Có những cuốn sách đi vào trong con người chúng ta như một ông khách lầm nhà, vào rồi ra không dấu vết. Lại có những cuốn ta đọc lần đầu không thấy hay mấy, nhưng vẫn cảm thấy có một cái gì khiến chúng ta không đành dứt bỏ, rồi đến một lúc nào đó tìm đọc lại mới thấy sâu sắc, nhất là khi mình đã hiểu biết việc đời chút ít thì càng đọc càng khám phá ra những khía cạnh mới, tuyệt vời… và mình ân hận như đã mất bao nhiêu năm chậm hiểu một người bạn khó tìm thấy trên đời.
Tu Viện Thành Parme thuộc loại này.
Nói về Tu Viện Thành Parme, nhà văn Paul Morand (1888 - 1976) viết: “Những tác phẩm lớn ngao du trong con người chúng ta, có khi chúng lần lượt biến thành nhiều sách khác nhau, trong lúc chúng ta cũng hóa nên nhiều người, chúng ta đọc Stendhal lúc cuối đời không như đọc ông trong tuổi đầu xuân. Tôi đã phát hiện nhiều “Tu viện” như thế đó, những “Tu viện” ấy đã đi vô định năm mươi năm trong tôi và có lẽ cũng chưa làm trọn cuộc chu du của nó!”
Không những đối với một đời người, mà đối với nhiều thế hệ. Tu Viện Thành Parme cũng làm một cuộc hành trình tương tự. Cũng như mấy tiểu thuyết khác của Stendhal, buổi mới ra đời, Tu Viện Thành Parme không được hưởng một số phận tốt đẹp lắm, nó không làm chấn động dư luận, nhưng rồi thời gian và cuộc sống đã công bằng đem lại cho tác giả ánh hào quang thích đáng. Một phần vì Stendhal không viết theo thời thượng, phần khác vì sự phân tích con người rất sâu dưới vỏ ngôn ngữ mộc mạc, hầu như khô khan ở trên cái tầm tiếp thu thông thường của độc giả, ai dù thông minh, tinh tế và chịu khó đi vào chất nội dung mới thấy lý thú.
Stendhal thường nghĩ rằng tác phẩm của mình phải mấy chục năm sau người ta mới đánh giá đúng và ham đọc. Thật ra, không phải đợi lâu đến thế. Đối với những ai ý chí lớn, những ai có dụng ý khác đời thì tri kỷ quả có hiếm, nhưng không phải là không có, Tu Viện Thành Parme phát hành đầu tháng từ năm 1839, thì tháng 9, ngày 25, đã có một bài bình luận của Balzac, dài 72 trang, Balzac tuy sinh sau 16 năm nhưng lúc bấy giờ đã lẫy lừng danh tiếng với ba bốn chục tác phẩm và những kiệt tác như Eugénie Grandet (1833), Le Père Goriot (1834) …
Balzac nức nở khen Tu Viện Thành Parme và viết một cách kiêu hãnh: “Tu viện chỉ có thể tìm độc giả trong số một nghìn hay nghìn rưỡi người đứng đầu châu Âu. Bởi vậy tất cả những điều tôi sắp nói ra đây là để gửi đến những người trong sạch và cao quý ở nước nào cũng có, như những thiểu số không ai biết đến…”.
Mời các bạn đón đọc
Tu Viện Thành Parme của tác giả
Stendhal.