Anatole France là một trong những nhà văn lớn nhất của nước Pháp thời cận đại, ông sinh ở Paris ngày 16 tháng 4 năm 1844, ngày 13 tháng 10 năm 1924 ở Tours, Indre-et-Loire, Pháp. Năm 1921 ông được trao giải Nobel Văn học vì "những tác phẩm xuất sắc mang phong cách tinh tế, chủ nghĩa nhân văn sâu sắc và khí chất Gô-loa đích thực"… Đến năm 1922, sách của ông đã nằm trong danh sách cấm của Giáo Hội Công Giáo La Mã, bởi trước tác của ông chống lại sự mê hoặc tôn giáo, giáo điều chủ nghĩa; dưới ngòi bút châm biếm đả kích, trào lộng, A. France mỉa mai những luận điệu thần thánh, những thiết chế Nhà nước, những thối nát của nhà thờ cùng với sự đớn hèn của loài người.
Với kiến thức uyên bác về lịch sử Pháp, lịch sử tôn giáo, đặc biệt am hiểu về văn chương, hội họa xuyên suốt từ cổ đại, trung cổ, phục hưng tới cận đại, với văn phong trác tuyệt, A.France đã khéo léo lồng ghép cái triết lý hoài nghi của mình vào tiểu thuyết, đưa học thức uyên bác kết hợp với nghệ thuật đả kích châm biếm đưa trí tưởng tượng kết hợp với hiện thực xã hội, đưa biên niên sử tôn giáo kết hợp với phóng tác văn chương, đưa Dionysus gặp gỡ các thánh Tông Đồ, đưa những linh vật giao du cùng ngoại đạo, tất cả những điều ấy đã đưa ông thành một nghệ sĩ bậc thầy về kể chuyện, đưa đến cho người đọc những áng văn tuyệt vời, làm người đọc đắm say.
***
Tôi đặc biệt nhớ lại thật chính xác con búp bê được bày bán trong một cửa tiệm tồi tàn ở đường sông Seine khi tôi được tám tuổi. Tôi không rõ tại sao con búp bê ấy lại làm tôi thích. Tôi đã rất tự hào mình là con trai; Tôi không ưa các bé gái và kiên nhẫn chờ cho đến cái ngày ( than ôi ngày ấy đã tới rồi) râu của tôi sẽ mọc tua tủa quanh cằm. Tôi chơi trò lính tráng và để có thức ăn nuôi con ngựa đu của mình tôi vặt trụi phá hổng tất cả các cây mẹ đã trồng ở cửa sổ phòng bà. Tôi cho đó là những trò chơi của nam giới! Tuy nhiên tôi vẫn muốn một con búp bê.
Vậy con búp bê tôi thích ít ra cũng phải đẹp chứ nhỉ?. Không đâu, tôi vẫn còn nhớ như in.Con búp bê có hai má đỏ, cánh tay mềm nhũn lại ngắn, hai bàn tay gỗ nhìn phát ghê. Cái váy hoa được ghim sát vào thân bằng hai cái kẹp. Đó là con búp bê kiểu dáng xấu tệ và quê kệch.
Tôi nhớ rất rõ, tuy lúc đó hoàn toàn chỉ là một thằng nhóc, chưa mài mòn bao nhiêu cái đũng quần, nhưng lại cảm nhận thật sống động tinh tế, rằng con búp bê này thiếu duyên dáng lại còn luộm thuộm không đoan trang. Sao mà nó kềnh càng, sao mà nó thô kệch quá đi! Thế nhưng dầu vậy tôi vẫn thích nó, tôi thích nó vì điều đó. Tôi chỉ thích con búp bê đó. Tôi muốn nó.
Tôi nghĩ ra nhiều mánh để buộc chị giúp việc Vi-gi-ni phải cùng tôi đi qua trước cái tiệm nhỏ ở đường sông Seine. Tôi tì mũi vào tấm kính mải mê đến nỗi chị ta buộc phải kéo tay tôi giục:
_Cậu Xin-Vét à trễ rồi coi chừng mẹ cậu sẽ rầy đó!.
Mặc kệ, rầy à, mắng à, Xin Vét này đâu có ngán! Nhưng chị giúp việc đã nhấc bổng cậu ta lên, thế là không thể cưỡng lại được Xin-Vét đành chịu khuất phục.
...
Mời các bạn đón đọc
Không Đời Nào! của tác giả
Anatole France.