Dạy Con Làm Giàu: Cha Giàu Cha Nghèo |
|
Tác giả | Robert T. Kiyosaki |
Bộ sách | Dạy Con Làm Giàu |
Thể loại | Sách Nói |
Tình trạng | Sách Nói |
Định dạng | Sách Nói |
Lượt xem | 53730 |
Từ khóa | Audiobook Sách Nói mp3 full Robert T. Kiyosaki Sharon L. Lechter Dạy Con Làm Giàu Kỹ năng sống Dạy trẻ |
Nguồn | |
Đại đa số những học sinh, sinh viên đại học trong chúng ta đây vẫn được các bậc cha mẹ gắn cho một tư tưởng rằng: “Hãy cắp sách đến trường đi, cố gắng mà học để sau này kiếm được một việc làm ổn định, an toàn!”. Nhưng trong thời đại kinh tế hiện nay thì liệu lời khuyên đó vẫn còn nguyên giá trị? Liệu có phải cứ giỏi thì sẽ giàu? Chưa hẳn là vậy đâu! Đừng bao giờ đinh ninh rằng cứ học giỏi thì bạn sẽ trở nên giàu có! Ngoài kia có biết bao người có tấm bằng tốt nghiệp loại giỏi hẳn hoi nhưng tại sao họ vẫn phải cất tấm bằng ấy vào tủ rồi vác mặt đi làm thuê với đồng lương rẻ mạt? Nguyên nhân của tình trạng đó là do đâu? Đó chính là do chúng ta vẫn chưa thật sự có hiểu biết đầy đủ về kiến thức kinh doanh và quản lý tài chính của cá nhân mình. Cho nên người giàu thì vẫn cứ giàu còn nghèo lại càng nghèo thêm! Hãy đến với cuốn sách Cha giàu cha nghèo – Rich dad poor dad, cuốn sách sẽ chỉ giúp bạn có cái nhìn thấu đáo hơn về nguyên tắc làm giàu thông minh!
Cuốn sách là kết quả của sự hợp tác giữa Robert T. Kiyosaki và Sharon L. Lechter - một người là nhà đầu tư tài giỏi, là thầy giáo của “trường học triệu phú”, còn một người là kế toán trưởng có kinh nghiệm đồng thời cũng là một người mẹ luôn quan tâm đến sự trưởng thành của con cái. Vì muốn mọi người đặc biệt là những bậc cha mẹ, những người trẻ đang sống trong xã hội hiện đại này có cái nhìn đầy đủ về đồng tiền mà cả hai đã dồn hết tâm huyết để đem đến cho bạn đọc một cuốn sách có giá trị: Cha giàu cha nghèo. Cuốn sách chính là một công cụ giáo dục tốt cho tất cả những ai có hứng thú đối với việc nâng cao khả năng kinh doanh và cải thiện tình hình tài chính của mình!
Quay trở lại với câu nói: “Hãy cắp sách đến trường cố gắng mà học để sau này có một việc làm ổn định, an toàn” - tưởng như là một lời khuyên đúng đắn nhưng theo Robert đó lại chính là lời khuyên nguy hại nhất mà cha mẹ dạy cho bọn trẻ. Bạn có biết rằng, luật chơi nhà giàu khác, còn luật chơi của quảng đại quần chúng là học hỏi từ nhà trường. Giáo dục là điều kiện cơ bản để thành đạt nhưng kĩ năng về kinh tế và kĩ năng giao tiếp cũng có tầm quan trọng không kém gì kĩ năng giảng dạy của nhà trường.
Cha giàu cha nghèo là những bài học mà Robert rút ra khi cùng một lúc được học hỏi từ hai người cha: một người được học hành tử tế khuyến khích anh cố gắng làm việc cho xí nghiệp, còn người cha nuôi lại khuyên anh có một xí nghiệp cho riêng mình, dạy anh biết thuê người thông minh, nắm bắt quy luật luân chuyển của đồng tiền, bắt tiền làm việc cho mình chứ không làm việc vì tiền. Nói như vậy bạn có thể đủ để bạn biết được ai là cha giàu, ai là cha nghèo rồi. Mặc dù cả hai đều là những người giàu có. Thế nhưng người cha nghèo hay chính người cha ruột của tác giả lại gặp rất nhiều rắc rối về vấn đề tài chính, còn người cha giàu lại vô cùng tự do về khoản đó! Vì sao vậy? Hai người cha, mỗi người tiến tới thành công theo hai con đường khác nhau, cả hai đều đòi hỏi phải học tập nhưng bài học của họ lại chẳng giống nhau chút nào. Quan điểm sống của hai người ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển của Robert và ông đã chọn cách học theo người cha giàu! Ông nhận ra rằng: “Nếu bạn động viên con em mình đi làm thuê đồng nghĩa rằng bạn bắt con em mình suốt đời đóng góp quá mức phận sự của chúng để nhận được chút tiền dưỡng lão ít ỏi khi về già”. Trong nền kinh tế này đừng học cách chơi an toàn mà hãy chơi một cách thông minh, biết cách vượt lên kẻ khác!
Hai người cha - hai quan điểm về đồng tiền!
Người cha nghèo - người được học hành tử tế nói: “Tiền là nguồn gốc của mọi tội ác” trong khi đó cha giàu - người chưa học hết hai năm trung học quốc lập cũng chính là người giàu có nhất Hawai cho rằng: “Nghèo hèn là nguồn gốc của mọi tội ác”. Nghe theo người cha giàu, Robert đã học được rất nhiều bài học quý giá và trở thành một triệu phú ở tuổi 40 - không phải là quá sớm nhưng đó là thành công vang dội nhất của ông!
• Bài 1: Người giàu không làm việc vì tiền (The rich don’t work for money)
Cha giàu nói rằng đồng tiền chính là sức mạnh nhưng nó sẽ được nhân lên nếu ta biết vận dụng đúng mức. Muốn làm giàu ta phải học cách kiếm tiền bằng đầu óc. Trong cuộc sống không có gì là an toàn tuyệt đối cả, bất cứ phi vụ nào bạn làm cũng ẩn chứa những rủi ro. Thành bại của một phi vụ cũng vô cùng quan trọng nhưng quan trọng hơn là bài học bạn rút ra từ thử thách đó: Đừng bao giờ bỏ cuộc! Trước sự tác động của cuộc sống, mỗi người sẽ có một cách ứng xử khác nhau: một loại người sẽ cố gắng nắm bắt cơ hội nó mang lại trong khi loại còn lại sẽ phó mặc cuộc đời đi đến đâu thì đến, oán trách nó bất công, chấp nhận hoặc hi vọng một lúc nào đó sẽ đổi đời. Quan điểm thứ hai chính là quan điểm của người nghèo! Người nghèo và người trung lưu làm việc vì tiền còn người giàu bắt tiền làm việc cho mình! Sở dĩ người nghèo càng nghèo vì khi kiếm được tiền rồi họ lo mất đồng thời lại có lòng tham, ham muốn nên cuộc sống của họ suốt đời chỉ xoay quanh một vòng luẩn quẩn: kiếm tiền - làm việc - kiếm tiền. Tuy rằng đa phần chúng ta đều là những người làm thuê chỉ khác nhau ở tầng lớp cao hay thấp mà thôi. Vì vậy mà đừng bao giờ để tình cảm và lòng tham chi phối, hãy điều khiển chúng, khiến tình cảm phải phục tùng tư duy. Lối thoát về tư tưởng sẽ mở ra một con đường mới đưa bạn đến thành công. Từ chán nản, tức giận với công việc nhàm chán, nhận đồng lương rẻ mạt, Robert đã dần hiểu được bài học vỡ lòng đầu tiên của cha, ông kiên nhẫn làm việc không công trong kho hàng tạp hoá của cha giàu, tự phát huy trí tuệ và óc tưởng tượng của mình để cùng anh bạn Mike tạo ra cơ hội kiếm tiền với phòng đọc truyện mini mà hàng hoá là những cuốn sách bỏ đi trong kho. Như vậy ông đã biết cách bắt đồng tiền làm việc cho mình!
• Bài 2: Vì sao phải giảng dạy kiến thức về tài chính?
Nếu con người biết tận dụng cơ hội để học hỏi và mở mang kiến thức thì chính trong những thời cuộc biến động của xã hội, họ sẽ phất lên nhanh chóng. Nhưng phần lớn chúng ta lại chưa làm được điều này. Bạn nên nhớ rằng, kiến thức về tài chính mới chính là cẩm nang xử lí mọi vấn đề. Có thể bạn tạo ra nhiều của cải thật đấy nhưng đồng tiền kiếm do ngẫu nhiên, không dựa vào kiến thức tài vụ thì rất dễ tiêu tan! Nếu bạn muốn phát tài, nhất định phải học kiến thức về tài chính trước đã! Cũng bởi vậy mà kế toán là một trong những ngành học quan trọng nhất nhưng với đại đa số chúng ta thì đó lại là môn học nhàm chán nhất trần gian, vừa khó, vừa khô lại vừa khổ! Câu hỏi đặt ra là bạn muốn làm giàu không? Nếu có, hãy trang bị cho mình một lượng kiến thức đủ vững về ngành kế toán. Trong bài học này, Robert cũng đã chia sẻ một quy tắc đầu tiên và cũng là nguyên tắc duy nhất của nhà giàu, đó là: nắm được sự khác nhau giữa tài sản và tiêu sản.
Có một thực tế là người giàu có tài sản, người nghèo và người trung lưu chỉ có tiêu sản nhưng họ cứ nghĩ đó là tài sản. Và nếu bạn coi tài sản là nhà cửa thì chính bạn đang tạo cơ hội cho nợ nần chồng chất khiến tiêu sản tăng lên mà thôi! Vậy tài sản là gì? Đó là thứ giúp anh làm đồng tiền chạy vào túi mình, tạo thu nhập cho anh như cổ phiếu, đầu tư. Còn tiêu sản là thứ lôi đồng tiền ra khỏi túi ta, làm ta khốn đốn. Một khi bạn thật sự hiểu hai khái niệm này, cả đời bạn sẽ chẳng phải lận đận vì tiền! Theo người cha giàu: “Nhà trường là cái lò tốt nhất tạo ra những người làm thuê mẫu mực chứ không thể tạo ra những ông chủ”. Nền giáo dục hiện nay không dạy ta phương pháp kiếm tiền mà chỉ dạy ta cách tiêu tiền thôi nên phần nhiều chúng ta nghèo bởi không nắm được quy luật vận động của đồng tiền, càng cố gắng kiếm tiền bao nhiêu thì tiêu sản của ta càng lớn bấy nhiêu. Vì vậy nếu muốn làm giàu hiệu quả, hãy nắm vững kiến thức tài chính, để tâm đến tài sản lớn nhất của bạn là đầu óc và thời gian đồng thời hãy thuê những người thông minh hơn làm việc cho mình!
• Bài 3: Hãy quan tâm đến sự nghiệp của mình!
Để có kiến thức, bạn phải đến trường! Nhưng để có sự nghiệp, bạn phải có kiến thức về tài chính. Trường học là nơi biến bạn trở thành nhân viên thực thụ, hao phí cả đời để quan tâm tới sự nghiệp của người khác, giúp người khác làm giàu! Chính vì vậy, hãy để tâm đến sự nghiệp của mình. Sự nghiệp khác với nghề nghiệp, sự nghiệp cho ta tài sản còn nghề nghiệp cho ta thu nhập. Nói như vậy không có nghĩa là tất cả chúng ta đều trở thành ông chủ, nếu thế thì ai sẽ là người làm công? Nếu không thể mở công ty, bạn hãy cứ đi làm và quan tâm đến sự nghiệp của mình, tức là xây dựng cho mình một khối tài sản thật đồ sộ! Hãy nhớ thêm một quan điểm nữa của người giàu: họ luôn xây dựng cho mình một tài sản trước đã sau đó mới dùng thu nhập mà tài sản sinh ra để mua các đồ xa xỉ còn người nghèo và người trung lưu thì ngược lại!
• Bài 4: Lịch sử thuế và sức mạnh của công ty.
Đa phần người nghèo đồng ý với quan điểm: “Cướp của người giàu trao cho người nghèo” tức là họ đề cao việc thu thuế của người giàu nhưng họ đâu biết rằng, người giàu luôn có kế thoát thân còn chính họ mới phải gánh chịu cảnh “gậy ông đập lưng ông”. Vậy bí mật của người giàu là gì? Đó là họ biết lợi dụng công ty. Với họ, tri thức chính là sức mạnh. Làm việc vì đồng tiền tức là anh đang tạo sức mạnh cho ông chủ còn nếu như đồng tiền làm việc vì anh, anh có thể khống chế sức mạnh ấy! Người giàu làm việc với phương châm “tiền đẻ ra tiền”. Bởi vậy mà họ không ngừng nâng cao chỉ số tri thức tài chính của mình trên bốn phương diện: Kế toán (cách quản lý tiền), Đầu tư (phương án cấp thiết), Thị trường (khoa học cung - cầu), Pháp luật (đòn bẩy làm giàu).
• Bài 5: Sự đầu tư của người giàu.
Một trong những lí do khiến chúng ta trở nên nghèo khó là gì? Đó chính là ta luôn sợ hãi, lúc nào cũng thu mình lại trong vòng an toàn mà không chịu bứt phá để thấy được những năng lực mới của bản thân. Đừng lúc nào cũng chỉ lo lắng như vậy, hãy dũng cảm, mạo hiểm một chút, biến nỗi sợ ấy thành động lực, thành trí tuệ. Cuộc sống có rất nhiều cơ hội, đôi khi chính nỗi sợ của bạn lại làm vụt mất cơ hội của bạn đấy. Hãy nắm bắt cơ hội mà cuộc sống mang lại để sau đó biến thời cơ thành tiền bạc.
Vẫn cần nhắc lại rằng, nếu bạn nâng cao chỉ số thông minh của mình bạn sẽ giành được thành công lớn, hãy luôn luôn mở mang khả năng trời cho để xử lí đồng tiền. Bạn biết không, nhà giàu sẽ bỏ một chút thời gian để nâng cao năng lực xử lí tài chính, năng lực động não của họ, nhờ vậy mà tài sản của họ cứ dần tăng lên. Nếu bạn hiểu rõ điều mình đang làm thì điều đó không phải là một trò đánh bạc, nếu bạn đầu tư một khoản tiền vào một vụ giao dịch rồi sau chỉ ngồi cầu nguyện thì đó mới là trò đánh bạc. Hãy là một nhà đầu tư thông minh, vận dụng thật tốt tri thức tài chính của bạn để giảm bớt rủi ro! Sở dĩ nói “giảm bớt” chứ không nói “không gặp” là bởi không có điều gì tuyệt đối cả! Sẽ có lúc bạn gặp thất bại. Người giàu là người không sợ thất bại, những kẻ thất bại là những kẻ luôn sợ mất mát. Nói như vậy không phải bạn cứ vấp ngã mãi mà không đứng lên được, hãy biết khắc phục sai lầm, đứng dậy và sửa chữa để thành công nối tiếp thành công! Có ba kĩ năng cần thiết của một chuyên gia tài chính giỏi:
1. Tìm ra cơ hội mà mọi người đều bỏ qua.
2. Tìm cách tăng lượng tiền lên bằng cách tăng cơ hội đầu tư.
3. Tổ chức những người thông minh lại với nhau.
• Bài 6: Chớ nên làm việc vì tiền.
Người cha có học thức cao nói rằng công tác ổn định là tất cả, người cha giàu lại cho rằng không ngừng học tập mới là tất cả! Đúng như vậy, tài năng lãnh đạo là một nhu cầu bức thiết cần phải học tập trong bước tiếp theo. Thương trường cũng như chiến trường, nếu không phải người lãnh đạo giỏi bạn sẽ bị người khác bắn từ sau lưng. Cho nên, khi đi làm việc hãy xem nếu làm ở đó ta học được gì chứ đừng chỉ nghĩ đến kiếm tiền. Trước khi chọn một nghề hãy nhìn rõ đường đi dưới chân mình, phải làm cho rõ rồi cuối cùng mình học được kĩ năng gì ở đó!
• Bài 7: Khắc phục khó khăn.
Học tập tiếp thu kỹ năng về tài chính là điều cần thiết nhưng trên con đường hướng tới tự do về tài chính, chúng ta vẫn phải đối mặt với rất nhiều trở ngại. Có thể những người nắm vững tri thức tài chính lại chính là những người không có được những vụ làm ăn lớn bởi năm lí do sau mà chúng ta cần khắc phục để trở nên giàu có:
1. Lo sợ bị mất tiền: Chẳng ai vui sướng gì khi mất tiền nhưng cũng chẳng người giàu nào chưa bị mất tiền bao giờ cả. Sở dĩ chúng ta thất bại bởi ta quá sợ thất bại. Đừng sợ hãi thay vì lo lắng hãy ra tay tích lũy, đầu tư cho mình từ sớm đi!
2. Tâm lí hoài nghi: Chúng ta thường ngờ vực về chính những quyết định của mình: “Đầu tư mà kinh tế sa sút thì phải làm thế nào?”, “Mất việc không có tiền trả nợ thì làm thế nào?”. Tâm lí ấy đôi khi lại làm tăng thêm mối lo lắng trong ta. Đừng để những suy nghĩ tiêu cực đó lấn át : “Những người hoài nghi và yếm thế chưa bao giờ chiến thắng cả, họ luôn oán trách hiện thực. Còn người giàu, người chiến thắng lại biết phân tích hiện thực!”
3. Sự lười biếng: Những người luôn nói mình bận rộn lại là những người lười biếng nhất. Có những người vì bận rộn mà không quan tâm tới sức khoẻ, gia đình để rồi đánh mất tất cả. Làm thế nào để điều trị bệnh đó? Đáp án là: Hãy “tham lam” hơn một chút, tức là dám theo đuổi, vươn tới cuộc sống mình mong muốn. Thay vì nói: “Tôi không chi khoản đó được!” hãy suy nghĩ ngược lại: “Làm thế nào chi được khoản đó đây?” - điều này sẽ kích thích bạn làm việc, sáng tạo hơn đấy!
4. Thói quen: Thói quen khống chế hành vi của con người. Một thói quen tốt rất hữu ích nhưng hãy tạo cho mình động lực nữa - cái thúc đẩy bạn nỗ lực nhiều hơn trong vấn đề tiền bạc!
5. Tính kiêu ngạo: Nói cách khác đó sự tự phụ, lúc nào cũng đề cao quá mức bản thân. Tính kiêu ngạo chính là một mặt của sự thiếu hiểu biết. Hãy học hỏi, đừng che đậy sự thiếu hiểu biết của mình bởi như vậy là chính bạn đang tự lừa dối mình!
• Bài 8: Bắt đầu hành động như thế nào?
Có thể tổng kết lại thành mười bước mà cuốn sách đã chỉ ra để đánh thức tài năng tài chính bẩm sinh của bạn:
1. Lí do siêu hiện thực - sức mạnh tinh thần: Hãy trả lời câu hỏi “muốn” và “không muốn”. Ví dụ: “Tôi không muốn nghèo”, “Tôi không muốn làm thuê”, “Tôi muốn trở nên giàu có, muốn tiền bạc phải làm việc cho mình!”. Câu trả lời đấy cũng chính là mục tiêu để bạn hướng tới!
2. Lựa chọn để suy nghĩ hai việc: Thời gian và học tập. Làm sao để sử dụng thời gian, tiền và thứ mình học phục vụ cho việc thực hiện mục tiêu của mình. Nếu bạn chọn là người giàu thì phải biết cố gắng vì sự lựa chọn đó.
3. Thận trọng khi chọn bạn - sức mạnh của mối quan hệ. Bạn giàu hay bạn nghèo không quan trọng, điều quan trọng là bạn học được gì từ họ.
4. Nắm vững công thức để rồi học thêm một công thức mới - sức mạnh của học tập. Công thức chung chi phối thế giới: ngủ - đi làm - kiếm tiền - trả nợ - mua sắm - đi làm. Nếu bạn thấy mệt mỏi vì công việc mà tiền lại ít thì đã đến lúc bạn phải thay đổi công thức kiếm tiền của mình rồi. Lẽ tất nhiên, công thức ấy do học tập mới có.
5. Trả cho mình trước - Pay yourself first.
6. Trả lương hậu hĩnh cho người môi giới - sức mạnh một lời khuyên tốt - cầu nối cho việc đầu tư thành công.
7. Làm “một người Indian tặng quà” - sức mạnh của sự vô tư: nhà đầu tư khôn ngoan không nên chỉ thấy tiền lãi đầu tư mà còn thấy được rằng một khi đã thu hồi vốn, bạn phải có thêm tài sản mà không phải mất tiền!
8. Dùng tài sản mua xa xỉ phẩm - sức mạnh của việc tập trung: biến mong muốn tiêu xài thành cảm hứng đầu tư chứ không phải để vay tiền.
9. Sùng bái kẻ anh hùng - sức mạnh của thần thoại: học tập, tìm hiểu những anh hùng như Donald Trump, Peter Lynch,... sẽ làm việc đầu tư dễ dàng hơn!
10. Cho trước nhận sau - sức mạnh của việc cho đi.
Nếu bạn vẫn chưa thoả mãn với mười bước cơ bản ở trên thì chương cuối cùng sẽ trình bày một cách sơ lược nhất những việc cơ bản bạn cần làm. Điều quan trọng là hãy bắt tay vào hành động ngay lập tức.
Lời kết:
Giờ thì bạn có thể khẳng định rằng câu nói: “Hãy cắp sách đến trường cố gắng mà học để sau này có một việc làm ổn định, an toàn” chưa thật sự đúng trong nền kinh tế hiện nay! Có một điều tôi có thể chắc chắn rằng, bất cứ ai sau khi đọc xong cuốn sách Cha giàu cha nghèo sẽ có một tư tưởng mới về đồng tiền, câu nói kia sẽ được thay bằng một suy nghĩ mới hơn: “Hãy cắp sách đến trường đi, học tập tất cả những kiến thức cơ bản và đặc biệt phải học cả kĩ năng quản lí tài chính nữa, để sau này ra trường rồi, bạn không phải làm việc vì tiền mà bắt đồng tiền phải làm việc vì mình!”
Review chi tiết bởi Kim Chi – Bookademy
***
Xã hội hiện đại, khách quan mà nói, ai cũng muốn được làm giàu, trở nên có trong tay nhiều quyền lực và tài sản. Họ sẵn sàng bỏ ra rất nhiều tiền để tham gia các khóa học đầu tư và thành công. Tuy nhiên, ít ai trong số họ nhận ra rằng: "Thành công là quả ngọt của cả một quá trình, là kết quả của rất nhiều thất bại và rút ra bài học cho bản thân mình chứ không phải rập khuôn bước đi của người khác để đạt được thành tựu như người đó đang có”.
Cũng từ đó mà đây là một trong những thông điệp quý giá tôi nhận được từ tác giả Robert Kiyosaki qua cuốn sách Cha giàu cha nghèo. Tuy nhiên, một cuốn sách hay và được nhiều người yêu thích như vậy không chỉ chứa đựng một bài học cơ bản như thế mà còn rất nhiều thứ đáng để học hỏi và những góc nhìn, trải nghiệm và kiến thức của một doanh nhân- một tác giả nổi tiếng ấy. Vậy nên hôm nay tôi sẽ review cho các bạn cuốn sách này qua cảm nhận của chính mình.
Đôi nét về tác giả
Nhà văn- doanh nhân người Mỹ, Robert Kiyosaki tên đầy đủ là Robert Toru Kiyosaki (08/04/1947). Ông là founder của Rich Global LLC và Rich Dad Company, một công ty giáo dục tài chính tư nhân chuyên cung cấp tài chính cá nhân và giáo dục kinh doanh cho mọi người qua sách và video. Đồng thời ông cũng là người sáng tạo ra bản Cashflow và các trò chơi phần mềm giáo dục về khái niệm kinh doanh, tài chính một cách đơn giản, gần gũi nhất với cả người lớn và trẻ em. Bởi vậy mà có thể dễ dàng thấy ông không chỉ là người có đầu óc kinh doanh mà còn là người rất quan tâm và có trách nhiệm với xã hội khi những cuốn sách được xuất bản với nội dung chia sẻ kinh nghiệm làm giàu và được độc giả trên toàn thế giới đón nhận và học tập.
Cuốn Cha giàu cha nghèo
"Tôi có hai người cha, một người giàu và một người nghèo - một người cha ruột và một người cha nuôi (cha của Mike - bạn tôi). Cha ruột tôi đã có bằng thạc sĩ, còn người cha nuôi thì chưa học hết lớp tám, nhưng cả hai người đều thành công trong sự nghiệp và có ảnh hưởng đến người khác."
Cuốn Cha giàu cha nghèo là một ngôi sao sáng lấp lánh và xuất sắc nhất trong bộ sách được xuất bản mang tên Dạy con làm giàu gồm mười ba cuốn của nhà văn. Nội dung chủ yếu chúng ta có thể tiếp thu được ở đây không phải những bài học đầu tư toàn kiến thức chuyên ngành thâm sâu, khó hiểu mà là những bài học gần gũi mà tác giả nhận được từ hai người cha của mình: Người cha ruột tuy nghèo và có một tư duy theo lối mòn, cũ kĩ và hay than vãn. Người cha của bạn thân, người sở hữu tài sản kếch xù với đầu óc đầu tư nhạy bén, cực kì sắc sảo và lối tư duy rất hiện đại, mới mẻ. Hai lối tư duy và hai cuộc đời tưởng chừng đối lập ấy lại phản chiếu hài hòa qua cậu bé là tác giả của những năm tháng ấy và là một phần trong tư duy đầu tư và kiếm tiền của ông sau này. Một cậu bé cấp hai năm đó, mặc dù cực kì ngưỡng mộ và mong muốn học cách trở nên ưu tú như người Cha giàu nhưng cũng không hề ghét bỏ, vẫn luôn kiên nhẫn lắng nghe và ghi nhớ những lời của người Cha nghèo của mình.
Tóm tắt Cha giàu cha nghèo
Một cuốn sách dạy về lối tư duy làm giàu, là các quy tắc tài chính nhưng không hề vĩ mô, ngôn từ chuyên ngành khó hiểu mà ở đây, qua cách diễn đạt và truyền tải của nhà văn, tất cả trở nên rất đơn giản, đầy đủ cảm xúc cũng như gần gũi. Trong quãng thời gian thời thơ ấu ấy, những bài học kinh doanh, đầu tư được hai người cha của chính nhà văn lồng ghép qua những việc làm, sự việc gần gũi nhưng vô cùng thú vị, khiến chúng trở nên sống động và hình thành những thói quen, lối tư duy rất đáng học hỏi của tác giả sau này.
Không giống với những cuốn sách dạy làm giàu khác trên thị trường là phải đúng theo quy tắc nhất quán này, bó buộc theo hình thức kia, ở đây, doanh nhân Robert đã có cách truyền đạt hiệu quả hơn nhiều, qua những câu chuyện, qua lời dạy của những người cha, qua lối suy nghĩ dần lớn lên của ông, nó như khiến tôi như bước vào thế giới quan với nhận thức của ông lúc bấy giờ, qua mỗi trang sách chứ không phải là thụ động tiếp nhận những kiến thức mà người khác đưa ra.
Bên cạnh đó, cách phân bố những câu chuyện, mạch văn cũng rất lôi cuốn và khiến người đọc đi từng chút một vào thế giới đó, học cách quản lý chính bản thân mình:
Trong từng tình huống khác nhau để đưa ra quyết định liên quan đến tài chính, tác giả như một người bạn, hướng dẫn chúng ta từng bước một với giọng văn cực kì trẻ trung và đầy thiện chí.
Cảm nhận cá nhân về cuốn sách
Tôi đọc cuốn sách lần đầu tiên khi là sinh viên năm nhất, khi ấy các khái niệm về phạm trù đầu tư, tự chủ tài chính hay tư duy để đồng tiền không chi phối chúng ta quá nhiều còn khá mơ hồ và mông lung. Tuy nhiên, những bài học, kinh nghiệm và nhắn nhủ của tác giả như một kim chỉ nam, gạt bỏ lớp sương mù và hướng tôi theo một tư duy tài chính cực kì khoa học, linh hoạt và hiệu quả, cách để phân chia lượng tiền kiếm được, cách quản lý hiệu quả,... Và đặc biệt là trong cuốn sách này, Robert Kiyosaki khẳng định nhiều lần chính là hệ thống giáo dục của chúng ta, hiện nay có rất nhiều điểm cần cập nhật và cải thiện. Thực sự thì cả nhà trường và xã hội đang định hướng chúng ta trở thành những người “ổn định”- Cuộc sống ổn định, kinh tế ổn định, mối quan hệ ổn định,... mà thiếu đi tư duy phản biện, thiếu đi cách dạy chúng ta trở nên dám nghĩ dám làm, dám chịu trách nhiệm cho hoài bão, khao khát và đam mê của mình để trở thành một doanh nhân, một người chủ hoặc một người có nguồn thu nhập thụ động chứ không phải chỉ đơn giản đi làm tuần 5 ngày, ngày 8 tiếng và nhận lương của một người nhân viên. Nói qua cũng phải nói lại, quan điểm của ông không phải là phê bình các chương trình dạy ở bậc đại học hay sự lạc hậu của giáo dục mà ông chỉ như một người mentor, góp ý một cách rất thiện chí những yếu điểm và đưa ra những đề xuất nhằm cải thiện điều đó, mang lại sự hiệu quả hơn, có giá trị hơn cho tương lai của những người trẻ.
Về lối tư duy của người làm chủ
Thực sự là hiện tại tôi đã đọc cuốn sách này đến lần thứ ba, với tư cách là một sinh viên ngành Quản trị kinh doanh năm tư, tôi nhận ra những bài học trong đó đã đi theo và là một phần trong các quyết định tài chính của tôi, khiến tôi tiết kiệm và đầu tư vào những đề mục một cách có tính toán và được theo dõi, dòng tiền cũng từ đó mà có quy luật hơn rất nhiều. Với những người muốn trở thành những nhà đầu tư vào chứng khoán, bất động sản,... thì việc mang theo cảm xúc và niềm tin là thứ gì đó khiến bạn phải đặt cược nhiều hơn số tiền mà bạn phải bỏ ra. Bởi vậy mà ở đây, tác giả chỉ ra cho chúng ta thấy rằng, việc tạo dựng doanh nghiệp, nguồn thu nhập thụ động lớn hơn thì việc tự tìm hiểu, học tập cũng như tích lũy kinh nghiệm để rèn luyện đầu óc, tư duy sắc bén, nhạy cảm hơn với những thay đổi và định hướng lâu dài sẽ tốt hơn và hiệu quả hơn gấp nhiều lần việc bạn phụ thuộc vào người khác hay công việc của bạn phải trải qua quá nhiều bước trung gian để tạo ra giá trị. Cũng từ đó mà việc giữ “một cái đầu lạnh”, một tinh thần vững vàng và một lối tư duy nhạy bén là những hành trang luôn đi theo chúng ta trên bước đường lập nghiệp.
Đó cũng là lý do tại sao người Cha giàu của tác giả luôn có những câu hỏi và việc làm mà một cậu bé mười ba tuổi là ông khi ấy phải vặn vẹo, đăm chiêu suy nghĩ để hiểu ý nghĩa của chúng. Lý do mà có nhiều người đi làm với tư cách là nhân viên nhưng không nhiều người đảm nhận vị trí giám đốc, ban lãnh đạo. Bởi ở nhóm người có chức vị cao và quyền lực lớn, không chỉ đòi hỏi kỹ năng quản lý mà còn là sự nhanh nhạy trong đưa ra định hướng giải quyết vấn đề, sự bình tĩnh và quyết đoán mỗi khi ra quyết định hay cách đối xử với cấp dưới,... Từ đó mà tôi thấy rằng, để trở thành một người ưu tú, giỏi giang và tự chủ tài chính cũng như có chức vị cao, chúng ta phải nghiêm khắc rèn luyện bản thân mình như câu nói : "Nếu muốn đội vương miện thì phải chịu được sức nặng của nó”.
Người cha thường xuyên nói: “Ham mê tiền bạc là nguồn gốc của mọi điều kiện xấu”.
Người cha nuôi lại khẳng định : “Thiếu tiền bạc là bản gốc của mọi điều kiện xấu”.
"Đừng để đồng tiền chi phối con người, cảm xúc và lý trí của bạn, hãy để nó làm việc cho bạn”.
Hai con người ở hai địa vị khác nhau mang đến hai bài học về đồng tiền hoàn toàn trái ngược, tưởng như sẽ chẳng có tác dụng gì nhưng nó lại trở thành sự hài hòa, trở thành cách tư duy xuyên suốt mà Robert Kiyosaki muốn truyền tải. Hay nói cách khác, “Bạn phải trở thành ông chủ của đồng tiền”, “Bắt tiền đẻ ra tiền” hay thậm chí “Tiền vẫn thầm lặng tăng lên khi chúng ta ngủ”. Chính vì vậy mà tại sao những con đường mà ông đã đi và đặt nền móng cơ sở tư duy tài chính cho những bạn trẻ như chúng ta hiện tại được hài hòa và đa chiều như vậy.
Xây dựng mindset, chủ động kiến thức tài chính
Như người cha giàu của tác giả có đề cập đến, dù là một công chức, nhân viên văn phòng, giáo sư, hay đơn giản là nội trợ, khi không có đủ kiến thức tài chính để có bảng thống kê chi tiêu cũng như những kiến thức đầu tư cơ bản thì rất khó để không bị đồng tiền chi phối. Đồng thời là đừng bao giờ tiếc tiền để mua những kiến thức cần thiết, chuyên ngành từ những nguồn uy tín. Hay mặt khác là những kiến thức mình có luôn sẵn sàng giúp chúng ta kiếm ra tiền bằng nhiều cách khác nhau, nên hãy chủ động tìm hiểu và vận dụng nó. Bên cạnh đó là sự khuyến khích đến độc giả hãy tạo dựng cho mình những nền tảng riêng, như một nền móng vững chắc cho những phát triển thượng tầng như quản lý chi tiêu tối ưu, không bỏ trứng chung vào một rổ,...
Những thay đổi và trau dồi về lối suy nghĩ và kiến thức là điều mà không thể thấy kết quả trong một sớm một chiều tuy nhiên, tích góp từng chút một, năng nhặt chặt bị, điều đó sẽ khiến cho những việc làm bạn quyết định, cách bạn cầm tiền đi đầu tư từ những hạng mục nhỏ đến lớn dần và tỷ lệ rủi ro tăng thì vẫn có những cột mốc để nắm chắc những giá trị cơ bản đó, khiến bạn dù không giàu lên nhanh chóng thì cũng là những trải nghiệm cực kì có giá trị.
Độc lập tài chính và có “Thương hiệu riêng”
Khi bạn đi làm nhưng trong ví có đủ tiền mua cho những bữa ăn sau này, khi bạn thấy môi trường làm việc quá tiêu cực và không mang lại cho bản thân mình sự phát triển cũng như niềm vui nữa thì có thể thoải mái nộp đơn xin nghỉ việc. Đó là những ví dụ cơ bản nhất của tự do- độc lập tài chính. Có một công thức cụ thể cho số tiền bạn tích lũy được đủ để trở thành người đi làm hay kinh doanh không quá phụ thuộc và bị chi phối bởi đồng tiền nữa đó là: Số tiền cần để tự do tài chính = Chi phí chi tiêu 1 năm của bạn x 25 năm. Điều đó có nghĩa là dù bạn có không làm việc cho cơ quan hay doanh nghiệp nào thì vẫn đủ cho bạn chi tiêu thoải mái hơn hai mươi năm. Cũng như tác giả có đề cập trong chương 6 của cuốn sách: "Tất cả người nghèo và hầu hết tầng lớp trung lưu đều dành thời gian để làm việc cho người khác”. Thực tế ở Mỹ thì một công dân sẽ phải đóng thuế bằng số lương 6 tháng làm việc của họ. Thế thì câu hỏi đặt ra là họ phải thay đổi gì để trở thành giàu có, trong tay có triệu đô, trở thành một Bill Gates hay Mark Elliot Zuckerberg thứ hai? Câu trả lời là, muốn đạt được thứ mà 1% dân số thế giới có được thì bạn phải làm khác đi thứ mà 99% dân số đang làm hằng ngày. Và đó chỉ có thể là tự mình phát triển kinh tế bản thân, thay vì bán mình cho tư bản, tại sao bạn không nghĩ đến việc trở thành tư bản?
Đó là bài học thú vị nhất mà cuốn sách này đã mang đến và trở thành định hướng tài chính và phát triển bàn thân cả về tư duy và cách ra quyết định liên quan đến tiền bạc cũng như vai trò chính của nó trong cuộc sống của mình là vật định giá. Tiền nên là động lực để chúng ta cố gắng, là sự thúc đẩy tích cực cho sự trưởng thành từng ngày chứ không nên trở thành mục tiêu hay đích đến đâu. Hãy cố gắng để đồng tiền mang lại giá trị, niềm vui và trải nghiệm cũng như đi đến nơi giúp bạn mở rộng tầm mắt chứ không phải là thứ ràng buộc khiến bạn phải làm công việc mình không thích nhưng vì thu nhập nên bị chôn chân một chỗ như vậy.
Mong là mỗi người trong chúng ta, dù thâm vọng, đam mê và mơ ước khác nhau thì vẫn sẽ tìm được cho mình những quy chuẩn nhất định về tài chính, trở thành người có những nguồn thu nhập thụ độc, trở thành người tự do tài chính, có thể cầm tiền mua những thứ mình thích, đi đến nơi mình muốn đến, trở thành người mà bạn ngưỡng mộ và gặp những người ưu tú cùng đồng hành trên con đường nay.
Lời kết
Cuốn sách Cha giàu cha nghèo là một trong những bài học đầu tiên mà chúng ta nên có khi bắt đầu tìm hiểu và muốn phát triển hành trình phát triển tài chính cá nhân cũng như những quy tắc cơ bản của đầu tư và kiến thức nhìn nhận các vấn đề có sự ảnh hưởng của đồng tiền. Đọc một cuốn sách hay không chỉ là giúp chúng ta có thêm kiến thức, có thêm những lời khuyên hữu ích của tác giả, mà đó còn như thêm một bộ hành trang trong chuyến đi khám phá chính mình và nâng cấp bản thân của mỗi người. Chính vì vậy mà dù là cuốn sách thuộc đề tài giáo dục, tình cảm hay tài chính,... thì mong là sau mỗi lần gấp lại nó, sẽ giúp bạn có những chiêm nghiệm và giải pháp cho vấn đề của riêng mình cũng như góp phần xây dựng mindset khách quan và toàn diện hơn.
Mong là mỗi bạn trẻ như tôi và bạn sẽ có cho riêng mình những lối đi mà dẫn chúng ta chạm đến sự lấp lánh của hạnh phúc và đủ đầy về vật chất. Và một cuốn sách ý nghĩa sẽ như từng làn gió mát, nâng đôi cánh ta cao hơn và nhẹ nhàng hơn, mở ra một chân trời mới, thế giới mới.
Tóm tắt bởi: Ngọc Anh Nguyễn- Bookademy