Kỳ Án Đầu Phật |
|
Tác giả | Mã Bá Dung |
Bộ sách | Danh Gia Cổ Vật |
Thể loại | Phiêu lưu |
Tình trạng | Hoàn Thành |
Định dạng | eBook mobi pdf epub azw3 |
Lượt xem | 26943 |
Từ khóa | eBook mobi pdf epub azw3 full Mã Bá Dung Danh Gia Cổ Vật Tiểu Thuyết Phiêu Lưu Trinh Thám Văn học phương Đông |
Nguồn | ebook©vctvegroup |
Đằng sau mỗi món đồ cổ, là tầng tầng lớp lớp lịch sử và văn hóa truyền thừa bao đời.
Đằng sau mỗi món đồ giả, lại là mánh lới tính toán tinh vi cùng cạm bẫy khó bề tưởng tượng.
Hứa Nguyện, một chủ tiệm đồ cổ cỏn con ở Lưu Ly Xưởng, vào đúng sinh nhật tuổi 30 đột nhiên bị cuốn vào những rắc rối theo gã là “trên trời rơi xuống”. Gia thế bao đời đã lụi tàn, thân phận người ông không biết mặt, bí ẩn đằng sau vụ tự tử của cha mẹ tới tấp phơi bày trước mắt gã, nhưng đâu là giả đâu mới là thật?
Điểm mút của những búi dây ân oán chằng chịt không ngờ lại là món báu vật hiếm có người đời vẫn đồn đại. Ván cờ gã đang tham dự dường như đã được sắp đặt từ hàng chục năm trước, càng dấn sâu lại càng phơi bày diện mạo tối tăm, hiểm ác của giới cổ vật. Và để không bị nuốt chửng, chỉ dựa vào một thân tuyệt học phân biệt thật giả của Hứa Nguyện thì không đủ, bởi nhìn đồ thì dễ nhìn người mới khó.
***
DANH GIA CỔ VẬT (trọn bộ 4 tập):
- Kỳ Án Đầu Phật
- Bí Ẩn Thanh Minh Thượng Hà Đồ
- Hôi Của Đông Lăng
- Minh Nhãn Mai Hoa
***
MÃ BÁ DUNG sinh năm 1980, tại Xích Phong (Ulankhad) thuộc khu tự trị Nội Mông. Ông là nhà văn nổi tiếng Trung Quốc với bút lực dồi dào, văn phong đa biến. Phạm vi sáng tác trải từ phê bình, tản văn, tiểu phẩm đến tiểu thuyết vừa và dài, thể loại sáng tác phong phú, bao gồm khoa học viễn tưởng, kỳ ảo, lịch sử, trinh thám v.v…
Năm 2005, ông đạt giải thưởng Ngân Hà dành cho tác phẩm khoa học viễn tưởng Trung Quốc.
Năm 2010, ông đạt giải thưởng Văn học Nhân dân, một trong những giải thưởng văn học uy tín nhất của văn đàn Trung Quốc.
***
Hôm xảy ra chuyện, đúng vào sinh nhật lần thứ ba mươi của tôi.
Thuở nhỏ thầy bói nói tôi mang mệnh “đường núi đứt ngang”. Nghĩa là gì? Chính là nửa đầu đời tôi như một con đường mòn trong núi, khúc khuỷu quanh co, gập ghềnh trắc trở, đi đến giữa chừng thì “rắc” một tiếng, con đường trước mặt bị chặt đứt, thế là toi. Nếu tiếp tục đi, số mệnh sẽ thay đổi hoàn toàn - còn sự thay đổi này rốt cuộc là họa hay phúc, lành hay dữ, thầy bói không nói, tôi cũng chẳng gạn hỏi. Tóm lại ông ta dặn tôi đến năm ba mươi tuổi nhất định phải cẩn thận, có chuyện đấy.
Tôi có nằm mơ cũng không ngờ ông ta phán chuẩn như vậy.
À phải, trước hết tự giới thiệu đã nhỉ. Tôi tên Hứa Nguyện, năm nay vừa tròn ba mươi, là một con kiến trong kẽ gạch dưới chân tường hoàng thành, làm nghề buôn đồ cổ.
Từ sau giải phóng, nghề này đã mai một hơn ba chục năm, mãi đến cải cách mở cửa, thị trường văn vật và đồ sưu tầm mới dần nhộn nhịp. Kẻ mua người bán nín thở ẩn mình suốt giai đoạn đả phá Tứ Cựu, giờ lại nhao nhao lên như cóc nhái tháng Ba, đạp chân gạt bùn đất ra, loi nhoi ngóc dậy. Nhờ ngón nghề gia truyền, tôi mở một cửa tiệm nhỏ xíu buôn vàng ngọc đá quý tại khu Lưu Ly Xưởng bé bằng bàn tay, đặt tên Tứ Hối Trai.
Thỉnh thoảng lại có người trỏ bảng hiệu hỏi tứ hối gồm những gì, tôi bèn trả lời, là hối người, hối việc, hối lỗi, hối lòng. Đây là lời bố tôi trối lại trước khi tự sát trong Cách mạng Văn hóa, bố và mẹ tôi bị đấu tố vì vấn đề lịch sử để lại, nhất thời nghĩ quẩn, nối gót Lão Xá đâm đầu xuống hồ Thái Bình.
Sinh nhật tuổi ba mươi của tôi đại khái cũng tưng bừng, kiếm chác cũng khá, tổng cộng đẩy đi được một chuỗi mặt ngọc thiềm thừ và một con ấn sừng trâu cuối đời Thanh, đều bán cho khách Quảng Đông, kiếm đủ tiền ăn uống điện nước lẫn tiền nhà, đây là chuyện đáng mừng với một cửa tiệm nhỏ giật gấu vá vai như tiệm tôi.
Thấy trời đã chạng vạng, đoán chừng chẳng còn khách khứa nào, tôi quyết định đóng cửa sớm, đến Nguyệt Thịnh Trai ăn một bữa, coi như tự khao. Sau khi thu dọn qua loa, tôi đang định khóa cửa thì chợt nghe thấy tiếng động lạ bên ngoài.
Thoạt đầu cứ ngỡ là chủ nhà đến thúc tiền, hơn ba tháng nay tôi khất lần suốt. Nhưng ngay sau đó, tôi đã nhận ra không phải.
Âm thanh này thấp trầm mà xào xạc như tằm ăn rỗi, thong thả từ xa trườn đến gần như cọp rình mồi. Kính tủ quầy rung lên, mấy pho tượng Phật ngọc, tượng tỳ hưu bày bên trong khe khẽ run rẩy như gặp khắc tinh, lần lượt trượt khỏi vị trí ban đầu, bụi bặm bốn bề bắt đầu bốc lên. Tôi vội ấn ngón cái lên mặt kính để nó ngừng rung kẻo mấy pho tượng rơi vỡ, thầm chột dạ. Đức Phật rời chỗ, ắt là điềm xui xẻo. Bên ngoài tối như bưng, chẳng biết tiếng động phát ra từ đâu.
Không bao lâu sau, âm thanh nọ tắt lịm. Tôi định thò đầu ra xem thì cửa tiệm bị đẩy mở kêu két một tiếng, hai người bước vào.
Tôi nhận ra một người là Tiểu Tưởng, công an khu vực ở đây. Kẻ đứng cạnh anh ta chừng ngoại tứ tuần, mặc cảnh phục, mặt quắt đen sì, đi nhẹ như mèo.
Vừa thấy y, mắt tôi liền nheo lại. Tuy không dám xưng là có mắt nhìn người, nhưng dù sao tôi cũng biết quan sát. Phong thái con người cũng như hồ bọc* ở đồ cổ, không thể giải thích, song chỉ nhác trông là cảm nhận được. Người này thâm trầm kín đáo, không phải loại công an khu vực miệng còn hôi sữa như Tiểu Tưởng, cũng chẳng giống mấy tay hình sự lão luyện mắt sắc như dao, khí độ của y không giống như đám công an cảnh sát thường, từ đầu đến chân toát lên vẻ bí ẩn khó dò.
Tiểu Tưởng lên tiếng trước, “Anh Nguyện, có người tìm anh.” Tôi chưa kịp đáp, người kia đã chìa tay ra, “Đồng chí Hứa Nguyện phải không? Tôi tên Phương Chấn, đồng nghiệp của Tiểu Tưởng, chào anh.”
Tôi chần chừ bắt tay y rồi cười hỏi, “Anh từng ở trong quân đội ít nhất mười năm phải không?”
“Hở?” Phương Chấn nhướng mày.
“Vừa xong bắt tay, anh có chai ở hổ khẩu và mặt trong bốn ngón, đây là vết tích cầm tiểu liên chứ không phải súng ngắn. Độ dài mỗi bước của anh cũng đều tăm tắp, tôi không nghĩ ra còn ngành nghề nào khác rèn luyện được tác phong như vậy.”
Người trong giới đồ cổ đều tinh mắt, đây là tố chất cơ bản. Tiệm tôi vốn mỏng tiền còm, mắt mờ một lần thì chỉ có nước sạt nghiệp, nên càng phải chú trọng kỹ năng này.
Phương Chấn dường như cũng nhận ra tôi định giành quyền chủ động, nhưng chỉ cười trừ chắp tay sau lưng đi lại trong tiệm, ngắm nghía hàng hóa. Tôi bèn tranh thủ kéo Tiểu Tưởng lại hỏi, “Ai thế? Bưng một ông cảnh sát đến đây làm gì, định cho tôi ăn cám à?” Tiểu Tưởng gãi đầu, “Anh đừng hỏi em, đây là nhiệm vụ cấp trên giao xuống, em chỉ biết dẫn ông ấy đến đây thôi.”
Đang định gặng tiếp thì Phương Chấn đã vòng lại hỏi, “Cho tôi xem thẻ căn cước của anh được không? Không phải nghi ngờ gì anh đâu, làm theo quy định thôi.”
Tôi móc căn cước ra, Phương Chấn cầm lấy xem kỹ rồi trả lại, còn lịch sự gật nhẹ đầu. Tôi thẳng thừng yêu cầu, “Vậy anh cũng cho tôi xem thẻ ngành đi - không phải nghi ngờ gì anh đâu, chẳng qua tôi mắc bệnh đa nghi thôi.”
Phương Chấn thoáng ngẩn người, rút ra một cuốn sổ bìa nhựa xanh, bên trên có mấy chữ thếp vàng “Thẻ công tác”. Tôi lật xem, thấy viết đơn vị công tác là Cục 8 Bộ Công an, nhưng không có chức vụ cụ thể.
Tôi bỗng chột dạ. Nghe con cháu một vị cốp kể, Bộ Công an có hai cục bí hiểm nhất, một là Cục 9, do bộ quản lý nhưng lại trực thuộc Tổng cục tham mưu, phụ trách an toàn cho thường ủy Bộ Chính trị, còn gọi là Cục Cảnh vệ Trung ương; hai là Cục 8 của gã Phương Chấn này, phụ trách bảo vệ cho lãnh đạo nhà nước, quan khách cấp cao nước ngoài và một vài yếu nhân.
Sánh ngang với Cục Cảnh vệ Trung ương, đủ thấy thế lực Cục 8 mạnh nhường nào. Nếu là mấy trăm năm trước thì đó chính là ngự tiền tứ phẩm đới đao thị vệ gộp với cẩm y vệ chứ lại chẳng!
Tôi trả lại thẻ ngành cho Phương Chấn, đổi sang bản mặt toe toét, “Đồng chí Phương Chấn muốn mua hay muốn bán?” Y đáp, “Mời anh đi với tôi, có người muốn gặp anh.”
Tôi ngẩn ra, “Ai vậy? Phải gặp ngay tối nay à?”
“Nhất định phải là tối nay, đây là mệnh lệnh của cấp trên.” Giọng điệu Phương Chấn lịch sự mà cứng rắn.
Tôi nhíu mày, cảm thấy việc này rất lạ, không thể không cẩn thận. Tuy cửa tiệm nhỏ này chẳng có gì quý giá, nhưng tôi vẫn phải thận trọng.
“Anh phải cho tôi biết là cấp trên nào ra lệnh đã chứ?”
Phương Chấn trỏ lên trời, “Tóm lại là cấp cao, tôi không thể tiết lộ, đây là quy định.”
“Muốn gặp tôi làm gì?”
“Không thể tiết lộ.”
“…”
Nếu không có Tiểu Tưởng liên tục đánh mắt ra hiệu, cộng thêm tấm thẻ Cục 8 kia, tôi thật muốn hỏi y học đâu ra cái kiểu ăn nói ấy.
Phương Chấn giơ tay nhìn đồng hồ rồi bước ra cửa làm động tác mời. Sức ép từ Cục 8 quá lớn, dân đen như tôi thực chẳng còn đường nào khác, đành cắn răng đi theo.
“Tôi phải khóa cửa đã, sợ kẻ trộm.” Tôi lầm bầm rút chìa ra khóa cửa, kiểm tra một lượt thiết bị chống trộm rồi mới chịu đi. Vừa ra khỏi cửa đã thấy đập ngay vào mắt một con xe Hồng Kỳ* CA771 đen tuyền, có lẽ đây là nguyên nhân gây ra cơn rung chấn khi nãy. Tiệm tôi không nằm ngoài mặt phố Lưu Ly Xưởng mà chui vào một con hẻm xiên xiên, đường bê tông đang tu sửa nên bề mặt toàn cát là cát. Tiếng sàn sạt ban nãy chính là do bánh xe ma sát với nền cát mà ra.
Tôi không ngờ Phương Chấn lại nghênh ngang lái hẳn xe Hồng Kỳ vào hẻm đỗ trước tiệm mình. Bấy giờ tuy loại xe này đã ngừng sản xuất nhưng vẫn mang tính biểu tượng, cả Bắc Kinh chẳng mấy người có dịp ngồi. Thực chẳng rõ y tiết kiệm giùm tôi mấy bước chân hay cố ý gây áp lực cho tôi nữa.
Con xe Hồng Kỳ này hơi cũ nhưng được lau rửa bóng loáng, trong bóng tối nhập nhèm trông như một con thú đá uy nghi sừng sững. Phương Chấn mở cửa sau, mời tôi lên trước. Tôi để ý thấy y tay phải kéo cửa, tay trái nắm cạnh trên cửa xe, đề phòng tôi va đầu.
Đây tuyệt đối là một tay chuyên tiếp đãi khách nước ngoài!
Lính phục viên, chuyên viên tiếp đón, nhân viên Cục 8! Thân phận ba lớp của y khiến tôi đi hết từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Bản thân chỉ là dân đen thấp cổ bé họng, nào dám cứng đầu với thần tiên, cung cúc mà theo thôi.
Ghế sau xe Hồng Kỳ rộng bất ngờ, lại êm. Tôi còn duỗi được cả chân. Phương Chấn cũng lên xe, chu đáo kéo rèm nhung tím che hai bên cửa sổ lại rồi vỗ vai tài xế.
Tài xế chẳng nói chẳng rằng, thành thạo nổ máy, xoay vô lăng chạy thẳng khỏi hẻm, Phương Chấn dựng tấm gỗ ngăn giữa hai hàng ghế lên rồi quay sang cười bảo tôi, “Xin lỗi nhé, quy định nó thế.”
Hay lắm, giờ thì còn thấy được khỉ gì nữa. Tôi chợt nhớ hồi nhỏ đọc truyện liên hoàn họa, thổ phỉ bắt trinh sát quân giải phóng đưa về sào huyệt, cũng bịt mắt dẫn đi thế này.
Phương Chấn ngồi thẳng người, lưng dựa hờ vào ghế, hai tay đặt trên đầu gối nhắm mắt dưỡng thần, rõ ràng là người đã được huấn luyện đặc biệt. Mấy lần tôi toan lân la hỏi dò đích đến, nhưng thấy y như vậy đành nuốt lại lời định nói, nhắm mắt dưỡng thần theo.
Xe chạy khoảng hai mươi phút cuối cùng cũng đỗ lại. Phương Chấn mở bừng mắt ra.
“Đến rồi.”
“Bát Đại Xứ à?” Tôi hờ hững buông gọn lỏn một câu. Phương Chấn thoáng ngạc nhiên, nhưng lập tức lấy lại vẻ điềm tĩnh, nhìn tôi đầy thâm ý rồi hạ tấm gỗ chắn và kéo rèm hai bên, ra hiệu cho tôi ngồi lại, còn y xuống xe.
Lúc này trời đã tối, nhưng đèn đường sáng trưng như ban ngày. Tôi nhìn quanh, phát hiện xe đang đỗ giữa một con đường nhỏ vắng vẻ. Hai bên đường là bạch dương xanh um, xung quanh không có cao ốc. Cuối đường là một khu nhà tường bao cao ngất, không đánh số nhưng có hai cảnh vệ ôm súng đứng canh, cánh cổng màu lục nhạt đóng im ỉm.
Phương Chấn xuống xe, đi thẳng về phía hai cảnh vệ. Đôi bên trao đổi mấy câu, Phương Chấn bèn giơ tay ra hiệu về phía này. Tài xế khởi động máy, đánh xe đến trước cửa, cảnh vệ ngó qua cửa sổ xe nhìn tôi vẻ cảnh giác, nói vài câu với Phương Chấn, y trỏ tôi gật gật đầu. Tiếc rằng trong xe cách âm nên tôi không nghe rõ họ nói gì.
Mời các bạn đón đọc Kỳ Án Đầu Phật của tác giả Mã Bá Dung & Tố Hinh (dịch).