Cuộc sống - cho đến suy nghĩ cuối cùng và cái nhìn sau chót - là quá trình tự biến đổi.
Chúng ta bắt đầu bằng cách thay đổi thế giới quan: thay vì chỉ nhìn thấy bức tường trước mặt, ta sẽ thấy một phần của quan cảnh. Ta nhận thấy rằng mình có thể hành động khác hơn. Sự trưởng thành cho ta cái nhìn mới, từ một khoảng cách an toàn hơn xưa, cho phép ta hiểu ra nhiều nhân tố, nơi bản thân ta hay nơi người khác, mà trước đây ta chưa thể hiểu. Rồi có đôi khi, ta lấy được đủ nghị lực để tha thứ, để thay đổi nếp đời.
***
Tôi thật sự hạnh phúc khi biết rằng kể từ nay độc giả yêu văn chương sẽ có cơ hội tiếp cận với một trong những nữ tác giả Brazil đương đại có tầm ảnh hưởng lớn nhất. Lya Luft là một trong số những cây bút hiếm hoi có khả năng mở ra những con đường mới.
Sở dĩ tôi nói Lya mở ra con đường mới chứ không phải một lối tắt đi đến những gì bạn muốn là bởi tác phẩm của bà bày ra vẻ phong phú chứ không phải giản đơn của cuộc sống. Trong thế giới hiện đại, giữa thời kỳ mà mọi thứ đến quá dễ dàng, cùng với tư tưởng tôn sùng cái mới lạ, trẻ trung, Lya lại mời gọi chúng ta làm một điều đang ngày càng hiếm hoi: trưởng thành để nhận ra vẻ đẹp trong từng thời kỳ của cuộc sống, và để lạc quan đương đầu với sức tàn phá của thời gian.
Là thạc sĩ văn học, Lya Luft thông thạo hai ngôn ngữ Anh và Đức. Bà giảng dạy, đồng thời khẳng định vị thế vững chắc của mình trong sự nghiệp biên dịch tác phẩm của các tác giả nổi tiếng như Thomas Mann, Gunter Grass, Virginia Woolf và nhiều tác giả khác từ nguyên bản tiếng Anh, tiếng Đức sang tiếng Bồ Đào Nha. Năm 1980, khi bước sang tuổi bốn mốt, bà khởi nghiệp sáng tác với tiểu thuyết đầu tay Bạn đời – tác phẩm đã lập tức khiến giới phê bình và bạn đọc sửng sốt bởi giọng văn đầy đặn, giàu xúc cảm. Nhưng mãi đến năm 2003 với Lẽ Được Mất, tên tuổi của Lya mới được phổ biến rộng rãi trong công chúng.
Bằng lối dẫn chuyện nhẹ nhàng, quyển sách hé mở những trăn trở, suy tư của con người về cuộc đời của mỗi chúng ta, đồng thời chứng minh với độc giả khả năng độc đáo của tác giả - người có thể chiếm được cảm tình của người đọc vốn đã xem bà như bạn: chạm đến sâu thẳm tâm hồn và khiến họ miên man suy tưởng; vỗ về và truyền cảm hứng. Sống, đối với Lya, không thể thiếu sự đam mê và nếm trải cả vị ngọt ngào lẫn đắng cay mà cuộc đời mang lại. Vì thế, sau khi khẳng định tầm vóc của một tiểu thuyết gia, nhà thơ và dịch giả, không có gì ngạc nhiên khi bà lồng ghép vào từng câu chữ sự nhạy cảm không ai sánh kịp trong các tác phẩm đề cập đến đạo đức và phẩm hạnh.
Lẽ Được Mất mang đến cho bạn đọc hình ảnh của một người phụ nữ đã đạt đến độ chín muồi về những gì căn bản nhất: trải nghiệm, sự trưởng thành, tuổi tác, mối quan hệ gia đình, cái chết, nỗi cô độc, tình yêu, bản ngã và tình mẫu tử. Từ những thứ vụn vặt nhất đến những điều vĩ đại nhất trong cuộc sống, bà luôn nhấn mạnh khía cạnh cốt yếu trong sự tồn tại của chúng ta bằng vẻ tinh tế của một người nhìn đời với đôi mắt lạc quan mà rất mạnh mẽ và không ngại phê phán những ai đầu hàng trước mỗi khó khăn nhỏ nhặt.
Lya Luft là người lạc quan, nhưng bà không nhìn cuộc đời qua lăng kính màu hồng. Những suy nghĩ của bà, vì thế, thường đi ngược lại khuôn mẫu sẵn có - nó khơi dậy cảm hứng, kêu gọi những người đương thời nhìn lại mình, sâu tận tâm can, để từ đó trưởng thành hơn.
Có ai trong chúng ta, dù chín chắn hay xốc nổi, chưa từng trải nghiệm niềm vui và nỗi thất vọng, chiến thắng và thất bại, mất mát và thành tựu? Một trong những bài học to lớn nhất mà tác giả dành cho chúng ta là: những gì cuộc đời mang lại hoàn toàn phụ thuộc vào vốn hiểu biết của chúng ta. Theo bà, chính thái độ trân trọng từng phút giây cuộc sống và tính nhân văn, sẵn lòng đón nhận quy luật của tạo hóa, sức tàn phá của thời gian, sẽ giúp chúng ta thoát khỏi những cạm bẫy của chính mình – những thứ bó buộc tầm nhìn của sự vô cùng và chân giá trị.
Lya không đưa ra các lập luận giáo điều hay những công thức cứng nhắc. Trong Lẽ Được Mất, tác giả chia sẻ những trải nghiệm cá nhân thông qua quá trình trưởng thành, qua đó mở ra cho chúng ta lối đi dẫn đến những khả năng vô tận của cuộc sống trong nhiều giai đoạn khác nhau, từ lúc chúng ta còn thơ trẻ đến tuổi trưởng thành. Trong tác phẩm lôi cuốn và đầy tính khám phá này, độc giả sẽ tìm thấy một chút gì đó của chính mình, những trải nghiệm, nỗi sợ hãi, ngờ vực và cả khắc khoải từng qua. Độc giả sẽ tìm thấy những sợi dây liên kết trong mối quan hệ giữa người với người mà chúng ta ai ai cũng đều khao khát.
Paulo Coelho – tiểu thuyết gia nổi tiếng người Brazil
***
Từ những điều rất trần ai, rất cuộc đời mà Lya Luft đã khắc họa nó theo một dòng cảm xúc dung dị nhất, gần gũi nhất, không giáo điều, không lý thuyết suôn. Bản thân ngôn từ là một sự ngộ nhận, có lẽ vì hiểu được điều đó nên trong món quà dành nhiều tâm huyết nhất cho người đọc, bà viết theo một cách cô đọng nhất, không đa từ đa nghĩa…
Hẳn là ai trong chúng ta cũng có đôi lần đứng giữa ngã năm ngã bảy của cuộc đời mà trong lòng chỉ toàn là câu hỏi, và một trong số đó chính là “Đâu mới là con đường mình nên – đi – nhất?”. Một chữ “nên” mà gói gọn trong nó là những dằng xé của cân nhắc thiệt – hơn, của so đo được – mất, của mặc cả đắt – rẻ giữa chợ đời hòng chờ đợi một kết quả mang lại ít rủi ro nhất, ít mất mát nhất, ít khổ đau nhất, ít thiệt thòi nhất.
Con người chính là loại sinh vật tham lam nhất, ích kỉ nhất ngay cả với bản thân mình. Chúng ta luôn đòi hỏi những điều mĩ mãn nhất, tuyệt đối nhất. Tôi là một con người bình thường và tôi cũng vậy. Cho đến một ngày, đứng giữa vòng xoay lớn nhất mà mình từng gặp trên đường đời vào năm 18 tuổi, trong tầm nhìn của tôi khi đó lối nào cũng dẫn về những con đường tít tắp và mù mịt. Tôi nhận được kết quả thi đại học, rớt ngành Báo chí, đậu ngành Giáo dục, và đồng thời đậu cả ngành Tâm lí của ĐH Sư phạm. Trong đầu tôi đặt ra nhiều phương án, ôn thi lại? Nhập học ngành Giáo dục? Hay nhập học ngành Tâm lí học của một ngôi trường khác với ngôi trường mình yêu thích xưa nay?
Trong lúc rối bời giữa cái mạng nhện tự mình giăng mắc ra bởi ước mơ, bởi khả năng thực tế, bởi điều kiện hoàn cảnh,… tôi tự cho phép mình bỏ ra một ngày để suy nghĩ và cân đo đong đếm đâu mới là chọn lựa tốt nhất. Tôi tìm về gác sách nhỏ mà mình “dành dụm” nhiều năm qua, tôi vẫn thường có thói quen đọc một cái gì đó mình thích vào những lúc thấy lòng “túng quẫn”. Tôi chọn một cuốn sách mà cô bạn thân nhất đã tặng tôi cách đây khoảng 4 năm trước, ngày mà chúng tôi xa nhau để vào hai ngôi trường phổ thông khác nhau. Tôi đã đọc xong nó từ rất lâu rồi nhưng chưa bao giờ lại nghĩ nó có thể lại mang đến cho tôi câu trả lời vào cái thời điểm mà tôi nghĩ rằng sẽ chẳng còn một lời khuyên nào đủ đáng tin ngoài quyết định của chính mình.
Và quyển sách đó chính là Lẽ Được Mất của nữ tác giả Lya Luft – một trong những tác giả nữ người Brazil có sức ảnh hưởng lớn nhất đối với nền văn học đương đại. Bà là một Thạc sĩ Văn học, một dịch giả, một tiểu thuyết gia, một nhà thơ và còn đồng thời còn là một nhà giáo.
Quyển sách gồm 5 phần lớn: Lời mời gọi, Những gì tôi thấy trong gương, Thuần phục để không bị hủy diệt, Mất mát nhưng không đánh mất chính mình và Thời gian sống.
Bằng tất thảy chân thành và rạo rực mình đang có của một người yêu chữ đối với bạn đọc, xin cho tôi được viết về Lẽ Được Mất bằng cách nhìn của một người vừa nhận ân huệ từ Lya Luft chứ không phải là một fan hâm mộ của bà ấy, xin cho tôi được viết bằng ngòi bút của một “nhà Giáo dục tương lai” chứ không phải là một “nhà báo trong tưởng tượng”- sẵn sàng dùng con chữ để đánh lừa những ai có trái tim yếu ớt dễ tin người.
Xin hãy đọc như một lời tham khảo mà nó đọng lại trong tôi về Lẽ Được Mất và đừng hỏi tại sao tôi không chia sẻ rõ từng phần một, tôi tin nếu bạn đủ kiên nhẫn đọc chúng bằng bản thể của chính mình thì nó sẽ là món quà cho bạn. Dĩ nhiên, không có món quà nào mở sẵn mà thú vị hơn là mình tự mở.
Tôi là người vốn thích những điều bình dị hơn là những phô trương ồn ã, tôi đặt lòng tin tuyệt đối vào hai chữ chân thành, mọi thứ tốt nhất nên bắt đầu từ những điều thật thà, tự nhiên vốn có của nó. Cũng có thể vì bắt đầu từ điều đó nên tôi dễ cảm kích Lẽ Được Mất hơn, điều đó tôi cũng không rõ, nhưng tôi thật sự không thể phủ nhận sự tinh tế trong ngòi bút của Lya Luft. Chỉ bằng sự nhẹ nhàng, kín đáo và chân phương, bà gợi ra cho tôi những trăn trở rất đời mà cũng rất người. Bà ấy đã mang đến cảm giác được sẻ chia, được đồng cảm bằng sự chân thành tuyệt đối. Từ những điều rất trần ai, rất cuộc đời mà Lya Luft đã khắc họa nó theo một dòng cảm xúc dung dị nhất, gần gũi nhất, không giáo điều, không lý thuyết suôn.
Bản thân ngôn từ là một sự ngộ nhận, có lẽ vì hiểu được điều đó nên trong món quà dành nhiều tâm huyết nhất cho người đọc, bà viết theo một cách cô đọng nhất, không đa từ đa nghĩa. Là một người mạnh về ngôn ngữ, sử dụng được chúng ở nhiều lĩnh vực nhưng trong Lẽ Được Mất bà đã không tốn quá nhiều công sức cho việc trau chuốt cầu kì, cũng không cần đưa ra quá nhiều bằng chứng giải thích dài dòng cho lời mình viết ra, bản thân tôi đọc chúng và nghĩ rằng có lẽ đối với bà chúng giống như những dòng nhật kí thật lòng thật dạ nhất cho nên bạn đọc có thể tin hoặc không, bởi vì sớm hay muộn thì ai rồi cũng phải rơi vào những câu chuyện như thế trong cuộc đời.
Sự thật là, chúng ta đến từ những thế giới nội tâm riêng biệt mà có người muốn mở lòng cũng có người còn nhiều ngần ngại; chúng ta là những cá tính khác nhau mà có người trầm tĩnh cũng có người nhiều xốc nổi; chúng ta có những mơ ước khác nhau mà có ước mơ đầy tham vọng cũng có ước mơ an phận thủ thường… Thật, chúng ta là những câu chuyện đời khác nhau, nhìn nhận khác nhau, hành xử khác nhau,… nhưng chung quy đều sẽ có một vài giai đoạn, một vài thời điểm nào đó mà chúng ta chỉ là… một “con rối cho cuộc đời giật dây”. Mà sợi dây đó luôn có hai đầu, một được – một mất. Cái chết và sự sống, thành công và thất bại, lý tưởng và hiện thực, hiện tại và kỉ niệm, phúc hạnh và khổ hạnh, cái tôi và cái ta, cô đơn và dung hòa, tình yêu và quên lãng, mẫu tử và phụ tử, vươn lên và đầu hàng… Và, và còn hàng tá thứ như thế mà khi con người được đặt vào đứng giữa ở đó, không có lựa chọn nào là “tốt” nhất mà chỉ có lựa chọn nào “ít xấu” nhất thôi.
Yếu tố mang tính giáo dục lớn nhất mà tôi nhận được từ Lya Luft qua quyển sách này cũng như tôi hy vọng bất kỳ ai có đủ kiên nhẫn đọc hết nó đều nhận được đó là, hãy đón nhận mọi biến cố trong đời bằng sự lạc quan lớn lao vô hạn nhưng đừng bao giờ để mình rơi vào ảo tưởng. Cuộc sống rất thực tế, có những chuyện nếu đã là quy luật thì đừng cố cưỡng cầu, thứ nhận lại chỉ là phí hoài thời gian, phí hoài năng lượng sống. Chúng ta không thể mãi ngửa cổ lên trời mà hỏi hoài những điều không có hồi đáp, chúng ta chỉ có thể đứng dậy mà thay đổi nếu như không thể chấp nhận, và chỉ có thể chấp nhận khi không có khả năng thay đổi. Trân trọng thời gian hiện tại, trân trọng từng con người còn bên cạnh, giữ cho mình một tín ngưỡng mà ít nhất tín ngưỡng ấy cũng phải là lòng tin về những giá trị mà bản thân đang có và theo đuổi.
Và tính đến thời điểm hiện tại khi đã là một sinh viên của ngành Giáo dục, kể từ ngày tôi gấp quyển sách này lại và bước ra đối diện với cái vòng xoay quy mô nhất trong đời vào năm chỉ mới 18 tuổi, tôi vẫn luôn nghĩ về nó như một người bạn đồng hành xuất hiện vừa – kịp – lúc. Thời điểm rất quan trọng bởi vì giữa những lãng quên về nó trong góc sách của cái ngày nào đó 4 năm trước, đọc mà chưa thấm vì chưa tự mình rơi vào lằn ranh của được – mất, nếu như tôi giở lại nó ra vào một lúc khác sớm hơn hoặc muộn hơn thì có thể tôi đã không phải là tôi của bây giờ.
Tôi là một “con rối” còn non trẻ giữa dâu bể biển đời, tôi thật sự còn phải va vấp rất nhiều lần mới mong đủ chín chắn trước mọi biến cố đến với mình. Để đặt chân đến sống, học tập và lập thân ở cái đất Sài Gòn nhiều cơ hội mà cũng nhiều cạm bẫy này, hành trang tôi mang theo trong tim có thể không giàu có như những bạn cùng trang lứa khác, nhưng tuyệt đối không nghèo nàn hơn bất kì ai. Một phần đến từ Lẽ Được Mất, tôi mang theo lòng tin, khát vọng và sự cầu tiến. Tôi luôn tự dặn mình tỉnh táo trước những chọn lựa, lạc quan trước những rủi ro và mạnh dạn trước những cơ hội. Tự trang bị trong tiềm thức rằng cuộc sống vốn không thể có được sự tròn vẹn, học cách hài lòng không đổ lỗi, không trách móc bởi vì có “được” thì dĩ nhiên phải có “mất”. Tự học cách dung hòa bản ngã trước những giới hạn của chính mình về khả năng lẫn mức độ hiểu biết, thay vì cay cú bởi vì mình không hoàn hảo như mình nghĩ thì tôi tự nói với bản thân cố gắng thêm một chút nữa.
Sức hủy diệt của thời gian và sự xoay vần, cải biến chính là quy luật, đối với quy luật thì nên tự lượng sức mình. Nhìn nhận thực tế rằng tôi chẳng là ai trong dãy ngân hà này để nó phải vì tôi mà thay đổi những quy luật tự nhiên vốn có của nó, thay vì day dứt mà cố chấp trong những lối mòn thì chi bằng học cách thích nghi. Tôi đã chấp nhận được rằng cuộc sống vốn không công bằng vì ngay cả quả đất còn ngả nghiêng cơ mà, tôi đang dần học cách ôn hòa hơn với những thiệt thòi và xui rủi vì tin rằng mình đang được đang bù đắp xứng đáng hơn ở một góc khuất khác hoặc một thời điểm khác.
Chúng ta đang sống giữa một thời đại quá nhiều điều nghịch lý mà lại còn nghịch lý một cách dễ dãi, chúng ta không có khả năng thay đổi sự vận hành khó hiểu của thời đại mà chỉ có thể thay đổi chính mình qua từng lộ trình chúng ta chọn lựa bước đi, quan trọng nhất vẫn là ở bản thân. Đó cũng là bài học lớn nhất mà tôi nhận ra từ quyển sách đáng giá này và nó đã góp phần tạo ra tôi của hôm nay, chính là mọi việc diễn ra trong cuộc đời mỗi người chủ yếu nhất vẫn là do người đó quyết định, được hay mất và được bao nhiêu, mất bao nhiêu không phải là vấn đề lớn nhất, mà vấn đề lớn nhất chính là mình đã có khả năng cảm thấy hài lòng hay là chưa.
Với những gì tôi chia sẻ cả một đêm qua bài viết này trong khi Sài Gòn đã ngủ và thức được một giấc tròn, bạn có thể tin tôi hoặc không, có thể tìm đọc quyến sách này hoặc không, nhưng đến cuối cùng tôi vẫn muốn nói với bạn rằng chưa bao giờ là một điều sáo rỗng khi nói rằng sách là một người bạn tuyệt vời, nhất là những quyển sách góp phần thay đổi bạn và cuộc đời bạn. Với tôi, Lẽ Được Mất là một trong những quyển sách như thế trong đời tôi.
Mời các bạn đón đọc Lẽ Được Mất: Cuốn Sách Hóa Giải Những Khổ Đau Của Bạn! của tác giả Lya Luft.