Đuốc Lá Dừa |
|
Tác giả | Hoài Anh |
Bộ sách | |
Thể loại | Sách Nói |
Tình trạng | Sách Nói |
Định dạng | Sách Nói |
Lượt xem | 849 |
Từ khóa | Audiobook Sách Nói mp3 full Hoài Anh Nguyễn Đình Chiểu Phạm Hùng Thiếu Nhi Lịch Sử Danh Nhân Văn học Việt nam Văn học phương Đông |
Nguồn | Phạm Hùng |
Hoài Anh tên thật là Trần Quốc Tộ, vốn là hậu duệ nhà Trần. Ông sinh năm 1938 tại Bình Lục (Hà Nam). Lên 6 tuổi, cha mẹ chia tay. Cha ông tham gia Việt Minh, dắt ông theo và đổi tên ông thành Trần Trung Phương. Bởi thế, ông có một quá trình tham gia cách mạng từ rất sớm. Ngày tiếp quản thủ đô, ông mới 16 tuổi, công tác tại Sở Văn hóa Hà Nội. Hoài Anh được học chữ Hán và Pháp văn từ nhỏ và tiếp tục nâng cao tri thức bằng con đường tự học. Với tài năng bẩm sinh, bút lực của Hoài Anh thật dồi dào và viết thành công ở nhiều thể loại: thơ, kịch, truyện ngắn, tiểu thuyết, khảo cứu, phê bình văn học… Đặc biệt, Hoài Anh có một trí nhớ siêu phàm. Theo nhà văn Triệu Xuân thì vào năm 1981, Hoài Anh viết xong Đuốc lá dừa và trao cho biên tập viên của một nhà xuất bản. Mấy tháng sau, anh này bị mất túi xách, trong đó có bản thảo Đuốc lá dừa. Hoài Anh chết lặng vì không còn bản lưu, đành phải viết lại theo trí nhớ. Chỉ trong hai tuần ông đã tái sinh tiểu thuyết Đuốc lá dừa. Tiểu thuyết này được NXB Măng non rồi NXB Trẻ in và tái bản nhiều lần: 1981, 1994, 1995. NXB Kim Đồng tái bản năm 2002 và được Hội Nhà văn Việt Nam trao Giải thưởng Văn học thiếu nhi 1982-1983…
Suốt đời nhà văn Hoài Anh sống trong cảnh cô đơn, nghèo khó nhưng lại đầy tiết tháo. Có một người bạn vong niên đã “tổng kết” Hoài Anh là nhà văn có “7 cái không”: không xe cộ (suốt đời đi bộ), không bao giờ ăn mặc bảnh bao, không nhà đất, không huân chương, không chức vụ, không xu nịnh và không bao giờ chung chiếu với những kẻ phi nhân cách.
Chỉ một tuần sau khi vào Bệnh viện Nguyễn Trãi (TP.HCM), nhà văn Hoài Anh đã ra đi ở độ tuổi 74 với nhiều chứng bệnh: suy thận, tiểu đường, huyết áp, nhồi máu não… Xin vĩnh biệt nhà văn của kham khổ, nghèo khó nhưng sức viết lại đầy tinh lực và trong sáng như Đuốc lá dừa một thuở…
Với chí tang bồng hồ thỉ, khát vọng khám phá cuộc sống không nguôi, với tình yêu nước Việt thấm trong mỗi tế bào, về cuối đời ông đã thực hiện một cuộc hành trình lớn của đời mình, hành trình vào lịch sử dân tộc bằng bộ trường thiên tiểu thuyết 16 tập in ở NXB Văn học năm 2006. Mười sáu tập sách đó là: Mê Linh tụ nghĩa (viết về Hai Bà Trưng và các nữ tướng huyền thoại); Tấm long bào (viết về Dương Vân Nga và buổi giao thời Ðinh - Lê); Như Nguyệt (viết về Ỷ Lan, Nguyên phi của Lý Thánh Tông); Hưng Ðạo Vương và các truyện khác (ngoài Hưng Ðạo Vương, có các truyện khác về Phùng Hưng, Nguyễn Thuyên, Thái Thuận, Lê Thánh Tông, Ðào Duy Từ, Nguyễn Hữu Cầu, Lê Hữu Trác, Nguyễn Du, Hoàng Diệu...); Ngựa ông đã về (viết về Lê Lợi và Khởi nghĩa Lam Sơn); Ðất Thang Mộc I: Chúa Chổm (viết về Lê Trang Tông - tức Chúa Chổm và công cuộc phục hồi nhà Lê của Nguyễn Kim); Ðất Thang Mộc II: Sứ mệnh phù Lê (viết tiếp về sự nghiệp phù Lê và các chúa Trịnh); Lời thề lửa (viết về cuộc khởi nghĩa của Lê Duy Mật); Mưu sĩ của Quang Trung: Trần Văn Kỷ (viết chủ yếu về mưu sĩ Trần Văn Kỷ nhưng là một bức tranh hoành tráng về thời đại Quang Trung); Vua Minh Mạng (viết về một thời kỳ phức tạp trong lịch sử trước họa xâm lược của ngoại bang, ca ngợi tài trị nước và lòng trung nghĩa của các danh nhân Trịnh Hoài Ðức, Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Tri Phương...); Ðuốc lá dừa (viết về Nguyễn Ðình Chiểu); Chiến lũy Tháp Mười (viết về Trương Ðịnh, Võ Duy Dương, Ðốc Binh Kiều, Nguyễn Trung Trực và những người con trung nghĩa của Nam Bộ chống thực dân Pháp); Rồng đá chuyển mình (viết về Nguyễn Tri Phương và sự nghiệp chống thực dân Pháp của nhân dân Hà Nội); Bùi Hữu Nghĩa - mối duyên vàng đá (viết về lòng yêu nước, thương người của Bùi Hữu Nghĩa và mối tình vàng đá của ông với Nguyễn Thị Tồn); Nguyễn Thông - Vọng Mai đình (cử nhân Nguyễn Thông là một nhà kinh tế, canh tân đất nước, một tác gia văn học); Chim gọi nắng (viết về nhà cách mạng Nguyễn Thị Minh Khai).
Tiểu thuyết lịch sử ở Việt Nam không nhiều. Kể từ Hoàng Lê nhất thống chí của Ngô gia văn phái đến nay, những tiểu thuyết hay về đề tài lịch sử cũng chưa đáng là bao.
Vì vậy, với bộ tiểu thuyết lịch sử nhiều tập, quán xuyến mười thế kỷ của Hoài Anh là rất đáng quý. Ðiều đáng quý nữa là với những tư liệu phong phú, cẩn trọng và tài năng hiếm có của mình, thông qua các nhân vật lịch sử, Hoài Anh đã làm sáng lên và đề cao tư tưởng nhân dân, tư tưởng yêu nước.
Ðây là bộ sách quý, nhất là đối với thế hệ trẻ.