Chọn thành phố Adelaide của Úc làm bối cảnh, tác giả Người chậm dường như tạo điều kiện cho các nhân vật có một nơi thật yên tĩnh để được quyền chậm rãi. Sống chậm rãi, suy tư chậm rãi, nghiền ngẫm về đời sống và những con người vây quanh ta, tự hỏi và tự giải đáp... Người đàn ông bị tai nạn giao thông, phải cưa cụt một chân nhưng khăng khăng từ chối lắp chân giả. Ông trăn trở về việc mình chỉ như người khách trên đất nước này, nhưng ông cũng không phải là người Pháp dù gốc gác Pháp, cũng không phải là người Anh, hay là người Hà Lan như ông bố dượng của mình. Người phụ nữ gốc Croatia mới nhập cư cũng không thuộc về xứ sở này.
Suy cho cùng, tất cả đều là dân ngụ cư, là tạm trú trên xứ sở và trên cả hành tinh. Ông có cảm tình với người đàn bà gốc Croatia được thuê đến để chăm sóc mình, cảm tình hay là tình yêu? Sự giúp đỡ mà ông đề nghị với chị là trong sáng hay vụ lợi trong cốt lõi? Đứa con trai của chị, thích phóng xe máy và muốn vào trường nội trú đắt tiền, là kẻ ngang tàng, bừa bãi hay là người chu đáo, tận tâm như mẹ cậu?
Tất cả đã được bóc tách ra từng lớp, dần dần, lớp sau gây giật mình, thậm chí lật nhào kết luận vừa mới đến từ lớp trước. Sự mổ xẻ tâm lý nhiều lúc rợn người, đau xót. Sự phân tích tâm trạng nhiều lúc tỉ mỉ, tinh tế ở mức độ cao. Sự phân tích sắc sảo, dồn thúc đối tượng vào thế cùng để tự thú, một phần là do một nhân vật bí ẩn gây ra. Một bà già tự xưng là nhà văn, tìm đến, ám ảnh và quấy rầy ông. Ngôn từ nghiệt ngã, khô gọn và chính xác, bà bóc trần những trạng thái tâm sinh lý của người đàn ông hiền lành và từ tâm. Không phải để hạ bệ lòng tốt của con người, mà chỉ ra cho con người thấy cái đáy sâu của tấm lòng ấy.
Không chỉ là ông già trong truyện, mà ngay cả người đọc có lẽ cũng có lúc bất bình, cảm thấy bị tổn thương trước sự sắc sảo quai quái của bà già này. Bà xuất hiện một cách bất ngờ, hiện diện thường xuyên một cách bí ẩn, và cũng ra đi một cách không thể lý giải ở cuối truyện. Cũng có thể bà không tồn tại bằng xương bằng thịt, chỉ đơn giản bà chính là con người thứ hai, bước ra từ trong chính nhân vật và trong độc giả.
Trong cuốn sách này, Coetzee đưa ra suy ngẫm thâm thuý về những gì làm chúng ta thành người, về những cách làm ta chín chắn hơn và ý niệm phải sống ra sao trong đời. Bằng giọng văn chắc chắn và kiên quyết, Coetzee vật lộn với các vấn đề này, và cho ra đời một câu chuyện cảm động sâu sắc về tình yêu và cái chết làm người đọc sững sờ ở từng trang.
***
Tai họa vồ lấy ông từ phía bên phải, đột ngột, bất ngờ và đau đớn như một tia lửa điện, nhấc bổng ông khỏi chiếc xe đạp. Bình tĩnh nào! Ông tự nhủ lúc bay trong không khí (bay vèo trong không trung sao dễ thế!), thực vậy, ông cảm thấy chân tay ông ngoan ngoãn buông chùng. Giống hệt một con mèo, ông tự nhủ, cuộn tròn rồi nhún chân bật lên, sẵn sàng tiếp nhận điều sắp tới. Tiếp đến là cái từ mềm dẻo lạ thường.
Song le, sự việc lại không hoàn toàn như thế. Không hiểu vì đôi chân ông không nghe lời hay vì lúc ấy ông quá choáng váng (ông nghe thấy hơn là cảm thấy sọ ông đập mạnh lên lớp nhựa đường chắc, cứng đơ đơ như đập vào cái vồ), ông không bật lên bằng chân tí nào, ngược lại bị trượt đi nhiều mét, trượt mãi, cho đến lúc ông ngất lịm.
Ông nằm sóng sượt, im lìm. Buổi sáng hôm đó thật huy hoàng. Ánh mặt trời ve vuốt dịu dàng. Nằm soài ra như thế, đợi phục hồi sức khoẻ còn tệ hơn. Thực ra có thể còn thứ tệ hơn là chợp mắt một lát. Ông nhắm mắt, thế giới chòng chành, xoay tròn bên dưới; rồi ông thiếp đi.
Đột nhiên ông chợt tỉnh. Thân thể ông vừa bay trong không khí nhẹ nhõm là thế mà mỗi lúc một nặng nề, nặng đến mức ông không sao nhấc nổi một ngón tay. Có ai đó hiện ra lờ mờ phía trên ông, một người trẻ hơn, tóc thô và xoắn bện thừng.
- Xe đạp của tôi - ông nói với cậu ta, phát âm khó khăn từng từ, từng từ một. Ông muốn hỏi chiếc xe của ông ra sao rồi, vì một cái xe đạp có thể biến mất trong chớp mắt. Nhưng chưa kịp nói ra những lời ấy, ông lại ngất đi lần nữa.
...
Mời các bạn đón đọc
Người Chậm của tác giả
John Maxwell Coetzee.