Thế giới sẽ không bao giờ chen chúc đầy những Mozart, Einstein hay Woods. Nhưng sẽ tẻ nhạt biết bao khi ra ngõ là chạm mặt thiên tài. Ta hoàn toàn có thể chấp nhận rằng sự chọn lọc tự nhiên (không hẳn theo định nghĩa bạo liệt của Darwin) là cái sàng khổng lồ để tách thóc khỏi trấu, song tự phung phí tiềm năng của mình bằng cách đổ tội cho “gien xấu” chỉ là một dạng tự dối lòng. Tất nhiên, di sản sinh học do bố mẹ để lại là một cái cần câu, song câu được cá hay không lại là chuyện khác. Các phân tích khoa học thuần lý tính cho thấy khả năng âm nhạc của Mozart từ tuổi thơ hoàn toàn là kết quả của sự chăm chút sớm bởi tay người bố, nhà soạn nhạc cung đình Leopold Mozart; những sáng tác đầu tay thuở hoa niên chỉ là sự lặp lại các bài tập của thầy giáo, đôi khi được phụ huynh “chỉnh sửa” đôi chút và hầu như luôn được hậu thế thêu dệt thêm nhiều. Mozart thành tài từ lúc rất trẻ, đúng vậy, song so sánh với các học sinh trường năng khiếu nhạc hôm nay thì cũng chẳng có gì vượt trội. Các sáng tác của ông hôm nay được in ra hàng triệu đĩa, song hầu như tất cả đều theo đơn đặt hàng chứ không phải cảm xúc lai láng trên tháp ngà… Nhà phê bình âm nhạc người New York, Alex Ross, đã tổng kết phần lớn các phát hiện gần đây trong cuốn “Điều kỳ diệu của Salzburg”: “Các bậc cha mẹ tham vọng, những người thường bật các đĩa ‘Baby Mozart’ cho con trẻ của mình xem, hẳn sẽ thất vọng nếu biết rằng Mozart trở thành Mozart chính nhờ vào sự khổ luyện của chính ông.”