Đảo Ngục Môn |
|
Tác giả | Seshi Yokomizo |
Bộ sách | Thám Tử Kindaichi |
Thể loại | Trinh thám |
Tình trạng | Hoàn Thành |
Định dạng | eBook mobi pdf epub azw3 |
Lượt xem | 9863 |
Từ khóa | eBook mobi pdf epub azw3 full Yokomizo Seishi Kosuke Kindaichi Tiểu Thuyết Trinh Thám Văn học Nhật Bản Văn học phương Đông |
Nguồn | Quách Thuỷ Tiên |
Sau chiến tranh, trên chuyến tàu xuất ngũ, một đồng đội của Kindaichi đã chết như cá ươn giữa bầu không khí hầm hập ngột ngạt.
Trước khi trút hơi thở cuối cùng, cậu có trăng trối rằng mình ra đi thế này, mấy cô em ở nhà cũng sẽ bị giết mất. Cậu nhờ Kindaichi đi ngăn chặn thảm họa hộ.
Nhận lời bạn, Kindaichi đã tìm đến nơi, mới biết gia đình họ là hậu duệ cướp biển, sinh sống trên một hòn đảo ngoài khơi với cái tên “cửa địa ngục”. Mặc dù đã cảnh giác từ đầu, anh vẫn không ngăn được những cái chết thảm thương, kì quái, nhằm vào những cô gái trẻ đẹp của gia đình bạn.
Bị đánh lạc hướng, gián tiếp tác động vào vòng quay của bánh xe định mệnh, sự xuất hiện của Kindaichi không ngờ lại là lời cáo chung cho dòng họ có gia huy đầu quỷ rùng rợn ấy.
Đảo Ngục Môn đã có ảnh hưởng rất lớn với nhiều tác giả thế hệ sau, trở thành một kim tự tháp rực rỡ huy hoàng trong dòng văn ly kì trinh thám!
***
[Review] Đảo Ngục Môn - Yokomizo Seishi
--------------
Vụ án mạng trên đảo địa ngục
Đảo Ngục Môn là cuốn sách trinh thám cổ điển thuần suy luận. Giữa một bối cảnh khép kín, 3 án mạng đã xảy ra theo cách rùng rợn nhất, để rồi khi hung thủ lộ diện, tất cả đều phải kinh hãi bởi sự thật ẩn giấu đằng sau
Kindaichi là thám tử truyện tranh nổi tiếng đã làm mưa làm gió trên mạng, còn Đảo Ngục Môn lại là câu chuyện kể về một thám tử Kindaichi khác, đúng hơn là ông nội của Kindaichi phiên bản truyện tranh.
Bối cảnh xảy ra thảm án trên Đảo Ngục Môn là thời hậu chiến tranh thế giới thứ I, khi Nhật thua trận và trong bối cảnh u uất của những người lính chiến bại trở về, ở quê nhà nơi đón tiếp họ cũng chẳng hề yên bình hơn
Nhận được lời ủy thác của một người bạn, cũng đồng thời là người lính, anh chàng Kindaichi đến Đảo Ngục Môn để ngăn chặn một vụ án mạng đang có nguy cơ xảy ra, bởi theo lời trăng trối của anh chàng kia thì 3 cô em gái của anh ta đang bị lưỡi hái tử thần kẹp chặt.
Nhưng Kindaichi không biết rằng, chính thời điểm anh mang giấy báo tử của người bạn anh về hòn đảo Địa Ngục ấy, cũng là lúc kích hoạt phương án giết người đã được kẻ thủ ác nung nấu từ rất lâu
Một câu chuyện về sự mê tín
Tín ngưỡng là một vấn đề nhạy cảm của bất kỳ dân tộc nào. Tuy nhiên cuồng tín lại là một vấn đề khác, nguy hiểm hơn nhiều. Ở một nơi cách ly với thế giới bên ngoài, việc tin tưởng mù quáng sẽ dẫn tới những đại họa không thể tin nổi
Như Kindaichi đã phải thốt lên “Dân trên đảo này, họ điên cả rồi!”
Việc 3 nạn nhân, kẻ bị treo ngược thi thể lên cây, người bị chôn dưới chiếc chuông chùa, người bị bóp cổ ngay trên nhà cầu nguyện, với những cách thức giết người man rợ theo một phương án không thể tin nổi như vậy, ít người tin rằng đây là hành vi của những kẻ không thuộc một giáo phái nào đó.
Đến khi Kindaichi bóc trần sự thật trần trụi, độc giả mới có thể ngỡ ngàng, bởi sợi chỉ đỏ dẫn dắt hành vi tội ác ở đây chính là niềm tin!
Có vẻ như là trinh thám cổ điển nên tác giả bỏ qua hết mọi vấn đề về tâm lý tội phạm. Với những dòng máu lạnh xuống tay giết người, lại là sát nhân lần đầu ra tay, không khỏi kinh hãi và bỡ ngỡ. Nhưng tác giả đã miêu tả cứ hệt như những sát thủ chuyên nghiệp! Lạnh lùng và man rợ đến khó tin.
Đấy chỉ có một lý do để giải thích: Tín ngưỡng! Một niềm tin mù quáng có thể gây ra hàng loạt hành vi điên rồ chết người!
Hậu quả của trọng nam khinh nữ, dân trí thấp & môi trường sống
Vấn đề chia sẻ gia tài, tìm người thừa kế của những gia tộc khổng lồ sẽ luôn khiến báo chí tốn nhiều giấy mực trong bất kỳ thời đại nào. Và cũng là cảm hứng bất tận cho những nhà văn. Trong câu chuyện này, người thừa kế gia sản địa vị của ông chủ tàu giàu có nhất Đảo Địa Ngục là nòng cốt để đại họa xảy ra.
Nếu như dân trí cao, có lẽ các bậc trưởng giả ngày xưa đã có một cái nhìn vẹn toàn hơn, công bằng hơn cho những thế hệ kế tiếp.
Nếu dân trí cao, người dân đã không đặt niềm tin quá nhiều vào tôn giáo, và họ đã có thể cứu mạng được nhiều nạn nhân vô tội
Và cuối cùng là môi trường sống. Có lẽ một khu vực khép kín chưa bao giờ là nơi tốt lành cho những tâm hồn tội lỗi, ngay cả đó là Đảo Địa Ngục
Một cuốn sách dễ đọc, nhưng không mang nhiều giá trị trinh thám
Thuộc danh mục trinh thám cổ điển, tuy nhiên Đảo Ngục Môn không mang nhiều chất trinh thám. Suy luận của Kindaichi mang nhiều sự may mắn. Bắt một tù nhân trong cái nhà giam khổng lồ mà anh ấy vẫn không thể lần ra sớm hơn, một cảm giác yếu đuối và bất lực.
Đáng lẽ cuốn sách đã có thể tốt hơn nếu miêu tả cẩn trọng hơn về tâm lý tội phạm. Đáng tiếc điều đó đã không xảy ra. Và bởi vì thế, dù đây là một cuốn sách miêu tả đặc sắc, rùng rợn về những án mạng, nhưng chưa thể trở thành một “món ăn ngon miệng” cho những độc giả yêu truyện trinh thám vốn ngày một khắt khe & khó tính hơn.
***
Nhận lời trăng trối của Kito Chima – đồng đội mình, Kindaichi đã tìm đến gia đình của bạn. Khi tìm đến thì Kindaichi mới biết gia đình họ là hậu duệ cướp biển, sinh sống trên một hòn đảo ngoài khơi với cái tên Đảo Ngục môn. Mặc dù đã cảnh giác từ đầu, Kindaichi vẫn không ngăn được những cái chết thảm thương, kì quái nhằm vào những cô gái trẻ đẹp của gia đình bạn…
Cốt truyện khá hấp dẫn. Tuy phần khởi đầu khá chậm, nhưng không hề dài dòng hay rườm rà. Mình cũng khá ấn tượng bởi cách thức giết người của hung thủ, mỗi nạn nhân một kiểu chết khác nhau.
Dàn nhân vật cũng được tác giả xây dựng khá phong phú, mỗi người một vẻ, thậm chí mình còn ấn tượng với Kindaichi. Không chỉ thông minh, xuất sắc trong quá trình phá án, Kindaichi còn thuộc loại nhây khi trêu cảnh sát trên đảo đến mức bị nhốt trong phòng giam cả một đêm, rồi còn khi gặp gái đẹp thì nói lắp liên tục, không chỉ một lần mà nhiều lần.
Câu chuyện cũng phản ánh một thời kỳ xưa mà xã hội Nhật vẫn theo hướng trọng nam, khinh nữ. Người phụ nữ địa vị trong gia tộc bị coi nhẹ tạo nên căn nguyên bi kịch cho vụ án.
Điểm: 7,5/10
Đen Đá Không Đường
Mình mua cuốn sách này sau khi biết đến tên tuổi của tác giả Yokomizo Seishi với một tác phẩm khác là “Rìu, Đàn, Cúc”. Mình chưa đọc “Rìu, Đàn, Cúc”, mặc dù đây hình như là tác phẩm được nhiều người nhắc đến nhất của Seishi thì phải, vì mình nghe nói nhân vật thám tử Kindaichi nổi tiếng của ông không có nhiều đất phô diễn tài năng lắm trong cuốn sách đó. Mình chọn “Đảo Ngục Môn” là cuốn sách “mở hàng” của mình khi đến với các tác phẩm của Yokimizo Seishi, vì mình nghe nói cuốn này thể hiện tính suy luận phá án nhiều hơn.
Nội dung của “Đảo Ngục Môn” thì chắc cũng không cần tóm tắt hay đề cập nhiều nữa. Cảm giác ban đầu đọc cuốn này của mình, đó chính là tội nghiệp thanh niên Kindaichi, đã bề ngoài lôi thôi lếch thếch, đầu tóc toàn gàu mà cứ thích gãi thì thôi chớ =)))), đến Đảo Ngục Môn làm phước thay mặt người quá cố, cố gắng bảo toàn tính mạng cho 3 cô em gái của người lính Chima đã hy sinh thì thôi chớ, lại còn bị nghi ngờ là quân gian tà, bị một người dân đảo bắt giam =)))) Đã thế thanh niên này còn mắc chứng cà lăm, nói năng lắp bắp mỗi khi bị căng thẳng hay hồi hộp (ơ cái này hình như hơi bị giống mình… Hình như người nào thông minh xuất chúng cũng đều gặp phải một vấn đề gì đó liên quan đến ngôn ngữ thì phải ???? ???? :D).
Đối với hầu hết các tiểu thuyết trinh thám mà mình đã đọc trước đó, mình đều thử nghi ngờ, suy đoán xem ai có thể là hung thủ thực sự. Cơ mà đối với cuốn này, thú thật là có muốn nghi ngờ, mình cũng chẳng biết nghi ngờ ai, vì dân đảo đa phần toàn những người kỳ dị. Họ kỳ dị trong cách nói chuyện, cách suy nghĩ, và bao phủ lên các vụ án mạng trong cuốn sách này cũng là một màu sắc liêu trai chí dị (giết người rồi dàn dựng hiện trường xác chết theo những hình ảnh trong thơ haiku), làm thanh niên Kindaichi bao lần nghĩ nhầm và có những điểm mù chưa nhìn ra. Đến lúc thanh niên phá án và vạch trần chân tướng hung thủ thì hỡi ôi, đúng là người đọc đây rớt hàm dập mặt luôn… Không thể ngờ được…
Nhưng điều còn khiến mình bất ngờ hơn (hay là uất ức hơn), chính là nguyên do dẫn đến các vụ án mạng này. Với tư cách là một người phụ nữ, khi đọc cuốn sách, mình không thể nào hiểu nổi làm sao kẻ thủ ác có thể có cái suy nghĩ xem mạng sống phụ nữ rẻ mạt đến thế… Và cái sự thật kiểu plot twist “đấm vào mặt” ở khúc cuối đã biến tất cả những giết chóc này trở thành một tấn bi kịch đầy ám ảnh cho gia tộc Kito trên Đảo Ngục Môn. Những gì mình cảm nhận được sau khi đọc đến trang sách cuối cùng, đó chính là sự nặng nề, một sự nặng nề đến khó thở khi chứng kiến tấm mạng u tối bủa vây lấy hòn đảo vốn kỳ dị và đầy rẫy cướp biển này, khi nhận ra biết bao câu niệm Phật “nam mô…” cùng quyết tâm mang lại tương lai tươi sáng cho dòng tộc cũng không thể nào xóa bỏ được những cái chết vì bị giết của những cô gái trẻ vô tội…
Nguyễn Việt Ái Nhi
“Nhờ anh…đến đảo Ngục Môn…một chuyến…ba đứa em tôi…ôi…em họ tôi…em họ…”
Trước khi chết, Chima đã gửi gắm tâm nguyện của mình tới Kindaichi nhằm nhờ anh đến đảo Ngục Môn ngăn chặn những thảm kịch xảy ra với những đứa em của mình.
Kindaichi đã tìm đến nơi – hòn đảo với những người là hậu duệ cướp biển để bảo vệ 3 đứa em của Chima. Thế nhưng những bi kịch kinh hoàng cứ liên tiếp xảy đến.
Trên đảo, những con người với tư tưởng kì dị hiện ra trước mặt Kindaichi:
Sư Ryozen – người có quyền uy nhất đảo.
Bác sĩ Murase với hàm râu dê.
Ba chị em Tsukiyo kì quặc.
Phu nhân Shiho tính cách quái gở.
Chàng Ukai đẹp trai chiếm được tình cảm của cánh phụ nữ.
Quý cô Sanae mạnh mẽ, can trường.
Tuy tính cách họ không giống nhau nhưng họ có chung tư tưởng được kế thừa từ cụ Kaemon đã mất. Những điều bí ẩn từ gia tộc của cụ Kaemon, quan hệ giữa chi thứ và chi chính, quan hệ giữa đời trước và đời sau lẫn cái tư tưởng cổ hủ, cực đoan liệu có liên quan gì đến những cái chết kinh hoàn mà Kindaichi sẽ phải đối mặt? Liệu cách nhìn nhận của những người dân đảo sẽ khiến cho độc giả có suy nghĩ như thế nào về cái thế giới mà Yokomizo-sensei vẽ ra?
– Truyên phản ánh những tiêu cực trong xã hội Nhật Bản lúc bấy giờ: người phụ nữ không được coi trọng, họ bị xem thường và khinh miệt. Người phụ nữ trong thế giới này không được quyền quản lí, kế thừa của cải, tài sản do cha ông để lại.
– Cái tôi của người đàn ông quá lớn, lớn đến nỗi bất chấp máu mủ ruột rà, bất chấp hận thù xưa cũ mà nhân vật Kagemon có thể tàn nhẫn với những đứa con của con trai mình.
– Sự cuồng tín đến ghê người. Kẻ ác dùng cả tôn giáo lẫn chuẩn mực đạo đức xã hội để thực hiện điều ác.
– Tôn vinh những giá trị đẹp đẽ, kiệt tác văn học mà ở đây là thơ haiku. Chỉ ra vẻ đẹp tìm ẩn trong thơ Basho.
– Là kim tự tháp rực rỡ cho những tác phẩm trinh thám sau này.
Khi đọc tác phẩm này bạn sẽ thấy nhiều điều bất ngờ vì những cú lừa của tác giả.
Tình tiết gay cấn, hồi hợp, lôi cuốn.
Nhân vật có chiều sâu, có nét riêng.
———————————————————————-
Chấm điểm: 6,5/10.
Lý do:
– Truyện hay, hấp dẫn làm mình đọc liền một tẹo hết nguyên cuốn.
– Bìa đẹp.
– Dịch: thiếu gì đó nhưng cũng ok.
– Có nhiều giá trị đặc biệt là giá trị hiện thực.
Đáng lẽ mình cho 9,5/10 nhưng vì ????:
– Chọc giận phụ nữ: tư tưởng trọng nam khinh nữ của cụ Kaemon => trừ 1,5 điểm.
– Hung thủ giết mèo để gây án ( xúc phạm quàng thượng, quàng thượng là để yêu thương) => trừ 1 điểm.
– Cuối truyện diễn biến nhanh, tác giả viết hơi yếu => trừ 0,5 điểm.
Neko Sayuri
Mời các bạn đón đọc Đảo Ngục Môn của tác giả Yokomizo Seishi.