệt vời và một tài năng văn học. Một cô nàng tật nguyền nhưng được tạo hóa ban cho trí tuệ sáng láng. Cô luôn ôm bao khát vọng sẽ được một người đàn ông yêu thương, nhưng cô không ảo tưởng.
Khi quen một người đàn ông qua mạng, chưa bao giờ nàng nghĩ rằng người đó sẽ yêu mình. Nàng chỉ mong được gặp anh một lần. Một cô gái thật đáng thương nhưng cũng rất đáng quý. Nấm chẳng bao giờ có quà, trong khi các cô gái bên cạnh được bao nhiêu người theo đuổi.
Xen kẽ trong truyện là những tác phẩm đầy xúc động của Nấm và những nhìn nhận về cuộc sống rất khách quan và xác đáng của tác giả. Cuộc sống đang diễn ra với nhịp độ rất gấp gáp, mọi thứ trôi đi rất nhanh, cái đập vào mắt con người nhiều nhất vẫn là hình thức bên ngoài. Người ta không có thời gian ngồi tâm sự với nhau hàng giờ, không có thời gian để cho những vẻ đẹp nội tâm bộc lộ. Người ta bắt chước nhau nhanh lắm, để tìm được cô này khác với cô kia chỗ nào rất khó. Nhưng chắc chắn, cái gọi là bản sắc, cá tính, vẻ đẹp nội tâm vẫn luôn là hằng giá trị trong thế giới này.
***
Y Ban là bút danh của một nhà văn, nhà báo nữ Việt Nam. Bà tên thật là Phạm Thị Xuân Ban, sinh ngày 1 tháng 7 năm 1961 tại Nam Định, trong một gia đình không có truyền thống văn chương. Năm 1978, bà lên Hà Nội theo học khoa Sinh học Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội và tốt nghiệp Cử nhân năm 1982. Một số tài liệu lại ghi bà tốt nghiệp Trường Đại học Y Hà Nội. Bà hiện đang ngụ tại Hà Nội cùng với gia đình.
Mặc dù là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam từ năm 1996, từng có nhiều tác phẩm xuất bản cũng như nhận được nhiều giải thưởng, bà chỉ thực sự được chú ý khi cho xuất bản cuốn I am đàn bà, một cuốn sách bày tỏ những khao khát về tình dục của phụ nữ và bị Cục Xuất bản thu hồi. Sau đó cộng thêm những phát biểu lạ tai như: Tôi đang viết "tiểu thuyết ba xu"!, tên tuổi của bà dần được biết đến hơn là những tác phẩm.
Tác phẩm:
- Người đàn bà có ma lực (tập truyện ngắn, 1993)
- Người đàn bà sinh ra trong bóng đêm (tập truyện ngắn, 1995)
- Vùng sáng ký ức (tập truyện ngắn, 1996)
- Truyện ngắn Y Ban (tập truyện ngắn, 1998)
- Miếu hoang (tập truyện ngắn, 2000)
- Cuộc phiêu lưu trên dòng nước lũ (truyện vừa viết cho trẻ em, 2000)
- Cẩm Cù (tập truyện ngắn, 2002)
- Cưới chợ (tập truyện ngắn, 2003)
- Đàn bà xấu thì không có quà (tiểu thuyết, 2004)
- Thần cây đa và tôi (truyện vừa, 2004)
- I am đàn bà (truyện ngắn, 2006)
- Xuân từ chiều (tiểu thuyết, 2008)
- Hành trình tờ tiền giả (tập truyện ngắn, 2010)
- Sống Ở Đời Biết Khi Nào Ta Khôn
- Đàn Bà Xấu Thì Không Có Quà
- Người đàn bà và những giấc mơ
- Truyện ngắn Y Ban
***
Nàng Nấm rất ghét những buổi trưa. Khi ăn cơm xong, chị em tản đi hết. Họ đi thực hiện những ước mơ ban đêm. Chỉ còn lại một mình nàng Nấm đối diện với thân phận mình trong cái ánh sáng ban ngày, khi không còn giấc mơ bao phủ nữa.
Mười ba tuổi, nàng Nấm đã nhận chân được diện mạo của mình. Tạo hóa thật trớ trêu đã cho nàng là thân gái với nước da trắng nõn, khuôn mặt trái xoan. Thiên hạ kháo nhau: mặt trái xoan da trắng, mẹ mắng cũng mua. Nhưng ai dám mua nàng Nấm với đôi chân ngắn cũn chỉ bằng nửa mình trên. Bị chúng bạn cười nhạo, nàng Nấm bỏ học, mặc dù tạo hóa đã kèm thêm cho nàng một trí tuệ sáng láng.
Chị gái thương em, mang về thành phố nuôi nấng. Để không phụ công chị, nàng Nấm đã chăm lo việc nhà cho chị. Sáng sáng, nàng Nấm dậy từ năm giờ, quét dọn sạch sẽ nhà cửa rồi đặt nước pha trà cho anh rể, nấu bữa sáng cho chị gái. Đến bảy giờ nàng Nấm gõ cửa căn phòng cuối cùng để đánh thức anh chị dậy đi làm cũng là để quét tước.
Tám giờ sáng, nàng Nấm xách làn đi chợ. Ở chợ, người ta gọi nàng Nấm là con lùn khôn ngoan. Nấm đi dạo chợ một vòng để xem chợ sáng nay có món gì ngon nhất mà lại rẻ nhất. Các món ăn trong ngày sẽ được định trong lúc dạo chợ. Thế là các bữa ăn được dọn lên với những món ăn ngon miệng nhưng thường không đắt đỏ.
Cuộc sống êm đẹp như vậy diễn ra được ba năm cho đến khi Nấm mười sáu tuổi. Và bắt đầu từ căn phòng cuối cùng đó. Nấm có thói quen gõ cửa căn phòng đó lúc bảy giờ sáng và quen thói nắm tay vào quả đấm cửa rồi mở ra luôn. Rất nhiều lần nàng Nấm nhìn thấy đầu chị gái mình vẫn gối trên tay chồng. Thì phải rồi, họ đang trong thời kỳ mãnh liệt của sức lực, lại được hỗ trợ bởi tình yêu. Trước vẫn hình ảnh đó nhưng không lưu giữ lại gì trong đầu óc Nấm. Nay nó cứ vấn vương trong đầu óc Nấm như một mạng nhện. Nó làm xao nhãng cả những tính toán của Nấm lúc dạo chợ. Đêm đến hình ảnh đó hiện lên trong đầu Nấm rất rõ ràng. Hình ảnh một người đàn ông.
...
Mời các bạn đón đọc
Đàn Bà Xấu Thì Không Có Quà của tác giả
Y Ban.