Hộ Chiếu Xanh Đi Quanh Thế Giới |
|
Tác giả | Hồ Thu Hương Nguyễn Phan Linh Phạm Anh Đức |
Bộ sách | |
Thể loại | Du ký |
Tình trạng | Hoàn Thành |
Định dạng | eBook prc pdf epub azw3 |
Lượt xem | 12274 |
Từ khóa | eBook prc pdf epub azw3 full Hồ Thu Hương Nguyễn Phan Linh Phạm Anh Đức Du Ký Văn học Việt nam Văn học phương Đông |
Nguồn | waka.vn |
Thành công của dự án “Hộ Chiếu Xanh Đi Quanh Thế Giới” là một ví dụ minh họa cho sự toàn cầu hóa của thế giới ngày nay. Trang web và trang Facebook của nhóm Hộ Chiếu Xanh Đi Quanh Thế Giới được thành lập vào giữa tháng Tám năm 2015, khi ba người bạn trong độ tuổi đôi mươi lại một lần nữa bước vào các cuộc hành trình mới ở những mảnh đất xa lạ. Phạm Anh Đức từ Cộng Hòa Séc chuyển sang London, Anh để bắt tay vào xây dựng một dự án khởi nghiệp. Hồ Thu Hương sắp di cư từ Vancouver, Canada tới Boston, Hoa Kỳ để sinh sống với chồng cô là người Mexico. Còn Nguyễn Phan Linh vừa được công ty truyền thông xã hội của Cộng Hòa Séc cử sang Singapore làm việc cho chi nhánh mới mở của họ. Ba con người, ba châu lục với một niềm quyết tâm: mong muốn giúp đỡ thế hệ trẻ Việt Nam trở thành những công dân toàn cầu.
Không có một định nghĩa cụ thể về công dân toàn cầu. Nếu hỏi một trăm người, thì cả trăm sẽ giải thích cho bạn về cụm từ này bằng những cách khác nhau. Đối với những người theo dõi Hộ Chiếu Xanh Đi Quanh Thế Giới, thì công dân toàn cầu là:
“... tự tin đi muôn nơi.” Bùi Mỹ Huyền, Hà Nội
“... người không ngừng trải nghiệm, kết nối, học hỏi và hoàn thiện bản thân.” Nguyễn Hoàng Linh Chi, Thành phố Hồ Chí Minh
“... người có tư duy toàn cầu. Chia sẻ những vấn đề lớn chung của toàn cầu và họ phải hiểu được toàn cầu hóa không loại bỏ bản sắc riêng.” Đinh Thị Mỹ Linh, Quảng Ninh
“... một con người của mọi quốc gia, sẵn sàng học hỏi, sẵn sàng giúp đỡ, sẵn sàng hòa nhập và hài hòa với thế giới.” Lâm Bảo Nhi, Cần Thơ
“... trưởng thành hơn trong suy nghĩ, có mục tiêu trong cuộc sống, tự tin hơn trong giao tiếp, làm quen được nhiều bạn bè mang nhiều quốc tịch và đặc biệt là sống có ích hơn.” Trần Thị Thu Lợi, Hàn Quốc
Theo Ronald Israel, người sáng lập ra tổ chức The Global Citizens’ Initiative, “công dân toàn cầu là người coi bản thân là một phần của cộng đồng thế giới đang lớn dần và hành động của người đó đóng góp vào việc xây dựng các giá trị và thông lệ của cộng đồng này.”1
Theo các tác giả của cuốn sách này, bạn đã có những phẩm chất của một công dân toàn cầu khi:
✓ Bạn đã từng sinh sống tại các quốc gia khác nhau trên thế giới;
✓ Bạn biết và sử dụng được từ hai ngoại ngữ trở lên;
✓ Bạn coi trọng những ý kiến và cách suy nghĩ đa chiều (nhưng không nhất thiết là bạn phải đồng ý với chúng);
✓ Bạn không có những định kiến đối với những người bạn không quen biết;
✓ Bạn quan tâm đến các vấn đề và tin tức toàn cầu;
✓ Bạn không ngại thay đổi và trải nghiệm những điều mới mẻ;
✓ Bạn thích nghi dễ dàng trong một môi trường mới;
✓ Bạn không ngại đối phó với bất cứ trở ngại nào trên con đường dẫn đến mục tiêu và không chịu bỏ cuộc;
✓ Bạn biết tự tìm kiếm các thông tin cần thiết và biết sử dụng các thông tin đó một cách hiệu quả;
✓ Bạn không gặp vấn đề khi tiếp xúc với những con người khác nhau vì bạn biết cách cư xử trong môi trường đa văn hóa.
Có khá nhiều nhân vật cả trong lịch sử lẫn hiện đại ủng hộ quan niệm “công dân toàn cầu”. Diogenes2 thành Sinope từ thế kỷ thứ V trước Công nguyên đã từng tuyên bố là: “Tôi là công dân của thế giới.”3 Albert Einstein cũng đã coi mình là công dân của thế giới và đã tuyên bố trước Hội Triết học Pháp tại trường Đại học Sorbonne vào năm 1922: “Nếu như những lý thuyết của tôi đề ra là đúng thì người Đức sẽ nói tôi chính gốc là người Đức. Người Pháp sẽ nói tôi là công dân quốc tế. Nếu sau này có những chứng minh cho rằng lý thuyết của tôi đề ra còn có những thiếu sót, thì người Pháp sẽ nói tôi đã từng là người Đức và người Đức sẽ nói tôi là một tên Do Thái.”4
Tất cả các lĩnh vực trong cuộc sống của chúng ta đang ngày càng trở nên toàn cầu hóa: chúng ta có thể giao tiếp với toàn thế giới qua Internet, chúng ta quan tâm tới những vấn đề của toàn cầu, chúng ta yêu, nghe nhạc, xem phim, ăn đồ ăn và đi du lịch xuyên quốc gia. Có thể nói là mỗi người trong chúng ta đều có một phần là công dân toàn cầu. Trở thành công dân toàn cầu cũng đồng nghĩa với việc bạn trở thành một con người tốt hơn: bạn đồng cảm với người khác, bạn biết cách lắng nghe và giúp đỡ người khác, bạn biết nhiều ngôn ngữ, bạn có thể sống mọi nơi, mọi người quý mến bạn vì bạn là một người hòa đồng và cởi mở, bạn thông minh vì ham học hỏi, bạn rất năng động và có ý chí lớn.
Trong những năm trở lại đây, nhất là sau khi bản Tuyên ngôn Thiên niên kỷ của Liên Hợp Quốc được ký kết, có khá nhiều những tổ chức phi chính phủ được mở ra để ủng hộ và phát triển định nghĩa “công dân toàn cầu”. Chẳng hạn như tổ chức “Global Citizen” có trụ sở tại Đan Mạch hằng năm tổ chức các lễ hội âm nhạc với những ca sĩ và ban nhạc nổi tiếng thế giới, như Stevie Wonder, Alicia Keys, Beyoncé, Coldplay hay Ed Sheeran. Mục đích của sự kiện là kêu gọi người dân trên toàn thế giới quan tâm và giúp đỡ chấm dứt sự nghèo đói từ nay đến năm 2030 (đây cũng là mục đích chính trong Những mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc). Các tổ chức phi chính phủ khác như The Global Citizens’ Initiative (theglobalcitizensinitiative.org) có trụ sở ở tiểu bang Massachusetts, Hoa Kỳ, Citizens For Global Solutions (globalsolutions.org) với trụ sở ở Thủ đô Washington D.C, Hoa Kỳ hay The Global Citizen Forum (gcfnetwork.org) có trụ sở ở Singapore đều quyết tâm đấu tranh với những vấn đề nan giải của thế giới. Biết đa ngôn ngữ hay sống tại đa quốc gia chỉ là bước đầu trên con đường của những công dân toàn cầu. Bước tiếp theo mới là bước chủ chốt: bắt tay vào giúp đỡ và góp phần cho sự phát triển của thế giới.
Các tổ chức quốc tế lớn cũng đã nhận thức được tầm quan trọng của việc hợp tác toàn cầu và đã hình thành những bộ phận chú trọng đến những vấn đề đó. Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc (UNESCO) đã phát động một chương trình mang tên “Giáo dục công dân toàn cầu” nhằm giúp đỡ người dân trở thành những con người đóng góp tích cực cho các hoạt động để giải quyết và đối mặt với các thách thức toàn cầu, hướng tới một thế giới hòa bình hơn, an toàn hơn và khoan dung hơn. Những tổ chức thanh niên và sinh viên như AIESEC (aiesec.org) hay Global Shapers (www.globalshapers.org) và những tổ chức cho học sinh và thanh thiếu niên như Global Kids (www.globalkids.org) hay Global Kids Connect (www.globalkidsconnect.org) đều tạo ra nhiều cơ hội cho giới trẻ trở thành những công dân toàn cầu tương lai.
Ngày nay, khi ra nước ngoài du lịch, học tập hay làm việc không còn là một đặc quyền của những người giàu có, mỗi người trong chúng ta đều có thể trở thành công dân toàn cầu nếu chúng ta mong muốn. Chúng ta không có quyền chọn nơi mình sinh ra, nhưng chúng ta có quyền chọn nơi chúng ta muốn sinh sống và phát triển. Nhưng khởi đầu con đường vươn tới thế giới như thế nào không phải là một chuyện giản đơn, mà cần có sự chuẩn bị kỹ càng và ý chí rất lớn để có thể vượt qua khó khăn trên các chặng đường.
Khái niệm về công dân toàn cầu cũng bắt đầu phát triển tại Việt Nam. Đất nước của chúng ta không hề ít những con người đa quốc gia và đa ngôn ngữ, với những người trẻ tuổi và tài ba như hoa hậu Ngô Phương Lan (xuất thân từ gia đình ngoại giao, cô đã từng sinh sống và học tập tại Thụy Sĩ, Pháp và Hoa Kỳ), nhà thiết kế Anna Võ (tên thật là Võ Ngọc Thúy Anh, cô đã từng hoàn tất các khóa học tại Anh, Hoa Kỳ và Ý), ca sĩ Bảo Hân của Paris By Night (cô đã lớn lên tại Áo, từng sống tại Canada và hiện đang định cư tại Hoa Kỳ) hay chủ chuỗi cửa hàng The KAfe Đào Chi Anh (sinh ở Nga, sống một thời gian dài ở Đức và Đài Loan, sau đó làm việc ở Singapore trước khi trở về Việt Nam lập nghiệp).
Ba tác giả trẻ tuổi của cuốn sách bạn đang cầm trên tay cũng là những công dân toàn cầu điển hình khi cả ba đều đã từng sống, học tập và làm việc tại nhiều quốc gia trên thế giới, mặc dù họ vừa mới rời ghế nhà trường.
Đức sinh ra ở Hà Nội và lớn lên tại Praha (Cộng Hòa Séc). Bên cạnh đó, anh đã sống tại Brasília (Brazil), Lyon (Pháp) và London (Anh). Hiện anh đang làm việc tại Thượng Hải (Trung Quốc). Anh sử dụng thành thạo các thứ tiếng: Việt, Séc, Anh và Pháp và đang học tiếng Trung Quốc.
Hương sinh ra ở Hà Nội và lớn lên tại Havířov và Praha (Cộng Hòa Séc). Bên cạnh đó, cô đã từng sống tại Buenos Aires (Argentina), thành phố Mexico (Mexico) và Vancouver (Canada). Hiện cô đang định cư ở Boston (Hoa Kỳ). Cô sử dụng được các thứ tiếng: Việt, Séc, Anh, Pháp và Tây Ban Nha.
Linh sinh ra và lớn lên tại Nghệ An. Anh từng sống tại Palmerston North (New Zealand) và Praha (Cộng Hòa Séc). Hiện nay, anh đang làm việc tại Singapore. Linh nói được tiếng Việt, tiếng Anh và đang học tiếng Séc và Đức.
Họ gặp nhau ở trường Đại học Kinh tế Praha tại Cộng Hòa Séc, và như những con người toàn cầu thực sự, sau khi tốt nghiệp họ đã chọn cho mình những hướng đi khác nhau. Nhưng cả ba có một điểm chung: họ đều là những người đã tận dụng những cơ hội quý báu để trở thành công dân toàn cầu. Khi còn ngồi trên giảng đường đại học, cả ba đều là những người có nhiều hoài bão. Họ mơ ước được mang quyển hộ chiếu Việt Nam đi khắp thế giới, để chứng tỏ với mọi người là họ vẫn có thể đến bất cứ quốc gia nào họ muốn với tấm hộ chiếu từ một “đất nước thứ ba”.
Trong cuốn sách Hộ chiếu xanh đi quanh thế giới: Những bước để trở thành công dân toàn cầu, ba tác giả sẽ giới thiệu những bí quyết để trở thành công dân toàn cầu, chia sẻ những kinh nghiệm của họ cũng như giúp bạn vạch hướng đi ra thế giới. Từ khi bắt đầu dự án Hộ Chiếu Xanh Đi Quanh Thế Giới, các tác giả đã tổ chức những buổi giao lưu và nói chuyện thường xuyên với những bạn trẻ ở Việt Nam cũng như ở nước ngoài, vì họ tin rằng học hỏi kinh nghiệm và tri thức từ những người đi trước là cách tốt nhất và hiệu quả nhất để mọi người có thể thực hiện được ước mơ của mình. Những chi tiết và câu chuyện trong cuốn sách này đã được thu thập lại từ những buổi giao lưu như vậy.
Cuốn sách không chỉ mang lại cho độc giả những câu chuyện và kinh nghiệm của các tác giả, mà nó còn được viết với mục đích truyền động lực và cung cấp các công cụ để độc giả tìm được những giá trị và niềm đam mê của bản thân, và tìm được hướng đi thích hợp cho mình. Mục đích chính của cuốn sách không chỉ là để đọc, suy ngẫm và rút ra những bài học, mà đây còn là một cuốn sách kêu gọi hành động. Đây chính là một cẩm nang dành cho bất cứ ai có nguyện vọng hoàn thiện bản thân và sánh vai cùng các công dân toàn cầu.
Sự di chuyển dễ dàng tạo ra nhiều cơ hội mới, nhưng cũng dẫn tới nhiều sự cạnh tranh. Càng chuẩn bị sớm và kỹ càng cho thế giới toàn cầu hóa ngày nay, bạn sẽ càng sớm được thưởng thức những hương vị của toàn cầu. Vậy hãy cầm cuốn hộ chiếu xanh của bạn đi quanh thế giới cùng Đức, Hương và Linh nhé!
Mời các bạn đón đọc Hộ Chiếu Xanh Đi Quanh Thế Giới của tác giả Hồ Thu Hương & Nguyễn Phan Linh & Phạm Anh Đức.