Tập tản văn sẽ đưa độc giả đi theo bước chân trường tồn của đôi bờ sông Hương, mái chùa Thiên Mụ, tà áo dài Huế cùng chiếc nón bài thơ đã trở thành một biểu tượng đẹp của xứ mộng mơ. Những tà áo tím bên dòng Hương Giang hay những tà áo trắng của nữ sinh Đồng Khánh qua bến đò Thừa Phủ, qua cầu Trường Tiền… tím buồn và trắng vui, khép mở bao niềm tâm sự.
Có thể nói cuốn tản văn Huế về áo dài sẽ cung cấp cho độc giả những thông tin, cảm xúc thú vị của các tác giả khi xao xuyến trước cảnh và người ở Huế. Qua đó, mọi người sẽ biết thêm áo dài Huế gần gũi không chỉ với nữ sinh Đồng Khánh hay phụ nữ khuê các mà còn rất mặn mà với giới bình dân mua gánh bán bưng. Trong tấm áo dài bạc màu vì một nắng hai sương, nối tay, nối vạt vì thiếu vải hay may bằng nhung điều quyền quý, người phụ nữ vẫn giữ nét đoan trang, dịu dàng đến e ấp, nhẹ như tà áo bay bay trong gió thời gian…
Hãy đón đọc tuyển tập tản văn này để hiểu thêm và yêu thêm về đất Huế cũng như người con xứ Huế mộng mơ. Giống như một cuộc hành trình trên trang sách, lật mở những điều thân quen giản dị nhưng cũng có không ít những điều mới mẻ, lý thú.
***
Phương Thư
Mười năm, đoạn đời xa cách nay đã được nối lại như một bản tình ca chưa hề có lúc ngưng. Những hồi tưởng tiếp tục trở về trong ký ức như làm căng lên sợi dây đàn trong lòng Thư. Người con gái xa cách quê hương đã mười năm. Vẫn mái tóc thề dài tha thướt không hề thay đổi, nhưng trong lòng cũng như khúc sông, có lúc lên thác xuống ghềnh, qua những lúc bùi ngùi giông gió, những tưởng chẳng còn lúc nào được quay về bến xưa, mà nghe đau đáu trong lòng những hụt hẫng của tuổi đầu đời đã qua không gì níu lại được! Một khi người con gái đã qua sông, thì phải chăng dòng sông và vầng trăng xưa cũng đã già? Không, vầng trăng còn nguyên vẹn màu cổ tích. Vầng trăng vẫn âm thầm soi bóng đêm khuya cho lứa đôi tình tự. Vầng trăng đã ở trong đôi mắt đen thăm thẳm của người yêu xưa không kịp nói lời từ giã! Có chăng là dòng sông vướng quá nhiều hệ lụy cuộc đời nên đã buồn bã giã từ thơ ngây chuyển mình sang lối khác.
Mười năm. Một lần cơn gió thoảng qua, cây hoa sao chuyển mình tung thảm hoa rụng đầy thềm. Cây hoa này chắc cũng có một thời xuân rực rỡ. Một thời tung tăng nắng gió. Giờ đây hình ảnh của cây già lá ngọn, của những ngậm ngùi nuối tiếc thời gian! Bước chân Thư dạo trên con đường xưa quen và lạ rồi về đến trước cổng nhà lúc nào không hay biết. Thò tay vào phía bên trong chiếc cổng sắt để mở cổng vào nhà, Thư chợt nhận ra rằng thềm nhà đã loang lổ nhiều hơn xưa. Có tiếng con tắc kè kêu đâu đây nơi gốc cây dừa, và bức tường vôi vàng ngày xưa, chằng chịt những dây leo không tên bám đầy rêu. Ngoại đang ngồi hướng mắt nhìn ra đường. Có lẽ vì ngược nắng nên ngoại chưa kịp nhận ra Thư. Đôi mắt ngoại đang hướng về xa xăm. Ngoại đang nghĩ gì? Hay tâm trí ngoại đang nhớ về những triền cát trắng ven biển, nơi có những cánh hải âu chao liệng trong bầu trời tím hoàng hôn? Hay ngoại đang nhớ biển xanh gió lộng thời thiếu nữ mà một cô gái làng chài ven biển đã được đem về kinh đô làm dâu thị thành? Người thiếu nữ làng quê ấy thật là đẹp, thật dịu dàng và phúc hậu. Người thiếu nữ ấy, phải chăng vì quá đẹp nên "trời xanh quen thói má hồng đánh ghen"! Nàng đã phải chịu tang chồng khi mới hai mươi tám tuổi. Một mình tần tảo ra đời buôn bán nuôi con và cũng vì thương con mà chăm sóc luôn cả một đời cháu. Gánh nặng đã oằn xuống đôi vai của ngoại. Ngoại mỗi lúc mỗi già hơn, lưng còng xuống, da mồi tóc bạc, in hằn dấu tích thời gian. Chỉ có một điều bất biến nơi ngoại là tấm lòng quê hương hồn hậu, tấm lòng hy sinh vô bờ bến cho con cháu.
...