Theo bà, cuộc chiến giành lại quần đảo này sau khi bị quân đội Argentina xâm chiếm là “hành động bảo vệ danh dự của mình với tư cách một quốc gia, và những nguyên tắc có tầm quan trọng cơ bản đối với cả thế giới”.
Margaret Thatcher - Hồi ký bà đầm thép phát hành bản tiếng Việt hồi tháng 4. |
Chương về cuộc chiến diễn ra từ cuối tháng 3/1982 đến tháng 6 năm đó trong cuốn Hồi ký bà đầm thép (NXB Thế giới vừa phát hành, bản dịch của Nguyễn Xuân Hồng) được đặt tên trong nguyên bản là Follow the Fleet (Theo dấu hạm đội), tên một bộ phim hài ca nhạc nổi tiếng của Hollywood năm 1936.
Bởi vì trong suốt thời gian diễn ra cuộc chiến, là Thủ tướng, là người đứng đầu “nội các chiến tranh”, bà luôn phải dõi theo dấu vết hạm đội đặc nhiệm được cử đi nửa vòng trái đất đến tận Nam Mỹ xa xôi.
Hạm đội mà nữ Thủ tướng luôn phải theo dấu, hồi hộp chờ từng tin điện báo về không chỉ có 2 tàu sân bay, 11 tàu khu trục và tàu chiến, ba tàu ngầm, tàu tấn công đổ bộ cùng 5.000 binh lính mà còn là 100 tàu dân sự được “trưng thu” chở đồ hậu cần, tiếp tế, với hơn 25.000 người nữa.
“Khi tôi trở thành Thủ tướng, tôi không bao giờ nghĩ mình phải ra lệnh cho binh sĩ Anh tham chiến và tôi nghĩ cả đời mình chưa khi nào phải sống trong căng thẳng như trong quãng thời gian đó”, bà hồi tưởng lại.
Bảo vệ quyết định điều động quân đội của mình, bà Thatcher trích dẫn câu nói của Hoàng đế Phổ Federick: “Ngoại giao thiếu vũ trang giống như âm nhạc không có nhạc cụ”.
Bà kể lại cảm giác nặng trĩu khi nhận được tin hai chiếc trực thăng đầu tiên chở binh lính Anh đổ bộ xuống sông băng Fortuna ở South Georgia để mở màn cho chiến dịch bị rơi do thời tiết xấu.
Tiếp theo đó, là cảm giác sung sướng vỡ òa khi người thư ký chạy lại đưa cho bức điện tín cho biết chiếc trực thăng thứ ba đã hạ cánh an toàn và đón được toàn bộ toán lính đặc nhiệm cùng phi hành đoàn của hai chiếc máy bay trước.
Thủ tướng Thatcher là người trực tiếp viết những lá thư chia buồn đối gửi tới gia đình các binh sĩ Anh thiệt mạng trong cuộc chiến.
Qua hồi ký của bà, bên cạnh những hành động của chính phủ và quân đội Anh, ta có thể thấy được phản ứng của các nước trên thế giới quanh sự kiện này.
Điển hình thái độ của Liên Xô là ủng hộ Argentina, Nhật Bản có thái độ nước đôi, trong khi nhiều nước Nam Mỹ đều lên tiếng chỉ trích Anh, chỉ trừ Chile lại đứng về phía Anh do họ có những tranh chấp từ lâu dài với Argentina.
Thatcher là một chính khách quan trọng trong lịch sử đương đại Anh, nhiều người ngưỡng mộ bà nhưng cũng không ít người chống đối. |
Mối quan hệ thân thiết giữa bà Thatcher và Tổng thống Mỹ Reagan đã giúp Anh nhận được sự ủng hộ của Mỹ. “Dù những tuyên bố chính thức của Mỹ có lúc rất khó chịu, nhưng họ đã có những giúp đỡ vô giá như 150.000 thước vuông thảm chiếu để tạo ra đường băng tạm thời.
Thậm chí Caspar Weiberger (Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ) còn đề nghị gửi tàu sân bay USS Eisenhower tới làm đường băng lưu động cho chúng tôi”, bà hồi tưởng và cũng đánh giá “đề nghị này có tính động viên hơn là thực tiễn”.
Cuối cùng, bà viết về việc đón nhận tin chiến thắng. “Kết quả đến nhanh khiến tất cả chúng tôi ngạc nhiên”. Sau khi tới Hạ viện để thông báo về tin chiến thắng vào 10h tối 14/6/1982, bà viết: “Khi tôi về ngủ tối muộn hôm đó, tôi nhận ra gánh nặng vừa được nhấc ra khỏi vai tôi mới lớn làm sao”.
Uy tín của bà tăng mạnh sau cuộc chiến Falkland, người ta gọi bà bằng biệt danh “Bà đầm thép”. Với những thành tựu trong 11 năm giữ chức Thủ tướng Anh, nguyên Phó Thủ tướng Anh Nick Clegg đã đánh giá “Margaret Thatcher là người đã định hình nền chính trị hiện đại của nước Anh”.
Cuốn Margaret Thatcher - Hồi ký bà đầm thép là phiên bản tổng hợp và rút gọn hai cuốn hồi ký của bà: The Downing Street Years (Những năm tháng tại Phố Downing), kể về thời gian bà làm Thủ tướng, là cuốn đầu tiên, ra mắt năm 1993, và The Path to Power (Đường tới quyền lực) kể về thời trẻ và giai đoạn đầu trong sự nghiệp chính trị của bà, được xuất bản hai năm sau đó.
Cuốn sách đi qua tất cả những thời khắc, sự kiện, vấn đề diễn ra trong cuộc đời bà Thatcher cùng những suy nghĩ, luận cứ quan trọng của bà về các vấn đề này.