Lược Sử Ngôn Ngữ - Chuyện Kể Về Phát Minh Vĩ Đại Nhất Của Loài Người |
|
Tác giả | Daniel L. Everett |
Bộ sách | |
Thể loại | Lịch sử - Quân sự |
Tình trạng | Hoàn Thành |
Định dạng | eBook mobi pdf epub azw3 |
Lượt xem | 0 |
Từ khóa | eBook mobi pdf epub azw3 full Daniel L. Everett Lược Sử Ngôn Ngữ Lịch Sử Tham Khảo |
Nguồn | Duong Kobo |
Tiến sĩ PHẠM VĂN LAM
Viện Ngôn ngữ học
Ngôn ngữ là một trong những thứ quan trọng hàng đầu làm nên tình trạng hay điều kiện Con Người, và là thứ mà người ta buộc phải kể đến khi đối lập con Người với các loài động vật [Con] khác, bởi ngôn ngữ là trung tâm, chiếc chìa khóa, bức màn che, hay công cụ,… trong nhận thức của chúng ta về thế giới, và bởi ngôn ngữ là quyền lực, hành động, một hệ thống tính toán, một thiết chế sinh học – lịch sử – xã hội – văn hóa phức tạp và trừu tượng nhất mà con người đã, đang và sẽ xây dựng và phát triển, là phát minh tuyệt vời nhất để loài người tiến bước, và cũng là “bước thụt lùi”, “phát minh dở nhất” (vì buộc loài người, dù muốn hay không, vô tình hay hữu ý, vào lúc này hay lúc khác, ở chỗ này hay chỗ kia, qua lời nói hay chữ viết, bằng ngôn ngữ toàn dân hay tiếng địa phương, với thuật ngữ khoa học hay tiếng lóng,… phải bộc lộ chân tướng và diện mạo của mình trước người khác qua giao tiếp). Căn tính của con người là tò mò và “hay cãi”. Cho nên, một mặt, những câu hỏi về nguồn gốc của ngôn ngữ như thế nào, tại sao, khi nào, nơi nào mang tính thường trực, liên tục được đặt ra và trả lời; và mặt khác, các câu trả lời cũng liên tục được đưa ra rồi lại bị bác bỏ, bị thay thế, bị cạnh tranh, được bổ khuyết, được cập nhật… Câu hỏi thì cũ nhưng theo dòng thời gian, sự tiến bộ của khoa học liên tục cần có những câu trả lời mới.
Cho đến nay, đã có nhiều câu trả lời cho vấn đề nguồn gốc ngôn ngữ này, từ nhiều góc độ, của nhiều ngành khoa học, cả chuyên ngành ngôn ngữ học lẫn liên ngành với ngôn ngữ học và liên quan đến ngôn ngữ (như triết học, nhân học, khảo cổ học, sinh học, linh trưởng học, khoa học nhận thức, khoa học thần kinh, cổ thần kinh học, khoa học hành vi, bệnh học, tâm lí học, di truyền học, thục đắc ngôn ngữ…). Dường như tất cả các câu trả lời đều “không hẳn sai”, song cũng “không hẳn đúng”, có thể đúng ở chừng mực này, nhưng có thể phiến diện ở chừng mực khác, có thể quá ngây thơ mà cũng có thể “không liên quan lắm”, v.v.. Dầu sao, những câu trả lời như vậy, khi kết hợp lại, đã cho chúng ta một hiểu biết tổng quát, nhiều chiều kích về ngôn ngữ và nguồn gốc của nó. Khoa học càng chuyên biệt, tích luỹ tri thức và kinh nghiệm sinh tồn của con người càng tăng lên, câu trả lời càng phong phú, tính “bấp bênh” về mặt chân lí của từng câu trả lời xét theo từng khía cạnh vì thế mà cũng có vẻ ngày càng tăng lên. Tất cả những câu trả lời này đều không phải là câu trả lời cuối cùng, mà chúng dừng lại ở mức giả thiết, mà giả thiết nào rồi cũng phải “chết” mỗi khi chứng cứ mới xuất hiện.
Trước câu hỏi về nguồn gốc của ngôn ngữ, chủ yếu bằng những chứng cứ “độc sáng” đích thân thu thập được từ các ngôn ngữ, đặc biệt là ngôn ngữ của một tộc người săn bắt hái lượm – theo đúng nghĩa của từ ngữ – tiếng Pirahã ở lưu vực sông Amazon Brazil, Daniel L. Everett đã đưa ra một câu (hay một cách) trả lời mới, một giả thiết riêng qua tác phẩm Lược sử Ngôn ngữ.
Trong Lược sử Ngôn ngữ, dường như Daniel Everett đã thách thức một quan niệm phổ biến và có lẽ có nhiều bằng chứng ủng hộ nhất trong khoa học, rằng: ngôn ngữ của loài người đã được hình thành cách ngày nay khoảng từ 60.000 năm (thời điểm Homo sapiens, Người tinh khôn, bắt đầu di cư khỏi châu Phi, với sự xuất hiện của cách mạng nhận thức và sự trỗi dậy của thế giới biểu tượng; bắt đầu của lịch sử loài người; quá trình tuyệt chủng của Homo neanderthalensis, “người ở Thung lũng Neander”, với bộ não to lớn hơn và có một số kĩ năng xã hội có vẻ vượt trội hơn cả Homo sapiens chuẩn bị bắt đầu) đến 200.000 năm (thời điểm Homo sapiens xuất hiện ở Đông Phi) – tương đương khoảng từ 2.000 đến 6.600 thế hệ. Everett cho rằng ngôn ngữ của loài người chúng ta được hình thành quãng hai triệu năm trước đây và là sản phẩm sáng tạo của Homo erectus (Người đứng thẳng), Homo sapiens hay các loài người hậu duệ khác đều kế thừa [ngôn ngữ] mà thôi. Điều này cũng có nghĩa là ngôn ngữ của loài người đã tiến hóa qua khoảng 60.000 thế hệ.
Daniel Everett (sinh năm 1951) là nhà ngôn ngữ học người Mĩ, nổi tiếng với các nghiên cứu về người Pirahã và tiếng Pirahã tại lưu vực sông Amazon, Brazil. Ông nhận bằng thạc sĩ và tiến sĩ ngôn ngữ học tại Universidade Estadual in Campinas (UNICAMP), Brazil. Hiện ông đang giữ chân Giáo sư Khoa học Nhận thức tại Đại học Bentley, Massachusetts, Mĩ. Ông từng kinh qua và đảm nhận nhiều công việc, chức vụ khác nhau tại một số trường và viện nghiên cứu ở Brazil, Mĩ, Anh và Đức. Về giảng dạy, ông từng đảm nhận các giáo trình về ngữ âm – âm vị học, cú pháp học và từ pháp học, ngôn ngữ học điền dã, nhân học, giao tiếp xuyên văn hóa,… Về nghiên cứu, ông quan tâm đến nhân học, khoa học nhận thức, bản chất ngôn ngữ, tiến hóa ngôn ngữ, triết học ngôn ngữ và triết học về ý thức,… Ông là tác giả của những cuốn sách nổi tiếng như Dark Matter of the Mind (Vật chất tối của ý thức), Linguistic Fieldwork (Điền dã ngôn ngữ học), Language: The Cultural Tool (Ngôn ngữ: công cụ của văn hóa), Don’t Sleep, There are Snakes (Đừng ngủ, có rắn). Cuốn Lược sử Ngôn ngữ mà bạn đọc đang có trên tay đã và đang được dịch ra nhiều thứ tiếng.
Everett từng là một nhà truyền giáo. Ban đầu, ông đến Brazil, học tiếng Pirahã, một ngôn ngữ khó học, độc đáo và chưa được nghiên cứu, với mục đích truyền đạo. Sống cùng người Pirahã và học ngôn ngữ của họ trong tám năm trời ròng rã, cuối cùng ông đã nói được tiếng Pirahã và bảo vệ luận án tiến sĩ ngôn ngữ học về tiếng Pirahã. Người và tiếng Pirahã đã làm thay đổi quan niệm về tôn giáo trong ông. Ông từ bỏ niềm tin tôn giáo và công việc truyền giáo của mình, trở thành người vô thần, chuyển hướng sang nghiên cứu và giảng dạy ngôn ngữ học và nhân học.
Lược sử Ngôn ngữ là sản phẩm của quá trình trải nghiệm, nghiên cứu, chung sống trong 40 năm trời của Everett với các bộ lạc và ngôn ngữ của họ, đặc biệt là bộ lạc và ngôn ngữ Pirahã, tại rừng nhiệt đới Amazon, với tư cách là một nhà nhân học.
Pirahã là một ngôn ngữ dường như không sử dụng đệ quy, cách mà các ngôn ngữ khác lồng các cụm từ có cấu trúc như nhau vào nhau để xây dựng các câu phức tạp hơn. Điều này đã thách thức những ý tưởng cốt lõi của ngôn ngữ học và gây ra một cuộc tranh luận lớn trong giới. Giờ đây, có vẻ nhiều người đã chấp nhận rằng có những ngôn ngữ có thể biểu đạt mà không nhất thiết sử dụng các quy tắc đệ quy.
Điều đáng ngạc nhiên đối với chúng ta là người anh hùng trong Lược sử ngôn ngữ không phải là Homo sapiens, mà là Homo erectus, loài người từng sống trước chúng ta hơn 60.000 thế hệ. Homo erectus, theo cách hình dung của Everett về tổ tiên của chúng ta, chính là những “thợ săn vĩ đại nhất”, “nhân vật giao tiếp vĩ đại nhất”, “khách lữ hành gan dạ nhất”, và cũng có thể là “vận động viên chạy cự li dài nhất trên Trái Đất”.
Homo erectus đã mở đường cho ngôn ngữ và văn hóa của chúng ta, những Homo sapiens đơn thuần là một phiên bản nâng cấp. Everett đã lược thuật lại “cuộc đời” và những bước tiến phức tạp của Homo erectus trong Lược sử ngôn ngữ như thế này: Tôi, loài Homo erectus, với tư cách là một tập thể, đã sinh ra cách đây chừng hai triệu năm. Mặc dù bộ não của tôi chỉ bằng hai phần ba kích thước của Homo sapiens, nhưng tôi nhìn thấy trước mắt mình là một thế giới nguyên sơ, bao la và đầy hấp dẫn. Tôi đã rời khỏi ngôi nhà của mình ở châu Phi và thực hiện các chuyến phiêu lưu mạo hiểm, chinh phục các đại dương rộng lớn, và rồi để lại dấu chân khắp châu Âu và châu Á, gần như mọi ngóc ngách trên Trái Đất. Tôi đã có tư tưởng, có văn hóa biểu tượng. Tôi đã phát minh ra ngôn ngữ và văn hóa. Phát minh này của tôi là sản phẩm của một tập thể, không phải của bất kì cá nhân riêng lẻ nào, lúc đầu còn đơn giản, được tiến hóa tuần tự, và dần trở nên phức tạp, đa dạng, được bản địa hóa và được sử dụng trong từng cộng đồng người cụ thể, ở mọi nơi trên Trái Đất. Ngôn ngữ của tôi bắt nguồn từ biểu tượng văn hóa. Ngôn ngữ của tôi được sáng tạo và định hình dựa trên văn hóa, sau đó đã trở nên khả dụng và ngày càng hiệu quả là nhờ bộ não lớn, dày đặc các tế bào thần kinh. Tôi và hệ thống sinh lí – thần kinh của mình, bộ máy phát âm của mình, bộ não của mình, văn hóa của mình, ngôn ngữ của mình, cấu trúc tuyến tính, phân cấp và đệ quy của ngôn ngữ của mình… đã liên tục và đồng thời cùng ràng buộc nhau, bổ sung cho nhau để tiến hóa, nâng cấp và phát triển. Ngôn ngữ của tôi, từ G1 cho đến G3, là do chính tôi phát minh ra, chứ không phải là đột ngột xuất hiện từ đột đột biến gen, không phải là bẩm sinh, không phải là sản phẩm của di truyền như Chomsky quan niệm, cũng không phải là món quà của các đấng thần thánh siêu nhiên như các tôn giáo tâm niệm, cũng chẳng phải bắt nguồn từ cử chỉ hay tiếng hát, cũng chẳng phải là sự bắt chước tiếng kêu của các loài động vật,… Sự đa dạng của tương đồng và khác biệt trong hơn 7.000 ngôn ngữ cụ thể của loài người hiện nay không được cấy sẵn trong các gen di truyền, mà được phát sinh từ văn hóa, từ cách xử lí thông tin và nhu cầu giao tiếp trực tiếp của các cộng đồng, và chúng đều liên tục biến đổi, đều có lịch sử phát triển riêng của mình.
*
Là một người nghiên cứu và giảng dạy ngôn ngữ và ngôn ngữ học, quan tâm nhiều đến sự tiến hóa của ngôn ngữ loài người, khi đọc Lược sử ngôn ngữ, một mặt, tôi cảm thấy rất hứng thú, thu lượm được nhiều điều mới mẻ từ nó, chia sẻ với nó, và mặt khác, đôi lúc cũng phải cau mày, bóp trán suy nghĩ, đặt câu hỏi chất vấn, nghi ngờ, và bất đồng với nó… về một vài vấn đề mà nó đặt ra, gợi mở hay trả lời. Có lẽ cái lí thú của khoa học, sự bổ ích của tri thức, sự hấp dẫn của văn hóa đọc lại nằm ở chính vế thứ hai này.
Lược sử Ngôn ngữ là một tài liệu tham khảo hữu ích cho những ai quan tâm đến các lĩnh vực như triết học, ngôn ngữ học, tâm lí học, thần kinh học, sinh học, nhân học, văn hóa học, lịch sử văn minh, khảo cổ học… Lược sử ngôn ngữ là một cuốn sách không thể không đọc đối với những ai yêu thích khoa học thường thức, tò mò muốn biết được câu trả lời cho những câu hỏi quan trọng, căn bản và lâu đời nhất về con người, về việc tiến hóa và trở thành con người. Cuốn sách là một bổ sung uyên bác cho kho tàng kiến thức của mỗi cá nhân chúng ta, cấp cho chúng ta một câu trả lời mới cho một câu hỏi cũ của loài người. Sách có thể được xếp vào nhóm sách tinh hoa, cần thiết cho các thư viện và mọi tủ sách gia đình.
Xin trân trọng giới thiệu cuốn sách cùng quý độc giả!
Ngôn ngữ không phải thứ bản năng dựa trên kiến thức đã mã hóa ở một “cơ quan ngôn ngữ” nào đó ở vùng vỏ não được di truyền qua các thế hệ. Thực tế cho thấy ngôn ngữ là một kĩ năng học được… và sử dụng đến nhiều phần não bộ loài người.
Philip Lieberman
Gửi đến John Davey, người thầy và người bạn của tôi
***
Cuốn Lược Sử Ngôn Ngữ là một tác phẩm nổi bật của nhà ngôn ngữ học Daniel L. Everett, trong đó ông trình bày một góc nhìn độc đáo và thách thức các giả thiết truyền thống về nguồn gốc ngôn ngữ của loài người. Everett cho rằng ngôn ngữ không phải sản phẩm của Homo sapiens (người tinh khôn) mà xuất hiện từ khoảng hai triệu năm trước, là sáng tạo của Homo erectus (người đứng thẳng).
Nguồn gốc ngôn ngữ:
Vai trò của Homo erectus:
Ngôn ngữ và văn hóa:
Tiếng Pirahã:
Điểm nổi bật:
Những thách thức đối với lý thuyết truyền thống:
Hạn chế:
Lược Sử Ngôn Ngữ là một tác phẩm xuất sắc, đầy sáng tạo, mở ra các cuộc thảo luận thú vị về lịch sử ngôn ngữ và tiến hóa loài người. Daniel Everett đã tái hiện cuộc sống của Homo erectus như những "người sáng lập" ngôn ngữ, đồng thời đưa ra những luận điểm thách thức các lý thuyết phổ biến. Đây là cuốn sách không thể bỏ qua đối với những ai yêu thích ngôn ngữ học, nhân học và lịch sử loài người.
Đánh giá: 4.5/5