Tên ebook: Cuộc săn cừu hoang (full prc, pdf, epub)
![]() |
Cuộc săn cừu hoang - Haruki Murakami |
![]() |
Nhà văn Haruki Murakami |
- Rừng Na Uy,
- 1Q84
- Biên niên ký Chim vặn dây cót,
- Phía Nam biên giới phía Tây mặt trời,
- Kafka bên bờ biển,
- Người tình Sputnik,
- Xứ sở diệu kỳ tàn bạo và chốn tận cùng thế giới,
- Cuộc săn cừu hoang,
- Nhảy nhảy nhảy…
[REVIEW] Cuộc Săn Cừu Hoang – Haruki Murakami
Cuộc Săn Cừu Hoang (CSCH) không phải một cuốn dễ đọc nhưng dễ khiến người đọc bỏ giữa chừng vì sự hoang mang tột độ mà một lúc nào đó bất chợt họ giật mình thảng thốt nhận ra khi đang nghiền ngẫm ý tứ truyện. Với tư cách cá nhân là một người đã đọc qua kha khá những tác phẩm khác của Murakami, tôi mạn phép đánh giá CSCH là một cuốn tương đối dễ dàng trong việc bám lần theo lối tư duy vốn siêu thực của tác giả hay có thể nói đây là cuốn có nội dung và thông điệp được truyền tải và thể hiện một cách rõ ràng nhất. Biểu hiện là tôi có thể vạch ý ra mà nói về tác phẩm này được trong khi số còn lại thì lúc nào cũng là một bát khoai tây nghiền sền sệt bết vào nhau.
Mặc dù câu chuyện xoay quanh toàn cừu là cừu thật nhưng kỳ lạ là hình như cái thật sự đọng lại trong tâm tưởng tôi lại không dính đến chút cừu nào, chẳng phải Giáo sư Cừu, lịch sử du nhập của loài cừu hay Người Cừu gì sất mà là sự hoan ca của lẽ sống. Không chỉ vậy, đó còn là một lẽ sống siêu thực, phi thiên, nửa mơ nửa tỉnh tỉnh như cơn ngủ mê giữa trưa hè gắt, một lẽ sống đói ngồn ngộn như sự tiêu hóa gấp gáp của món bánh mì nướng chưa kịp nở trong bụng, một lẽ sống như mi mắt nửa muốn sập xuống nửa muốn hấp háy trước một chớp sáng nhòe nhoẹt. Cảm giác của tôi là cận kề cái mà bản thân sắp đạt được đến nơi nhưng với tay ra một lần thì nó trôi vuột đi trước hàng vạn năm ánh sáng. Đuổi kịp là điều không thể, nó là một tư tưởng chỉ ở lại trên cơ thể tôi một chốc lát rồi tuột đi và làm trống hoác trí não và tâm hồn tôi, một mất mát gì đó thậm chí không có định nghĩa và hình dạng, một phi vật thể nào đó con người luôn theo đuổi suốt cả cuộc đời rồi cuối cùng cũng chỉ đành chết bất đắc kỳ tử. Cảm giác của tôi là cảm giác nửa vời khi ngỡ như bản thân chạm được đến lằn ranh cuối cùng của tầng tư tưởng trong Murakami nhưng lại vỡ ra hình như mình vẫn còn mân mê le ve ở bên ngoài, bứt rứt tìm lại từ đầu chỗ chui vào vòng bên trong.
Chuyến đi săn có bầu không khí thảng hoặc bắt đầu bằng đôi chút cổ điển với jazz ở quán bar của J, cuộc sống tầm thường trước nay luôn suôn sẻ chạy êm ru như động cơ xe limousine của nhân vật tôi cùng với cái công ty quảng cáo đi lên từ hai bàn tay trắng của anh ta, sẽ rất có nguy cơ bị phá sản vì sự bất ngờ ghé thăm của một Ông Chủ cầm đầu thế giới ngầm với yêu cầu chẳng có tý thuyết phục nào về một cuộc săn tìm con cừu có hình ngôi sao trên lưng. Đi cùng cuộc săn tìm, tác giả nhấn nhá chút hơi thở thời đại với những mảnh ghép rặt những con người cô đơn những nỗi cô đơn đích thực khó có thể chối cãi và sống với sự tự nhận thức hạn hẹp về giá trị của chính mình trong xã hội bị lũng đoạn bởi tiền và quyền lực.
Đầu tiên là về vấn đề cừu. Không khó để có thể suy đoán rằng cừu của Murakami chính là hình ảnh ẩn dụ hiện thân của sự tầm thường trong lối sống, lối hành xử, cung cách suy nghĩ, những mối quan hệ và hệ thống xã hội, những thứ thoáng qua không tầm thường nhưng lại chính là những thứ đặc tầm thường trong xã hội Nhật, thậm chí có những lúc tôi còn thấy bóng hình y sì con người trong hình ảnh con cừu.
Ngay từ đầu, tôi cũng chẳng rõ tại sao lại là loài cừu chứ không phải một loài nào khác nhưng tác giả cũng dẫn dụ người đọc tự nghiệm ra nguyên nhân trong những phân đoạn cung cấp tri thức lịch sử về loài cừu tại Nhật. Có rất nhiều lí do, nhưng tôi chỉ đoán cừu được chọn vì những đặc tính của chúng có những nét tương đồng với xã hội “tầm thường”: thiếu chính kiến, tư duy đám đông, tập tính bầy đàn, trống rỗng, vô nghĩa, cuộc sống thì vô cùng nhàm chán, ngày ngày đi theo một con chó chăn cừu rồi ngây thơ nhởn nhơ gặm cỏ đến khi bị đem tới lò mổ. Vấn đề sẽ chẳng có gì nếu không xuất hiện một con cừu ưu tú rắp tâm thay đổi vận mệnh “tầm thường” của xã hội loài người bằng cách nhập vào người nào đó và giúp người đó đạt những thành tựu to lớn: nắm quyền hành và ngầm thâu tóm cả xã hội Nhật (Nghe có vẻ phi lý nhưng tôi chỉ biết cười ngoác miệng vì cái châm biếm này thật thú và nghĩ đến Trại Súc Vật).
Nhìn chung, nội dung lần này không phải là một thứ quá âm u đến mức khiến tôi phải vục mặt vào nước lạnh để giữ chút ánh sáng leo lét mới có thể đọc tiếp; cái càng lồ lộ ra thì vẫn còn là cái dễ chấp nhận bởi đã quen với chúng còn những thứ ít đả động đến, những cái ta không biết: sự tồn tại, ý nghĩa của sự tồn tại, tình dục, cái chết, giấc mơ lại càng thêm phần đáng sợ, khiến tôi rơi vào lỗ đen lúc nào không hay. Mạch truyện nhởn nhơ như cừu gặm cỏ ở quá nửa đầu cuốn sách và chạy nước rút ở phần sau. Càng về cuối, chất thâm sâu lại càng tăng, chủ đề dần bị đan xen thêm nhiều tầng ý nghĩa, mức độ cũng nặng nề hơn; đặc biệt ở đoạn tôi trú lại một mình tại căn biệt thự trên núi. Ở khúc này, ý nghĩa tồn tại của bản thể được khơi lên một cách trực diện, nhân vật tôi đã đến mức “vào cõi” mà băn khoăn không biết thế giới này có là thực hay là phản chiếu của một thế giới thực khác. Cảm giác này rất đáng sợ nên tôi nói nếu không đủ tỉnh táo thì tốt nhất không nên động chạm đến thứ này, biết về nó nhưng không thể ở lâu trong nó.
Cốt truyện có kha khá nhân vật đặc trưng với chức năng riêng, những mảnh ghép riêng rẽ ghép vào nhau để cùng hoàn thiện lên một bức tranh lớn: cô bạn gái có đôi tai đẹp kỳ lạ chỉ sống và được công nhận vì đôi tai ấy, người vợ cũ đã ly dị với kí ức còn lại chỉ là độc chiếc váy ngủ, con mèo được đặt tên “Cá Trích”, Giáo sư Cừu bị bỏ lại ở một góc thế giới sau khi bị tư tưởng cừu bỏ rơi … Tất cả những con người này đều là một ý niệm về một thế giới khác đầy hỗn loạn, không bị sắp đặt, không có biên giới, quy tắc, luật pháp nhưng là một thế giới đúng. Chỉ tiếc rằng thế giới đúng này chưa bao giờ tồn tại, có chăng chỉ là một thế giới mơ tưởng, hoặc là thế giới ấy đang ở bên kia của chiếc gương.
Nhân vật mà tôi cảm thấy ấn tượng nhất mười mươi chính là Chuột. Với tôi, Chuột đại diện cho kiểu người mạnh mẽ, lý tưởng của lý tưởng, một con người mới thực là đang sống mặc dù gần như cả truyện anh ta chỉ vô công rồi nghề, đi chăn cừu, lui về tít vùng hẻo lánh xa xôi rồi treo cổ trên thanh xà nhà bếp mà chết. Nhưng cái chết này mới thật huy hoàng, bi tráng, lay động tâm can một kẻ đang tìm lẽ sống như tôi, thôi thúc và làm thức tỉnh tôi trước những sự mê muội mà thời cuộc đang dùng để che mắt con người khỏi bản chất thật của họ – một thứ vừa sinh ra đã không còn là nguyên dạng của nó. Ở Chuột, tôi thấy một Naoko ở tầm vĩ mô hơn, cụ thể hơn, lý tưởng hơn, không phải lý tưởng để chết. Điều này lại là một điều rất nguy hiểm. Liệu có ai đọc xong CSCH rồi tự tử hàng loạt như nghe Gloomy Sunday không? Có ai thấu được cái sự nghiệt ngã đáng nguyền rủa của đoạn kiếp làm người mà Murakami nói không? Có ai đủ sáng suốt và chính kiến để xua đuổi con cừu nhập vào người và trú ngụ trong đó không? Bằng cách nào? Dây xanh với dây xanh, dây đỏ với dây đỏ hay là mang theo khối u đến cuối đời? Những chương cuối rất sầu thảm, cái kết tuy mở nhưng tôi cũng ngầm đoán rằng quả bom đã mang đi một phần xấu xa của thế giới cùng với chút tốt đẹp duy nhất, tay trợ lý của Ông Chủ và Chuột. Thiện và Ác suy cho cùng luôn là hai khái niệm song hành, cùng sinh cùng diệt.
Thế nên không còn cách nào khác ngoài tự dằn vặt rồi nuốt dằn vặt ấy vào trong. Như Chuột nói, đó là một nhược điểm. Nhưng “không một người sống nào lại không có nhược điểm.” Sau cùng, cách giải quyết của Murakami vẫn chỉ là hạ sách. Chỉ có Chuột được cứu rỗi, phần còn lại sẽ sống mà mang tội và tiến dần đến phán quyết cho đến cuối đời.