Như chúng ta thấy, Việt Nam đang trên đường hiện đại hóa, lại có tham vọng “đi tắt, đón đầu” nên việc tiếp thu nhanh và hữu hiệu tri thức nhân loại đã trở thành một nhu cầu thúc bách. Trong tiến trình đó, dịch thuật đóng một vai trò quan trọng, nếu không muốn nói là rất quan trọng, ít nhất là cho đến khi giới nghiên cứu và phát triển ở Việt Nam tiếp thu và nắm vững được công nghệ hiện đại và chuẩn bị cho việc sáng tạo công nghệ.
Không chỉ riêng giới nghiên cứu, người đọc đại chúng cũng có nhu cầu tìm hiểu để tiếp cận và thẩm thấu ngày càng sâu các nền văn hóa và khoa học trên thế giới, trong khi tác phẩm của tác giả trong nước, từ nghiên cứu khoa học tới sáng tác văn học nghệ thuật, chưa đạt số lượng (khoan nói đến chất lượng) thỏa mãn được nhu cầu tìm hiểu của thị trường.
Hai lý do trên khiến dịch phẩm chiếm số lượng áp đảo trong thị trường xuất bản. Tốc độ xuất bản phẩm tăng vọt trong mấy thập niên qua đã tới mức ngay cả người trong ngành cũng khó nắm vững hay theo dõi kịp những bước phát triển. Tình trạng ấy tất yếu làm nảy sinh những vấn đề về chất lượng của các dịch phẩm, trong đó có những vấn đề rất nghiêm trọng.
Quả thực, không phải cho đến gần đây dịch thuật mới trở thành mối quan tâm, thậm chí là ưu tư, của cả người đọc lẫn người dịch, khi chất lượng cũng như ý kiến phê bình các dịch phẩm gây ra nhiều tranh cãi. Trong tình cảnh ấy, cả người thực hành dịch thuật lẫn người đọc dần nhận ra sự vắng mặt của một hàng ngũ dịch giả chuyên nghiệp.
Những người được gọi là dịch giả chuyên nghiệp hiện nay chủ yếu là vì họ sống hoàn toàn, hoặc một phần, nhờ việc dịch thuật; hoặc do lòng yêu mến công việc hay lãnh vực chuyên môn nên họ đã làm dịch thuật suốt nhiều năm, có thể là vài chục năm. Trong khi tính chuyên nghiệp nên được hiểu ở nhiều khía cạnh và nó đòi hòi nhiều điều kiện.
Trước hết, giống như người chuyên nghiệp ở các lãnh vực khác, dịch giả cũng phải được đào tạo chính quy về nghề dịch (từ lý thuyết, phương pháp, tới thực hành dịch thuật). Dĩ nhiên, ta không loại trừ khả năng tự học để trang bị kiến thức chính quy ấy, nhưng theo tôi, đào tạo chính quy ở trường lớp bao giờ cũng là con đường ngắn nhất để đạt trình độ chuyên nghiệp tối thiểu.
Họ cần hiệp hội chuyên ngành của mình để bảo vệ quyền lợi đồng thời đề ra những quy chuẩn hành nghề, qua đó góp phần hạn chế số lượng những dịch phẩm kém (qua việc cấp chứng nhận hoặc giấy phép hành nghề). Nhiều dịch giả hiện nay đã đề xuất việc thành lập những hội như thế, và không nhất thiết phải do nhà nước bảo trợ hoặc chủ trì như ta thường thấy ở nước ngoài.
Họ cũng phải có quy ước về đạo đức nghề nghiệp, như thường thấy ở những giới hành nghề chuyên môn, không những để tạo sức mạnh nhằm bảo đảm chất lượng cho dịch phẩm, mà còn để giải quyết mọi xung đột quyền lợi có thể xảy ra.
Và ta dễ dàng thấy rằng ‘đào tạo chính quy’ chính là điều kiện tiên quyết để xây dựng một hàng ngũ dịch thuật chuyên nghiệp. Việc giảng dạy môn dịch thuật ở bất kỳ quy mô nào, như một tín chỉ của khoa ngoại ngữ hay báo chí, hoặc như giáo trình của một chuyên khoa độc lập, đều rất đáng quý trong điều kiện hiện nay khi dịch thuật chưa được trả thù lao tương xứng tuy nhu cầu thị trường còn rất lớn.
Dịch Thuật và Tự Do của Hồ Đắc Túc ra đời vào thời điểm này, theo tôi, là một đóng góp lớn vào việc đào tạo dịch thuật học chính quy khi mà những sách hoặc giáo trình về lịch sử, lý thuyết và phương pháp dịch thuật bằng tiếng Việt cho đến nay còn khá hiếm hoi, với tầm phổ biến còn hạn hẹp.
Với cách trình bày khoa học nhưng đơn giản cho các vấn đề chuyên môn, và văn phong trong sáng, nhiều cho gần gũi như văn nói, Dịch Thuật và Tự Do không khô khan và đi quá sâu vào những lãnh vực liên quan (như các lý thuyết ngôn ngữ học, thuyết nữ quyền, v.v…) nhưng vẫn giúp bạn đọc nhìn rõ ra thế giới dịch thuật và những vấn đề hiện còn tranh cãi và cần tìm hiểu của nó. Phần thư mục tương đối chi tiết ở cuối sách có thể thỏa đáp nhu cầu tìm hiểu thêm của người đọc. Tuy bao quát như thế, nhưng như tựa sách đã nêu rõ, tác giả không áp đặt lý thuyết nào cho người học mà chỉ dựa trên lý thuyết để đề xuất các giải pháp cho các tình huống dịch thuật cụ thể, như thế người học có thể ‘tự do’ lựa chọn giải pháp khi thực hành dịch thuật.
Ở góc độ cá nhân, một người làm nghề dịch thuật đã nhiều năm, tôi rất hân hạnh khi được phép đọc tác phẩm này trước khi nó được xuất bản, và tôi thấy rằng nhiều câu hỏi trong nghề nghiệp mà tôi phải mất nhiều năm mới có được câu trả lời thì hoàn toàn có thể giải đáp mau chóng nếu tôi được học về lý thuyết dịch thuật. Nhiều đúc kết kinh nghiệm mà tôi lấy làm tâm đắc, hóa ra, đã được giải quyết và phát biểu từ lâu bởi những bậc thầy dịch thuật ở các thế kỷ trước.
Ngoài cảm giác hân hạnh, tôi còn thực sự hân hoan khi thấy các bạn sinh viên ngày nay có cơ may hưởng được nền đào tạo chính quy và các bạn hoàn toàn có thể đạt trình độ chuyên nghiệp chỉ trong vài năm, thay vì phải mất một khoảng thời gian dài gấp mấy lần để mò mẫm tự học như thế hệ chúng tôi.
Với tấm hân hoan ấy, tôi thành thực cám ơn tác giả và xin trân trọng giới thiệu Dịch Thuật và Tự Do với bạn đọc.
Phạm Viêm Phương
Dịch giả
Mời các bạn đón đọc
Dịch Thuật Và Tự Do của tác giả
Hồ Đắc Túc.