Làm thế nào để sống vui là điều mà ai ai cũng quan tâm đến; nhưng định nghĩa sống vui thì không mấy ai biết đến và mỗi người lại quan niệm một cách khác nhau.
Dưới đây là quyển sách “Làm thế nào để sống vui” của tiên sinh Ohsawa, do NXB Tổng Hợp Khánh Hoà in năm1992, đây là quyển sách nguyên tác của tiên sinh, in lần đầu, sau 1975 được nhiều người quan tâm:
Lời nói đầu:
Tôi tin rằng chẳng ai làm được việc gì quan trọng nếu không có dạ dày thật tốt, và nếu không ăn được mọi thứ trên đời thì quả là bất hạnh. Riêng tôi, nhờ hiểu rõ nguyên lý quân bình Âm Dương của phương pháp Thực dưỡng, giờ đây tôi có thể ăn uống bất cứ thứ gì mình thích mà vẫn giữ được sức khoẻ và hạnh phúc.
Trong đời mình, tôi đã gặp quá nhiều người khốn khổ, ngày nào cũng có người đến nhờ tôi xem bệnh....
(Ngọc Trâm)
GEORGE OHSAWA (Sakurazawa Nyoichi)
LÀM THẾ NÀO ĐỂ SỐNG VUI
NGÔ THÀNH NHÂN và TÔN THẤT HANH (dịch)
NXB TỔNG HỢP KHÁNH HOÀ
Ngô Thành Nhân và Tôn Thất Hanh dịch từ bản tiếng Anh “Macrobiotic Guidebook For Living” của Nhà xuất bản G.O.M.F, California 1985.
Tham khảo thêm bản tiếng Pháp “Le Livre de La Vie Macrobiotique”, của nhà xuất bản J.Vrin, Paris 1970, và bản tiếng Nhật “Thực Dưỡng Nhân Sinh Độc Bản”, nhà xuất bản Maison Ignoramus, Tokyo, 1958.
THAY LỜI NGƯỜI DỊCH
Buổi trưa, anh bạn đến trả bản thảo “Làm Thế Nào Để Sống Vui” mà tôi cho mượn cách đó mấy hôm. Chúng tôi cùng ngồi dưới tán cay trong sân vườn Nhà Ohsawa uống trà và nói chuyện đời.
Một chiếc lá vàng rơi, cắm thẳng vào tách nước. Anh bạn lên tiếng: “Mình tiếc những năm tháng học trò và cho đến bây giờ vẫn ân hận. Miệt mài học tập, chúi mũi vào sách vở, để rồi ra trường cũng chẳng thực hiện được những gì đã thu thập bởi sức khoẻ suy sụp đột ngột. Thật ra, một phần do mình ham học, nhưng phần lớn là do bố mẹ mình kềm cặp. Có thể nói mình không biết ngày nghỉ, không biết mùa hè là gì, chỉ có học và học. Tuổi thơ rồi tuổi trẻ mà như ông cụ, chạy nhảy vui đùa gần như là điều cấm kỵ. Tình trạng thiếu vận động, thiếu giải trí, đầu óc căng thẳng suốt nhiều năm đã đốn gục mình với chứng suy nhược thần kinh trầm trọng, may mà mình gặp được phương pháp Thực Dưỡng...”.
Lá trên cao lao xao, một bên gương mặt trắng xanh của bạn ngời lên ánh nắng. Tôi nhớ tới một cô gái hiện giờ ở phương xa đã từng ngồi trên chiếc ghế mà bạn đang ngồi.
Cô khá đẹp, duyên dáng, đã tốt nghiệp đại học, gia đình khá giả và có địa vị trong xã hội. Cô đến gặp tôi, do người quen giới thiệu, để xin lời khuyên, lúc ấy tinh thần cô đang khủng hoảng.
Suốt trong những năm đi học, cô sống như công chúa, muốn gì được nấy và nổi danh “chịu chơi” nhưng “kiêu kỳ”. Cha mẹ cô cưng con đến mức sợ con. Tính cô ngang bướng nhưng dễ dãi trong chuyện chơi bời. Lên đại học, cô có người yêu là một cạu cùng lớp, đẹp trai, rất hiền và hơi đạo mạo; nói đúng hơn, cậu là một tên nô lệ, một “mô-đen” trang sức để cô hãnh diện. Cô rất ham nhảy nhót (khiêu vũ), bất cứ ai mời cô cũng đi và thường là “cái đinh” trong buổi tiệc. Có người khuyên (trừ cậu bạn) thì cô bĩu môi cho rằng thừa sức đối phó với mọi điều. Và trước khi gặp tôi độ hai tháng, cô đã bị một người đàn ông đang tuổi cha chú phá hoại đời con gái sau một cuộc dạ vũ có rượu. Khi bị bắt, người đàn ông cung khai ông ta cũng chẳng muốn hại cô, nhưng bị bạn bè hứa sẽ thưởng một “chầu nhậu thả giàn” và tôn vinh “anh hùng” nếu chiếm đoạt được “cô bé kiêu sa”. Cô đã điên loạn, phải vào bệnh viện tâm thần hơn một tháng mới tạm ổn, nhưng đầu óc luôn luôn lảng vảng ý nghĩ tự tử. Điều đáng may là cậu bạn vẫn tha thiết yêu cô, và vì vậy, mới có cuộc gặp gỡ tại nơi này ngày đó...
Ngoài những góp ý dựa vào kinh nghiệm sống, tôi đã cho cô gái xem “Làm Thế Nào Để Sống Vui” mà Thầy Anh Minh Ngô Thành Nhân và người bạn (ông Tôn Thất Hanh) dịch từ nguyên tác “Macrobiotic Guidebook For Living” của Giáo Sư Ohsawa, tôi nghĩ rằng tập sách này sẽ trả lời rốt ráo những thắc mắc của giới trẻ mọi thời.
Tôi cầm tách trà lên nhắp một ngụm, vị chát thấm vào lưỡi nghe ngòn ngọt. Bỗng anh bạn nói: “Quân bình là đúng nhất!”, tôi bật nói như mơ: “Vâng, mọi điều phải quân bình, không nên có gì thái quá!”.
NGÔ ÁNH TUYẾT
“Muốn sống trong cõi đời này - một cõi đời thật vui nhưng cũng rất nghiêm khắc vì không để ai thoát khỏi sự trừng phạt nếu người ta bơi ngược dòng chảy của sự sống, vi phạm Trật Tự của Vũ Trụ - ta phải hướng về thiên nhiên và không bao giờ được quên điều đó.
Chúng ta là con của thiên nhiên, sống trong lẽ công bình của Trời Đất. Chúng ta phải tin rằng chỉ những ai ăn ở đúng theo Trật Tự của Vũ Trụ (thuận thiên) mới được khoẻ mạnh hạnh phúc, còn sống bất chấp hoặc ngược lại trật tự này (nghịch thiên), đương nhiên phải gánh chịu bệnh hoạn khổ đau...”
GEORGE OHSAWA
LỜI NÓI ĐẦU
Tôi tin rằng chẳng ai làm được việc gì quan trọng nếu không có dạ dày thật tốt, và nếu không ăn mọi thứ trên đời thì quả là bất hạnh. Riêng tôi, nhờ hiểu rõ nguyên lý quân bình Âm Dương của phương pháp Thực Dưỡng, giờ đây tôi có thể ăn uống bất cứ thứ gì tôi thích mà vẫn giữ được sức khoẻ và hạnh phúc.
Trong đời mình, tôi đã gặp quá nhiều người khốn khổ, ngày nào cũng có người đến nhờ tôi xem bệnh. Tôi rất thông cảm với họ, vì chính tôi cũng đã có lần như họ. Những người này sau khi nghe tôi trình bày các kinh nghiệm bản thân, liền noi theo phương pháp dưỡng sinh tôi đã từng theo và chẳng bao lâu họ vượt qua được mọi nỗi khó khăn. Chính kết quả đó càng làm tôi thêm phần tin tưởng hiệu lực của phương pháp Thực Dưỡng.
Trong một buổi diễn thuyết, tôi nhìn một bà ngồi trước mặt để chẩn đoán bệnh tình. Tôi thấy rõ bà hẳn phải xa chông từ lâu, nên nói ra điều đó. Bà giật mình trả lời: “Vâng, tôi sống một mình đã ba mươi năm nay!”. Sở dĩ tôi biết được như vậy là vì tướng mạo của bà cho thấy lâu nay bà ăn uống toàn những thứ gây ra ly cách. Thì ra bà rất ghiền đường, trái cây, gia vị hoá học (như bột ngọt, đường hoá học,..) là những thực phẩm thịnh Âm có khuynh hướng làm cho nới giãn. Vì vậy, bà bị liệt dương lãnh cảm, không thể thụ thai và đâm ra chán ghét đàn ông khiến họ tự nhiên xa lánh. Đời bà là cả một chuỗi ngày buồn thảm!
Xét chung, tướng mạo của ta phản ánh hai điều:
1) Thực phẩm mà mẹ ta đã ăn uống lúc mang thai (ảnh hưởng chủ yếu đến tâm sinh lý bẩm sinh hay khí chất tiên thiên – LND)
2) Thực phẩm mà ta dùng từ lúc sinh ra đến nay (ảnh hưởng hủ yếu đến tâm sinh lý hiện có hay khí chất hậu thiên – LND)
Ông Nanboku Mizuno, nhà tướng học người Nhật có uy tín về tài chẩn đoán quá khứ vị lai, số phận và tâm tính con người, một hôm được hỏi làm thế nào để đạt đến trình độ như ông và nắm được bí quyết của Nhân Tướng Học. Ông trả lời: “Cứ xem xét món ăn thức uống hàng ngày sẽ rõ”. Ông Mizuno từng làm nhân viên xoa bóp cho một tiệm tắm hơi Thổ Nhĩ Kỳ. Qua công việc hàng ngày, ông có dịp tiếp xúc với đủ hạng người và thường gợi chuyện hỏi khách về tình trạng khí chất, hoàn cảnh gia đình cùng nơi sinh trưởng của họ. Sau nhiều năm thực nghiệm theo cách đó, ông nhận thấy giữa tướng mạo cốt cách, số phận và thức ăn có liên hệ mật thiết với nhau.
Cũng như ông Nanboku, nhờ quan sát người ta mà tôi cũng học được nhiều điều. Cứ xem khí chất và tướng mạo là tôi biết ngay họ ăn uống những gì. Đôi khi việc này cũng chẳng hay gì, vì nhìn ai tôi cũng thấy món ăn và thức uống! Có người trông giống trái cây hoặc đường, người khác giống sữa bò, trứng, thịt muối hay thịt xay! Và một khi “thấy được” thực phẩm người ta đã dùng là tôi hình dung ra ngay cuộc sống hiện tại của họ như thế nào về mặt gia đình, bè bạn, tài chính, tư tưởng, phẩm hạnh và tinh thần. Tôi còn thấy đươc họ mang bệnh gì, bệnh ở đâu và phát ra lúc nào. Tôi cũng có thể nói cho một phụ nữ biết thời điểm có kinh cùng tình trạng kinh nguyệt và hai buồng trứng ra sao. Nói tóm lại, tôi thấy được người trước mặt khổ đau hay hạnh phúc.
Có lần tôi gặp một người ngoại quốc đến Nhật để truyền đạo. Nhìn cặp lông mày, tôi dự đoán ông ta sẽ gặp chuyện không hay. Điều rõ ràng là ông không kiêng được món ăn cực xấu mà tôn giáo ông cấm kỵ. Chứng tỏ đó cũng đủ thấy ông là người đạo đức giả. Tuy vậy, vẫn có độ năm mươi người đến nghe ông thuyết giảng và nghe rất say sưa, ngay chính tôi cũng học được nhiều. Dù sao, tôi cứ băn khoăn muốn biết chuyện gì sẽ xảy ra cho ông trong tương lai.
Sau đó ít lâu, trong một buổi họp mặt với những nhà kinh tế và chính trị có uy tín, tôi nghe có người nhắc đến ông bạn ngoại quốc kia. Hỏi ra mới biết ông ta đã bị chính đoàn thể tôn giáo của ông khai trừ vì tật khoác lác. Như vậy, điều tôi tiên đoán về ông bằng cách dựa vào ăn uống quả chẳng sai chút nào.
Tóm lại, mọi sự trên đời, may hay rủi, sướng hay khổ, thọ hay yếu, khôn hay ngu, đẹp hay xấu, thiện hay ác, tất cả đều do ăn uống mà ra. Khi hiểu thấu điều này, chúng ta thấy con người vốn chẳng tốt chẳng xấu; xấu hay tốt chỉ là kết quả của ăn uống đúng hay sai mà thôi.
Nếu thường xuyên ăn uống nhiều món Âm (như đường, trái cây, rau sống), con người sẽ Âm, đa cảm, thiên về tinh thần, có thể duy tâm, dễ bị suy yếu hoặc bị bệnh về đường tiêu hóa như dạ dày, và hệ sinh dục. Trái lại, con người sẽ Dương nếu ăn nhiều thứ Dương (như thịt, trứng, ăn quá mặn); người Dương tính thường cứng đầu, cố chấp, quả quyết, thiên về vật chất, thực dụng, dễ bị suy yếu hoặc bệnh về tim mạch và rối loạn ruột non, gan, tá tráng...
Trong khi đó, người thường ngày ăn chú yếu cốc loại, rau, củ và đậu nấu chín, ăn rất ít hoặc không ăn thịt là người tương đối quân bình hơn. Người này có trực giác nhạy bén, có óc thẩm mỹ, xử sự ôn hoà, ổn định về tâm sinh lý, ít bị đau yếu.
KHUÔN MẶT
Nhìn khuôn mặt, bạn có thể biết được bản chất của một người bao gồm tình trạng sức khoẻ, tâm sinh lý, khuynh hướng hoạt động, tâm tính, nghĩa là cuộc đời người đó vui nhiều hay buồn nhiều. Khuôn mặt có nhiều dạng: tròn, vuông, bầu dục, tam giác lẹm, đầy...; nhưng tựu trung, xét theo y lý phương Đông, khuôn mặt càng nhỏ, càng tóp nhất là ở phần trán (dạng tam giác thuận) thì khí chất con người càng Dương; trái lại, khuôn mặt càng to, càng nở nhất là ở phần trán (dạng tam giác nghịch) thì khí chất càng Âm. Trong khi đó, khuôn mặt hình xoan (hình hạt gạo) là quân bình Âm, Dương hơn cả.
Điều cơ bản và quan tọng cần biết khi “vọng chẩn” (chẩn đoán qua khuôn mặt) là phân biệt hình tướng “tiên thiên” (bẩm sinh) được cấu tạo khi còn nằm trong bụng mẹ và hình tướng “hậu thiên” (hiện có) được cấu tạo từ lúc ra đời về sau. Món ăn thức uống bạn thường dùng hàng ngày có thể làm biến đổi hình tướng tiên thiên thành ốm hoặc mập, tươi hoặc héo, đẹp hoặc xấu. Vì vậy, bạn phải chịu trách nhiệm về hình dạng của mình; nói cách khác, chính bạn là người sáng tạo ra hình tướng của bạn. Do đó, dù mọi cái có thể bị biến dạng, méo mó, hư hỏng hoặc yếu kém do thiếu hiểu biết, bạn vẫn có thể sửa đổi, cải thiện tất cả nhờ nắm vững nguyên lý Âm Dương và áp dụng đúng Trật Tự Vũ Trụ (luật thiên nhiên) trong đời sống hàng ngày, nhất là trong dinh dưỡng.