Trong buổi tọa đàm quy tụ đông đảo giới xuất bản ở TP.HCM hôm 21/3, bà Claudia Kaiser - Phó chủ tịch Hội sách quốc tế Frankfurt (Đức), đưa ra nhiều nguyên nhân để lạc quan về ngành xuất bản thế giới.
Điều quan trọng, bà Kaiser khẳng định: "Giới trẻ đang đọc nhiều sách hơn chứ không phải là ít đi như chúng ta tưởng".
6 nguyên nhân lạc quan mà bà Kaiser đưa ra bao gồm: Thứ nhất, thị trường xuất bản thế giới đang phát triển mạnh hơn bao giờ hết và ở hầu hết quốc gia. Thứ hai, có mô hình kinh doanh ổn định để bán và phân phối sách. Thứ ba, mối quan hệ cộng sinh thân thiện giữa sách in và sách điện tử. Thứ tư, dân số trẻ của thế giới đang đọc nhiều hơn, chứ không phải là ngược lại như chúng ta tưởng. Thứ năm, sách cho trẻ em và giới trẻ (young adult) đang tăng mạnh ở hầu hết thị trường trong 10 năm qua và thứ sáu là xu hướng tự xuất bản sách trên các nền tảng Internet tiếp tục chi phối nền xuất bản thế giới.
Trước đây, khái niệm "trẻ" trong ngành xuất bản Việt Nam là những tác giả 35-45 tuổi. Còn nay, "trẻ" nghĩa là 20-30 tuổi.
Cụ thể hơn, theo bà Kaiser, ngành xuất bản thế giới đang có tốc độ phát triển cao nhất trong vòng 50 năm qua.
Như vậy, nguyên nhân lạc quan của nền xuất bản thế giới có một phần quan trọng đến từ dân số trẻ và các mảng sách dành cho họ.
Hội sách TP.HCM (từ 19 đến 25/3), sự kiện xuất bản năng động nhất trong cả nước, là minh chứng rõ ràng cho xu hướng này tại Việt Nam. Đầu tiên, ngay từ những ngày trước và đầu hội sách, Zing.vn đã ghi nhận hình ảnh của số đông độc giả trẻ tại Công viên Lê Văn Tám, nơi diễn ra hội sách.
Ca sĩ trẻ Đức Phúc ra mắt tự truyện tại Hội sách TP.HCM. Ảnh: Nguyễn Thành. |
Thứ hai, trong số hơn 50 đầu sách mới được đặt làm tâm điểm của các đơn vị xuất bản lần này, đầy ắp các đầu sách do giới trẻ viết và hướng đến giới trẻ. Đó là: Đức Phúc - I Believe I Can Fly của Đức Phúc, Người xưa đã quên ngày xưa - Anh Khang, Hôm nay người ta nói chia tay - Iris Cao, Người trong đau khổ vẫn cười - Hamlet Trương, Có một ai đó đã đổi thay - Hamlet Trương và Du Phong, Chuyện những người cô đơn - Hạ Vũ, Yêu thù - Gari, Nắm tay giữa lòng thành phố - T Phan, Người đi câu tình yêu - Natalie, Jess cười - Jesse Peterson, Mình nói gì khi nói về hạnh phúc - Rosie Nguyễn, 1987 và 1987+ - nhóm tác giả...
Bên cạnh sách truyện chữ, Hội sách TP.HCM cũng là không gian của truyện tranh với các tác giả được cộng đồng mạng yêu mến và đã xuất bản sách như Phan Cao Hà My, Phan Thành Trí, Nguyễn Huỳnh Bảo Châu... Điều đặc biệt, đây đều là những tác giả của truyện tranh dành cho giới trẻ chứ không phải thiếu nhi.
Bên cạnh các tác phẩm lẻ là những dòng sách được lập ra để quy tụ những tác giả trẻ, độc giả trẻ như Sống của AlphaBooks (thương hiệu vừa ra mắt cuốn Bão lửa U23 viết về đội tuyển U23 Việt Nam), cuộc thi Người Việt viết sách của Saigon Books.
Anh Khang, tác giả trẻ có sách bán chạy nhất Hội sách TP.HCM 2014 và về thứ nhì Hội sách TP.HCM 2016. Ảnh: Nguyễn Thành. |
Nếu như trước đây, khái niệm "trẻ" trong ngành xuất bản Việt Nam là những tác giả 35-45 tuổi thì nay, "trẻ" nghĩa là từ 20 đến xấp xỉ 30 tuổi. Điều này khiến thế hệ đi trước hoài nghi về khả năng viết, trải nghiệm sống của lớp tác giả mới, nhưng họ vẫn ồ ạt ra sách và bán tốt, vì khó có ai nói lên tâm tư của giới trẻ thật như chính giới trẻ.
Hồ Huy Sơn, chuyên viên truyền thông của Saigon Books, một đơn vị mới và rất năng động trong Hội sách TP.HCM lần này, cũng là khách hàng của hội sách từ cách đây 8 năm, khi anh là sinh viên.
Qua quan sát hội sách nhiều năm, Huy Sơn nhận định: "Tôi có dịp quan sát Hội sách TP.HCM trong cả 4 lần tổ chức gần đây, đặc biệt trong 2 lần gần đây nhất, các ấn phẩm của những tác giả trẻ đều có tên trong danh sách sách bán chạy nhất. Điều này cho thấy giới trẻ đã và đang tìm đến sách ngày một nhiều hơn. Tại hội sách lần thứ 10 này, tôi cũng tin là sách dành cho giới trẻ sẽ lên ngôi".
Được coi là ngày hội lớn nhất của giới xuất bản trong cả nước, Hội sách TP.HCM không "thiên vị" lứa độc giả nào. Tuy nhiên, sự áp đảo của sách do giới trẻ viết và dành cho giới trẻ cho thấy điều này là quy luật tự nhiên của ngành xuất bản.
Điều này cũng phù hợp với xu hướng của thế giới khi những nghiên cứu tại các nền xuất bản lớn đều chỉ ra rằng giới trẻ thực tế đang đọc nhiều sách hơn các thế hệ đi trước. Năm 2017, Guardian đưa tin nghiên cứu mới nhất ở Mỹ cho thấy 88% những người dưới 30 tuổi đọc ít nhất 1 cuốn sách mỗi năm, còn ở thế hệ trên 30 là 79%.
Bất chấp ảnh hưởng của công nghệ từng bị nói là "sẽ giết chết thói quen đọc sách", 62% người thuộc thế hệ Thiên Niên Kỷ ở Mỹ vẫn cho rằng "có rất nhiều thông tin hữu ích, quan trọng không thể tìm thấy trên Internet".
Độc giả trẻ sẵn sàng xếp hàng đến nửa đêm, 1h sáng để xin chữ ký các tác giả Anh Khang, Iris Cao, Hamlet Trương... Ảnh: Nguyễn Thành. |
Tờ Forbes cũng gọi thế hệ Thiên Niên Kỷ là "một thế hệ lật trang". Thậm chí, có những ứng dụng phổ biến như Hooked, với công dụng giúp độc giả đọc sách dưới dạng các đoạn chat SMS.
"Những cô cậu thiếu niên cắm mặt vào điện thoại trước mặt bạn có thể không phải đang nhắn tin hay dùng Snapchat, mà đang đọc một tiểu thuyết ly kỳ", Forbes viết, liên tưởng đến định kiến phổ biến của các thế hệ đi trước với "bọn trẻ cắm mặt vào điện thoại".
Dù sao, ở cả thế giới và Việt Nam, sách giấy vẫn là hình thức đọc được yêu thích nhất. Nhưng như bà Kaiser nói, để thị trường xuất bản thế giới phát triển được như hiện nay có nguyên nhân không nhỏ từ mối quan hệ lành mạnh giữa sách giấy và sách điện tử. Độc giả dù thích sách giấy nhưng vẫn cởi mở với sách điện tử và các hình thức đọc khác. Và cũng không có chuyện "sách điện tử giết chết sách giấy" như truyền thông lo sợ cách đây vài năm.
Tại buổi họp báo công bố Hội sách TP.HCM 2018, ông Nguyễn Minh Nhựt - Giám đốc NXB Trẻ, Phó trưởng BTC - cho rằng vì quy mô lớn nhất cả nước, Hội sách TP.HCM có thể phản ánh đúng nhiều xu hướng của ngành xuất bản. Những nhận định, số liệu và dự báo liên quan đến ngành xuất bản thể hiện qua hội sách sẽ được ban tổ chức họp bàn tổng kết và công bố.
Mặc dù vậy, điều đáng đặt câu hỏi là thị hiếu đọc của giới trẻ có tỷ lệ thuận với sự gia tăng về số lượng? Là độc giả lâu năm của các dòng sách cho giới trẻ, Hồ Huy Sơn cho rằng: "Thói quen đọc sách của các bạn vẫn đang bị tác động phần nhiều bởi thị hiếu, bởi phong trào mà chưa có sự chọn lọc hay cái nhìn sâu. Tuy nhiên, tôi vẫn tin cùng với thời gian, không chỉ tác giả trẻ mà độc giả trẻ sẽ có sự trưởng thành hơn trong suy nghĩ, trong tư duy để biết cuốn sách nào thực sự cần thiết và hữu ích cho mình".