Hoàn thiện bản thảo vào năm 1957, cuốn sách là sự phản ứng trực diện trước những sự kiện đã gây sóng gió trong xã hội Mỹ thời bấy giờ: phán quyết của Tòa án tối cao Mỹ trong vụ
Oliver Brown cùng các phụ huynh kiện Hội đồng giáo dục của thành phố
Topeka, Kansas, kết luận luật các bang cho phép phân cách màu da ở các trường công là vi hiến (17/5/1954). Phán quyết này được coi là một bước ngoặt trong phong trào đấu tranh của người da đen, nhưng trái lại, khiến một bộ phận lớn người da trắng, đặc biệt là ở các bang cực Nam, phản ứng mãnh liệt. Sự ra đời các Hội đồng Công dân bảo vệ “quyền của người da trắng”, cái đầu tiên thành lập vào 11/7/1954, là một nội dung quan trọng trong tác phẩm đã khắc họa rất xác thực tư tưởng và ngôn ngữ kỳ thị da đen của chúng này.
Hãy đi đặt người canh gác là bản thảo tiểu thuyết đầu tay mà
Harper Lee, vốn trước đó chỉ cho in truyện ngắn và tiểu luận trên báo, gửi đi các nhà xuất bản vào năm 1957. Biên tập viên Tay Hohoff ở J. B. Lippincott & Co. đã nhìn thấy tiềm năng của bản thảo, nhất là trong một đoạn hồi ức thơ ấu của Jean Louise, và đã làm việc sát sao với Harper Lee để phát triển đoạn hồi ức này thành hẳn một câu chuyện mới. Sau ba năm, cuốn sách mới với cái tên
Giết con chim nhại được xuất bản (1960) và nhanh chóng thành công vang dội, trở thành tác phẩm kinh điển của văn học Mỹ hiện đại, nhưng tiểu thuyết ban đầu bị coi là đã mất.
Thế nên khi bản thảo được Tonja Carter, luật sư của Harper Lee phát hiện lại năm 2014, và tác giả, sau khi tham khảo ý kiến người đại diện văn học cùng các bạn bè tin cậy, kết luận rằng cuốn sách xứng đáng được ra mắt bạn đọc, cái tin ấy đã gây xôn xao làng xuất bản thế giới. HarperCollins cho in cuốn tiểu thuyết hầu như nguyên vẹn, chỉ sửa lại những lỗi trình bày nhỏ. Phát hành ngày 14/7/2015, Hãy đi đặt người canh gác đã đứng đầu các bảng xếp hạng sách bán chạy suốt 3 tháng trước đó, và trong vòng một tuần kể từ khi phát hành đã bán được 1,1 triệu bản ở Mỹ và Canada (cả sách in, sách điện tử và sách tiếng). Hình tượng mới về Atticus và Jean Louise, cùng tình hình gây tranh cãi xung quanh việc phát hiện bản thảo tiểu thuyết, cũng làm dấy lên những bàn luận sôi nổi về sự chủ động của tác giả, về quá trình biên tập, và về cách hiểu nhân vật cũng như chi tiết trong cuốn sách.
Bạn đọc Việt Nam nếu đã làm quen và yêu quý Scott cùng Atticus trong
Giết con chim nhại do Nhã Nam phát hành từ năm 2008 qua bản dịch của Phạm Viêm Phương hẳn sẽ vui mừng được tiếp tục thưởng thức trí tuệ sắc sảo và lòng đôn hậu đặc thù của
Harper Lee, hành văn và lối kể chuyện hấp dẫn cùng tài nắm bắt đặc trưng của nhân vật hay cảnh vật chỉ qua một vài chi tiết chọn lọc trong cuốn sách mới này, cũng do Phạm Viêm Phương dịch. Đồng thời, có sự thay đổi đáng kể từ cốt truyện và bài học đạo đức tương đối thuần khiết và trực tiếp trong
Giết con chim nhại sang cuộc hành trình tìm kiếm bản thân của Jean Louise đang trưởng thành trong cuốn sách này, khi trí óc phê phán của cô không chỉ còn nhằm vào xã hội mà vào cả bản thân mình, trên đường đi tìm một “người canh gác” cho bản thân. Trên tất thảy, cuốn tiểu thuyết mới là một cơ hội tuyệt vời cho người đọc làm quen lại, và đánh giá lại Harper Lee, vượt ra ngoài khung khổ một “nhà văn viết cho thiếu nhi” tài năng như hình dung phổ biến.