Đời Callboy có những đoạn trần trụi khiến người ta hoài nghi về độ thật của nó và tự hỏi: “Xã hội thực sự là thế ư?”, nhưng nếu một lần tận mắt chứng kiến những gì đang xảy ra, mọi người sẽ hiểu rằng “Đời Callboy” của Nguyễn Ngọc Thạch đã đi đến được những góc khuất nhất của “nghề nghiệp” bị người đời coi khinh này.
Callboy, những người thanh niên dùng thân xác đổi lấy đồng tiền, vẫn tồn tại trong thế giới bóng tối…
Đồng tính – cũng không còn là một chủ đề mới của văn đàn, nhưng đa phần chỉ là những tác phẩm được chấp bút ghi lại theo lời kể của một nhân vật có thật. Tuy nhiên nếu một “người trong cuộc” tự viết về chính mình thì mọi việc sẽ khác hẳn.
Hãy đọc “Đời Callboy” của Nguyễn Ngọc Thạch để hiểu hơn về thế giới những người đàn ông yêu nhau nhưng bị chi phối mãnh liệt bởi đồng tiền và tình dục. Và để hiểu hơn rằng, giới tính không phải là thứ quyết định nhân cách sống của bạn.
“Đôi khi tôi nghĩ, mình có duyên với “đĩ”.
***
Người ta nói, “đừng nghe đĩ kể chuyện, đừng nghe nghiện trình bày”, nhưng tôi vẫn nghe và tôi ghi lại chúng với độ chân thật nhất mình có thể rồi giới thiệu đến mọi người, để các bạn đọc và tự đánh giá xem, câu chuyện của một thằng con trai làm callboy có thể làm bạn dừng lại và suy nghĩ về cuộc đời mà mình đang sống trong đó không.” (Lời tác giả)
***
Tuổi thơ
Nơi tôi sinh ra!
Tôi sinh ra ở một làng quê nghèo của vùng duyên hải miền Trung. Tuổi thơ chỉ gói gọn trong hai chữ: “Nghèo” và “Khổ”. Nói nghe chua chát nhưng sự thật là vậy, không dễ dàng gì để người ta chấp nhận nó. Ở nơi đó, tôi đã lớn lên cùng với gió, cát, những cơn bão và cái nóng hỗn hào của quê hương.
Tôi sinh ra ở một làng chài luôn mặn mùi biển, luôn tanh mùi cá sống. Tuổi thơ tôi ướp bằng tiếng sóng rì rào và những mảnh lưới giăng cá của những bà thím như mẹ tôi ngồi rạp bờ cát – Nơi họ vẫn ngày ngày ngồi đợi chồng, đợi con họ về.
Cái nôi của tôi!
Gia đình tôi làm nghề chài lưới nhỏ, mặc dù quanh năm cha luôn đầu tắt mặt tối với những chuyến ra khơi kéo dài hàng tuần lễ, có khi là cả hàng tháng trời nếu cha đồng ý theo thuyền lớn ra tận giữa khơi, nhưng cuộc sống vẫn rất bấp bênh, bữa no bữa đói. Mẹ tôi là một người phụ nữ mà trong vốn từ ít ỏi lúc này của mình, tôi chỉ có thể gọi theo kiểu là rất tuyệt vời. Bà yêu thương chồng con hết mực, sẵn sàng làm tất cả cho cha, cho chúng tôi. Bà chưa từng nề hà bất kỳ việc gì, lớn – nhỏ, nặng – nhẹ… chỉ miễn là anh em chúng tôi có đủ cái bỏ miệng mà no bụng. Nhưng rồi sau một cơn bạo bệnh, sức khỏe bà giảm sút và chỉ còn có thể làm những việc nhẹ trong nhà.
Nhà tôi có bốn anh em. Anh hai hơn tôi bốn tuổi. Tôi bước chân vào lớp 10 – Cái ngưỡng mà cha, mẹ và anh hai luôn bảo tôi rằng, tôi phải bằng mọi cách đi qua cho bằng được. Sau tôi là hai đứa em nhỏ, một đứa học lớp 6 và một đứa chỉ mới sáu tuổi.
Tuy gia đình không khá giả gì hay nói đúng hơn là nghèo đến thảm hại nhưng chúng tôi được cha giáo dục rất nghiêm khắc bằng tất cả khoảng thời gian hiếm hoi ông có mặt ở nhà sau những tháng ngày kiếm cơm cho anh em tôi. Với cha, có sáu chữ mà chúng tôi không bao giờ được quyền quên, “Nghèo cho sạch, rách cho thơm”!
Tuy nghèo, tôi vẫn có thể khẳng định rằng gia đình mình sống rất hạnh phúc bên nhau.
Những ký ức quên – nhớ và không thể nào quên!
...
Mời các bạn đón đọc
Đời Callboy của tác giả
Nguyễn Ngọc Thạch.