Cuộc sống vốn tự nó li kỳ. Cuộc chiến đấu ròng rã hơn nửa thế kỷ của dân tộc ta chống những kẻ thù giàu mạnh gấp nhiều lần và vô cùng tàn bạo, trong đó các chiến sĩ tình báo ta luồn lách và hoạt động giữa hàng ngũ địch, không thể không li kỳ. Đọc Điệp viên giữa Sa mạc lửa của Nhị Hồ, điều tôi cảm thấy trước tiên là sự kính phục các chiến sĩ tình báo ta, ở đây là Nguyên Vũ, từ một chiến sĩ cầm súng đánh Pháp được đưa vào Hà Nội học đại học, để lấy mảnh bằng làm vũ khí. Năm 1954, sau khi hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết, anh theo làn sóng di cư vào Nam, gặp lại các bạn cũ ở Hà Nội, nay thành những nhân vật có vai vế trong giáo phái Cao Đài Tây Ninh. Anh tiếp xúc được đám tân khách quanh Bảy Viễn và với cả Bảy Viễn đang nắm công an, cảnh sát Sài Gòn. Cuối cùng anh đứng chân hẳn trong lực lượng võ trang của giáo phái Hòa Hảo, thành người tin cậy và mưu sĩ của Trần Văn Soái, tổng tư lệnh lực lượng này. Trong thế đó, anh đã tìm hiểu có kết quả các âm mưu của Mỹ, Pháp trong tình hình đang rối ren hồi đó ở miền Nam, để báo cáo về Trung Ương; đồng thời anh đã hoạt động ngăn cản được các sự thỏa hiệp, đầu hàng của các lực lượng tay sai của Pháp trước tập đoàn Ngô Đình Diệm tay sai của Mỹ; kéo dài tình hình lộn xộn ở Sài Gòn và miền Nam, làm chậm lại kế hoạch của Mỹ - Diệm chĩa mũi nhọn đánh phá các lực lượng kháng chiến, lực lượng yêu nước và đồng bào ta.
Những việc làm trên được kể lại trong Điệp viên giữa sa mạc lửa như những việc bình thường, không có màu sắc li kỳ, nhưng nếu hình dung ra hoàn cảnh cụ thể lúc bấy giờ, chiến sĩ tình báo của ta hoạt động không chỉ giữa một kẻ thù mà giữa ba, bốn kẻ dịch châu lại; bọn phản động trong giáo phái chống Diệm - mật vụ của Diệm - Nhu quyết tiêu diệt các giáo phái - bọn Phòng nhì Pháp và CIA Mỹ cài vào ở cả hai bên... Giữa bầy sói đang nhe răng, giũa vuốt hầm hè nhau như vậy, đồng chí ta hoàn thành được nhiệm vụ, giữ được an toàn để tiếp tục hoạt động trong các giai đoạn sau, đến tận thắng lợi hoàn thành năm 1975, thì có sự li kỳ nào sánh nổi, và đó chẳng phải là dũng cảm vô song và trí tuệ tuyệt vời hay sao?
(Nhà văn Nguyễn Văn Bổng)
***
Sài Gòn 1954.
Giữa tháng Sáu, trời vần vũ, mây thấp sạm đen. Mùa mưa đến muộn, bù lại, những trận mưa lớn trút nước xuống thành phố - Bên cạnh những cảnh sôi động như các sòng bạc vẫn mở trong "Đại thế giới", những thú vui "nhất dạ đế vương" vẫn diễn ra ràng các khách sạn lớn, các khu "Bình khang".. - Sài Gòn - Chợ Lớn có những đường phố ngập nước, xe hơi qua lại như xuồng máy chạy trên sông. Các miệng cống hai bên bờ những con đường lớn, nước xoáy tuôn vào như nghẹt thở...
Khu trung tâm thành phố, quanh dinh Norodom nhà thờ Đức Bà, khô ráo, yên ắng hơn. Nhất là về đêm, màn mưa thu hẹp ánh sáng những ngọn đèn đường, các con đường càng có vẻ trống vắng, những ngôi biệt thự bên đường như sớm đi vào giấc nghỉ ban đêm. Đường Garcier sau lưng nhà thờ đức Bà là một con đường như vậy. Bên đường, nhà số 8 là một ngôi biệt thự trệt như đang nấp vào bóng tối của màn mưa và các thứ bóng cây quanh nhà, mặc dầu trước cổng, trong sân, trong hành lang phía trước và ở góc nhà điện vẫn sáng. Ánh đèn phía trước cho thấy một hàng rào sắt và hai cánh cửa sơn xanh khép kín. Trong sân rải sỏi. Hành lang mặt trước biệt thự tưởng chừng trống vắng, nhưng nếu vào gần, ngoặt sang tay mặt, sẽ thấy khuất vào bóng tối có một người ngồi, vừa chăm chú nhìn xéo ra sân và mặt đường phía trước, vừa có thể trông chừng vào căn phòng bên trong đang có một người ngồi bên chiếc bàn lớn. Đó là một người Mỹ cao lớn, bộ mặt khá hấp dẫn; đôi mắt xanh nâu sắc sảo, nụ cười nửa miệng châm biếm, hàng ria mép tỉa công phu: đại tá Edward G. Lansdale.
Người trước hành lang là một tên người Việt thân hình rắn chắc, tóc cắt cao, mắt sắc, hàm râu quai nón cạo sạch vẫn để lại dấu vết màu xanh trên da mặt, làm rộng thêm khuôn cằm khỏe mạnh. Hai cánh tay hắn trần trụi cuồn cuộn bắp thịt, cổ lớn như cột trụ. Tuy tuổi đã bốn mươi, hắn vẫn giữ được phong thái một võ sĩ từng lên đài. Mười năm trước, Tý là một võ sĩ chuyên nghiệp, từng hạ nhiều đối thủ trên các vũ đài ba nước Đông Dương. Trong chiến tranh thế giới lần thứ hai, thiếu tá Lucien Conein được Mỹ cử qua giúp Bộ tư lệnh viễn chinh Pháp ở Việt Nam đã phát hiện ra tên võ sĩ này và tổ chức hắn làm điệp viên.
Suốt bốn năm cộng tác, Tý đã tỏ ra rất mực trung thành và được việc. Vì vậy, Edward G. Lansdale sang, ở riêng trong ngôi biệt thự kín đáo này, Conein đã bố trí Tý sát bên viên sĩ quan cao cấp đó của CIA, vừa làm quản gia, hầu cận, vừa cận vệ.
Edward G. Lansdale đang dùng bữa ăn đêm thường lệ với một đĩa thức ăn nguội và một cốc vang do Tý mang vào, vừa đọc báo trong ánh đèn bàn dịu mát dưới bóng chao xanh. Tý lui trở ra, ngồi lẫn trong bóng tối trước hành lang.
Ngôi nhà tưởng chừng như ngủ yên, bỗng có tiếng còi xe hơi nhấn nhẹ, nhưng nghe rất rõ trước cổng. Tý vội vàng đứng lên đi ra. Lát sau, một tên Mỹ khoảng ba mươi tuổi, mở cửa bước vào, Lansdale ngẩng mặt nhìn lên:
- Philipps hả. Có việc gì đấy?
Viên trung úy cận vệ trưa mới vào tiến lại bê n bàn:
- Thưa đại tá, có điện của Trung tâm.
Mở chiếc cặp bìa đen, Lansdale nhẩm đọc:
"Ad gửi Brod
Đã nhận được báo cáo. Đồng ý những đề nghị của anh. STOP.
Cần nhanh chóng chặn đứng mọi ý đồ của Pháp tại Việt Nam. STOP.
Diệm sẽ về Sài Gòn ngày 25/6/54. STOP FINAL".
Lansdale chậm rãi gập cặp bìa để sang bên cạnh, ra hiệu cho Philipps ngồi xuống chiếc ghế đối diện. Tý mang lên hai ly cà-phê còn bốc khói. Lansdale vừa nhấp từng ngụm cà-phê vừa hỏi:
- Bên đó công việc tiến đến đâu rồi?
Philipps vẫn cầm chiếc ly trên tay:
- Thưa, trung tá Chuck Hash ở Hà Nội chưa có tin gì thêm ngoài báo cáo hôm qua đã trình đại tá. Trung tá Sam Karich còn làm việc với linh mục Nguyễn Văn Thuận tại Huế. Trung tá Ed Quereau đi Vĩnh Long gặp giám mục Ngô Đình Thục đã về hồi tám giờ tối, sẽ sang báo cáo đại tá vào sáng sớm mai.
- Nhà cửa xong chưa?
- Thưa đại tá xong cả rồi. Ba căn nhà hướng ra hai mặt đường khác nhau, phía sau thông thương qua lại kín đáo. Phòng điện đài đặt dưới hầm rượu, ngay bên trên là phòng làm việc của đại tá. Phòng họp chung ở căn nhà trong cùng. Trên lầu, cả hai căn ngoài kê hàng tủ đứng trong chửa bao cát, bố trí không thua gì một lô-cốt chiến đấu. Vũ khí đã nhận bên phái bộ MAAG chuyển về rồi.
Mời các bạn đón đọc
Điệp Viên Giữa Sa Mạc Lửa của tác giả
Nhị Hồ.