Kế hoạch tiêu diệt Hitler của Tình báo Xôviết
Trong Chiến tranh thế giới lần thứ 2, Cơ quan tình báo Xôviết đã tổ chức rất nhiều chiến dịch nhằm tiêu diệt các tướng lĩnh, sĩ quan quân đội,cũng như các quan chức cao cấp của đảng và chính phủ phát xít. Tuy vậy, đối tượng chính trong nhiều kế hoạch của tình báo Xôviết là tên trùm phát xít Adolf Hitler…
Ý tưởng tiến hành một chiến dịch đặc biệt nhằm tiêu diệt Hitler đã được điện Kremli đưa ra ngay từ mùa thu năm 1941, khi bộ máy quân sự khổng lồ của Đức đang rầm rộ tiến về phía Moskva. Do giới lãnh đạo Xôviết khi đó đã không loại trừ khả năng Thủ đô Moskva bị chiếm, Cơ quan Dân ủy nội vụ Liên Xô (NKVD) - tiền thân của KGB - đã được lệnh chuẩn bị cho việc bước vào hoạt động bí mật cũng như lên kế hoạch đặt mìn tại những cơ sở chính quyền và kinh tế hàng đầu của Thủ đô.
Sau khi hoàn thành nhiệm vụ này, chỉ huy Phòng 2 của NKVD là Sudoplatov đã đặt ra một nhiệm vụ quan trọng cho các chiến sĩ tình báo dự kiến sẽ ở lại hoạt động bí mật: trong trường hợp Moskva rơi vào tay quân thù và Hitler tới đây, cần phải tổ chức kế hoạch tiêu diệt hắn.
Sudoplatov đã kể về kế hoạch này: “Beria chỉ thị cho chúng tôi phải tổ chức một mạng lưới tình báo tại thành phố trong trường hợp bị quân Đức chiếm đóng. Tại Moskva, chúng tôi đã triển khai đến 3 mạng lưới hoạt động độc lập với nhau.
Chỉ huy một nhóm là người bạn cũ của tôi từ Ukraina - Thiếu tá Drozdov. Để chuẩn bị cho hoạt động bí mật, anh được tạo vỏ bọc từ trước là Cục phó Cục Dược phẩm Moskva. Nếu Moskva bị chiếm, Drozdov sẽ tìm cách cung cấp thuốc cho Bộ chỉ huy quân Đức để giành được sự tin cậy của chúng.
Chỉ huy Fedoseev của Ban Phản gián NKVD đảm trách việc chuẩn bị hoạt động bí mật và nhân sự cho các hoạt động tình báo phá hoại.
Nhóm thứ ba hoạt động độc lập, có nhiệm vụ tiêu diệt Hitler và các quan chức cao cấp của hắn, nếu chúng xuất hiện tại Moskva. Chiến dịch này được giao cho nhạc sĩ Knipper (anh của điệp viên nổi tiếng Olga Chekhova). Lãnh đạo nhóm này là Fedotov, chỉ huy Tổng cục Phản gián của NKVD”.
Mặc dù quân Đức bị đánh bật ngay tại cửa ngõ Moskva, nhưng các chỉ huy Phòng 2 của NKVD (vào năm 1942 đổi thành Phòng 4 phụ trách trinh sát phá hoại) không từ bỏ ý định tiêu diệt Hitler. Sau khi theo dõi rất chặt chẽ việc đi lại của hắn, các chiến sĩ tình báo đã xác định được, từ nửa cuối tháng 7 - 10/1942, Hitler thường có mặt tại Ban Tham mưu dã chiến Verwolf gần Vinnisia. Chính tại đây, hắn đã trực tiếp chỉ đạo các hoạt động tác chiến, trong khi theo định kỳ thỉnh thoảng bay về Berlin hay khu dinh thự Bertgof tại xứ Bavaria.
Nhưng chiến dịch này cuối cùng đã phải từ bỏ, do trong suốt năm 1943, Hitler chỉ tới Verwolf có đúng một lần và không ở lại lâu.
Kế hoạch ngay trên đất Đức
Những sự kiện chính sau đó không diễn ra tại Vinisia, mà ngay tại nước Đức. Chính tại đây, theo dự tính của Sudoplatov và chỉ huy phó Eitingon của ông, cần phải tổ chức một chiến dịch tiêu diệt tên trùm phát xít Hitler. Họ cho rằng phải cử tới Đức một điệp viên để trực tiếp tổ chức chiến dịch ám sát mà không gây cho Gestapo phải nghi ngờ. Nhân vật được chọn chính là Igor Miclashevski.
Miclashevski sinh năm 1918 trong gia đình nữ nghệ sĩ nổi tiếng Avgust Miclashevskaia (từng có thời được nhà thơ Sergey Esenhin yêu say đắm). Chị chồng của Avgust là Inna đã lấy một nghệ sĩ có tên Bliumental-Tamarin. Mùa thu năm 1941, khi quân Đức tiến sát tới Moskva, Bliumental-Tamarin đã đầu hàng và đi theo chúng và được sử dụng cho các chiến dịch tuyên truyền - bằng việc lên đài phát thanh kêu gọi các chiến sĩ Hồng quân đầu hàng.
Ngoài ra, Bliumental-Tamarin còn dàn dựng một loạt các chương trình xuyên tạc những cuộc họp của Bộ Chính trị, trong đó trực tiếp lồng tiếng của Stalin. Theo khẳng định của Đại tá Victor Baranov, Stalin đã rất tức giận khi lần đầu nghe những chương trình của Bliumental-Tamarin.
Ông đã dùng bút chì đỏ (dấu hiệu của mệnh lệnh đặc biệt quan trọng) để viết một chỉ thị: “Đồng chí Beria - cần áp dụng mọi biện pháp loại bỏ ngay tên phản bội này cũng như cả đài phát thanh”. Tuy nhiên, việc hoàn thành nhiệm vụ của Stalin trở nên rất khó khăn do quân Đức vào cuối năm 1941 đã đưa Bliumental-Tamarin về Berlin. Tại đó, hắn lại tiếp tục làm công cụ tuyên truyền trên đài phát thanh.
Tương kế tựu kế, Sudoplatov đã quyết định lợi dụng sự phản bội của Bliumental-Tamarin để cài cắm điệp viên của mình vào Đức.
Igor Miclashevski được giao nhiệm vụ thực hiện kế hoạch này. Đầu năm 1942, Miclashevski được lệnh tới mặt trận phía Tây dưới sự hộ tống của một đơn vị đặc biệt do Đại tá Lomidze chỉ huy. Vào một trận chiến lúc nửa đêm, anh chạy sang phía quân Đức và tuyên bố, từ lâu đã tìm kiếm cơ hội để đầu hàng. Ban đầu, bọn Đức không tin những lời khai của Miclashevski.
Miclashevski đã phải trải qua rất nhiều thủ đoạn kiểm tra của Cơ quan Phản gián Đức - bị giam chung phòng với những kẻ khiêu khích và thậm chí có lần bị đưa đi xử bắn giả. Nhưng Miclashevski đã vượt qua được mọi thử thách. Đến năm 1942, anh được trả tự do và gia nhập vào Quân đoàn Phương Đông của Đức.
Khi Bliumental-Tamarin được tin cậu cháu trai của mình đã chạy sang phía quân Đức, ngay lập tức hắn tới gặp và đưa về Berlin. Tại đó, Miclashevski được gia nhập Ủy ban nước Nga nhưng ít tham gia hoạt động chính trị. Anh chỉ tỏ vẻ ham mê môn quyền Anh hơn cả.
Khi đã hợp thức hóa được tại Berlin, Miclashevski báo về trung tâm về việc đã sẵn sàng hoàn thành nhiệm vụ. Chẳng bao lâu, một nhóm ba điệp viên có kinh nghiệm từ Nam Tư được cử tới Berlin. Cả ba người này trong quá khứ đều là những sĩ quan trong quân đội Bạch vệ và có nhiều kỹ năng hoạt động bí mật và phá hoại. Chính những người này dưới sự chỉ huy của Miclashevski - theo ý định của Sudoplatov - sẽ bắt tay vào việc chuẩn bị mưu sát Hitler.
Thông qua Nữ hoàng điện ảnh của Hitler
Để có thể xâm nhập sâu vào đội ngũ thân cận xung quanh Hitler, Miclashevski đã tìm cách liên hệ với diễn viên Olga Chekhova. Chekhova tới Đức vào năm 1922 và nhanh chóng đạt được những thành công rực rỡ trong điện ảnh.
Trong một báo cáo vào tháng 11/1945, chỉ huy Phòng 4 NKVD, Thiếu tướng Utenkhin đã viết: “Vào năm 1922, Olga Chekhova đã ra nước ngoài để học về nghệ thuật điện ảnh trước khi định cư tại Đức. Cô đã trở thành diễn viên nổi tiếng, đóng trong rất nhiều bộ phim tại Đức, Pháp, Áo, Tiệp Khắc và cả ở Hollywood. Vào năm 1936, Olga còn nhận được danh hiệu nghệ sĩ quốc gia của Đức”.
Trên thực tế, “nữ hoàng điện ảnh phát xít” là một điệp viên Xôviết và là một người bạn gái rất thân cận của Eva Braun, người tình của Hitler. Trong hồi ký của mình, Sudoplatov đã viết về điều này: “Nữ nghệ sĩ nổi tiếng Olga Chekhova (là vợ cũ của cháu nhà văn nổi tiếng Tsekhov) thông qua họ hàng của mình tại Zakavkaz đã liên hệ với Beria.
Bà thường xuyên có những mối quan hệ tiếp xúc với NKVD. Chúng tôi đã có một kế hoạch tiêu diệt Hitler, theo đó Radzivill (một điệp viên gốc Ba Lan) và Olga Chekhova cần phải tạo điều kiện cho người của chúng ta tiếp cận được với Hitler”.
Đến giữa năm 1942, việc bắt mối Miclashevski và Chekhova hoàn tất. Miclashevski đã gửi về Moskva một bức điện báo cáo rằng, khó có thể sử dụng được nữ diễn viên này vào việc tiêu diệt Hitler.
Tuy nhiên, trong một báo cáo khác, Miclashevski nói về triển vọng mưu sát Goerin, nhưng tình báo Xôviết không quan tâm đến khả năng này. Đến năm 1943, Miclashevski nhận được mệnh lệnh bất ngờ từ trung tâm, yêu cầu ngừng ngay chiến dịch tổ chức tiêu diệt Hitler.
Mệnh lệnh có lẽ được Stalin trực tiếp đưa ra. Về nguyên nhân này, Sudoplatov có giải thích như sau: “Stalin lo ngại rằng, nếu chỉ riêng Hitler bị tiêu diệt, các quan chức cao cấp khác trong chính quyền và giới quân sự phát xít sẽ tìm cách ký một hiệp ước hòa bình riêng với các nước đồng minh mà không có sự tham gia của Liên Xô.
Sudoplatov đã thực thi ngay chỉ thị của Stalin, cho dù đã hoàn tất kế hoạch. Đến năm 1944, Sudoplatov lại nêu ra vấn đề trên nhưng vẫn nhận được sự từ chối. Kết quả là kế hoạch tiêu diệt Hitler không được thực hiện, cho dù theo khẳng định của Sudoplatov, chiến dịch do Miclashevski đã lên kế hoạch triển khai hoàn toàn có đủ mọi cơ hội để thành công.
Cần nói thêm về số phận của nhân vật chính Miclashevski. Cuối năm 1944, anh sang Pháp và gia nhập đội ngũ lực lượng kháng chiến rồi bị thương tại đây. Cuối năm 1945, anh trở về Moskva, được tặng thưởng Huân chương Cờ đỏ và tiếp tục sự nghiệp thể thao của mình
Thái Quân (theo Spy World)
Sự thật lịch sử là như vậy, còn bây giờ là chuyện về nhân vật Miclashevski!
Mời các bạn đón đọc
Đứng Vững Đến Cùng của tác giả
Ghêóocghi Xviriđốp.