Trong những năm qua, ngoài những tác giả Mỹ (đặc biệt là Ellen J. Hammer, A Death In November; Mark Moyar, Triumph Forsaken) nhiều tác giả, bình luận gia Việt Nam đã viết sách, báo và trên mạng về giai đoạn lịch sử 1945-1965, và về TT Ngô Đình Diệm. Chúng tôi chỉ có thể ghi lại một số ít tác giả trong phần Thư Mục.
Trong những tác giả về giai đoạn lịch sử 1945-1965 thì đặc biệt có Lê Xuân Khoa, Việt Nam 1945-1995, Tập I; Huỳnh Văn Lang, Ký Ức Huỳnh Văn Lang; B.H. Trần Đức Minh với hai pho sách Một Thời Nhiễu Nhương; và đặc biệt là Nguyễn Kỳ Phong, Vũng Lầy Của Bạch Ốc là một số trong những tác phẩm được biên soạn rất công phu. Riêng về TT Diệm thì có khá nhiều tác giả, thí dụ như Cao Thế Dung và Lương Khải Minh, Làm Thế Nào Để Giết Một Tổng Thống; Lê Tử Hùng, Những Cái Chết Trong Cách Mạng 1-11-1963; Nguyễn Văn Minh, Dòng Họ Ngô Đình, Ước Mơ Chưa Đạt; Đỗ Thọ, Nhật Ký Đỗ Thọ; và Minh Võ, Ngô Đình Diệm và Chính Nghĩa Dân Tộc. Chúng tôi và chắc chắn độc giả rất trân rọng những đóng góp quý hóa ấy cho lịch sử.
Hy vọng rằng, trong một phạm vi nhỏ hẹp, cuốn Khi Đồng Minh Nhảy Vào sẽ nối tiếp với các tác giả để làm sáng tỏ hơn nữa cho sự thật và cho công lý về cuộc chiến Việt Nam. Trong cuộc chiến ấy, một phần đông giới truyền thông và tác giả Hoa Kỳ luôn luôn đặt ra một câu hỏi: "Tại sao phải gửi thanh niên Hoa Kỳ sang chiến đấu cho thanh niên Việt Nam?" (Why sending American boys to fight for Vietnamese boys?" Luận điệu này đóng góp không ít vào việc dẫn đến những cuộc biểu tình vĩ đại đòi hỏi phải rút khỏi Miền Nam. Bằng chứng trong cuốn sách này chứng minh hai điều thật rõ ràng: thứ nhất, Hoa Kỳ đã chiến đấu ở Việt Nam là để bảo vệ chính quyền lợi an ninh của Hoa Kỳ; và thứ hai, bảo vệ tự do của nhân dân miền Nam đã không bao giờ là mục tiêu chính yếu của những nhà làm chính sách tại Washington (cũng như cuộc chiến tại Afghanistan hay Iraq ngày nay).