DTV eBook - Mượn Sách Truyện Tiểu Thuyết Văn Học Miễn Phí Tải PRC/PDF/EPUB/AZW

Kamizu Kyosuke - Thiên Tài Phá Án Trong "Người Chết Để Da"

Có thể nói đây là một tác phẩm không thể bỏ qua đối với bạn đọc yêu thích thể loại này. Đảm bảo đọc đi đọc lại bao nhiều lần, bạn vẫn thấy Kamizu Kyosuke rất là ngầu đấy!


Kamizu Kyosuke gặp lại người bạn thời đại học Matsushita Kenzo vào một ngày tháng Mười một năm 1946, một năm sau khi Thế chiến 2 kết thúc. Địa điểm là bờ ao Shinji (thường được biết đến qua cái tên ao Sanshiro, đặt theo tác phẩm cùng tên của đại văn hào Natsume Soseki) trong vườn hoa Ikutoku của phân hiệu Hongo thuộc Đại học Tokyo.

Sau nhiều năm bị dòng đời chia tách và tưởng chừng đều đã bỏ mạng nơi sa trường, đôi bạn tình cờ tái ngộ. Không, có lẽ đối với họ, cuộc trùng phùng ở mái trường xưa này là một định mệnh đã được an bài. Trong bao nhiêu thám tử lừng danh từng xuất hiện trên văn đàn, chưa một ai ra mắt mà gây cho tôi ấn tượng sâu sắc đến thế.

Kamizu Kyosuke - Thiên Tài Phá Án Trong

Hình tượng Kamizu Kyosuke trong truyện tranh.

Suy luận tài tình và ngoại hình tuấn tú như tượng tạc của Kamizu Kyosuke đã được đề cập trong sách này và nhiều tác phẩm khác, nên tôi mạn phép không bàn thêm. Thay vào đó, tôi muốn dồn sự chú ý vào Matsushita Kenzo, người sau này sẽ trở thành nhà văn chuyên viết về những cuộc phiêu lưu của thám tử lừng danh Kamizu Kyosuke. Trong Người chết để da, Kenzo bị cuốn vào vòng xoáy của một tội ác kinh hoàng ngay từ đầu, thậm chí còn đóng vai trò thám tử cho đến khi Kyosuke xuất hiện. Tuy nhiên, anh ta thuộc típ “Watson” điển hình, chuyên làm nền cho người bạn thám tử của mình. Tuy có không ít đặc điểm khiến người ta phải cười ngán ngẩm như thói ăn thùng uống vại, song anh ta vẫn là bạn đồng hành đáng tin cậy của Kyosuke.

Người chết để da

Sau một hồi kể nỗi hàn ôn, Kenzo đem án mạng liên hoàn đang bào mòn tâm trí mình ra thảo luận với Kyosuke. Thám tử của chúng ta lập tức vào cuộc hòng phá giải bí ẩn của vụ án.

Án mạng đầu tiên diễn ra tại một ngôi nhà ở Shimo-Kitazawa. Chính Kenzo đã phát hiện ra xác chết trong phòng tắm và báo cho anh trai là trưởng phòng điều tra Matsushita Eiichiro. Phòng tắm bị khóa trái nên anh ta chỉ ngó qua vết nứt trên cửa và thấy thứ gì nhang nhác cánh tay đứt lìa. Cảnh sát liền ập tới, phá cửa vào trong, phát hiện ra đầu và tứ chi của một phụ nữ... Một xác chết thiếu phần thân. Như để tăng phần kì quái cho án mạng phòng kín này, một lũ sên không hiểu ở đâu đến bò lúc nhúc trên bậu cửa sổ... Trong khi thủ thuật phòng kín còn chưa làm rõ, những người liên quan tới vụ án lại liên tiếp bị sát hại. Bất chấp mọi nỗ lực điều tra của cảnh sát và của chính Kenzo, hung thủ vẫn ẩn kín.

Sau khi nghe Kenzo thuật lại tường tận, Kyosuke một mặt công nhận vụ này nan giải, mặt khác lại hùng hồn tuyên bố rằng chỉ một tuần sẽ phá được. Quả là thám tử lừng danh! Không còn gì để nói! Độc giả chúng ta chỉ việc mặc sức thưởng thức những màn suy luận tài tình sau đó thôi.

Khi nhắc đến cụm từ “thám tử lừng danh”, ta thường liên tưởng ngay đến những nhân vật hư cấu. Song trong thực tế cũng có rất nhiều người đã vận dụng khả năng tư duy logic để đạt được những thành công vang dội. Ví như từ chuyển động lạ lùng (vốn không thể giải thích bằng định luật vạn vật hấp dẫn) của Sao Thiên Vương, các nhà thiên văn học ở thế kỉ 19 đã tính toán ra quỹ đạo và xác nhận sự tồn tại của thiên thể mà sau này được biết đến qua cái tên “Sao Hải Vương”. Trong các lĩnh vực khác cũng có rất nhiều ví dụ tương tự. Giải mã bí ẩn vốn chẳng phải đề tài độc quyền của mấy cuốn tiểu thuyết trinh thám.

Trong thế giới học thuật, toán học có lẽ là ngành có quan hệ gần gũi nhất với thao tác phá án. Thuật ngữ “Q.E.D”* dùng để chỉ đáp án cho bài toán cũng thường xuất hiện trong các tác phẩm trinh thám. Cả hai đều có điểm chung là chỉ cần một vài giây phút xuất thần để tìm ra lời giải cho câu hỏi khó, song muốn chứng minh nó là đúng thì luôn cần tới khả năng lập luận logic.

Kamizu Kyosuke của chúng ta vốn dĩ cũng là thiên tài toán học. Thuở chưa đầy đôi mươi, cậu đã hoàn thành một thiên luận văn với cái tên chỉ đọc cũng đủ vấp và được đăng tải trên tạp chí học thuật của Đức, xác lập “Định lý Kamizu” mà chắc chắn chúng ta không sao hiểu nổi. Cứ thế, ngay từ hồi còn ngồi trên ghế nhà trường, Kyosuke đã được biết đến như một thiên tài kiệt xuất. Cũng vào giai đoạn này, cậu bộc lộ nhiều phẩm chất thiên phú của một thám tử kì tài. Giai thoại về Kyosuke thuở ấy sẽ được trình bày chi tiết trong cuốn Tội ác ở trường Phổ thông Số 1, một tác phẩm tiêu biểu khác của Takagi Akimitsu, nên tôi sẽ không tiết lộ thêm nữa đâu.

Để Kamizu Kyosuke có thể ra mắt độc giả qua Người chết để da, Takagi Akimitsu đã phải nếm trải không ít khó khăn vất vả. Sau khi tốt nghiệp ngành Luyện kim khoa Kĩ thuật Công nghệ Đại học Kyoto, ông vào làm việc ở hãng chế tạo máy bay Nakajima, song lại mất việc ngay khi chiến tranh kết thúc. Được thầy bói khuyên viết sách, ông bèn bắt tay nghiên cứu lĩnh vực hoàn toàn mới lạ này. Dựa trên những gì học hỏi được từ các tác phẩm như Cung đàn báo oán* của Yokomizo Seishi và Thảm kịch nhà Takagi của Tsunoda Kikuo, chỉ trong vòng ba tuần lễ, ông đã hoàn thành bản thảo Người chết để da. Tuy nhiên, dù mảng tiểu thuyết trinh thám đã có những bước phát triến liên tiếp, nhưng tình trạng thiếu thốn vật chất nói chung và giấy in nói riêng sau chiến tranh đã khiến không một nhà xuất bản nào chịu tiếp nhận tác phẩm của một cây bút vô danh như ông.

Trước tình cảnh đó, Takagi Akimitsu đánh liều gửi bản thảo cho một người xa lạ. Thế là đến tháng Năm năm 1948, tác phẩm của ông được xuất bản kèm theo lời giới thiệu của đại văn hào Edogawa Ranpo. Takagi Akimitsu lập tức được ghi nhận như một ngôi sao mới nổi trong làng trinh thám. Y như sự tích Lọ Lem ấy nhỉ? Dĩ nhiên một cây đại thụ trong văn đàn như Edogawa Ranpo thường xuyên nhận được bản thảo của rất nhiều tác giả khác nhau, song chưa một ai đạt được thành công vang dội như Takagi Akimitsu.

Người chết để da là một tác phẩm khiến bạn đọc phải kinh ngạc ngay từ khi ra mắt, song vẫn tiếp tục được bổ sung thêm nhiều tình tiết mới. Theo tác giả thì từ khi trở thành tiểu thuyết gia chuyên nghiệp, ông vẫn luôn lấn cấn, chưa thực sự hài lòng với chất lượng của tác phẩm đầu tay này nên cứ miệt mài chỉnh sửa. Kết cục, phiên bản mới dài gấp đôi ban đầu đã ra mắt độc giả vào tháng Mười hai năm 1953. Dĩ nhiên vẫn giữ nguyên cấu trúc cơ bản về bí ẩn xoay quanh ba hình xăm Orochimaru, Jiraiya và Tsunade.

Như đã giới thiệu ở đầu truyện, hình xăm là một nét văn hóa thú vị xuất hiện từ rất sớm trong lịch sử loài người. Vào thời Edo, dưới ảnh hưởng của tranh phù thế, ở Nhật Bản đã phát triển loại hình xăm đậm tính nghệ thuật, đặt nền móng cho văn hóa xăm mình hiện đại. Bản thân Takagi Akimitsu cũng yêu thích hình xăm và đặc biệt ấn tượng với thiên truyện Phiên tòa quần chúng quái gở của Yanagiwara Ryokufu đăng trên một cuốn tạp chí mà ông đọc từ hồi tiểu học. Có lẽ ít ai ngờ Người chết để da lại có nguồn gốc từ một trải nghiệm thuở nhỏ của tác giả nhỉ?

Bên cạnh hình xăm thì mánh khóe phòng kín cũng là một yếu tố chủ chốt của tác phẩm này. Tạo dựng phòng kín trong một ngôi nhà kiểu Nhật vốn được coi là một thách thức bất tận với các nhà văn trinh thám. Như Edogawa Ranpo đã nói trong Kẻ tản bộ trên trần nhà, mọi phòng trong nhà Nhật cơ bản là thông nhau. Tuy nhiên, phòng tắm là một ngoại lệ, bởi nó vốn được thiết kế khép kín để phù hợp với mục đích sử dụng, chỉ cần khóa cửa ra vào và cửa sổ là sẽ thành phòng kín. Trước khung cảnh xác chết bị cưa rời nằm trong phòng kín, ít nhiều gì người ta cũng thấy tò mò muốn tìm hiểu rõ sự tình. Không dừng ở đó, cách Kamizu Kyosuke phá giải thủ pháp phòng kín ấy bằng tư duy vô cùng linh hoạt cũng cuốn hút tới mức được nhận định là đã mở ra một trang mới cho mô típ “án mạng phòng kín” của văn học trinh thám Nhật Bản.

Trước khi gặp lại cậu bạn thân thời đại học, Matsushita Kenzo đã chỉ ra 27 bí ẩn trong vụ án này. Liệu có ai ngoài Kamizu Kyosuke phá giải được toàn bộ không? Một thám tử vừa tài hoa vừa điển trai lịch lãm như vậy, thử hỏi có người hâm mộ tiểu thuyết trinh thám nào không bị thu hút cơ chứ? Qua hàng loạt tác phẩm tiếp theo như Ngôi nhà bị nguyền rủa, Công chúa Bạch Tuyết, Quản trọ phù thủy, Gương mặt hồn ma, Cô gái đến từ mặt trăng, Kamizu Kyosuke đã mau chóng trở thành nhân vật thám tử tiêu biểu trong làng văn học trinh thám Nhật Bản.

Đóng vai trò xuất phát điểm cho nhân vật ấy, Người chết để da cho tới nay vẫn thường xuyên góp mặt trong nhóm đầu các bảng xếp hạng trinh thám. Có thể nói đây là một tác phẩm không thể bỏ qua đối với bạn đọc yêu thích thể loại này. Đảm bảo đọc đi đọc lại bao nhiều lần, bạn vẫn thấy Kamizu Kyosuke rất là ngầu đấy!
 

Yamamae Yuzuru

(Nhà nghiên cứu tiểu thuyết trinh thám)


Giá bìa 106.000 

Giá bán

85.000 

Tiết kiệm
21.000  (20%)
Giá bìa 106.000 

Giá bán

85.000 

Tiết kiệm
21.000  (20%)